Tư Tưởng Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo… Qua 10 Câu Hỏi - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
7 tháng 1, 2013

Tư Tưởng Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo… Qua 10 Câu Hỏi

Tác giả: Pierre-Yves, sáng lập viên “Hành trình Da-Kêu” (GHXHGH trong đời số hàng ngày), giáo sư trường Đại Học Quản Trị Lyon (Pháp)

Dàn Bài

1. GHXHGH là gì? Giáo Hội là “chuyên về nhân bản”…
2. GHXHGH để xây dựng một xã hội Kitô giáo? Xã hội này là thế nào? GHXHGH đề nghị một nhãn quan đầy đủ và gắn bó chặt chẽ của đời sống ngoài xã hội dưới ánh sáng Phúc Âm…
3. Ai đã viết ra GHXHGH? Chính là sự tích tụ trong nhiều thế kỷ sự khôn ngoan của Giáo Hội đã suy nghĩ về những vấn đề liên quan đến xã hội dưới ánh sáng Phúc Âm…
4. Phải chăng GHXHGH là một tập hợp những giới răn và nghĩa vụ đạo đức? Giáo Hội không áp đặt điều gì: Giáo Hội đưa ra các đề nghị đời sống phù hợp với Phúc Âm…

5. Nền móng của GHXHGH là những gì? Hai nền móng cốt yếu: 1) Tôn trọng vô điều kiện sự sống con người ; 2) Phẩm giá của mỗi con người.
6. Các vấn đề được GHXHGH đề cập là những vấn đề gì? Có 7 chủ đề lớn, từ không gian xã hội nhỏ nhất đến lớn nhất: Gia đình… Lao động… Đời sống kinh tế… Cộng đồng chính trị… Cộng đồng quốc tế… Bảo vệ môi sinh…Cổ vũ hòa bình.
7. Những nguyên tắc lớn của GHXHGH là những nguyên tắc nào? Có năm cột trụ để tổ chức một xã hội công bằng phục vụ con người: Công ích… Phân bố phổ quát của cải… Bổ trợ… Tham gia… Liên đới
8. GHXHGH có uy thế không? Có những gì của GHXHGH tỏ ra là “trội hơn” so với những gì được nói về xã hội ngày hôm nay? … có nhiều ! Người ta có thể ngạc nhiên khi nhận thấy Giáo Hội độc đáo đến độ nào so với xã hội ngày nay.
9. Cái gì cho thấy GHXHGH có thể giúp ích cho tôi? Đơn giản là giúp sống tốt đời sống Kitô hữu
10. Làm cách nào tôi có thể được huấn luyện về GHXHGH? Giáo lý và Tóm Lược GHXHGH… các khóa đào tạo…

Câu hỏi 1

GHXHGH là gì?

Giáo Hội “chuyên về nhân bản”. Điều này có nghĩa là tất cả mọi cảnh huống nhân bản nơi con người, nam cũng như nữ, đang sống đều làm cho Giáo Hội lưu tâm. Chính trong các cảnh huống đó mà con người có thể được thánh hóa hay phạm tội lỗi. Vì vậy Giáo Hội cũng lưu tâm đến việc tổ chức đời sống xã hội: lao động, kinh tế, tổ chức chính trị và cả gia đình, công đoàn, bảo vệ môi sinh, đối thoại Bắc-Nam, v.v… Phải hiểu rõ rằng lời kêu gọi của chúng ta để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu không chỉ liên quan đến cuộc đời kinh nguyện hay sùng đạo, dù rằng nếu điều này tuyệt đối cần thiết.

Lời kêu gọi của chúng ta cũng liên quan đến phương cách của chúng ta trong tiêu thụ, sản xuất, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, bóc lột sức lao động của người khác v.v… Chính ở điểm này mà chúng ta tỏ ra mình là người Kitô giáo hay là không phải là Kitô giáo ! Cả đời chúng ta có thể bỏ ra để cầu nguyện hay để nói về Chúa Giêsu, nhưng nếu trong các sinh hoạt thường nhật của chúng ta, chúng ta lại làm chứng trái ngược, thì thực chất chúng ta đã phản bội Chúa Giêsu. Vì thế, Giáo Hội nỗ lực đề nghị những phương hướng trong cuộc sống hàng ngày để chúng ta có thể, không những hành động như những người Kitô giáo trong xã hội mà còn tham gia vào việc xây dựng một xã hội công bằng hơn, không dẫn đưa con người đến chỗ phạm tội. Tất cả những khuyến cáo, những đề nghị đã được gom lại trong một tập tài liệu ghi chép nhiều bài vở mà từ nay người ta gọi là Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội.

Câu hỏi 2

GHXHGH để xây dựng một xã hội Kitô giáo? Xã hội này là thế nào?

Giáo Hội có nhiều điều phải nói với xã hội ngày nay, vì Giáo Hội đã tích lũy một sự khôn ngoan to lớn về những vấn đề này.

Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội đề nghị một cái nhìn đầy đủ và liền lạc về đời sống trong xã hội dưới ánh sáng Phúc Âm. Đây không phải là sự mô tả một thế giới “lý tưởng” hay một “xã hội Kitô giáo”. Giáo Hội biết rằng Nước Chúa là toàn hảo vì nơi đó người ta không phạm tội. Vì vậy Giáo Hội không có tham vọng thiết lập một vương quốc của những con người hoàn hảo, Giáo Hội không muốn một chế độ chính trị thần quyền: trên một khía cạnh nào đó, thì điều này đi ngược lại Kitô giáo! Trái lại, trên thế giới này, phải suy nghĩ và đưa ra những đề nghị cụ thể để 1) một người muốn trở thành môn đệ của Đức Kitô trong đời sống hàng ngày có thể tìm thấy những điểm mốc vững chắc để hướng theo và tiến hành một sự lựa chọn trong xã hội phù hợp với đức tin của mình và để 2) xã hội, dù thế nào đi nữa, không dẫn đưa con người đi đến phạm tội, bởi vì họ không có cách lựa chọn nào khác. Đó là cái người ta gọi là những cấu trúc tội lỗi. Thí dụ, phim ảnh khiêu dâm, sự tiêu thụ quá mức, làm việc ngày chúa nhật là những “cấu trúc tội lỗi”. Giáo Hội cảnh giác chống lại kiểu mẫu tổ chức này và những cách hành sử có hại đến sự phát triển nhân bản.

Câu hỏi 3

Ai đã viết ra GHXHGH?

Thực chất, GHXHGH không phải là một bài duy nhất do một người viết ra. Đây là sự tích lũy khôn ngoan của Giáo Hội trong nhiều thế kỷ toát ra từ những suy nghĩ về các vấn đề liên quan đến xã hội dưới ánh sáng Phúc Âm và được cập nhật theo từng thời đại. Trước hết Giáo Huấn đã đong múc trong Thánh Kinh, trong các văn kiện lớn của Giáo Hội tỷ như những văn kiện của các vị Thượng Phụ Giáo Hội nhất là trên vấn đề nghèo khó, của Thánh Tôma Aquinô về lao động, trong các sứ điệp của các Đức Giáo Hoàng và cách tổng quát các văn kiện của quyền giáo huấn, và còn cả trong hàng chục, hàng trăm các suy nghĩ của các tín hữu giáo dân, các kinh tế gia, chính trị gia, triết gia, và những nhà tư tưởngg trong xã hội. Đừng quên là Giáo Hội là 97% tín hữu giáo dân. Giáo Huấn Xã Hội dành một phần lớn cho những suy nghĩ và kinh nghiệm của họ; Giáo Hội hoặc là trực tiếp lấy đó là nguồn hứng, hoặc khi thẩm quyền giáo huấn sử dụng chúng. Thí dụ, sứ điệp quan trọng chủa ĐGH Phaolô VI về sự phát triển các nước thuộc thế giới thứ ba (Populorum progressio 1967) chịu ảnh hưởng của các kinh tế gia người Pháp, v.v… Thông điệp sau đó của ĐGH Biển Đức XVI, được công bố năm 2008 lặp lại các khảo cứu của Ủy Ban Cor Unum và những buổi hội thảo được tổ chức ở Rôma về vấn đề phát triển. Kể từ cuối thế kỷ 19, các văn kiện của thẩm quyền giáo huấn, nhất là của Đức Giáo Hoàng, đều hướng vào các vấn đề xã hội một cách có hệ thống. Tại sao? Tại vì xã hội Tây phương càng bài trừ Kitô giáo và càng lan rộng ra thế giới (qua các di dân), Giáo Hội càng cảm thấy bắt buộc phải nhắc nhở những nguyên tắc chìa khóa để xây dựng một xã hội công bằng và giúp các Kitô hữu sống được trong xã hội. Một thông điệp nổi tiếng của Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII, Rerum novarum (1891) đã đánh dấu bước đầu của cái mà người ta thường gọi là GHXHGH. Nhưng, đương nhiên, sự suy nghĩ đã có từ trước. Từ ngày đó, các Đức Giáo Hoàng đều đặn phổ biến các thông điệp về các vấn đề xã hội: Quadadesimo anno năm 1931, Centesimus Annus năm 1991 hay Laborem exercens năm 1981.

Các cơ chế khác của Giáo Hội như các Hội Đồng Giáo Hoàng, họ cũng phổ biến những văn kiện về các vấn đề xã hội, như Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình. Đôi khi chính lại là các giám mục ở các nước, như mới đây các giám mục Pháp công bố văn kiện về vấn đề di dân. Nên nhớ rằng GHXHGH là một sự tổng hợp các tư tưởng, tất cả đều được Phúc Âm hướng dẫn và nhắm tới việc đề nghị những quy luật để sống trong một xã hội công bằng hơn nơi con người có thể triển nở một cách xứng đáng.

Để tóm tắt đôi chút tất cả những chuyện trên đây, có hai văn kiện chính đã được công bố trong những năm gần đây: trước tiên là Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nơi người ta tìm thấy nhiều chuyện về GHXHGH (xem từ điển giản yếu: lao động, gia đình, tư bản, nghèo khổ chẳng hạn) ; và rồi, cách đây 3 năm, một cuốn sách đặc biệt, gọi là Tóm Lược Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội nghĩa là tập ghi lại những tư tưởng chính. Nó đã được dịch ra tiếng Pháp, Việt … và được bán trong các hiệu sách lớn.

Câu hỏi 4

Phải chăng GHXHGH là một tập hợp những giới răn và nghĩa vụ đạo đức?

Phải hiểu rõ rằng Giáo Hội không áp đặt điều gì: Giáo Hội đưa ra các đề nghị đời sống phù hợp với Phúc Âm và với những gì Chúa đã mạc khải cho chúng ta.

“Tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh (em) hãy chọn sống để anh (em) và dòng dõi anh (em) được sống” (Đnl 30, 19b). Điều mà đúng với Học Thuyết Luân Lý, cũng đúng với Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội. Đó là những suy nghĩ, là những chỉ dẫn liên quan đến vai trò của gia đình trong xã hội hay cách đối xử với người lao động hay với môi sinh chẳng hạn. Nhưng không bao giờ Giáo Hội nói “Phải làm như thế này hay như thế kia”. Giáo Hội chỉ nói “nếu muốn phục vụ phẩm giá con người, nếu muốn phục vụ con người, dù là người Kitô giáo hay không, đây là điều chính đáng phải làm hay là điều không nên làm”. Những đề nghị của Giáo Hội luôn gắn với một cái nhìn của con người, cái nhìn của Phúc Âm. Vì vậy những “nhà nhân văn học” không phải là tín hữu Kitô giáo, cũng có nhiều thích thú mà nghiên cứu GHXHcủa Giáo Hội.

Giáo Hội cho những người này, những nền móng vững chắc để có một cái nhìn nhân bản đối với xã hội. Và ngày hôm nay, không có một cơ chế nào trên thế giới đề nghị được một cái nhìn trong sáng và liền lạc như thế với đời sống xã hội. Bởi vậy GHXHGH phải được biết đến bởi những người khác hơn là Kitô hữu. Âu đó cũng là một cách tốt để loan truyền Giáo Hội và Chúa Guêsu đến cho mọi người.

Câu hỏi 5

Nền móng của GHXHGH là những gì?

Hai nền móng cốt yếu:

1) Tôn trọng vô điều kiện sự sống con người ;
2) Phẩm giá của mỗi con người.

Điều này, chính là điều mà Giáo Hội không thỏa nhượng, điều mà Giáo Hội không thương thảo được bởi vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã dựng nên con người nam cũng như nữ theo hình ảnh của Ngài, và rằng chúng ta có nghĩa vụ quản lý thiên nhiên, quản lý xã hội. Như vậy, chúng ta phải chú tâm đến gia sản này. Mọi con người cũng đều có nhân phẩm. Đó là những nguyên tắc cơ bản của GHXHGH. Từ điểm đó, tất cả các đề nghị của Giáo Hội được tổ chức cho các tín hữu Kitô giáo và cho một xã hội công bằng.

Câu hỏi 6

Các vấn đề được GHXHGH đề cập là những vấn đề gì?

GHXH đề cập đến tất cả những vấn đề giúp để cổ vũ quyền tự do, phẩm giá và sự triển nở của con người. Thực chất nó quan tâm đến mọi lãnh vực của nhân bản hóa. Sách Tóm Lược đề cập đến 7 đề tài lớn, của không gian xã hội từ nhỏ nhất đến lớn nhất:

Gia đình: tế bào xã hội nhỏ nhất giúp cho sự phát triển các thế hệ tương lai.
Lao động: nơi mà phẩm giá con người được thể hiện.
Đời sống kinh tế: tổng hợp các trao đổi các của cải và dịch vụ nhằm tạo ra và phân bố sự giầu có và các điều kiện để mọi người có thể đạt tới những tình trạng sống cho xứng đáng.
Cộng đồng chính trị: là nơi tổ chức chính quyền, bảo vệ những người yếu kém nhất và định hướng kinh tế.
Cộng đồng quốc tế: là tổ chức giúp cho các quốc gia sống hài hòa với nhau.
Bảo vệ môi sinh: bởi vì trái đất là một của cải thuộc quyền sở hữu không chỉ của thế hệ này mà thôi mà còn của các thế hệ tương lai, cần phải được chăm sóc ngay từ bây giờ.
Cổ vũ hòa bình: bởi vì hòa bình là đòi hỏi không thể thiếu để 6 không gian trên đây thực hiện được. Hòa Bình là chuyện lớn của người Kitô giáo.

Tất cả những đề nghị được đưa ra ở các trình độ khác nhau liên xuyến với nhau để làm thành một tổng hợp hài hòa và gắn bó.

Câu hỏi 7

Những nguyên tắc lớn của GHXHGH là những nguyên tắc nào?

Có năm cột trụ để tổ chức một xã hội công bằng phục vụ con người:

Công ích: “Nói đến công ích, phải hiểu là toàn bộ các điều kiện xã hội cho phép các nhóm người hay mỗi cá thân thành viên đạt tới sự toàn hảo của mình, một cách toàn diện và dễ dàng nhất” (Gaudium et Spes 26 § 1; x. GS 74 § 1). Nói rõ ra là, chúng ta phải hành động và tổ chức xã hội sao cho mọi người đểu có thể phát triển trong phẩm giá và sự thánh thiện. Tất cả những gì ngăn trở sự phát triển này, hay những hành động mà chúng ta thực hiện ngăn chặn nó đều đáng lên án và phải xét lại.

Phân bố phổ quát của cải:Mọi của cải đều thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ là những người tạm thời quản lý. Vì vậy, chúng ta phải sử dụng chúng như những người quản lý tốt, nghĩa là cho công ích, lợi ích của mọi người. Những người giầu nhất không có gì phải hổ thẹn vì sự giầu sang của mình, với điều kiện là sự giầu sang của họ được dùng đê phục vụ những người nghèo nhất.

Bổ Trợ:Giáo Hộinhận định rằng, càng nhiều càng tốt, các quyết định phải đượclấy ở tầng cấp của những người sẽ chịu ảnh hưởng của những quyết định này: đó là nguyên tắc của sự bổ trợ được lý thuyết hóa từ thế kỷ thứ XIII bởi thánh Tôma Aquinô. Tầng cấp cao hơn không được làm thay thế tầng cấp bên dưới, nếu cấp này có thể tổ chức và quyết định được ở trình độ của mình.

Tham gia: Hậu quả của nguyên tắc trên đây, GHXHH nhấn mạnh rằng, để các điều kiện được thỏa đáng giúp cho tất cả mọi người quan hệ đến quyền lực có thể tham gia vào việc xây dựng những quyết định liên quan đến mình.

Đây không phải một nguyên tắc mơ hồ hay chỉ mang tính dân chủ. Nó bám sâu vào trong định nghĩa của mọi con người được Thiên Chúa yêu thương và như thế đều bình đẳng trong phẩm giá.

Như thế, xã hội được thiết lập bởi sự tham gia của mọi người, tùy theo tài cán và khả năng riêng của mình.

Đây không phải chủ nghĩa bình quân (cào bằng) (mọi người đều ngang nhau, mọi ý kkiến đều có giá trị giống nhau, v.v…) nhưng là sự công nhận rằng mỗi ngưòi có thể và phải có thể mang đến một tảng đá để xây dựng xã hội của chúng ta. Với điều kiện, dĩ nhiên là nó phải nhận ra những giới hạn, những thiếu sót của nó và chấp nhận thẩm quyền của những người có nhiệm vụ đưa ra những quyết định sau cùng cho công ích.

Sự tham gia được tổ chức tốt, xây dựng trên lòng khiêm cung của những người tham gia (lãnh đạo cũng như thừa hành) cuối cùng sẽ dẫn đến một trật tự công bằng, thừa nhận thẩm quyền đồng thời với trách nhiệm.

Liên đới:Hậu quả của 4 cột trụ trước đây, con người được kêu gọi hãy liên đới với nhau, để có thể giúp đỡ những người có ít khả năng, ít hiểu biết hay ít phương tiện. Mỗi người phục vụ lẫn nhau, nhưng cách riêng, phục vụ người cùng khổ. Sự liên đới xã hội xây dựng cách cụ thể xã hội như một đơn vị các con cái Thiên Chúa. Đặc biệt, một xã hội được tổ chức tốt, một xã hội Thiên Chúa giáo gắn bó chuyên tâm cống hiến những dịch vụ cho những người thua thiệt nhất, những người cùng khổ nhất, những người lâm vào đường cùng. Chính vì chúng ta cũng đã lâm vào đường cùng mà Chúa Giêsu đã đến cứu vớt chúng ta. Giống như hình ảnh Ngài, chính bằng cách giúp đỡ những người cùng khổ mà chúng ta có thể giúp đỡ toàn thể xã hội. Đó là điều người ta gọi là ưu tiên lựa chọn người nghèo khó.

Câu hỏi 8

GHXHGH có uy thế không? Có những gì của GHXHGH tỏ ra là “trội hơn” so với những gì được nói về xã hội ngày hôm nay?

Có nhiều ! Người ta có thể ngạc nhiên khi nhận thấy Giáo Hội độc đáo đến chừng nào nếu so sánh với xã hội ngày nay và đồng thời, Giáo Hội đã có thể ảnh hưởng như thế nào.

Hãy lấy một thí dụ: Giáo Hội coi rằng lao động không phải là một sự trừng phạt của Thiên Chúa; lao động chính là điều làm nên phẩm giá con người, khiến con người đáng kính. Và như thế, phải tổ chức lao động để cho phẩm cách con người được thực sự xiển dương qua lao động.

Đó là một nhãn quan rất khác với điều mà người ta thường nói: lao động là phải trốn, đó là bóc lột.

Giáo Hội nói rằng, nếu là bóc lột, thì là lúc lao động không giúp cho người lao động trở nên đáng kính. Như vậy, thực tế là phải đấu tranh để thay đổi cung cách lao động.

Một thí dụ khác: Giáo Hội coi gia đình là một tế bào cơ bản của xã hội. Không phải vì truyền thống, mà bởi vì tình yêu gia đình che chở con cái, nuôi lớn con cái (hay không) trong những điều kiện tốt đẹp và quyết định cả cuộc đời con cái. Như vậy, phải giúp các gia đình hoàn thành nhiệm vụ giáo dục của nó. Nhà Nước hay một tập thể không khi nào được thay thế tế bào đó đã được xây dựng trên tình yêu.

Thêm một thí dụ nữa: về môi trường và sinh thái ; Giáo Hội từ lâu đã có cái nhìn rất nghiêm khắc đối với những người phí phạm tài nguyên và ngăn chặn không để các thế hệ tương lai thụ hưởng. Điều này không phải mới từ những năm gần đây, nhưng từ một nguyên tắc theo đó chúng ta chỉ là những người quản lý của cải mà Chúa đã trao gửi. Giáo Hội đã nói chuyện này từ trước khi có hiện tượng sinh thái trở thành một lối thời trang.

Hơn nữa, một trong những bài viết quan trọng ; ngày nay đã gợi ý cho những nhà sinh thái học và có tên là Cái nhỏ thì đẹp (Small is beautiful) đã được viết trong những năm 1980 bởi Fritz Schumacher, một người Công Giáo sùng đạo, được trực tiếp gợi ý bởi GHXHGH ! Thí dụ khác: Nguyên tắc bổ trợ, một trong 5 trụ cột của GHXHGH (x. trên đây) đã được những sáng lập viên của châu Âu (ba sáng lập viên là: Konrad Adenauer người Đức, Robert Schuman người Pháp, và Alcide de Gasperi người Ý đều là những người Công Giáo rất năng nổ) sử dụng như là nền móng để xây dựng một cộng đồng: nó đã được công khai nhắc tên trong bản tân hiệp ước Lisboa.

Câu hỏi 9

Cái gì cho thấy GHXHGH có thể giúp ích cho tôi?

Đơn giản là giúp sống tốt đời sống Kitô hữu.

Nhiều người Kitô giáo đau khổ vì sự phân chia giữa đời sống “thiêng liêng” và đời sống “trần thế” của mình, giữa mong muốn trung thành với chúa Giêsu, và những khó khăn để giữ lòng trung thành trong thế giới ngày hôm nay. Thật ra, đó là sự sai lầm. Chính trong thế giới và chỉ có trong thế giới mà người ta có thể sống trung thành với Chúa Giêsu. Và như vậy cần phải có những nền móng vững chắc: làm sao có thể công chính nơi làm việc, trong gia đình ; trong đời sống xã hội?

Thứ đến, GHXHGH có thể giúp có được một ý kiến về xã hội, trên cái gì là tốt hay không tốt. Thật là quan trọng, ngày nay khi người ta có cảm tưởng rằng mọi ý kiến đều giống nhau và rằng như thế thì những lựa chọn Kitô giáo cũng chỉ là những ý kiến trong những ý kiến khác. Người ta sẽ bị cuốn đi theo một làn sóng vô cảm, a dua và cuối cùng là tội lỗi.

GHXHGH có thể cung cấp những tiêu chuẩn để đánh giá tình hình, để có một ý kiến: nó không phán đoán thay chỗ chúng ta nhưng nó giúp chúng ta phân định. Thật là quan trọng vì, lần nữa, phần lớn cuộc đời chúng ra là ở trong xã hội…

Và thí dụ, khi một đạo luật được ban hành hay trong một cuộc tranh luận, rất hữu ích khi tự nhủ có thể trông cậy vào kho tàng quý báu của Giáo Hội để soi sáng thông minh cho ý kiến chúng ta phù hợp với đức tin của chúng ta ! Và như vậy phải coi xem GHXHGH nói gì về vấn đề này …

Vì vậy phải biết và phổ biến GHXHGH. Quá nhiều lúc người ta nghe nói rằng Giáo Hội không có ý kiến gì về vấn đề như thế, hay chỉ là những ý kiến cổ hủ: nhưng liệu người ta đã cất công đi coi xem thực sư Giáo Hội đã nói những gì chưa?

Câu hỏi 10

Làm cách nào tôi có thể được huấn luyện về GHXHGH?

Bằng cách đọc truớc đã. Nhất là Sách Giáo Lý và Tóm Lược GHXHGH.

Hơn nữa, những khóa huấn luyện được tổ chức gần như ở khắp mọi nơi. Trên mạng internet có nhiều thứ.

Hành trình đặc biệt đã được đề nghị, hành trình Da-kêu, đã dần dần mở rộng ra các thành phố ở Pháp (và cũng ở Hoa Kỳ): nó giúp thực hiện cụ thể và sống như Kitô hữu trong xã hội ngày nay. Có những khóa đào tạo khác được cống hiến ở chỗ này, chỗ kia, thường hay dưới hình thức các cuộc hội thảo.

Điều quan trọng là phải cựa quậy, phải tìm cách học hỏi. Chính là một hành động quan trọng đầu tiên là nói được với mình: “cuộc đời hàng ngày củng phải được soi sáng bởi Đức Kitô. Tôi phải coi đây là chuyện nghiêm túc”. Và hạnh phúc nhường bao khi nhận thấy rằng tổng cộng những suy nghĩ và đề nghị này, ít được các tín hữu Kitô giáo biết đến, lại là một kho tàng đích thực.

Trích Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo

2419 “Mặc khải Ki-tô giáo đưa ta đến sự hiểu biết sâu xa hơn về những luật lệ của đời sống xã hội” (x. GS 23,1). Qua Tin Mừng, Hội Thánh nhận được mặc khải trọn vẹn chân lý về con người. Khi chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng, Hội Thánh nhân danh Ðức Ki-tô, xác nhận cho con người biết phẩm giá riêng và ơn gọi hiệp thông của con người. Hội Thánh dạy cho con người biết các yêu sách của công lý và hòa bình, hợp với ý định khôn ngoan của Thiên Chúa.

2420 Trong lãnh vực kinh tế và xã hội, Hội Thánh chỉ đưa ra một phán đoán luân lý “khi các quyền căn bản của con người hoặc phần rỗi các linh hồn đòi hỏi” (x. GS 76,5). Về mặt luân lý, Hội Thánh có sứ mạng khác với chính quyền: Hội Thánh quan tâm đến các khía cạnh trần thế của công ích vì chúng qui hướng về Sự Thiện tối thượng, là cứu cánh tối hậu của chúng ta. Hội Thánh cố gắng phổ biến những lập trường đúng đắn đối với của cải trần thế và với các quan hệ kinh tế xã hội.

2421 Học thuyết xã hội của Hội Thánh được phát triển vào thế kỷ thứ XIX khi Tin Mừng tiếp xúc với xã hội kỹ nghệ tân tiến, với các cơ cấu mới để sản xuất các sản phẩm tiêu thụ, với khái niệm mới về xã hội, về quốc gia và quyền bính, với các hình thức mới của lao động và quyền sở hữu. Sự phát triển học thuyết kinh tế và xã hội của Hội Thánh, xác nhận giá trị vững bền của quyền giáo huấn, cũng như cho thấy ý nghĩa đích thực của Truyền Thống luôn luôn sống động và tích cực (x. CA 3).

2422 Học thuyết xã hội của Hội Thánh là tập hợp các lời dạy của Hội Thánh về các biến cố lịch sử, dưới ánh sáng mặc khải của toàn bộ Lời Chúa, và sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần (x.SRS 1,41). Những người thiện chí dễ dàng chấp nhận giáo thuyết này, khi chúng được các Ki-tô hữu thể hiện trong đời sống.

2423 Học thuyết xã hội của Hội Thánh đề ra những nguyên tắc suy tư, những tiêu chuẩn phán đoán, những đường hướng hành động:

Bất kỳ thể chế nào chỉ căn cứ vào các yếu tố kinh tế để quyết định những mối tương quan xã hội, đều nghịch với bản chất của con người và của các hành vi nhân linh (x. CA 24).

2424 Về mặt luân lý, không thể chấp nhận một lý thuyết coi lợi nhuận là qui luật tuyệt đối và mục đích tối hậu của sinh hoạt kinh tế. Sự ham mê tiền của quá độ đưa đến những hậu quả tai hại. Ðây là một trong những nguyên nhân gây rối loạn trật tự xã hội (x. GS 63,3; LE 7; CA 35).

Những thể chế “đòi hy sinh những quyền lợi căn bản của cá nhân và đoàn thể cho tổ chức sản xuất tập thể” đều đi ngược với phẩm giá con người (x. GS 65). Những gì biến con người thành phương tiện thuần túy để trục lợi, đều nô lệ hóa con người, đưa tới việc tôn thờ tiền bạc và góp phần truyền bá chủ nghĩa vô thần. “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (x. Mt 6,24; Lc 16,13).

2425 Hội Thánh phi bác các ý thức hệ chuyên chế và vô thần đang hoạt động dưới hình thức “chủ nghĩa cộng sản” hoặc “chủ nghĩa xã hội”. Mặt khác, Hội Thánh cũng phi bác chủ nghĩa cá nhân và việc coi luật thị trường là qui luật tối thượng trên lao động của con người, trong cách thực hành của “chủ nghĩa tư bản” (x. CA 10; 13;44). Ðiều hành kinh tế chỉ dựa trên kế hoạch tập trung sẽ phá hủy tận gốc các mối liên hệ xã hội; điều hành chỉ dựa theo qui luật thị trường sẽ vi phạm công bằng xã hội. “Thị trường không thể thỏa mãn được những nhu cầu muôn mặt của con người” (CA 34). Người tín hữu phải tác động vào thị trường và các sáng kiến kinh tế, để có được một điều hành hợp lý dựa trên một bậc thang giá trị đúng đắn và vì công ích.

Nguồn: Truyền Thông GHXHCG




Tư Tưởng Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo… Qua 10 Câu Hỏi Reviewed by Unknown on 1/07/2013 Rating: 5 Tác giả: Pierre-Yves, sáng lập viên “Hành trình Da-Kêu” (GHXHGH trong đời số hàng ngày), giáo sư trường Đại Học Quản Trị Lyon (Pháp) Ma...

Không có nhận xét nào: