Khi Người Thân Bị Gán Tội Chống Chế Độ - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
27 tháng 2, 2013

Khi Người Thân Bị Gán Tội Chống Chế Độ

Nhóm Chuyên gia Tâm lý VIỆT HƯỚNG DƯƠNG (15.2.2013) Trước hiện tượng ngày càng nhiều gia đình có người thân bị gán ghép vào tội “chống nhà nước”, cái giá của tương lai đất nước không chỉ đang được trả bằng sự hy sinh cao cả của các nhà dân chủ trong tù, mà còn được trả bằng những lo âu, buồn khổ của bằng đó gia đình. Chúng tôi, những anh chị em trong ngành tâm lý thuộc nhóm Việt Hướng Dương, xin gởi đến quí bạn những đóng góp, tư vấn tâm lý sau đây với ước mong giúp đem lại sự bình tĩnh và bình an cho những tấm lòng vị tha cao quí.

Thông thường, theo phản ứng tự nhiên, khi rơi vào những trường hợp như có người thân bị nhà nước bắt cóc, bắt giam đột xuất, mỗi người chúng ta thường trải qua một số trạng thái tâm lý tiêu biểu. Nếu biết trước và nhận dạng được các giai đoạn mà mình đang trải qua, chúng ta sẽ dễ điều hướng được xúc cảm và hành động của mình để nhanh chóng lấy lại quân bình, và tỉnh táo chọn lựa những việc tích cực nhất.
Tùy theo mỗi người, các giai đoạn tâm lý có thể diễn ra theo trình tự sau đây nhưng cũng có thể tán loạn, không theo thứ tự nào:

1. Giai đoạn bị sốc: Thường bắt đầu bằng sự ngạc nhiên bàng hoàng. Có người khi nghe tin người thân của mình bị bắt liền tự phủ nhận điều mình nghe, không tin đó là sự thật. Có người không còn biết cảm xúc của mình là gì nữa. Đây cũng là giai đoạn đầu tiên mà hệ thống tâm lý cũng như thể chất của chúng ta được vận dụng để đối phó với tình cảnh căng thẳng trước mặt. Thường bạn sẽ thấy mình có những cảm giác bồn chồn, tim đập mạnh hơn, dễ toát mồ hôi, đầu óc khó tập trung, mất ăn, mất ngủ, và liên tục nghĩ về việc người thân bị bắt cũng như cách nào để cứu người thân của mình. Đây là những phản ứng sinh tồn tự nhiên để bảo vệ chính mình và thôi thúc chúng ta bảo vệ người thân. Sau lúc sốc ban đầu, bạn có thể bắt đầu có cảm giác sợ hãi. Cảm giác sợ hãi này nếu lên đến cao độ, có thể sẽ đóng ập cánh cửa, che kín khả năng suy nghĩ sáng suốt và lý trí tinh tường thường ngày của bạn. Điều quan trọng là chúng ta cần nhận diện phản ứng sinh tồn tự nhiên này và nhắc nhở chính mình rằng: “nếu bình tâm lại, chúng ta sẽ ứng phó hữu hiệu hơn.”

2. Giai đoạn bực tức hay uất giận: Thường bắt đầu khi nổi lên trong đầu chúng ta những câu hỏi tại sao. Tại sao chuyện bắt bớ lại có thể xảy ra cho người thân của mình? Tại sao họ lại có thể đối xử với người thân mình như vậy? Tại sao không ai cứu người thân của tôi? …. Từ đó, chúng ta dễ có khuynh hướng đổ lỗi, đổ trách nhiệm cho chính nạn nhân, cho một người hay nhóm người nào đó, hay ngay cả cho một sự kiện nào đó đã xảy ra từ trước. Đây cũng là một phản ứng rất tự nhiên. Hệ thống tâm lý của chúng ta đang cố gắng lấy lại thăng bằng và điều hành lại cuộc sống bằng cách đi tìm những câu trả lời hợp lý, để không thấy quá hụt hẫng. Cảm giác thường đi chung với tiến trình suy nghĩ trên là sự bực tức hay uất giận. Cường độ của cảm giác này ở mỗi người khác nhau tùy theo kinh nghiệm quá khứ, tâm tính, và khả năng đối phó của mỗi cá nhân. Ai từng gặp những nguy cơ hay kinh nghiệm bị bạo hành, xúc phạm, đớn đau tinh thần thể xác trong đời, thường có phản ứng mạnh hơn để bảo vệ mình hay người thân, do sự việc diễn ra ở hiện tại có thể chà xát lại vết thương từ qúa khứ. Có người trở nên dễ bực bội nóng giận, dễ gây sự với người chung quanh. Chúng ta càng dễ mất thăng bằng nếu có thêm những lời đe dọa khủng bố từ nhà nước và công an. Việc chế dầu vào lửa của họ dễ đưa chúng ta đến cảm giác bất lực. Và trong lúc không biết làm gì, chúng ta dễ chuyển sự trách cứ lên đầu những người mà chúng ta NGHĨ LÀ đã gây nên vấn nạn cho người thân của mình. Một số cách có thể giúp chúng ta bớt bị khống chế bởi những cảm xúc này bao gồm: Bày tỏ tâm trạng đang có của mình với một người bạn đáng tin cậy; chú trọng vào công ăn việc làm; tìm cơ hội vận động cơ thể nhiều hơn; cầu nguyện nhiều hơn; v.v.

3. Giai đoạn thương lượng: Thường thì chúng ta đều muốn làm điều gì đó để giúp người thân của mình thoát cảnh tù ngục. Người có niềm tin tôn giáo thường thề nguyện nếu được tai qua nạn khỏi thì sẽ đánh đổi bằng một hành động tôn giáo nào đó, xuống tóc, ăn chay, tuần cửu nhật, ... Ở giai đoạn này, nếu đánh hơi được, phía nhà nước và công an có thể khai dụng tâm lý đó để đặt điều kiện đòi buộc gia đình phải hợp tác với họ. Câu hỏi quan trọng tại điểm này là: “Người thân của chúng ta thực sự muốn gì?”, “Điều ta sắp làm có thực sự vì người thân không hay chỉ để thực hiện ý nguyện của ta?”.

Gần đây, chúng ta có một thí dụ tuyệt vời trong trường hợp bị bắt giam của chị Phạm Thanh Nghiên, người con gái chống Trung Quốc xâm lược với tinh thần sắt thép dù ở trong hay ngoài nhà tù. Chính chị Nghiên tin rằng sự ủng hộ của gia đình đã giúp chị vượt khó. Khi công an xông vào nhà bắt chị Nghiên đem đi, mẹ chị bảo con rằng: “Con đã xác định rồi thì cứ đi đi, cố gắng giữ gìn sức khỏe, không phải lo gì cho mẹ.”

Nhà dân chủ Blogger Nguyễn Tường Thụy còn cho biết: “Không chỉ là mẹ Nghiên, cả gia đình Nghiên đều tự hào về cô và ủng hộ việc làm của cô. Chính đây là hậu thuẫn rất lớn giúp cô vượt qua những năm tháng đầy thử thách.”

Do đó, điều tích cực nhất mà chúng ta có thể làm được lúc này cho người thân của mình là cần tin tưởng, ủng hộ lập trường và việc làm cao quí của họ. Những toan tính thương lượng với công an rồi chối bỏ hay trách cứ người thân ít khi mang lại kết quả tích cực, mà sau cùng thường chỉ đẩy người thân vào tâm trạng cô độc hơn nữa trong ngục tù.

4. Giai đoạn trầm cảm: Đây cũng là một cảm giác rất thông thường khi chúng ta gặp nạn và chưa thấy lối ra. Trong thời kỳ này, các hóa chất tự nhiên trong não cho mục tiêu tạo năng lực hoạt động bị giảm xuống, các hóa chất nhằm điều phối sự ăn ngủ và các sinh hoạt hàng ngày cũng giảm xuống, nhưng những hóa chất tạo căng thẳng lại tăng lên. Tùy theo mức độ, tình trạng trầm cảm có thể khiến chúng ta mất dần sức làm việc, mất ý chí đối phó với các khó khăn, mất những niềm thích thú trong sinh hoạt hàng ngày. Việc ăn uống, ngủ nghỉ trở nên bất thường. Chúng ta có thể bi quan hơn, suy nghĩ tiêu cực hơn, và dễ bực bội với người chung quanh hơn. Thái độ này làm chúng ta càng bị cô lập bế tắc và càng buồn chán. Điều quan trọng tại điểm này là sự tự nhắc nhở. Tự nhắc tâm trạng này là phản ứng bình thường. Sự trầm cảm không phải là sự yếu đuối của chúng ta, mà chỉ là phản ứng sinh tồn thông thường của tâm thể lý con người khi gặp nạn. Chúng ta có thể vượt qua được bằng cách tiếp tục những sinh hoạt thường ngày; gia tăng vận động cơ thể như làm việc nặng, tập thể dục, đi bộ, làm vườn, v.v….Những sinh hoạt này thúc cơ thể tiết ra loại hóa chất giúp xoa dịu vết thương lòng, hay nâng cao trở lại những hóa chất tạo năng lực sống và giữ vững tinh thần. Việc gặp gỡ chia sẻ buồn lo của mình với những người thân thiết và việc nhận được tình thương hỗ trợ của người chung quanh cũng giúp não bộ tiết ra những hóa chất ích lợi khác để xoa dịu những căng thẳng âu lo.

Ngoài ra khi tiếp tục lên tiếng ủng hộ cho người thân và những người tù lương tâm khác, chính chúng ta sẽ cảm thấy mạnh mẽ hơn. Việc làm này tạo ý nghĩa sống và sức mạnh tinh thần cho chúng ta.

Thật vậy, nhiều nghiên cứu ngày nay cho biết, cảm giác vui khỏe của chúng ta 50% là do di truyền, 10% do hoàn cảnh, và 40% còn lại do sự lựa chọn làm những điều đưa đến sức mạnh tinh thần hay sự bình an. Nếu chúng ta làm cả ba điều: 1) vận động thể chất thường xuyên; 2) chia sẻ tâm tình với người thân, bạn bè hay thực hành nếp sống đức tin; 3)làm điều tốt ích lợi cho người khác, thì xác suất chúng ta bị trầm cảm lâu dài sẽ rất thấp. (nên thêm phương pháp tìm gặp các lãnh đạo tinh thần như các linh mục, mục sư…để tham vấn, chia sẻ và lắng nghe

Nhận định của họ về sự việc của người thân). Một thí dụ điển hình là trường hợp của chị Dương Thị Tân, người thân của blogger Điếu Cày. Mặc dù bị công an khủng bố thường xuyên, như xông vào nhà giữa khuya, bị ép xe, đạp ngã, bị buộc nộp phạt thuế bất công và nặng nề, rồi phải lo liệu để đi thăm anh Điếu Cày hết trại giam này đến trại giam khác, chị Dương Thị Tân vẫn làm việc thiện nguyện.

Theo lời kể của blogger Uyên Vũ: “Chị Tân còn là một tấm gương về nghị lực sống, về tinh thần dấn thân và tình liên đới. Chị đã bảo bọc blogger Tạ Phong Tần nhiều năm tháng, đã hành xử như một thành viên gia đình khi thăm viếng, chia sẻ nỗi đau lúc mẹ cô Tạ Phong Tần qua đời… bất chấp mọi hiểm nguy, hệ lụy vì hành động này.”

Trong một lần trả lời phỏng vấn về phiên tòa xử Điếu Cày, chị Tân nói: “Gia đình tôi luôn tin tưởng vào ý chí đấu tranh cũng như lý tưởng của ông. Chúng tôi luôn tự hào và ủng hộ ông vì có những việc mà ông Hải làm cho đến giờ này nhà cầm quyền mới dám nói. Ông luôn nghĩ những việc ông làm là vì đất nước này và không có gì là tội lỗi”.

Thái độ, lời nói, và hành động đó là nguồn lực không chỉ giúp chị Tân thoát khỏi trầm cảm mà còn giúp anh Điếu Cày vững chí, ấm lòng trong tù. Đồng thời, làm rõ hơn việc bắt bớ, giam cầm sai trái của công an và chính quyền ngày càng được nhiều người, nhiều tổ chức trong và ngoài nước nước biết đến, để từ đó họ lên án, chỉ trích

5. Giai đoạn chấp nhận và bình an: Chấp nhận ở đây không phải là chấp nhận hành động sai trái của nhà nước, nhưng là chấp nhận sự việc người thân chúng ta bị bắt. Sự chấp nhận này có thể cho bạn một sức mạnh mới vì khi đã chấp nhận, bạn không còn để vấn nạn hoành hành dằn vặt tinh thần mình nữa. Lúc đó bạn có sức hơn để nghĩ tới những phương cách hỗ trợ người thân trong lao tù và làm những điều ích lợi nhất trong khả năng của bạn.

Một thí dụ điển hình là trường hợp của người yêu và gia đình anh Paulus Lê Văn Sơn, một thanh niên công giáo đang bị tù. Blogger Người Buôn Gió thuật lại một phần tâm trạng bình an này như sau: “Hôm nay tôi thấy đời thật đẹp. Đẹp vì hôm nay tôi cảm nhận được ý nghĩa, cái tình của những nhạc sĩ đầy lòng trắc ẩn với tha nhân. Đẹp vì tôi gặp được người con gái tốt nghiệp đại học văn khoa, giã từ phố phường hoa lệ với công việc nhàn nhã thu nhập cao, trở về mảnh ruộng, miếng vườn quê sống cuộc đời thanh bạch chờ đợi người yêu sẽ về từ ngục tối. Cô gái đeo kinh trắng đứng bên trái (trong tấm ảnh) là người yêu của Lê Văn Sơn. Sơn chính là người mới hôm qua báo công an miêu tả là một kẻ ngoan cố không chịu nhận tội trong vụ án mười mấy thanh niên Công Giáo bị bắt hồi năm ngoái. Cả gia đình cô từ bố mẹ, anh chị đều hiểu việc làm của người yêu cô. Ông bố cô nói với tôi chắc nịch: “Thằng Sơn là người tốt.” Một người tù mà có người yêu và gia đình người yêu nghĩ về mình như thế, ngàn lần không thể là người xấu. Một người sắp bị kết án tù mà vẫn có người yêu đợi chờ mình như thế, không phải là người đáng trân trọng hay sao. Tôi không muốn đập lại bài báo thay toà kết tội trước, những loại bài chứa đựng sự hiểm ác, hằn học đó nhưng hãy kệ chúng chết đi bởi tính vô nhân mà chúng đội nặng trên đầu. Tôi chỉ muốn đưa lời ca nhân ái của những nhạc sĩ tài hoa, đưa hình ảnh người con gái trung trinh chờ đợi người yêu trong một xã hội điên đảo như bây giờ, để mọi người phán xét. Chẳng ai muốn mình vào tù, nhưng nếu biết rằng mình phải chịu cảnh tù đầy mà có người con gái yêu thương mình đến thế, ai mà chả ước mơ phải không.”

Rút gọn lại, chúng ta rất cần nhắc nhau rằng:

1. Người thân của chúng ta chính là người đang lái chiếc xe cuộc đời của họ, nên họ biết họ đang muốn đi về đâu, họ kiểm soát được ý chí và tâm trạng của họ. Thường thì người ngồi bên cạnh hay sợ hơn và sợ giùm cho tài xế. Sự thật là người thân của chúng ta là người cầm lái nên nhiều phần họ không có sự sợ hãi như chúng ta. Chúng ta cần tránh việc suy diễn về tâm trạng của người thân từ lăng kính của mình. Ngược lại, nếu được chúng ta cố gắng đặt mình vào vai trò, vị trí của người thân để tìm sự đồng cảm và hỗ trợ tốt nhất.

2. Khi sợ hãi, chúng ta nhìn mọi việc qua lăng kính của sợ hãi. Điều này vô tình trở thành cái nhà tù trong tâm của chúng ta, che khuất những suy nghĩ sáng suốt và dẫn đến những chọn lựa tiêu cực. Trạng thái này nơi chúng ta cũng có thể làm người thân trong tù càng thêm lo lắng và ảnh hưởng hơn nữa lên sức khỏe của họ.

3. Chính sự hãnh diện của chúng ta về người thân đang bị tù ngục góp phần ghi đậm giá trị của con người và ý nghĩa của những việc làm rất nhân bản của người thân chúng ta. Điều này khẳng định họ là người đáng được trân quí và cảm phục. Không có điều gì và không có ai có thể tước đoạt được sự cao qúy của họ. Có như vậy người thân chúng ta mới có thể bước tới dù cho chế độ có muốn mạ lị hay bêu xấu họ đến thế nào đi nữa.

Sự hiểu biết, tình yêu thương đồng cảm, và lòng can đảm với ý chí quyết tâm của mỗi người chúng ta sẽ giúp nâng cao giá trị, thêm sức mạnh, thêm niềm tin và đem lại bình an nội tâm cho người thân yêu của chúng ta trong tù ngục.
Khi Người Thân Bị Gán Tội Chống Chế Độ Reviewed by Răng Ra Ri on 2/27/2013 Rating: 5 Nhóm Chuyên gia Tâm lý VIỆT HƯỚNG DƯƠNG (15.2.2013) Trước hiện tượng ngày càng nhiều gia đình có người thân bị gán ghép vào tội “chống n...

Không có nhận xét nào: