Trọng Nghĩa - Bộ Ngoại giao Mỹ vào hôm qua, 10/12/2012 loan báo : Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell sẽ ghé thăm ba nước Philippines, Malaysia và New Zealand trong hơn một tuần lễ (10-17/12/2012). Một trong những chặng ngừng quan trọng của người chịu trách nhiệm vùng Đông Á Thái Bình Dương của ngành ngoại giao Mỹ là Manila, nơi diễn ra cuộc Đối thoại Chiến lược Mỹ - Philippines thường niên, với hồ sơ Biển Đông chắc chắn được bàn bạc.
Thông cáo báo chí Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rõ : Vào ngày mai, 12/11/2012, ông Kurt Campbell sẽ cùng với Trợ lý Quốc phòng Mỹ đặc trách an ninh Châu Á - Thái bình Dương Mark Lippert dẫn dầu phái đoàn Hoa Kỳ tham gia cuộc Đối thoại Chiến lược Song phương lần thứ ba giữa hai nước. Cùng ngày, ông Campbell sẽ gặp Ngoại trưởng Philippines Albet Del Rosario và nhiều quan chức cao cấp khác.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ không nói gì thêm về nội dung cuộc họp, nhưng theo nguồn tin từ phía Manila, được hãng tin Pháp AFP trích dẫn hôm qua, thì hai bên sẽ đặc biệt tập trung vào quốc phòng và các vấn đề khu vực. Theo ông Carlos Sorreta trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, hai bên cũng sẽ nhân dịp này thảo luận về khả năng mở rộng sự hiện diện của Mỹ tại Philippines, điều được ông gọi là "tăng cường sự hiện diện luân phiên".
Theo AFP, đó là việc gia tăng số lượng và số lần binh lính và chiến hạm, phi cơ của Mỹ thay phiên nhau ghé qua Philippines để huấn luyện và diễn tập. Điều đó cho phép hai chính quyền Washington và Manila lách được luật lệ hiện hành ở Philippines là cấm đặt căn cứ ngoại quốc trên lãnh thổ.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh còn căng thẳng trên vấn đề Biển Đông, giới chức ngoại giao Philippines được AFP trích dẫn công nhận rằng Biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự chính thức lần này. Tuy nhiên theo nhân vật này thì "do việc các giới chức nhà nước phải chịu trách nhiệm trước người dân và về an ninh quốc gia, phía Philippines rất khó mà không đề cập đến biển Tây Philippines (tức Biển Đông)".
Xin nhắc lại là một lực lượng gồm 600 lính biệt kích Mỹ đã phụ trách luân phiên qua lại miền nam Philippines từ năm 2002 để giúp huấn luyện quân địa phương trong việc chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan. Trong những năm gần đây, Manila đã tìm cách tăng cường quan hệ với Washington trước các hành vi gây hấn ngày càng nhiều của Trung Quốc muốn giành gần như toàn bộ Biển Đông, kể cả những vùng gần bờ biển của các láng giềng.
Tháng mười vừa qua, một quan chức Philippines cho biết là Subic, một căn cứ hải quân cũ của Mỹ trên đất nước này, nhìn thẳng ra Biển Đông, có thể đóng một vai trò quan trọng với tính cách là một trung tâm cho chiến hạm Mỹ vào lúc Washington muốn tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Căng thẳng Philippines - Trung Quốc đã bùng lên trở lại kể từ tháng Tư 2012 sau vụ tàu Philippines và Trung Quốc đối đầu nhau tại Bãi Scarborough ngoài Biển Đông mà cả hai bên đều cho là thuộc chủ quyền của mình.
Không có nhận xét nào: