Dự Luật Đất Đai: Vá Chiếc Áo Rách - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
18 tháng 1, 2013

Dự Luật Đất Đai: Vá Chiếc Áo Rách

Nông dân mất đất lên Hà Nội mưu sinh.
Photo Hoan Son/phapluatvn

Nam Nguyên - Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được lấy ý kiến nhân dân từ ngày1/ 2 đến 31/ 3, chậm hơn dự kiến một tháng vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận là còn nhiều vấn đề chưa ổn cần hoàn thiện. Nam Nguyên ghi nhận thông tin này.

Quyền lợi vẫn nghiêng về nhà nước

Kể từ khi trình Quốc hội hồi năm ngoái đến thời điểm giữa tháng Giêng 2013, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã có nhiều chỉnh sửa. Dù giữ nguyên 14 chương nhưng đã bổ sung 21 điều luật và loại bỏ 7 điều.

Theo các chuyên gia do không thể đi ngược qui định “Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, nên nỗ lực sửa đổi Luật Đất đai bị nhiều vướng mắc và được ví von như phải đắp vá một chiếc áo vừa chật vừa thủng nhiều lỗ.

Về đất Nông nghiệp hướng sửa đổi được chấp nhận liên quan đến tăng hạn điền lên 3 héc-ta, tăng chuyển nhượng ruộng đất lên mức tối đa 30 héc-ta, tăng thời hạn sử dụng lên 50 năm được xem là một sự cải cách trong khuôn khổ hẹp. Người dân chỉ có quyền sử dụng còn ông chủ đất thực sự là Nhà nước. Vì là ông chủ đất nên Nhà nước có quyền thu hồi khi cần. 10 năm thi hành Luật Đất đai 2003 cho thấy quá nhiều bất cập, tạo cơ hội cho tham ô tham nhũng đẩy người dân vào đường cùng.

Một người dân ở Đồng Nai nói lên cảm nghĩ của mình về vấn đề thu hồi đất đai và đền bù:

Một bức tranh cổ động kêu gọi người dân
 Phát huy quyền làm chủ, ảnh chụp hôm
 19 tháng 05 năm 2011 tại Hà Nội.
 AFP PHOTO.
“Tới đây Nhà nước làm đường cao tốc từ Bến Lức đi qua đường 51, đường vành đai 3-4, nói chung người dân chấp nhận giao đất nhưng chỉ mong Nhà nước quan tâm, nói tái định cư thì phải có tái định cư đâu đó cho bà con. Thứ hai là giá cả, khoản nào đền khoản nào hỗ trợ phải thỏa đáng cho người dân, qua hàng loạt vụ khác đền bù cái giá rẻ quá từ chỗ đó mới thành chuyện. Nhà nước phải đưa ra chính sách thu hồi và đền bù và rạch ròi đâu ra đó. Quan điểm em là bây giờ Nhà nước cần đất thì tất nhiên người dân phải giao rồi, nhưng mà Nhà nước phải đền cho thỏa đáng có chính sách hỗ trợ rồi còn tái định cư và đào tạo việc làm nữa.”

LS Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhận định rằng, trong dự thảo Luật Đất đai lần này vai trò của Nhà nước là người chủ thực sự của đất đai là bất di bất dịch, nhưng quyền của người sử dụng đất được mở rộng hơn.

“Đang thảo luận theo hướng việc định giá đất thu hồi có bằng giá thị trường hay không. Có ý kiến là phù hợp với giá thị trường hoặc cho rằng phải bằng giá thị trường. Mấu chốt vấn đề ở chỗ đó, cho nên giải quyết được bài toán này thì không chỉ là từ ngữ để nói thôi. Nhưng vấn đề quyền của người sử dụng đất nên qui định theo hướng họ được làm chủ đất đó và quyền lợi không bị thiệt hại. Thế thì cách thiết kế những điều luật này tôi cho rằng cần phải theo hướng bảo vệ cho người dân.”

Tại phiên họp ngày 15/1/2013 ở Hà Nội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rằng, định giá đất thu hồi như trong Dự thảo thì dứt khoát người dân không chịu, Quốc hội khó thông qua. Thị trường đất đai đầy biến động không thể qui định một giá đất cho nhiều chức năng khác nhau.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang dự thảo được sửa đổi, bổ sung theo hướng không qui định cụ thể về các phương pháp xác định giá đất mà giao cho Chính phủ qui định cụ thể cho phù hợp với từng loại đất. Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành được sử dụng cho tất cả các mục đích, trong đó có tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và tính các khoản thuế liên quan đến đất đai.

Người mất đất cần chỗ ở và việc làm

Về vấn đề bức xúc kéo dài 10 năm qua là thu hồi đất và đền bù, trả lời Đài ACTD ông Nguyễn Minh Nhị nguyên Chủ tịch UBND Tỉnh An Giang nhận định:

Người dân Hưng Yên phản đối việc lấy
 đất của dân cho dự án Eco Park. AFP photo
“Cho dù người nông dân được bồi thường số tiền cao hơn giá thị trường đi nữa, có khi nó gấp rưỡi gấp đôi nữa nhưng mà cầm số tiền đó để làm gì trong khi đó họ chưa chuẩn bị để chuyển qua nghề nghiệp mới. Có tiền nhiều thì chi tiêu không có kế hoạch, tiêu nhiều thì ít bữa trắng tay. Cho nên bây giờ cái người ta sợ là sợ mất đất sản xuất để có hạt cơm. Chớ còn sợ mất đất vì giá thấp thì không phải đâu, cái thời đó qua rồi, bây giờ chánh quyền đền bù giá cao lắm.

Còn vấn đề cho nhà đầu tư thuê lại đất đó thì cái này tôi đã phát biểu, có nhiều đề xuất rồi là nếu Nhà nước đứng ra thu hồi thì Nhà nước đấu giá và cái chênh lệch giá phải có một phần trả lại cho người nông dân bị mất đất. Còn nếu không thì cái mâu thuẫn này người dân sẽ thấy và như vậy cứ phát sinh hoài phức tạp lắm. Vậy chỉ có cách đó thôi, hoặc để cho nhà đầu tư tự thỏa thuận với dân nhưng thường nếu là diện tích ít thì dễ chớ diện tích lớn thì khó lắm.”

Bởi vì người dân không có quyền sở hữu đất đai mà chỉ có quyền sử dụng có thời hạn, nên khả năng họ có thể bị Nhà nước thu hồi đất cho nhu cầu an ninh quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng hoặc phát triển kinh tế là điều dễ xảy ra. LS Nguyễn Văn Hậu đồng thuận với các ý kiến về việc chủ đầu tư phải tự thỏa thuận với người dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án thương mại. Phần Nhà nước chỉ đứng ra làm trong những dự án phục vụ lợi ích công cộng hoặc vì mục đích phát triển đất nước. Tuy vậy LS Hậu quan tâm việc định giá đất đền bù:

“ Nên giao việc định giá cho một tổ chức định giá, hội đồng định giá với những nhà chuyên môn thì họ định giá mảnh đất thu hồi, để người mất đất phải có một cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ và việc tái định cư phải thực hiện trước khi thu hồi đất, họ phải có một cuộc sống ổn định không giống như thời gian trước thu hồi đất người dân phải ở những nơi không tốt. Chúng tôi đã góp ý kiến nghị Quốc hội qua rất nhiều cuộc hội thảo theo hướng giải quyết cho người dân như vậy thì nó sẽ hạn chế được những tranh chấp.”

Có thể nói những bất ổn phát sinh từ vụ án thu hồi đất của gia đình Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, vụ Ecopark ở Văn Giang Hưng Yên và nhiều vụ người dân quyết liệt chống trả thu hồi đất đã có ít nhiều ảnh hưởng đến công tác biên soạn Dự luật Đất đai Sửa đổi. Tuy vậy như các chuyên gia đã nói mấu chốt của vấn đề là Nhà nước không công nhận quyền tư hữu đất đai. Việc chỉnh sửa một bộ luật với mục đích bảo vệ quyền lợi người dân trên mảnh đất đúng ra do họ sở hữu, chỉ là làm công việc chắp vá mang tính đối phó trong một giai đoạn mà thôi.
Dự Luật Đất Đai: Vá Chiếc Áo Rách Reviewed by Unknown on 1/18/2013 Rating: 5 Nông dân mất đất lên Hà Nội mưu sinh. Photo Hoan Son/phapluatvn Nam Nguyên - Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được lấy ý kiến nhâ...

Không có nhận xét nào: