Quyền con người - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
11 tháng 12, 2012

Quyền con người

LH - Ngày 10 tháng 12 năm 1948, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã long trọng tuyên bố bản tuyên ngôn quyền con người… 

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhận loại, cộng đồng thế giới đã đảm nhận trách nhiệm quảng bá và bênh vực quyền con người như một nghĩa vụ trường kỳ. 

Khoản 1 và 2 của bản tuyên ngôn nhân quyền đã khẳng định rằng: Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng trong phẩm giá và quyền lợi, và mỗi một cá nhân, không phân biệt chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc dân tộc hay xã hội… đều được hưởng mọi quyền lợi và tự do, được công bố trong bản tuyên ngôn. 

Trong 21 khoản đầu của tuyên ngôn, chúng ta có thể kể ra những quyền cơ bản sau đây: 


Quyền được sống, được tự do và được đảm bảo an ninh cá nhân, quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền không bị tra tấn hay chịu những hình phạt độc ác, vô nhân đạo hay chà đạp phẩm giá con người, quyền được bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng, quyền được nại đến sự xét xử của những tòa án quốc gia có thẩm quyền, quyền không bị bắt giữ, giam cầm hay dày ải trái phép, quyền không bị độc đoán vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, quyền được đi lại, quyền được cư trú, quyền được một quốc tịch, quyền được kết hôn và lập gia đình, quyền được sở hữu, quyền được tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do phát biểu, tự do hội họp. 

Đó là một số những quyền và tự do cơ bản của con người. 

Bản tuyên ngôn nhân quyền đã được công bố một thời gian ngắn sau đệ nhị thế chiến. Thảm kịch của chiến tranh đã cho nhân loại mỗi lúc một hiểu rằng hòa bình chỉ thực sự có khi con người biết tôn trọng quyền lợi và tự do căn bản của con người. Ngược lại, nơi nào quyền con người bị phủ nhận và chà đạp, thì cho dẫu không có chiến tranh đẫm máu, người ta chỉ sống trong một thứ hòa bình giả tạo mà thôi. 

Nhìn nhận và tôn trọng quyền con người là bổn phận hàng đầu của người Kitô chúng ta vì chúng ta tin nhận rằng con người đã được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu rỗi bằng chính Máu của Đức Kitô. Đó là tất cả phẩm giá của con người. 

Với ý thức ấy, người Kitô luôn được kêu mời để nhận ra hình ảnh và sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi người và mỗi người, nhất là những người kém may mắn, cùng khổ nhất. 

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Edward Desmond được đăng trên tạp chí Time số ra ngày 04 tháng 12 năm 1989, Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 vì công tác phục vụ người nghèo tại Ấn Độ, đã xác quyết về công cuộc của Mẹ: đó là cái nhìn tôn trọng đối với người nghèo. Được hỏi: ơn cao trọng nhất mà Chúa đã ban cho Mẹ là gì? 

Vị sáng lập dòng Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái đã đáp gọn: “Đó là người nghèo”. Bởi vì, theo Mẹ Têrêxa, với người nghèo Mẹ có dịp ở với Chúa Giêsu 24 giờ mỗi ngày. Mẹ nói: “Họ là Chúa Giêsu đối với tôi. Tôi tin tưởng ở điều đó còn hơn là làm những điều lớn lao cho họ”. 

Nhìn những người nghèo, những người cùng khổ, những người bị xã hội tước đoạt mọi quyền lợi và bị đẩy ra bên lề, như chính hiện thân của Chúa Giêsu: đó phải là cái nhìn và động lực của mọi hoạt động của người Kitô chúng ta. Tôn trọng nhân quyền, bệnh vực nhân quyền là thế đó. 

R. Veritas Asia 

************ 
Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp Quốc 

(Được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết số 217A (III) ngày 10/12/1948) 

Lời nói đầu 

Với nhận thức rằng: 

- Việc thừa nhận nhân phẩm vốn có, các quyền bình đẳng và không thể tách rời của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là cơ sở cho tự do, công bằng và hoà bình trên thế giới; 

- Sự xâm phạm và coi thường nhân quyền đã dẫn đến những hành động tàn bạo xúc phạm tới lương tâm của nhân loại, và việc xây dựng một thế giới trong đó con người được tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, không còn phải chịu nỗi sợ hãi và cùng cực được coi là khát vọng cao nhất của loài người, 

- Nhân quyền phải được pháp luật bảo vệ để con người không buộc phải nổi dậy như là biện pháp cuối cùng nhằm chống lại chế độ cường quyền và áp bức. 

- Cần phải khuyến khích việc phát triển quan hệ bằng hữu giữa các dân tộc, 

Nhân dân các nước thành viên Liên Hợp Quốc trong bản Hiến Chương đã một lần nữa khẳng định niềm tin của mình vào những quyền cơ bản của con người, vào nhân phẩm, vào giá trị của mỗi người, vào quyền bình đẳng nam nữ, và đã bày tỏ quyết tâm thúc đẩy tiến bộ xã hội cũng như xây dựng các điều kiện sống tốt hơn, tự do hơn. 

Các nước thành viên đã cam kết, cùng với Liên Hợp Quốc, phấn đấu thúc đẩy mọi người tôn trọng và thực hiện các quyền cũng như những tự do cơ bản của con người. 

Sự nhận thức thống nhất về các quyền và tự do của con người kể trên là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện đầy đủ cam kết này. 

Nay, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố: 

Bản Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền này là thước đo chung cho tất cả các quốc gia và các dân tộc đánh giá việc thực hiện mục tiêu mà mội cá nhân và mọi tổ chức trong xã hội, trên cơ sở luôn ghi nhớ Bản Tuyên ngôn này, và sẽ phấn đấu thúc đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người thông qua truyền bá và giáo dục, cũng như sẽ phấn đấu đảm bảo cho mọi người dân, ở chính các nước thành viên của Liên Hợp Quốc và ở các lãnh thổ thuộc quyền quản lý của mình, công nhận và thực hiện những quyền và tự do đó một cách có hiệu quả thông qua những biện pháp tích cực, trong phạm vi quốc gia hay quốc tế. 

Điều 1 

Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền. Mọi con người đều được tạo hoá ban cho lý trí và lương tâm, và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu. 

Điều 2 

Mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tự do nêu trong bản Tuyên ngôn này, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc các quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay các địa vị khác. 

Ngoài ra, cũng không có bất cứ sự phân biệt nào về địa vị chính trị, pháp quyền hay quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ mà một người xuất thân, cho dù quốc gia hay lãnh thổ đó có được độc lập, được đặt dưới chế độ ủy trị, chưa tự quản hay có chủ quyền hạn chế. 

Điều 3 

Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân. 

Điều 4 

Không ai phải làm nô lệ hoặc bị cưỡng bức làm việc như nô lệ; mọi hình thức nô lệ và buôn bán nô lệ đều bị cấm. 

Điều 5 

Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm. 

Điều 6 

Mọi người đều có quyền được thừa nhận tư cách là con người trước pháp luật ở khắp mọi nơi. 
Điều 7 

Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau mà không có bất kỳ sự phân biệt nào. Tất cả mọi người đều có quyền được bảo vệ như nhau chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử vi phạm Bản Tuyên ngôn này, cũng như chống lại mọi hành vi xúi giục phân biệt đối xử như vậy. 
Điều 8 

Mọi người đều có quyền được các toà án quốc gia có thẩm quyền bênh vực theo pháp luật trước những hành vi vi phạm các quyền cơ bản do hiến pháp hay pháp luật quy định. 
Điều 9 

Không ai bị bắt, giam giữ hay lưu đày đi nơi khác một cách độc đoán. 
Điều 10 

Mọi người, với tư cách bình đẳng về mọi phương diện, đều có quyền được một tòa án độc lập và vô tư phân xử công bằng và công khai để xác định quyền, nghĩa vụ hoặc bất cứ một lời buộc tội nào đối với người đó. 
Điều 11 

Mọi người, nếu bị cáo buộc về tội hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi một tòa án công khai, nơi người đó đã có được tất cả những đảm bảo cần thiết để bào chữa cho mình, chứng minh được tội trảng của người đó dựa trên cơ sở luật pháp. 

Không ai bị kết tội hình sự vì một hành vi hay sự tắc trách không bị coi là một tội hình sự theo quy định của luật pháp quốc gia hay quốc tế vào thời điểm đó. Cũng như không cho phép áp dụng hình thức xử phạt đối với một tội hình sự nặng hơn so với quy định của luật pháp lúc bấy giờ cho mức độ phạm tội cụ thể như vậy. 
Điều 12 

Không ai phải chịu sự can thiệp một cách độc đoán đối với cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín của cá nhân người đó, cũng như không bị xâm phạm tới danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những hành vi can thiệp và xâm phạm như vậy. 
Điều 13 

Mọi người đều có quyền tự do đi lại và tự do cư trú trong phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia. 

Mọi người đều có quyền rời khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình, cũng như có quyền trở về nước mình. 
Điều 14 

Mọi người đều có quyền tìm kiếm và được lánh nạn ở nước khác khi bị ngược đãi. 

Quyền này không được áp dụng trong trường hợp đương sự bị truy tố về những tội phạm không mang tính chất chính trị hay vì những hành vi đi ngược lại với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc. 
Điều 15 

Mọi người đều có quyền có quốc tịch của một nước nào đó. 

Không ai bị tước quốc tịch hoặc bị khước từ quyền được đổi quốc tịch một cách độc đoán. 
Điều 16 

Nam và nữ khi đủ tuổi thành niên đều có quyền kết hôn và xây dựng gia đình mà không có bất kỳ sự hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Nam và nữ có quyền bình đẳng trong việc kết hôn, trong cuộc sống vợ chồng và khi ly hôn. 

Việc kết hôn chỉ được tiến hành với sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cả hai bên. 

Gia đình là tế bào tự nhiên và cơ bản của xã hội, được nhà nước và xã hội bảo vệ. 
Điều 17 

Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản của riêng mình hoặc tài sản sở hữu chung với người khác. 

Không ai bị tước đoạt tài sản một cách độc đoán. 
Điều 18 

Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tín ngưỡng hoặc tôn giáo của mình, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hay tôn giáo của mình bằng các hình thức như truyền bá, thực hành, thờ phụng hay lễ tiết, với tư cách cá nhân hay tập thể, tại nơi công cộng hoặc nơi riêng tư. 
Điều 19 

Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới. 
Điều 20 

Mọi người đều có quyền tự do hội họp và tham gia hiệp hội một cách hoà bình. 

Không ai bị ép buộc phải tham gia vào bất cứ hiệp hội nào. 
Điều 21 

Mọi người đều có quyền tham gia vào chính quyền quản lý đất nước mình, một cách trực tiếp hoặc thông qua các đại diện mà họ được tự do lựa chọn. 

Mọi người đều có quyền được tiếp cận các dịch vụ công cộng ở nước mình một cách bình đẳng. 

Ý chí của nhân dân phải là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền; ý chí đó phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và thực sự, được tổ chức theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín, hoặc bằng những thủ tục bầu cử tự do tương tự. 
Điều 22 

Với tư cách là một thành viên của xã hội, mọi người đều có quyền được hưởng an sinh xã hội cũng như được hưởng các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá không thể thiếu để bảo đảm nhân phẩm và tự do phát triển về nhân cách; thông qua những nỗ lực quốc gia và sự hợp tác quốc tế; phù hợp với hệ thống tổ chức và nguồn lực của mỗi quốc gia. 
Điều 23 

Mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi và được bảo vệ chống lại nạn thất nghiệp. 

Mọi người đều có quyền được trả công ngang nhau cho những công việc như nhau mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. 

Mọi người lao động đều có quyền được hưởng chế độ thù lao công bằng và hợp lý nhằm bảo đảm sự tồn tại của bản thân và gia đình xứng đáng với nhân phẩm, và được hỗ trợ thêm từ các hình thức bảo trợ xã hội khác, nếu cần thiết. 

Mọi người đều có quyền thành lập hoặc gia nhập công đoàn để bảo vệ các quyền lợi của mình. 
Điều 24 

Mọi người đều có quyền nghỉ ngơi và thư giãn, kể cả quyền được giới hạn hợp lý số giờ làm việc và được hưởng những ngày nghỉ định kỳ có hưởng lương. 
Điều 25 

Mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để đảm bảo sức khoẻ và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các khía cạnh ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết, cũng như có quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tàn phế, góa bụa, già nua hoặc thiếu phương tiện sinh sống do những hoàn cảnh khách quan vượt quá khả năng đối phó của họ. 

Các bà mẹ và trẻ em có quyền được hưởng sự chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt. Tất cả trẻ em, dù sinh ra trong hay ngoài giá thú, đều phải được hưởng sự bảo trợ xã hội như nhau. 
Điều 26 

Mọi người đều có quyền được học hành. Giáo dục phải miễn phí, ít nhất là ở các bậc tiểu học và trung học cơ sở. Giáo dục tiểu học phải là bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề phải mang tính phổ thông và giáo dục đại học hay cao hơn phải theo nguyên tắc công bằng cho bất cứ ai có khả năng. 

Giáo dục phải nhằm giúp con người phát triển đầy đủ về nhân cách và thúc đẩy sự tôn trọng với các quyền và tự do cơ bản của con người. Giáo dục cũng phải nhằm tăng cường sự hiểu biết, lòng khoan dung và tình hữu nghị giữa tất cả các dân tộc, các nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo, cũng như phải nhằm đẩy mạnh các hoạt động của Liên Hợp Quốc về duy trì hoà bình. 

Cha mẹ có quyền ưu tiên lựa chọn các hình thức giáo dục cho con cái họ. 
Điều 27 

Mọi người có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và chia sẻ những tiến bộ khoa học cũng như những lợi ích xuất phát từ những tiến bộ khoa học. 

Mọi người đều có quyền được bảo vệ các quyền lợi vật chất và tinh thần phát sinh từ bất kỳ sáng tạo khoa học, văn học hay nghệ thuật nào mà người đó là tác giả. 
Điều 28 

Mọi người đều có quyền được hưởng một trật tự xã hội và trật tự quốc tế mà trong đó các quyền và tự do cơ bản nêu trong bản Tuyên ngôn này có thể được thực hiện một cách đầy đủ. 
Điều 29 

Mọi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng là nơi duy nhất mà ở đó nhân cách của bản thân họ có thể phát triển tự do và đầy đủ. 

Khi thực hiện các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo sự công bằng và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ. 

Trong bất cứ trường hợp nào, việc thực hiện các quyền tự do này cũng không được đi ngược lại với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc. 
Điều 30 

Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản Tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hoặc cá nhân nào được quyền tham gia vào bất cứ hoạt động hoặc thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm mục đích phá hoại bất kỳ quyền hoặc tự do nào nêu trong bản Tuyên ngôn này.

Quyền con người Reviewed by Em Binh on 12/11/2012 Rating: 5 LH - Ngày 10 tháng 12 năm 1948, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã long trọng tuyên bố bản tuyên ngôn quyền con người…  Đây là lần đầu ti...

Không có nhận xét nào: