1. Tản mạn về trí thức và thời cuộc
Huỳnh Thục Vy - Trước nay, trước mỗi kỳ đại hội đảng CS, thiên hạ hay bàn chuyện ông này, ông kia có tư tưởng cải cách, có khả năng thay đổi thể chế để dân chủ hóa đất nước. Thế rồi hết kỳ này đến kỳ khác đất nước vẫn chìm trong độc tài – đàn áp. Giờ nghĩ lại mới thấy thời cuộc đã làm cho những ưu tư, hy vọng về vận mệnh đất nước vỡ tan.
Cộng đồng yếu đuối mới cần cá nhân anh hùng
Có một thời, giới trí thức trong nước đã hy vọng và hết lời ca ngợi Võ Văn Kiệt như là một chính khách có tư tưởng tiến bộ và gần đây nhất, một số người đặt hy vọng vào Nguyễn Bá Thanh. Chưa nói đến thiện chí thực sự của họ, một cá nhân và một số ít người trong vây cánh của ông ta quả thật quá yếu để tin cậy, bởi không một cá nhân nào trong các chế độ độc tài có khả năng thoát ra khỏi guồng máy cai trị để tiến hành thay đổi thể chế nếu nó đi ngược lại ý chí của tập đoàn (chưa kể đến việc tập đoàn này đang bị khống chế bởi một đàn anh ngoại bang), dù đó là một cựu lãnh đạo hay là một lãnh tụ đương quyền; và càng quá phiêu lưu để giao phó vận mệnh đất nước trong tay một vài người. Bởi con người vốn dĩ không thể tuyệt đối tin cậy, đặc biệt khi họ có quyền lực mà ít chịu trói buộc.
Một “cứu tinh” rồi sẽ trở thành một tên tội đồ nếu xã hội dân sự rã rời. Cái tâm lý sai lầm cố hữu về xã hội và chính trị khiến chúng ta luôn ngộ nhận. Người ta cứ nghĩ mọi thứ có thể giải quyết bằng một đề án chính trị áp đặt từ trên xuống, và mọi đề án chính trị quốc gia có thể được giải quyết với một cá nhân.
Nói đến đây chắc nhiều độc giả liên tưởng đến Gorbachov. Thật ra, trường hợp này không mâu thuẫn với quan điểm của người viết. Tình thế Nga Sô lúc đó buộc đảng CS phải đi đến chỗ sụp đổ. Ông Gorbachov chỉ là người tuyên bố một sự kiện không thể đảo ngược. Cuộc cách mạng Nhung, với sự nổi lên của những người hùng như Gorbachov và Yelsin, đã xảy đến với một nước Nga kiệt quệ sau chiến tranh Lạnh và hầu như không có xã hội dân sự sau thời kỳ CS. Điều đó chỉ mang lại danh tiếng cho các cá nhân này nhưng không đem đến một tương lai đáng mơ ước cho nước Nga. Bởi khi các lực lượng dân sự yếu đuối thì một người hùng có thể mang đất nước ra khỏi, dĩ nhiên có khả năng đưa đất nước trở lại chế độ độc tài. Như chúng ta có thể thấy, một ý chí đầy cảm tính đã khiến Yelsin chọn Putin – một kẻ cực đoan, chống phương Tây – làm người kế tục ông, đã đẩy nước Nga vào một chế độ dân chủ giả hiệu như hôm nay. Người dân Nga chẳng có đóng góp nào cho những cuộc chuyển mình lớn lao của nước họ. Và hậu quả là họ tiếp tục không có tiếng nói đáng kể nào trong các vấn đề đất nước.
Đồng ý, cá nhân vượt trội luôn có vai trò không thể chối cãi trong phong trào xã hội vì khả năng gắn kết những sức mạnh sẵn có và phát huy hiệu quả vận động xã hội, như trong bài viết gần đây nhất của tôi về người lãnh đạo. Nhưng đặt tất cả mọi hy vọng và toàn toàn dựa giẫm vào một cá nhân không phải là tâm lý của một dân tộc trưởng thành. Bởi một dân tộc trưởng thành cần một lãnh đạo chứ không cần lãnh tụ.
Chính trị là tất cả?
Không thể phủ nhận chính trị là quan trọng, bởi nếu nó không quan trọng thì nó đã không tồn tại từ khi con người được tổ chức thành xã hội cho tới bây giờ. Nó quan trọng đến nỗi mọi nỗ lực gạt bỏ quyền lực chính trị (nhà nước) ra khỏi xã hội dù chỉ trên lý thuyết (chủ nghĩa Marx) cuối cùng đã đưa đến một “siêu nhà nước” trong thực tế. Thế nhưng, từ khi nhà nước xuất hiện, chúng ta nhận thấy toàn khối xã hội cơ bản được chia thành hai phía: người được/bị cai trị và người cai trị, xã hội và nhà nước, dân sự và chính trị. Hệ thống chính trị giúp xã hội được điều hành một cách văn minh, quy củ và giữ chức năng trọng tài cho mọi tranh chấp xã hội. Nhưng để giữ cho xã hội hài hòa, cân bằng, đảm bảo tự do cá nhân, tất yếu không thể để nhà nước lấn át xã hội.
Thế nhưng, từ lịch sử bị cai trị chuyên quyền, người Việt Nam coi chính trị là cái gì đó vượt lên trên xã hội, tách khỏi xã hội và độc tôn. Nhưng, chính trị chỉ là một trong nhiều mảng hoạt động trong xã hội con người và tương tác trực tiếp với những cái còn lại. Nhà nước là một hệ thống nên/phải bị kiểm soát bởi sức mạnh dân sự. Khi nhận thức được rằng, ngoài quyền lực chính trị còn có quyền lực kinh tế và quyền lực dân sự, chúng ta sẽ không quá đề cao chính trị và coi nó là đáp án cho mọi vấn đề.
Gần đây, tôi được hỏi rằng: khi tôi lên tiếng đấu tranh, tôi có mong cầu một vị trí chính trị trong tương lai? Dù vô tình hay hữu ý, cách suy nghĩ này xuất phát từ tâm lý coi quyền lực chính trị là độc tôn. Vấn đề không phải ở chỗ người ta cho rằng: những người dấn thân và lên tiếng nên có vị trí xứng đáng; mà vì người ta quá đề cao quyền lực chính trị. Tất nhiên những người can đảm và có thực tài nên được trọng dụng, nhưng tại sao không phải ở chỗ nào khác mà là trong hệ thống chính trị? Chỉ có nắm quyền lực chính trị mới là chỗ đứng thích đáng cho người tài đức? Không nơi đâu khác ngoài chính trị, nơi mà một cá nhân có thể trở nên hữu ích và tỏa sáng?
Đến đây tôi nhớ đến một nhân vật rất nổi bật trong phong trào Otpor ở Serbia – Srdja Popovic. Sau khi chế độ Slobodan Milosevic sụp đổ, anh ta được bầu vào Quốc hội Serbia. Nhưng sau đó ít lâu, anh ta rời khỏi chính trường và thành lập một tổ chức phi chính phủ ở Belgrade. Sự ra đi ấy có thể được suy đoán với nhiều lý do nhưng không thể bỏ qua một lý do quan trọng – đó là sự trưởng thành trong tâm lý và nhận thức của giới trẻ Serbia: chính trị không là tất cả!
Vì coi chính trị là tối cao và là cứu cánh, người Việt Nam vẫn chưa thể tìm thấy sức mạnh thực sự ở chính mình và ở cộng đồng quanh mình khi giải quyết các vấn đề quốc gia, mà luôn trông ngóng vào một chính khách “vĩ đại” làm thay tất cả cho mình. Nhưng làm sao cá nhân nào đó lại thực hiện tốt khát vọng của chúng ta hơn là chính chúng ta? Thực ra, tình trạng chính trị chỉ là biểu hiện của năng lực dân sự. Không thể có chính trị tốt nếu quần chúng chỉ là những con người bạc nhược.
Quả thật, không phải ngoài chính trị ra, không còn “đất dụng võ” cho những người tài năng mà vì chúng ta chưa mở rộng tâm trí và cả tâm lý để nhìn thấy một nơi như thế. Hình như đối với chúng ta, tất cả những gì đáng vinh danh và mong ước đều nằm ở chính trị bởi từ trước đến nay, chúng ta chưa hề được sống trong một không gian khác, một không gian đối trọng với quyền lực chính trị. Chính nơi ấy, một cá nhân không chỉ tỏa sáng mà còn tỏa sáng độc lập, không bị không chế và cũng không cần dựa giẫm vào hào quang chính trị.
Sức mạnh dân sự yếu kém, trí thức bị khinh miệt
Tâm lý dựa giẫm và giao phó đưa đến hai hệ lụy nghiêm trọng. Thứ nhất, sự tuân phục và phụ thuộc vào quyền lực chính trị khiến cho cả xã hội, đặc biệt là giới trí thức, không nhận thức được vị trí quan trọng của mình trong việc giải quyết các vấn nạn xã hội. Điều này tạo điều kiện cho chế độ độc tài cai trị tùy tiện và vô thời hạn. Thứ hai, nếu một nguyên nhân nào đó khiến chế độ độc tài sụp đổ, thì sự yếu kém của các thế lực dân sự sẽ khiến đất nước gặp rất nhiều trở ngại trong việc xây dựng dân chủ, mà trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là, sự xuất hiện một chế độ độc tài mới.
Người dân ít học lơ là chuyện xã hội thì đã rõ; giới trung lưu trí thức thì làm ngơ, hoặc có quan tâm nhưng im tiếng, hoặc dựa vào quyền lực chính trị để tiến thân. Sự dựa giẫm vào chính trị tỏ ra đặc biệt nguy hiểm, khi địa vị và sự vinh quang của giới trí thức trong xã hội được ban phát bởi Nhà nước thì không thể nào có suy nghĩ và hành động độc lập hay đối kháng. Cuộc cách mạng Pháp đẫm máu đã không mang lại tự do thực sự cho người Pháp cũng bởi trước đó, giới trung lưu và quý tộc Pháp chỉ là một tập đoàn người tập trung quanh vương miện vua Pháp, ca ngợi và hưởng lợi từ đó. Hiện nay, Việt Nam không có giới trung lưu theo đúng tinh thần: mãnh mẽ, độc lập và có năng lực đối kháng với nhà nước.
Không ngẫu nhiên và vô lý khi cả Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh và những người CS nói chung khinh miệt trí thức. Bởi vì đối với họ, trí thức vừa có quá nhiều chữ để có thể bị lừa gạt lâu dài, nhưng cũng quá nhu nhược để là những đối thủ xứng tầm với họ.Tại sao trung lưu trí thức trong các xã hội tự do là lực lượng tiên phong cho các giá trị dân chủ tiến bộ, còn thân phận trí thức Việt Nam lại rẻ rúng như thế?
Phải chăng khi còn mang tâm lý xem chính trị là tất cả, các công dân chưa thể thoát khỏi thân phận thần dân? Phải chăng khi trí thức chưa nhận thấy vai trò to lớn của mình là đảm đương và lãnh đạo khối dân sự, kiềm chế khối chính trị; mà chỉ bám vào chính trị để “vinh thân phì gia” thì chính trị sẽ còn kiêu ngạo và mặc sức tung hoành? Phải chăng khi khối hoạt động dân sự vẫn yếu đuối, và trí thức chỉ là người đi bên lề mọi quyết định quan trọng của quốc gia; thì trí thức – trung lưu vẫn bị coi thường và con đường đi đến Tự do của dân tộc sẽ vô vàn khó khăn?
Thay lời kết
Đất nước đang đối mặt với những bế tắc và khủng hoảng. Kinh tế đang kiệt quệ. Đảng CSVN đang mạnh tay đàn áp đối kháng để giành ưu thế thời gian cho một cuộc đào thoát lớn của họ. Vận mệnh nước nhà sẽ giao vào tay ai nếu không đặt lên vai mọi tầng lớp dân chúng, đặc biệt là tầng lớp trung lưu trí thức? Đây chính là cơ hội để giới trí thức dành lại trọng trách, khẳng định vai trò và mở rộng tầm vóc của mình. Vị trí cao quý nhất cho những người trí thức không nhất thiết phải là trong một thế lực chính trị mà là trong xã hội dân sự đang nhen nhóm hình thành. Người trí thức phải nhận lấy vai trò và vinh quang của một thế lực dân sự có khả năng kìm chế quyền lực chính trị. Còn gì quan trọng và vinh dự hơn vai trò kiểm soát nhà nước? Còn gì nổi bật hơn vị thế “lương đống” cho toàn khối dân sự? Còn gì đáng mong ước hơn tư cách độc lập và không bị ràng buộc bởi bất cứ thế lực chính trị nào để chỉ hành động vì quyền lợi quốc gia?
Để rồi từ đó, bắt đầu một giai đoạn lịch sử hoàn toàn mới cho Việt Nam, trí thức giờ đây không còn chịu thân phận bề tôi mà mạnh mẽ sánh ngang với quyền lực chính trị, để thực hiện những nhiệm vụ mà lịch sử và quốc gia giao phó. Trút bỏ được sự ràng buộc với chính trị và tâm lý e dè đối với quyền lực chính trị, tầng lớp trí thức Việt Nam sẽ là Hercules, có sức mạnh nâng đỡ cả dân tộc.
Buôn Hồ ngày 23 tháng 1 năm 2013
Huỳnh Thục Vy
Đàn Chim Việt
2. Nhân đọc bài của người con, mời đọc lại bài của người cha:
Huỳnh Ngọc Tuấn – Không giống ai
Tôi đang sống trong một đất nước mà hàng ngày, hàng tháng, hàng năm những cái không giống ai vẫn ngang nhiên diễn ra, ngang nhiên hiện hữu. Không ai đồng tình nhưng ai cũng lặng thinh.
Xin được một lần mô tả cái diện mạo và hình dáng của những cái không giống ai này.
– Một quốc gia hai quyền lực lãnh đạo: Bên cạnh nhà nước – chính phủ có đủ ban bệ Bộ, vụ, sở vẫn tồn tại song song một cơ chế Đảng CS với những ban bệ và chức năng tương tự nhưng có quyền lực cao hơn. Người ta không nhìn thấy cái chính quyền thứ hai này nhưng nó hiện hữu trong cái gọi là “cấp ủy”. Đây mới là quyền lực thực sự là chủ nhân ông của đất nước.
Đất nước không phát triển nổi, nhân dân không giàu có lên được vì phải gánh vác trên vai mình hai guồng máy quyền lực với hai lực lượng nhân sự như con đỉa hai đầu hút hết nguồn lực quốc gia.
– Cái thành quả lớn nhất của nền văn minh nhân loại là nhà nước pháp trị và tam quyền phân lập nhưng ở VN thì nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo “toàn diện và tuyệt đối” của đảng CS, như vậy nhà nước pháp trị không tồn tại ở VN. Đảng CS là đảng lãnh đạo nên không có tam quyền phân lập mà chỉ có tam quyền phân nhiệm, có nghĩa là tính độc lập (điều kiện căn bản cho một nhà nước minh bạch và không tha hóa) đã bị thủ tiêu.
– Ở các nước dân chủ văn minh quyền tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa qua các phương tiện truyền thông như báo chí, đài phát thanh v.v… là quyền mang tính phổ quát và quan trọng. Nó quan trọng đến mức tạo nên một quyền lực mới là đệ tứ quyền. Còn ở VN chỉ được phép có một tư tưởng, một tiếng nói, một cách nhìn và một cách suy nghĩ cho nên tính sáng tạo bị bức tử, sự khác biệt là “phản động” là chống đối.
– Ở các nước Văn minh – dân chủ, bầu cử, ứng cử là một quyền cực kỳ hệ trọng, nó quyết định sinh mệnh của thể chế dân chủ đó. Còn ở ta bầu cử là một món nợ quỷ thần phải trả. Cứ đến kỳ bầu cử là người dân phải lo thu xếp mọi công việc để đi bầu cho sớm nếu không muốn bị “nhắc nhở”. Ai đó mà bị chính quyền địa phương “nhắc nhở” nhiều lần vì không thực hiện quyền lợi của mình một cách nghiêm túc thì bị ghi vào sổ đen và người đó và gia đình trở thành “đối tượng” để theo dõi và trù dập. Trong hai kỳ bầu cử quốc hội vừa qua (năm 2005 và 2011) tôi và các cháu được chính quyền địa phương ” quan tâm” gọi điện thoại “nhắc nhở” tổng cộng là 6 lần trước và ngay trong ngày bầu cử!! Tôi và các cháu đã từ chối “quyền lợi” của mình nên bị báo chí và đài phát thanh của chính quyền gọi là phần tử “chống đối”.
Ở VN việc người dân đi bầu là một hình thức để hợp pháp hóa những gì đã được quyết định từ đảng CS, lá phiếu của người dân không quyết định được tương lai đất nước vận mệnh quốc gia, đã có đảng quyết định rồi, kết quả “bầu cử” đã được biết từ nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trước đó.
Người dân bị lôi vào cuộc chơi một cách bất khả kháng và trở thành những diễn viên trong trò chơi mang tính khôi hài.
Còn ứng cử là độc quyền của đảng không thuộc về người dân và quyền này không chia xẽ, không thương lượng, đây là một đặc quyền của giai cấp thống trị, những ai muốn tranh giành cái quyền này là phải trả giá như Tiến sĩ Cù huy hà Vũ, Luật sư Lê Quốc Quân.
– Ở các nước dân chủ — văn minh đảng chính trị chỉ là một hội đoàn dân sự do những người có cùng chủ trương và lý tưởng lập ra để góp phần kiến tạo nên một xã hội đa nguyên đa dạng phong phú và lành mạnh, họ độc lập và có quyền bình đẳng với những tổ chức chính trị đối lập hoặc đồng minh, họ không lãnh đạo ai và cũng không bị ai lãnh đạo, tất cả đều phục vụ nhân dân và đất nước và chịu sự ủy quyền của cử tri qua từng cuộc bầu cử và hoạt động của họ nằm trong khuôn khổ luật pháp. Nhưng ở VN đảng CS là quyền lực tối cao được cái gọi là “Hiến pháp” trao cho quy chế được quyền lãnh đạo vĩnh viễn (tất nhiên là cho đến khi nào chế độ độc tài còn tồn tại được). Đảng CS là ngươì cầm lái “vỹ đại”, đảng có mặt khắp nơi chi phối và quyết định tất cả. Từ trung ương đến địa phương, từ thành phố đến hang cùng ngõ hẻm, đôi mắt của đảng soi rọi khắp nơi để quan sát và lãnh đạo đến tận “quần” chúng.
Đảng có mặt ở những nơi không ai nghĩ tới, từ trường học, bệnh viện, công ty tư nhân, cả nhà thờ và thiền viện.
– Giáo dục các cấp, nhất là Đại học nơi đào tạo nhân tài và nhân lực cho đất nước thì môn Chủ nghĩa Mác- Lê nin là bắt buộc cho dù không ai muốn học vì mất thời gian và vô bổ, nhưng sinh viên phải học và trả tiền cho cái học trình vô bổ và mất thời gian đó!
– Nền kinh tế tư bản rừng rú chụp giật và man rợ bị sự độc quyền và lũng đoạn của bọn tư bản đỏ được gọi là nền khinh tế thị trường theo định hướng XHCN, ở thiên đường XHCN này giai cấp công nhân và nông dân bị bóc lột đến tận cùng, bị khinh miệt và ngược đãi mà không làm gì được để bảo vệ quyền lợi của mình, đảng CS lập ra Công đoàn và điều khiển nó như công cụ để kiểm soát công nhân và bảo vệ quyền lợi cho giới chủ. Những tập đoàn kinh tế cá mập được hình thành từ tiền thuế của dân nhưng lại trở thành chủ nhân ông của người dân, muốn vào làm việc ở những tập đoàn này phải là những thành phần con ông cháu cha.
– Lực lượng “công an nhân dân” thì coi dân như cỏ rác, buồn buồn thì đánh chết một vài người dân cho vui, mục đích là để thị uy. Nếu dư luận trong nước và quốc tế có phản ứng mạnh quá thì cũng xữ cho lấy lệ để bịt miệng công luận rồi đâu lại vào đó. Hãy nhìn những cái chết thê thảm của một số nạn nhân trong mấy năm gần đây thì rõ.
– Ở các nước dân chủ văn minh đất đai là một thứ tài sản quan trọng của người dân, quyền này được tôn trọng và bảo vệ bằng luật pháp, khi thật sự cần thiết nhà nước muốn xữ dụng thì phải thương lượng với người dân làm chủ mãnh đất đó, không áp đặt và không dùng cường quyền để “giải tỏa thu hồi”. Quan hệ giữa người dân và nhà nước dân chủ là quan hệ hài hòa, cùng chia xẽ quyền lợi và trách nhiệm, chỉ có ở cái nhà nước XHCN “của dân do dân và vì dân” này mới có dân oan, mới có những vụ thu hồi giải tỏa đất đầy máu và nước mắt vì quyền sở hữu đất đai “thuộc về toàn dân” và do nhà nước “trực tiếp quản lý”.
– Chỉ có ở VN và các nước CS mới có sự phân hóa giàu nghèo đến quái dị như vậy. Có những đại gia tài sản vàng bạc như núi, ăn chơi phè phởn, cuộc sống xa hoa đến lập dị, tài sản của họ nhiều đến mức khó mà ước lượng được vì quá lớn và không minh bạch, từ trăm triệu đến vài tỷ mỹ kim. Bên cạnh họ là rất nhiều người nghèo, cuộc sống lê lết bên những đống rác bẩn thỉu, hôi hám, họ sống trên rác và cũng kiếm sống bằng rác. Họ hoàn toàn không có tương lai, đất nước này xã hội này không thuộc về họ, họ chỉ như những con chuột theo nghĩa đen và nghĩa bóng.
– Bất cứ quốc gia và dân tộc nào thì đất nước là của chung, chung về quyền lợi và trách nhiệm, nhưng ở VN đất nước là độc quyền của đảng và nhà nước vì tất cả đã có “đảng và nhà nước lo”. Nhà nước và đảng làm chủ mọi nguồn tài nguyên của quốc gia,được độc quyền quản lý và phân phối. Bảo vệ đất nước như thế nào là quyền của đảng và nhà nước, người dân chỉ có mỗi một việc là làm theo những gì được đảng, nhà nước yêu cầu hoặc cho phép. Như trong cuộc chiến tranh Campuchia, đảng và nhà nước yêu cầu người dân phải hy sinh xương máu để “bảo vệ đất nước” và làm “nhiệm vụ quốc tế” thì người dân phải làm. Ngày hôm nay đất nước bị TC xâm chiếm, lòng tự tôn dân tộc bị sỉ nhục thì người dân VN cũng không được quyền “tự phát” để bày tỏ lòng yêu nước và một điều tuyệt đối là không được biểu tình để đưa ra một thông điệp cần thiết cho thế giới và bọn ngoại xâm biết được suy nghĩ và tình cảm của mình về hiện tình đất nước. Lòng yêu nước là một tình cảm tự nhiên, thiêng liêng và cao quý của bất cứ dân tộc nào trên thế giới nhất là người dân VN đã có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm trong suốt lịch sử 4000 năm của mình. Lòng yêu nước có thể nói là di sản quý báu của người VN mà tổ tiên của chúng ta trao truyền từ đời này sang đời khác, chưa có một triều đại một chính quyền nào “kiểm duyệt” lòng yêu nước chứ đừng nói đến chuyện thủ tiêu, ngăn cấm hay độc quyền. Vậy mà ngày hôm nay trước hành động hiếu chiến và ngang ngược của bọn bành trướng Bắc kinh, người dân Hà Nội, Sài Gòn đã tự nguyện xuống đường để cho thế giới biết là nhân dân VN không hèn yếu không vô trách nhiệm với quốc gia, vậy mà đã bị chính nhà cầm quyền “của dân, do dân, vì dân” đàn áp, bắt bớ, vu khống và chụp mũ . Điều này chắc làm cả thế giới kinh ngạc và khó hiểu là VN đang được điều hành bởi một chính quyền đại diện cho ai?
– Trên thế giới này ở đâu cũng vậy, thời nào cũng vậy tầng lớp nhân sĩ trí thức là tinh hoa của xã hội, họ là nguồn lực sáng tạo nên những giá trị mới trong tất cả mọi lãnh vực từ học thuật đến khoa học học và kinh tế. Chính vì những cống hiến to lớn đó đã tạo nên địa cị cao quý của họ là một điều tự nhiên và hợp lý.
Tầng lớp nhân sĩ trí thức trở thành lực lượng dẫn dắt và lãnh đạo xã hội trong mọi mặt đời sống.
Trong việc bảo vệ đất nước thì vai trò và trách nhiệm của nhân sĩ trí thức càng nỗi bật và trở nên trọng yếu, không có họ đất nước như rắn mất đầu xã hội như mù lòa, mất định hướng. Vậy mà tầng lớp nhân sĩ trí thức VN ngày hôm nay ở đâu và đang làm gì khi tầng lớp này rất đông đảo và họ được thụ hưởng một đời sống sung túc hơn nhiều lần so với mức sống của người dân và từ tiền thuế của dân?!
Một điều may mắn là đất nước chúng ta ngày hôm nay đã hình thành được một tầng lớp nhân sĩ trí thức đối lập, dân chủ (cộng với hơn ba trăm nghìn trí thức ưu tú tại Hải ngoại) có đủ khả năng để bù đắp vào khoảng trống này, tuy luôn bị đàn áp và khủng bố. Đây là cái vốn liếng vô giá để chúng ta xây dựng lại quê hương sau bao nhiêu năm bị “nội xâm” tàn phá.
– Khi đất nước ở vào lúc dầu sôi lửa bỏng, kẻ thù đang dòm ngó và lên kế hoạch thôn tính biển Đông vì thời cuộc ngày hôm nay đã có những chuyễn dịch về hướng nghiêm trọng, thì Bộ chính trị đảng CSVN (cơ quan đầu não và quyền lực tối cao của chế độ) lại tiến hành cái gọi là “PHÊ VÀ TỰ PHÊ” để kiểm điểm phê bình những sai sót của lãnh đạo?!
Trên thế giới này chỉ có “Văn hóa từ chức” như của Nhật bản, hoặc “tự xử” kiểu Hàn quốc như vụ cố Tổng thống Roh moo-huyn. Hoặc như Mỹ và các nước châu Âu là bị luận tội và cách chức thẳng thừng tùy mức độ sai phạm hoặc bất xứng. Ở VN ta thì các ông lãnh đạo lại bày ra cái trò “PHÊ VÀ TỰ PHÊ” thật là không giống ai cả!?
Nếu kể ra những cái “KHÔNG GIỐNG AI” ở VN thì nhiều lắm chỉ sợ làm phiền lòng độc giả nên tạm dừng chỗ này.
Một đất nước với quá nhiều cái “KHÔNG GIỐNG AI” như vậy mà nó (những cái không giống ai) vẫn ngang nhiên tồn tại thì đúng là đất nước này “KHÔNG GIỐNG AI” thật rồi.
Huỳnh Ngọc Tuấn
Theo: Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào: