Một sáng kiến “giữ chân người trẻ” ở miền đồng chiêm Thanh Dạ - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
13 tháng 12, 2012

Một sáng kiến “giữ chân người trẻ” ở miền đồng chiêm Thanh Dạ

GPVO - Bế đứa con thơ trên tay, đôi mắt người mẹ trẻ buồn vô tận nhìn về xa xăm. Dòng nước mắt dường như khô cạn trên gò má xanh xao, niềm hạnh phúc mới hé nở trong cuộc hôn nhân của X* chợt tan biến. Trước mắt em lúc này, một tương lai đầy giông tố, phũ phàng dần bao phủ…

Dăm sáu năm về trước, NTX - quê ở một huyện nghèo xứ Nghệ - mới bước sang tuổi mười bảy. Nhà đông chị em lại thêm cảnh bấn túng, theo tiếng vẫy gọi của mảnh đất phương Nam xa xôi, X bắt xe khách lên đường mang theo niềm hy vọng thoát nghèo của bố mẹ. Tuổi xuân ra đi không hẹn ngày về. Đồng lương công nhân rẻ mạt, cuộc sống eo hẹp đã cướp đi năm tháng đẹp nhất của cô thôn nữ xinh xắn nơi xóm đạo thuở nào.

Nhưng, bi kịch chỉ là mới bắt đầu, X yêu rồi kết hôn với một chàng trai ngoại đạo mặc dù gia đình phản đối quyết liệt. Một lễ cưới cho đúng nghi thức diễn ra để rồi sau đó người nào theo đạo người nấy. Cuộc sống bình lặng trôi đi nhưng nào ai học hết chữ ngờ.

Khó khăn bỗng chốc đổ ập xuống gia đình trẻ. Khác biệt niềm tin tôn giáo quá lớn. Anh chồng từ chỗ lơ là rồi cấm tiệt vợ đi lễ. Xung khắc ngày càng trầm trọng. Chuyện gì đến sẽ phải đến. Đứa con thơ bé bỏng-kết quả của cuộc tình đắng ngắt-không níu giữ anh ta cất bước ra đi với duyên mới. X bị bỏ lại cam chịu cảnh sống vò võ của một bà mẹ đơn độc, tủi nhục nuôi con. Phận đời sao nghiệt ngã quá!

Thảm cảnh không hiếm trên đây dường như len lỏi thành một “hiện tượng” ở nhiều giáo xứ thuộc giáo phận Vinh. Vòng quay bất trắc của kiếp nghèo phủ một màu tro xám xịt, tăm tối. Phải chăng đây là cảnh báo đau lòng với các đấng sinh thành và mục tử vùng quê?

Tạm khép lại câu chuyện của X, chúng tôi trở về Thanh Dạ, một xứ đạo thuộc hạt Thuận Nghĩa. Xã Quỳnh Thanh, mảnh đất trũng sâu thuộc loại nhất nhì huyện Quỳnh Lưu. Có lẽ điều hiếm gặp ngay cả ở vùng Công giáo toàn tòng như Bùi Chu, Hố Nai, Gia Kiệm... là 100% dân số xã là giáo dân. Kèm theo đó là sự nổi tiếng với những cái nhất nhì giáo phận: số lượng giáo dân đông nhất (hơn 12.600 nhân khẩu), hội liên tu sỹ đông nhất(500 thành viên), ngôi nhà thờ xứ nằm trong số những nhà thờ lớn nhất...

Tuy nhiên, có lẽ một điều mà nhiều người Thanh Dạ chẳng ai muốn nếu quả thực nơi đây có con số người trẻ rời quê cũng thuộc vào hàng những xứ đạo lớn nhất. Mặc dù chưa thống kê đầy đủ nhưng căn cứ tỷ lệ dân thì con số trên rất lớn. Rời quê đi làm, cái tốt cũng nhiều song hệ lụy về gia đình, hôn nhân, lây nhiễm tệ nạn xã hội... là vấn nạn không phải dễ dàng giải quyết một sớm một chiều. Đó cũng là nỗi ưu tư, trăn trở của cha quản xứ Giuse Nguyễn Công Bình trong những lần trao đổi, gặp gỡ.

Về thăm giáo xứ lần này, chúng tôi được chứng kiến một mô hình mới nhằm thu hút nguồn lao động trẻ ở lại với quê hương. Đó là mô hình đào tạo và giải quyết việc làm do Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Tòa giám mục Vinh và cộng đoàn Con Đức Mẹ Phù Hộ (FMA) - Ân Hậu, cộng đoàn Nữ tử Bác ái thánh Vinh Sơn – Thanh Dạ, phối hợp với giáo xứ và giáo phận triển khai. 

Đón chúng tôi là những nụ cười, ánh mắt tràn trề hy vọng nơi những người trẻ. Làm quen với Anna Trần Thị Thiện, một học viên đã cứng tay nghề, em hào hứng chia sẻ cuộc đời gian nan trước đây. Thiện kể: Nhà em có 8 anh chị em ở họ trị sở Thanh Dạ. Em đã từng lặn lội hết Nam rồi Bắc để làm công nhân. Sau bao năm, cuộc sống vẫn dậm chân tại chỗ. May mắn thay, đến năm 2010, em được tin cộng đoàn FMA mở cơ sở dạy nghề tóc ở giáo họ Ân Hậu (xứ Làng Anh), em đã đến đăng ký. Nhờ sự tận tình chỉ bảo của các souers, chỉ sau thời gian ngắn là em đã thành thạo và cho ra những sản phẩm đầu tiên...

Quả là các soeurs như những mẹ hiền đã mở ra lối rẽ mới với Thiện. Giờ đây, cô bé này đã có thể nở một nụ cười mãn nguyện. Thu nhập tháng vừa rồi được 3,4 triệu đồng. Giờ em về lại làm ở cơ sở Thanh Dạ, tính ra những khoản chi tiêu ăn ở nơi gia đình, chẳng mất đồng nào lại có thể gần cha, gần mẹ, tránh xa những cạm bẫy, không phải lo tàu xe ngày tết, thuận lợi đủ đường.

Gặp trực tiếp các souers thuộc hai cộng đoàn đang hướng dẫn học viên tại đây, chúng tôi nhận thêm nhiều thông tin khả quan về dự án này. Souer Têrêsa Trần Thị Kim Uyên, FMA chia sẻ về những bước đi chập chững đầu tiên. Đây là cơ sở tóc thứ hai được triển khai tại giáo phận Vinh sau cơ sở tại xứ đạo Làng Anh. Cơ sở thu nhận các em thiếu nữ hoàn cảnh nghèo để dạy nghề kết tóc. Công việc ở xưởng khá đơn giản: Các em khéo tay đan tóc nguyên liệu trên những mẫu đã được phía đối tác Hàn Quốc chuẩn bị. Mẫu tóc giả sau khi hoàn thành sẽ được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Mỗi sản phẩm đem lại thu nhập từ 300-500 ngàn tùy theo độ tinh xảo, tỉ mỉ. Trung bình hàng tháng, những em khéo tay có thể làm ra cả chục sản phẩm. Công ty Hàn Quốc đảm nhận các khâu từ nguyên liệu đến tiêu thụ sản phẩm.

Hơn 3 triệu đồng một tháng không lớn so với đồng tiền kiếm được của tầng lớp tham quan sống trên “xương máu nhân dân” nhưng là cả một gia tài của người nghèo. Cao quý hơn là tình thương của quý soeurs dành cho người trẻ.

Và một động lực thúc đẩy lớn lao phía sau đó là những cố gắng rất lớn của Đức Cha đương nhiệm trong nỗ lực nâng cao nhận thức của giáo dân, góp phần giảm bớt những hệ lụy từ vấn đề di dân kinh tế và bước đầu cải thiện dân sinh nơi những giáo xứ.

Dự dịnh của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp không dừng lại ở đó mà hướng tới những dự án lớn, mang hiệu quả cao hơn. Gần đây nhất là thành công trong việc liên hệ với một doanh nghiệp may mặc lớn của Nhật Bản khảo sát và họ đồng ý đầu tư vào cơ sở dạy nghề may mặc tại giáo họ Bùi Chu, Xã Đoài. Giáo phận cũng đang lên kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất cho một cơ sở nữa cũng ỏ Thanh Xuân, tân giáo xứ tách ra từ Thanh Dạ trong năm 2013 sắp tới. Đặc biệt là đầu tháng 12 này, Đức Giám mục giáo phận đã quyết định thành lập Ban Phát triển do cha quản lý Antôn Trần Văn Công đứng đầu, các linh mục FX Đinh Văn Minh, G.B Nguyễn Đình Lưu (Nghệ An), Phêrô Nguyễn Đại (Quảng Bình), thầy phó tế Giuse Nguyễn Thanh Mai và souer Kim Loan, cộng đoàn Con Đức Mẹ Vô Nhiễm - Trung Hậu là thành viên. Ban Phát triển sẽ hoạt động độc lập với Caritas, ưu tư hướng đến việc thăng tiến đời sống người giáo hữu về mặt kinh tế, xã hội với các dự án về nước sạch, chăn nuôi, may mặc, làm tóc...

Chia tay những người trẻ ở cơ sở làm tóc; tạm biệt những nụ cười, ánh mắt chứa chan hy vọng sáng tươi; bất chợt chúng tôi nghĩ lại chuyện của X và cảm thương hơn bao giờ hết. Ước gì mô hình này cùng với những cơ sở dành cho giới trẻ tại Ân Hậu, Yên Hòa, Thanh Dạ, Bùi Chu tiếp tục phát huy những hiệu quả thiết thực và được nhân rộng ra khắp các giáo xứ ở giáo phận Vinh.












Đức Hà
Một sáng kiến “giữ chân người trẻ” ở miền đồng chiêm Thanh Dạ Reviewed by Em Binh on 12/13/2012 Rating: 5 GPVO - Bế đứa con thơ trên tay, đôi mắt người mẹ trẻ buồn vô tận nhìn về xa xăm. Dòng nước mắt dường như khô cạn trên gò má xanh xao, ...

Không có nhận xét nào: