Ta Về Cho Kịp Độ Xuân Sang - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
11 tháng 2, 2013

Ta Về Cho Kịp Độ Xuân Sang


Ngô Nhân Dụng - 8.2.2013:Có một nhà báo Mỹ đang chịu búa rìu dư luận trên mạng Internet, vì một bài ông ta viết sau chuyến đi thăm Việt Nam. Joel Brinkley mở đầu bài báo trên mạng Chicago Tribune như thế này: “Bạn không cần phải ở Việt Nam lâu ngày mới thấy một điều bất bình thường.Có một nhà báo Mỹ đang chịu búa rìu dư luận trên mạng Internet, vì một bài ông ta viết sau chuyến đi thăm Việt Nam. Joel Brinkley mở đầu bài báo trên mạng Chicago Tribune như thế này: “Bạn không cần phải ở Việt Nam lâu ngày mới thấy một điều bất bình thường.

Không nghe thấy tiếng chim hót, không thấy những con sóc leo cây hay những con chuột bới đống rác. Không thấy ai dắt chó đi ngoài đường. Sự thật là, bạn không nhìn thấy con thú nào, sống hoang hay được người nuôi. Chúng đi đâu cả? Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết tại sao: Phần lớn đã bị ăn thịt.”
Joel Brinkley kể tiếp về thú vui ẩm thực của người Việt, đặc biệt là người ta ăn cả thịt chó lẫn thịt chuột. Ðó là ông chưa thấy họ ăn cả thịt rùa, ba ba, thịt rắn, thịt kỳ đà, thịt chim cút, ăn nhộng, ăn lòng lợn, gan gà, tiết canh vịt, ăn châu chấu, ăn rươi, ăn cả những con sâu “đoong” nằm trong cuống dừa. Nhiều người nghe nói tới những món đó chắc muốn hỏi có sách nấu nướng nào dạy không. Còn chàng du khách Brinkley thì nhận xét: “Người Việt thích ăn thịt, chắc ăn nhiều quá nên tính tình hung hăng hay gây sự (aggressive).”

Joel Brinkley có vẻ thích thú đã tìm thấy một định luật về “dinh dưỡng-xã hội-tâm lý-sinh lý học,” sau chuyến du lịch ba tuần! Một nhà báo (dù đã từng được giải Pulitzer), và một giáo sư dạy môn báo chí (dù dậy ở Ðại Học Stanford) cũng không nên công bố một định luật “đa khoa” (multidisciplinary) nhanh quá như vậy! Chẳng trách, một sinh viên người Mỹ viết: “May quá, ông này không dạy tôi!” Một người Mỹ khác than: “Brinkley làm xấu mặt cả giới làm báo!” Sonny ở California dùng các con số: “Về khuynh hướng hung hăng do ăn thịt gây ra thì tôi nghĩ ông đang nói về nước CHÚNG TA (nhấn mạnh trong nguyên văn), nước ông và nước tôi. Người Mỹ mỗi năm ăn trung bình 125 ký lô thịt, đứng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Luxembourg (136 kilos), so với người Việt ăn mỗi năm chỉ ăn 41 ký, đứng hàng thứ 90! Mà tôi chưa nghe nói nước Luxembourg đi đánh nhau với ai bao giờ cả!” Một độc giả khác, McElwee đã sống ở Việt Nam năm năm, cũng tự hỏi: “Không hiểu sao ông ta đi từ chỗ ghét những người ăn thịt chó và thịt chuột để liên hệ tới ý tưởng là ở Việt Nam thiên nhiên hoang dã không được bảo vệ?”

Sau khi đọc bao lời bình phẩm như trên (có cả một độc giả gốc Hàn Quốc tham dự), Joel Brinkley đã viết một bài ngắn tự phân trần. Ông nhận xét: “Người Việt Nam có vẻ rất nhậy cảm khi bị phê bình. Mà dân tộc nào chẳng vậy.” Ông nói rất chí lý, nhưng tưởng điều này ai cũng biết cả rồi. Vẫn bảo vệ định lý “ăn thịt sinh hung dữ,” ông so sánh người Việt với người Lào, Campuchia. Ông thấy dân chúng hai nước này thường chỉ ăn cơm, cho nên trẻ em nhỏ con hơn và không khôn lanh bằng trẻ Việt. Ông kết luận: “Có phải như vậy thì khi lớn lên chúng không hung hăng như người Việt Nam không? Tôi (Brinkley) tin như thế.”

Lại thêm một định luật đa khoa nữa. Ðộc giả có ai tin như thế hay không? Chắc ông Brinkley phải nghiên cứu lại xem Pol Pot và các đồng chí Khờ Me đỏ họ ăn cái gì! Một độc giả nói thẳng: “Bài trả lời của ông ta còn tệ hơn bài trước. Cứ theo lối ông ta nói về người Lào và người Campuchia thì chắc mình phải bắt các dân tộc này cứ tiếp tục nghèo và đói, để họ khỏi hung dữ...”

Trong bài trả lời, Brinkley cũng cho lên mạng một bức hình ông chụp ở Việt Nam, hình một bà đang ngồi ở chợ, trước mặt là mấy cái thau ngâm xác những con chuột trắng hếu: Ðó, trông ghê chưa? Nhưng nhiều người coi hình không thấy ghê. Cô Erica J. Peters, đã viết sách về thức ăn Việt Nam, nhận xét: “Bức hình của ông cho thấy những con vật này đã được làm sạch sẽ, giống như ở bất cứ một cửa hàng bán thịt nào!” Về chuyện giết chuột, một độc giả tên Quốc Tấn so sánh: “Ở Mỹ số chuột bị giết cao hơn ở Việt Nam gấp bội, họ gọi đó là Bảo vệ Mùa màng!”

Còn nhiều người phản đối ông Brinkley nữa, nhưng đọc bấy nhiêu lời cũng đủ. Một trong những “người Việt nhậy cảm” là cô Uyên Nguyễn, một sáng lập viên OneVietnam Network. Cô nói thẳng về bài báo: “Nó sỉ nhục. Nó đánh thẳng vào văn hóa của chúng tôi.”

Chắc cũng không cần quá nhậy cảm với một bài báo về du lịch. Một ký giả trang du lịch chỉ muốn viết mua vui, kiểu những người đi xa về thì hay nói; chắc không cố ý sỉ nhục ai hết. Tiếc là trong khi kể chuyện người viết không biết tự kiềm chế, lại đưa ra những định luật tổng quát nằm ngoài phạm vi chuyên môn của mình. Có thể tin lời Brinkley phân trần, ông ấy không hề có ý định nói xấu người Việt Nam. Ðúng kiểu người Việt Nam, tôi sẽ bảo ông: Thôi, xí xóa.

Tôi kể lại câu chuyện trên vì sau bài báo trên rất nhiều độc giả Mỹ xúm lại nói người Việt Nam rất tốt. Có người viết: “Người Việt, mặc dù họ ăn mấy món không hợp khẩu vị chúng ta, nhưng họ là một dân tộc rất dễ thương.” Tất nhiên rồi! Một người khác đã du lịch Việt Nam, viết: “Mấy năm trước tôi đi Việt Nam hai tuần... và ngạc nhiên thấy ngoài đường rất nhiều chó do người ta nuôi... Tôi chưa từng thấy dân tộc nào nồng hậu và hào phóng (warm and generous) bằng người Việt Nam. Có lần tôi đi dạo bằng xe đạp, khát nước quá, một người bán xăng đã chạy vào trong lấy ra chai nước của anh ta, cho tôi, và nhất định không nhận tiền.” Tất nhiên rồi! Người nước nào gặp người ngoại quốc cũng cư xử tốt hơn với người cùng nước họ! Những giống dân tử tế thì lại càng tốt hơn!

Mà chính người Việt, họ đâu có ngần ngại không tự kể tật xấu của mình? Nhà báo Từ Thức, ở Paris viết: “Tự hào dân tộc để một bên, phải nhìn nhận cái cảnh thịt chó, thịt chuột treo lủng lẳng trong tiệm ăn nó ghê rợn thiệt. Nhất là cái cảnh giết chó. Ngồi hào hứng nhậu, bên cạnh cái màn giết chó, cắt cổ con vật, lấy gậy đập đầu chó kêu thảm thiết. Khó kiếm chữ nào để diễn tả hơn chữ 'man rợ.'” Và ông viết chúc Tết Quý Tỵ cho bạn bè thế này: “Chúc cho đất nước yêu quý của chúng ta đang nằm trong số 10 nước nghèo khổ nhất thế giới sẽ tiến lên, trở thành một trong 20 nước nghèo khổ nhất thế giới!”

Nhưng tại sao chúng ta thấy ghê rợn trước cảnh “thịt chó, thịt chuột treo lủng lẳng” mà lại không cảm thấy gì hết khi nhìn những cái đùi heo hun khói cũng treo lủng lẳng trong các tiệm ăn ở Paris (jambon) hay Madrid (jamón) nhỉ? Chắc khi nhìn những cái đùi tròn trĩnh thơm tho thì mình chỉ thèm thuồng nên quên cảnh con heo bị chọc tiết! Nhiều cái chợ, trên cái tủ lạnh đầy thịt bò đỏ tươi còn treo cái hình đầu bò đang cười toe toét. Làm như cô bò đang hân hoan “kính mời quý khách mua các món thịt đùi, món xì tếch, món sườn bò Ðại Hàn, món filet mignon,” để thưởng thức thịt chúng tôi! Mại vô! Loài người kể cũng hay thật! Không hiểu nếu những con sư tử, con cọp biết mở siêu thị thì chúng có treo thịt đùi người lủng lẳng hay không nhỉ?

Thật ra, nếu muốn tìm những cái xấu ở Việt Nam không phải chỉ có tật ăn thịt chuột đáng mang ra phê bình. Nếu như Joel Brinkley chủ tâm nói xấu, ông sẽ được nghe nhiều chuyện tệ hơn, tha hồ kể. Như chuyện một phụ nữ bị cướp mất nhà, đất, uất ức quá mà không làm gì được, bèn cởi hết quần áo để bày tỏ ý kiến. Tất nhiên, bà bị kết tội “lạm dụng quyền tự do ngôn luận,” một thứ quyền thực ra chỉ được được nhà nước cấp phát từng trường hợp, giống như “tem phiếu tự do!” Lại đến cảnh một bà mẹ phải tự đốt mình sau khi cả mẹ con bà bị đe dọa đuổi nhà, chỉ vì có một cô con gái dám “tự do ngôn luận” bằng cách đi biểu tình và làm blog phản đối... một nước láng giềng cướp mấy hòn đảo của nước mình!

Ðiều đáng xấu hổ không phải chỉ là chuyện một chế độ đàn áp người dân. Ðáng hổ thẹn nhất là phản ứng của người dân trước nỗi khổ cùng cực của hai phụ nữ trên. Họ nhìn chuyện đó là bình thường! Nếu muốn cho người Việt Nam xấu hổ, Joel Brinkley có thể kể chuyện nước ông để so sánh. Năm 1955 một phụ nữ da đen ở Montgomery, tiểu bang Alabama đã từ chối không đứng dậy nhường chỗ cho một người da trắng, theo lệnh ông tài xế xe buýt. Vụ bà bị đưa ra tòa sau đó gây ra cả một phong trào đòi dân quyền trên cả nước Mỹ trong hàng chục năm; dẫn tới những đạo luật dân quyền sau này. Khi từ trần năm 2005, bà Rosa Parks là người Mỹ thứ nhì, chỉ là dân thường mà đám tang được cử hành trong trụ sở Quốc Hội. Còn ở nước Việt Nam, bà Ðặng Thị Kim Liêng tự thiêu chết oan khốc như vậy mà báo, đài không dám loan tin, không dám bình luận. Và sau đó cô con gái bà vẫn bị tòa án bỏ tù. Chuyện mới xẩy ra năm tháng trước, mà người Việt Nam bây giờ hầu như đã quên rồi.

Nhiều người Việt đã nhận xét dân mình đánh mất cái thói quen biết hổ thẹn; cũng không còn cái khả năng biết nổi giận trước cái ác. Nhiều cá nhân vẫn nổi giận khi bị người khác đi xe lấn đường, cũng biết hổ thẹn khi mặc cái quần rách. Nhưng đối với những chuyện lớn thì không, đại đa số hoàn toàn lãnh cảm.

Chắc chúng ta phải nhìn nhau tự hỏi: Tại sao nước mình đến nỗi như vậy nhỉ? Cái gì gây ra tính lãnh cảm tập thể này? Ông bà mình ngày xưa có thờ ơ như thế hay không?

Không, nước mình vốn không tệ như thế! Tổ tiên mình đâu đến nỗi tệ như thế? Mình vẫn thường hãnh diện về lịch sử dân mình đấy chứ?

Một người từng tuyên bố hãnh diện làm dân Việt Nam là Ngô Thì Nhậm (1746-1803). Trong một chuyến đi sứ sang Trung Quốc dưới thời vua Quang Trung, lúc đang trong tỉnh Quảng Tây, Ngô Thì Nhậm viết bài thơ “Hoãn Nhĩ Ngâm” (Mỉm cười mà ngâm thơ) để chế nhạo những thành kiến sai lầm trong sách sử của người Trung Hoa. Ngô Thì Nhậm dành lời phê bình nặng nề nhất đối với thói phân biệt, coi dân Hoa Hạ hơn dân Man di. Ðể thuyết phục người Trung Hoa, và những người Việt hay sợ Trung Quốc quá, ông viện dẫn Chu Hy đời Tống, một thẩm quyền có uy tín trong Nho Giáo và văn hóa Trung Quốc. Chu Hy đã nhận xét, “Thịnh xưng tây nam phiên - Văn tự đa cao thủ - Tất hữu khai kỳ tiên - Bất độc quốc trung hữu.” (Ðáng khen các dân tộc miền Tây Nam - Có nhiều người giỏi chữ nghĩa - Tất họ đã khai hóa từ lâu - Ðâu phải chỉ Trung Quốc mới có tiến bộ). Dẫn ra những lời đó rồi, ngay câu sau, Ngô Thì Nhậm nói khi về nước ông sẽ bảo với bạn hữu rằng: “Hạnh tai sinh Nam bang!” May mắn thay, chúng ta sinh ở Nước Nam!

Bây giờ có bao nhiêu người Việt đang nghĩ như Ngô Thì Nhậm? Nếu người nào không nghĩ mình may mắn làm dân Việt là, thì chắc cũng phải ước mong con cháu sau này được thấy làm dân Việt là may mắn. Ngô Thì Nhậm đã nghĩ như thế; thì thế hệ sắp tới cũng phải có người, có lúc, sẽ cao hứng thốt lên: May mắn thay, sinh làm người Việt Nam!

Nghĩ đến tổ tiên, phải thấy đó là một bổn phận. Bổn phận trả lại cho nước Việt Nam niềm hãnh diện mà người xưa vẫn nói với nhau trong đám bạn bè: Hạnh tai, sinh Nam bang! Ðêm giao thừa năm nay, sẽ khấn khứa ông bà, xin nguyện sẽ cố gắng giúp các thế hệ sắp tới có thể nói như thế: May mắn thay, sinh làm người Việt Nam!

Năm nay chúng ta có thể bắt chước Tú Xương mà chúc cả nước ăn ở với nhau “Sao được cho ra cái giống người!” Sống làm sao cho ra con người có phẩm giá. Thực hành lời nguyện này cũng không khó lắm. Sống với nhau cho tử tế. Như vậy đã là một điều cho con cháu hãnh diện rồi. Ăn ở như thế nào thì gọi là tử tế? Sống công bằng, ngay thẳng, chắc cũng đủ. Như trong cuốn sách hướng dẫn di dân muốn nhập quốc tịch Australia, họ nhấn mạnh đến một quy tắc “a fair go!” Ở nước Úc hễ ai có khả năng và cố gắng làm việc là sẽ khá hơn, không cần phải có cha mẹ giầu hoặc quyền thế. Thực hiện quy tắc này, phải bàn chuyện cách tổ chức chính quyền, hệ thống giáo dục, tư pháp, luật lệ kinh tế, vân vân.

Nhưng cũng không phải chờ đợi thi hành các quy tắc lớn như vậy mới sống tử tế được. Cứ tử tế với nhau ngay trong đời sống hàng ngày, trong cách cư xử với xóm giềng, ngay với những người qua đường, cũng đủ. Văn hóa thuần mỹ thể hiện trong đời sống hàng ngày, không cần hô khẩu hiệu. Trong cuốn sách chỉ dẫn về nhập tịch, chính phủ Anh quốc dặn dò các công dân mới một điều: “Nhớ giữ cho cái vườn nhà mình sạch sẽ đàng hoàng (không đầy rác hoặc cỏ dại); đến ngày đổ rác thì nhớ đem thùng rác hay túi rác ra đường, chỉ để ở chỗ dành riêng cho rác, và không đem ra quá sớm trước giờ ấn định.” Những chuyện nhỏ nhặt đó tạo nên những xã hội tử tế.

Người Việt Nam có thể sống tử tế với nhau, ngay bây giờ. Mỗi người cứ sống cho tử tế, rồi người khác sẽ theo. Khi người ta không tử tế, mình vẫn giữ tư cách con người tử tế. Ðó là đóng góp cho tương lai nước Việt Nam. Sẽ có ngày trẻ em Việt Nam được sống trong một đất nước an hòa, tự do, dân chủ, dù các em ăn thịt hay không ăn thịt. Trong vườn các em được nghe tiếng chim hót, như trong bài hát của Huy Tuấn: “Một ngày nắng rất hiền, nắng lung linh trong vườn, bông hoa đang cười thương thật thương!” Sẽ có ngày, nghề dạy học đủ nuôi sống gia đình nhà giáo. Các em đến trường không bao giờ quên cúi chào các thầy cô; các thầy cô đều mỉm cười. Tết đến, ra chợ lại nhớ cảnh xưa trong thơ Ðoàn Văn Cừ; cảnh trí khác nhưng niềm vui vẫn thế. Khi lớn khôn, có lúc các em sẽ thốt lên: May mắn thay, mình là người Việt Nam. Giống như Ngô Thì Nhậm hơn 200 năm trước.

Chúng ta đón mùa Xuân về với niềm tin tưởng là ngày đó không xa. Phục hồi một nếp sống thuần hậu, ngay thẳng, chánh trực; sống lại các giá trị đạo lý của Chu An, Nguyễn Ðình Chiểu; Phan Châu Trinh; chúng ta sẽ trở về trước bàn thờ, trong ngôi nhà cũ của tổ tiên. Ngày về sắp đến rồi. Cái gì tới chỗ cùng cực, sẽ phải thay đổi. Cả nước đang rạo rực chờ biến chuyển. Cả dân tộc đang trở về nhà, lòng náo nức như một thi sĩ sắp được về sau “Mười năm mặt sạm soi khe nước - Ta hóa thân thành vượn cổ sơ.” Trong lòng thi sĩ vẫn tràn ngập niềm vui:

Tiếng biển lời rừng nao nức giục
Ta về cho kịp độ xuân sang

(Ta Về, Tô Thùy Yên)

Nguồn: Người Việt
Ta Về Cho Kịp Độ Xuân Sang Reviewed by Răng Ra Ri on 2/11/2013 Rating: 5 Ngô Nhân Dụng - 8.2.2013 : Có một nhà báo Mỹ đang chịu búa rìu dư luận trên mạng Internet, vì một bài ông ta viết sau chuyến đi thăm ...

Không có nhận xét nào: