Ảo Tưởng, Ảo Tưởng, Rặt Ảo Tưởng … Dzưng Mà Rất Cần! - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
13 tháng 2, 2013

Ảo Tưởng, Ảo Tưởng, Rặt Ảo Tưởng … Dzưng Mà Rất Cần!

Phạm Toàn - Đôi lời thủng thẳng

Hôm qua mồng một Tết. Tôi dậy sớm, ăn qua loa mấy miếng, rồi đón taxi về quê thăm mộ ông bà cha mẹ (không thăm được bà ngoại, vì bà nghỉ ở nghĩa trang Quán Dền ở khu Nhân Chính), lễ tổ, rồi phong bao bác Cả 95 tuổi, phong bao em dâu 75 tuổi và hai đứa cháu, vèo một cái đã hết non nửa tháng lương hưu, đành bấm bụng xa quê, lại đón taxi ra ngay Hà Nội, xét về động cơ thầm kín, không hiểu là nhằm tránh các cuộc gặp gỡ đầu năm gây biết bao sợ hãi, hay là thực lòng muốn về nhanh để tranh thủ làm việc, nghỉ Tết nửa ngày đã quá đủ rồi!

Nguyễn Ngọc Giao

Mở máy ra, gặp ngay chuyện vui hơn cả những lời chúc Tết năm mới nhàn nhạt kiểu Mừng Đảng Mừng Xuân: Nguyễn Ngọc Giao và bài viết quá hay * liên quan đến … liên quan đến gì nhỉ? … Giời ạ! Khi Nguyễn Ngọc Giao đã viết, thì hiếm có bài nào lại chẳng liên quan đến điều gì đó vô cùng quan trọng của đất nước. Có điều là, bài của Nguyễn Ngọc Giao bao giờ cũng như một tiếng còi của trọng tài, hoặc đúng hơn, như những lời giảng giải sau khi trọng tài tuýt coi. Nhưng buồn là ở đời có nhiều người chẳng chịu nhận ra sự xung đột khi nhận đường. Tôi đọc những lời giảng giải của Nguyễn Ngọc Giao và nhìn thấy một quá trình giằng co trong nhận thức của ông trọng tài, và từ đó mà thấy việc Nguyễn Ngọc Giao tự giải đáp cho chính mình nhiều điều người đời cũng đang cần được giải đáp. Những người ấm ức với bài phân tích của Nguyễn Ngọc Giao cần nhớ rằng: lý ra, Nguyễn Ngọc Giao thừa sức để là một người hùng ở Bên Thắng Cuộc; hình như vị giáo sư Toán trẻ tuổi đó thực sự mang một lý tưởng cao đẹp định gây dựng một cơ đồ chung. Nhưng sự thông minh và tính trung thực của người trí thức chắc chắn đã buộc Nguyễn Ngọc Giao phải có những lời khuyên nghịch nhĩ đối với những kẻ đang thắng cuộc. Những lời khuyên khiến cho những kẻ được khuyên ngớ người ra: ô thế ra lâu nay anh vẫn chống lại chúng tôi à? Những người ấm ức với bài phân tích của Nguyễn Ngọc Giao cũng cần biết rằng tác giả đã từng trong gần hai chục năm bị cấm đặt chân về nước – hè hè hè, không được cấp visa thì về bằng cách gì nhỉ dù rằng mình đúng là Việt kiều yêu nước?

Bài phân tích của Nguyễn Ngọc Giao có mấy điểm tôi thấy là rất quan trọng.

Điểm thứ nhất là việc xác định lại các khái niệm thay cho những cách nói năng hồ đồ, hấp tấp, cảm tính, võ đoán, áp đặt. Chẳng hạn, chỉ một cách thay đổichiến tranh giải phóng thành chiến tranh giải phóng dân tộc, và chỉ cần một thí dụ đưa ra, thế là mọi sự đã bày ra rõ hết – Nguyễn Ngọc Giao viết:

“ … Chính xác phải nói “chiến tranh giải phóng dân tộc”, đối tượng của sự giải phóng là dân tộc, mục tiêu của nó là chấm dứt sự thống trị của nước ngoài. Chiến tranh giải phóng thắng lợi, dân tộc tự do, nhưng người dân không nhất thiết được tự do: điều này đã từng thấy trong nửa sau thế kỉ XX tại các nước thuộc địa, trong đó có nước ta. Phân biệt tự do cho dân tộc và tự do cho công dân, chúng ta mới bình tĩnh đọc câu nói ý nhị của Huy Đức trong lời mào đầu tập 1: “Cuốn sách của tôi bắt đầu từ ngày 30-4-1975 — ngày nhiều người tin là Miền Bắc đã giải phóng Miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là Miền Bắc”. Tác giả chơi chữ, nhờ đó mà nhiều người hả hê, không ít người bực bội, nhưng đằng sau sự chơi chữ là một sự thật khó chối cãi (chỉ lấy một thí dụ cụ thể: tự do báo chí ở Sài Gòn (mặc dầu chính quyền Thiệu chuyên nghề “hốt cắt đục”) đã biến mất sau ngày 30.4.75, về sau đã nhen nhúm một chút trên báo chí cả nước, bắt đầu từ những tờ báo Thành phố như Tuổi Trẻ). Tất nhiên, điều này không liên quan tới nền độc lập dân tộc mà chúng ta cần trở lại để bàn về bản chất cuộc chiến tranh”.

Điểm quan trọng thứ hai trong bài viết của Nguyễn Ngọc Giao là việc nó không cần lặp lại Huy Đức về sử liệu nhưng nó làm hiện rõ lên những điều Huy Đức muốn phân tích nhưng không thể phân tích tường minh (lộ liễu) vì muốn giữ vẻ khách quan của một nhà báo muốn viết báo theo lối dân chủ − và theo tôi, đây là phân tích quan trọng nhất, thường đã nằm rải rác khắp bài viết, nhưng cuối cùng không “nhịn” được, đã được tập trung lại ở mục về trách nhiệm của các bên. 

Nguyễn Ngọc Giao viết và xác định rõ:

“cuộc chiến tranh đã mở đầu từ những quyết định ở Paris và Hà Nội. Khi cuộc chiến tranh lần thứ nhất kết thúc, quyết định đã được lấy từ Moskva, Bắc Kinh, Việt Bắc một bên, và từ Washington DC, London, Paris, thể hiện ở Genève ngày 21.7.1954. Còn toàn bộ cuộc chiến tranh lần thứ nhì, từ năm 1955 đến đêm 29.4.1975, hai trung tâm quyết định, và chỉ có hai trung tâm đó thôi, là Hà Nội và Washington DC”.

Các bên không còn có thể đổ tội cho ai khác, không thể đổ vấy cho hoàn cảnh này nọ. Ngọn cờ trong tay anh, anh phải chịu trách nhiệm. Chuyện trách nhiệm bên ngoài nói mà làm gì, Nguyễn Ngọc Giao dũng cảm nói toạc chính kiến của mình về nguồn gốc của trách nhiệm với những người luôn luôn “đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác” ở ngay trong nước và ở chuyện khó nhằn nhất: nội chiến hay không nội chiến:

“Vậy thì nội chiến ở Việt Nam bắt đầu bao giờ và như thế nào ? Sẽ cần những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc để làm sáng rõ vấn đề, nhưng ở đây và bây giờ, người viết bài này muốn khẳng định, với tất cả tinh thần trách nhiệm: từ chính sách mao-ít của Đảng cộng sản Việt Nam sau năm 1950”.

Có muốn cãi không? Này thì thử cãi đi nào:

“Với chủ trương quy định thành phần giai cấp một cách thô bạo (có thể nói : lưu manh, ít nhất trong cách thực hiện) trong cuộc chỉnh huấn quân đội, chỉnh đảng, rồi cải cách ruộng đất, ĐCSVN đã đi ngược lại chính sách đoàn kết dân tộc chống thực dân đế quốc, xua đẩy sang hàng ngũ đối phương các thành phần trung phú nông, tiểu tư sản, tư sản, nhân sĩ, trí thức…”

Cãi nữa đi coi nào:

“Chính đường lối “tả khuynh” theo kiểu Stalin và Mao thực hiện từ năm 1951 này đã “bưng mâm bầy cỗ” cho Mĩ một cơ sở xã hội rộng rãi mà họ chưa từng dám mơ ước…”

Ảo tưởng

Trên kia đã nói đến bài viết của Nguyễn Ngọc Giao với hai điểm quan trọng, thứ nhất là xác định rõ khái niệm, và điểm quan trọng thứ hai là xác định rõtrách nhiệm.

Bây giờ, cho tôi nói đến điểm quan trọng thứ ba, đó là cái hoặc những ảo tưởng cố hữu, toát lên từ toàn bộ bài viết. Cái ảo tưởng muốn con người có đủ sức trong Trí và Tâm dám thanh thản tiếp nhận nuốt quả đắng để nhảy một bước nhảy sinh mệnh cho cá nhân họ, cho tập đoàn của họ, vì một tương lai sống còn chững chạc của đất nước Việt chúng mình. Cái ảo tưởng ấy sinh ra giọng văn mềm mại đến mức quyết liệt và vì thế không sao che dấu nổi chút cay đắng của kẻ nhìn thấy con tàu đang chìm.

Cho tôi phân tích tí ti: trong giới tinh hoa (là đối tượng của các ảo tưởng Nguyễn Ngọc Giao chứ gì?), cái lớp tinh hoa nằm cả trong thành phần có thực quyền (mainstream) và cả trong thành phần chầu rìa (marginal), hiện thời có lẽ được chia thành ba hạng người mà mẫu số chung là sự tha hóa (cái ấy mới đau chứ!), chúng được phân bố từ tầng thấp nhất đến tầng cao nhất như sau.

Một hạng chẳng biết mô tê gì cả, chỉ nhắm mắt làm công cụ và khi có cơ hội thì cũng tranh thủ hít chút bã mía (do chỗ đàn voi này to nên đống bã mía cũng to, và cũng không phải là không có gì đậm đà hấp dẫn).

Một hạng chỉ biết đến đạo đức, cái thứ đạo đức cả thật lẫn giả đan xen nhau nhuần nhuyễn, hành vi của hạng này giống nhau ở chỗ chỉ biết rao giảng nhưng mó tay vào làm thật thì việc nào cũng không đến nơi đến chốn. Nhưng xin đừng nghĩ là hạng này không biết kiếm chác: trong một không gian hình cầu chỉ có những đường cong.

Một hạng thứ ba còn lại chiếm bao nhiêu phần trăm không thật rõ, là bọn khuấy đảo cả ở tầm vĩ mô cũng như ở cấp độ vi mô, bọn tội phạm chưa bị tóm cổ vì đang được hai hạng bên trên vô tình hoặc cố tình bao che.

Con thuyền Tổ quốc sẽ trôi giạt về đâu?

Tôi chỉ còn cầu mong vào một điều: cái Bất ngờ trong Lịch sử.

Mồng 2 Tết, Hà Nội

Ảo Tưởng, Ảo Tưởng, Rặt Ảo Tưởng … Dzưng Mà Rất Cần! Reviewed by Unknown on 2/13/2013 Rating: 5 Phạm Toàn - Đôi lời thủng thẳng Hôm qua mồng một Tết. Tôi dậy sớm, ăn qua loa mấy miếng, rồi đón taxi về quê thăm mộ ông bà cha mẹ ...

Không có nhận xét nào: