Từ những sự kiện thực tế
Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta thấy hiện lên khắp nơi những báo động đỏ; gióng lên những hồi chuông cảnh báo về sự suy đồi đạo đức, băng hoại luân lý; thái độ dửng dưng vô cảm trước nỗi khổ đau của đồng loại; sự gian dối, lừa lọc đang len lỏi vào tất cả mọi ngõ ngách của cuộc sống, thậm chí, nó thống trị cả những ngành nghề nhạy cảm nhất như Giáo dục và Y tế, đến mức trong dân gian đã có những câu nói trở thành khẩu ngữ hay là phương châm sống cho nhiều người: “Thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt. Lọc lừa, lươn lẹo lại lên lương”. Người ta đang cố gạt sang một bên những lời cảnh báo về một hiện trạng “trật đường rày” của con tàu Việt Nam khi đang hành trình vào thiên niên kỷ thứ ba. Mọi người đều nhắm mắt bịt tai trước bao tội ác và những tiếng kêu cứu của đồng loại đang rên xiết dưới gông cùm của các thế lực bạo tàn. Một thứ Mackenoisme đang thống lãnh cả dân tộc.
Có người ví xã hội này giống như một ngôi nhà đã bị xuống cấp nghiêm trọng, mọi nỗ lực vá víu chỉ làm cho nó thêm hư hỏng mà thôi. Thật vậy, chính Chúa Giêsu cũng đã nói trong cuộc tranh luận về việc ăn chay với các kinh sư thuộc nhóm Pharisêu: “Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ; chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo ao cũ, làm chỗ rách lại tệ hơn” (Mc 2, 21). Nhà giáo dục học Hoàng Tụy cũng cảnh báo: “…nếu chỉ xử lý cục bộ, chắp vá, vụn vặt, theo phương thức sai đâu sửa đó, thì không những không giảm bớt được trục trặc, mà có khi còn làm phát sinh thêm những rối ren, phức tạp mới, làm bất ổn gia tăng, đến mức có thể vượt khỏi tầm kiểm soát”[1]. Và người ta đề nghị một giải pháp: chỉ còn cách là đập bỏ nó đi và xây lại một căn nhà khác mới hơn, tiện nghi hơn, vì “Xã hội Việt Nam dường như đang trong một giai đoạn phi quy chuẩn” (nhà xã hội học Nguyễn Thị Oanh).
Lý giải về hiện tượng này người ta đã nêu lên nhiều nguyên nhân. Về phía những người chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những tệ đoan của xã hội thì giải thích theo kiểu tránh né vấn đề, đổ lỗi cho người khác, một thứ văn hóa đùn đẩy đang được xiển dương để ngụy biện. Trước đây thì người ta đổ cho chiến tranh. Chính tội ác chiến tranh và những tàn phá của nó đã tạo nên một thứ lương tâm trơ lạnh trước nỗi đau của đồng loại. Chính chiến tranh đã kìm hãm sự phát triển của đất nước. Nay người ta lại quay ra đổ cho kinh tế thị trường và những giá trị của chủ nghĩa hưởng thụ, tự do cá nhân phương Tây du nhập làm hư hỏng giới trẻ. Nghĩa là không bao giờ họ đánh ngực nhận lỗi để có thể tìm ra một giải pháp khả dĩ cứu vãn xã hội. Phía những nhà trí thức thật sự có tâm huyết với vận mệnh quốc gia dân tộc, đã một thời đắp chung chăn với chế độ, nay thức tỉnh vì biết chăn có quá nhiều rận và đã lên tiếng, như Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng, thuộc Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã viết: “Sự khủng hoảng đạo đức Việt Nam hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc truyền bá chủ nghĩa duy vật và vô thần, hạ thấp vai trò của tôn giáo, nhất là thời kỳ trước Đổi mới. Việc phủ nhận các giá trị tôn giáo, đề cao chủ nghĩa duy vật vô thần tới mức cực đoan vô hình trung cổ vũ cho cái “văn hóa” tiêu dùng phàm tục”[2]. Số khác lại nhìn thấy xu hướng chính trị hóa đang đè nặng trên đôi vai người dân khiến cho mọi lĩnh vực đều nhuốm màu sắc chính trị. Xu hướng này muốn quy chiếu mọi thứ về chiều kích “chính trị”, quan niệm rằng cái gì cũng phải được xem xét và đánh giá dưới “quan điểm chính trị” – hiểu theo nghĩa là quan điểm chính thống của Đảng và nhà nước. Xu hướng chính trị hóa xảy ra ngay từ lĩnh vực đạo đức, và xâm lấn cho tới những lĩnh vực như giáo dục, khoa học, văn hóa nghệ thuật, và lẽ đương nhiên bao hàm cả nội dung hoạt động của các đoàn thể quần chúng… Vì thế mà đạo đức truyền thống hay đạo lý nhân văn thông thường cũng bị đẩy lùi xuống hàng thứ yếu để chỉ đề cao đạo đức cách mạng và quan điểm lập trường cách mạng. Theo nhận xét của nhà báo Thiện Ý, kể từ những đợt cải tạo công thương nghiệp mang tính chất đấu tranh giai cấp trước đây, “đạo đức truyền thống [bị] đặt xuống dưới ý thức hệ cộng sản”, và lúc này “đạo đức cao nhất của mọi người là trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê mà cụ thể là thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam, để đấu tranh tiêu diệt các giai cấp thù địch, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”[3]. Nhà báo Thiện Ý cũng đề cập đến tệ nói dối tràn lan đang xẩy ra một cách bình thường trong xã hội Việt Nam và là nguyên nhân của những bất ổn khác: “Nói dối, nghĩ một đằng, nói một nẻo chính là nguyên nhân đầu tiên, từ đó đẻ ra những tệ nạn khác làm sa đọa xã hội”[4]
Trong bối cảnh đó tiếng nói lương tâm bị bóp nghẹt, vì tội ác và bóng đêm thường đồng lõa với nhau, các thế lực của sự dữ vẫn thích sống du dú trong các ngóc ngách của bóng tối. Vì thế hễ ái lên tiếng bênh vực cho công lý là bị chụp mũ, bị kết án là phản động, âm mưu lật đổ chế độ hay phá hại khối đại đoàn kết toàn dân. Lương tâm, với họ, chẳng là gì cả. Chỉ kinh tế, như một mãnh lực vô song, làm thay đổi đời sống xã hội. Đồng tiền trở nên tiêu chí thẩm định và đánh giá nhân phẩm của một con người, sức mạnh của nó cũng trở nên phi thường khi người ta biến nó thành mục đích và cứu cánh cho cuộc đời mình, khi nó tham gia can thiệp vào đời sống chính trị. Người ta luôn phải sống dưới chế độ gay gắt của kim tiền. Lương tâm, nhân phẩm bị dày xéo một cách tai ác. Chỉ có tiền mới đưa lại cho con người danh giá, địa vị, đức tính, tiền mua chuộc được lòng người, làm mù quáng được công lý và chân lý.
Như vậy, nguyên nhân chính, theo nhận định của Đức giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đó là lương tâm con người đã bị bật gốc: “Cây bật gốc là vì mất hết rễ, con người gian ác vì vô giáo dục. Đây là cái giá phải trả cho những quan niệm lệch lạc một thời về giáo dục, khi người ta chú trọng đến tuyên truyền ‘lập trường giai cấp’ hơn là huấn luyện đạo đức con người. Phương châm giáo dục từ xa xưa ‘tiên học lễ hậu học văn’ có thời đã bị quên lãng, nhường chỗ cho một thứ giáo dục bát nháo, thi đua bằng cấp, ồn ào về số lượng. Truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam ‘tôn sư trọng đạo’ đã bị thay thế bằng bạo lực học đường, dẫn tới tình trạng học sinh đâm chém thầy cô giáo”[5]. Và “Phải chăng phần ‘rễ’ của xã hội quá mỏng không đủ sức nâng đỡ và giữ vững con người trước cơn lốc hưởng thụ hôm nay? Cũng giống như người ta cắt rễ cây để xây cao ốc, hiện nay phần rễ đạo đức của xã hội cũng bị cắt hết để chạy theo phần nổi hào nhoáng của một cuộc sống đua chen hằng ngày”[6].
Làm thế nào để tẩy trừ được tình trạng giả dối, thiếu thành thật đang phổ biến trong đất nước Việt Nam chúng ta hôm nay? “Làm thế nào để chữa được căn bệnh này? Tương lai dân tộc sẽ đi về đâu? Để giải bài toán hóc búa này,… chúng ta phải xây dựng một nền giáo dục dựa trên lương tâm và đạo đức của con người”[7], mà điều quan trọng hàng đầu đó là cần phải nhìn nhận các giá trị đạo đức và vai trò quan trọng của các tôn giáo trong đời sống xã hội. Bởi, “khi không còn tin vào những giá trị siêu nhiên, con người sẽ bị chệch hướng cuộc đời. Chối bỏ Thượng Đế là nguyên nhân của bạo lực”. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhiều lần quả quyết như thế. “Sự chối bỏ Thiên Chúa làm băng hoại con người, khiến con người không còn mẫu mực nữa, và dẫn họ đến bạo lực”[8].
Vấn đề lương tâm đối với con người ngày nay
Vậy lương tâm là gì? Tại sao lại phải nghe theo tiếng nói của lương tâm?
Chữ lương tâm trong tiếng Việt được hiểu là yếu tố nội tâm tạo cho mỗi người khả năng tự đánh giá hành vi của mình về mặt đạo đức, và do đó tự điều chỉnh mọi hành vi của mình[9]. Lương tâm là chứng nhân, một phản ảnh của lòng con người, đồng thời là một hướng dẫn viên của hành động, soi sáng cho các hành vi nhân linh nhờ sự hiểu biết về thiện và ác[10]. Trong tiếng Pháp chữ conscience có nghĩa rộng hơn: từ góc độ tâm lý học, nó có nghĩa là ý thức, nhận thức; còn trong luân lý học, thì ngoài chữ lương tâm, có khi cũng được dịch là lương tri, hiểu theo nghĩa là khả năng hiểu biết đúng đắn điều phải trái, đúng sai, hình thành ở con người trong thực tiễn cuộc sống nói chung. Theo nguyên tự, conscience, với tiếng La Tinh conscientia và Hy Lạp synèidesis, có nghĩa là “cùng biết”. Những triết gia cổ thời của Hy Lạp (Platon, Aristote) hiểu là sự “biết” về tính chất xấu hay là tốt, kèm theo sự “biết” về hành vi mà mình hay người khác đã làm. Như vậy, ngoài sự “biết” về hành vi đã diễn ra, còn có một cái “biết” nữa phê phán về tính chất tốt xấu của nó: “cùng biết”, hay “đồng biết” là như thế đó. Hiểu như vậy, ta có thể dịch là “lương tri”, xét vì bao hàm sự nhận định của tri thức. Thời các Giáo Phụ, lương tâm được coi như là “tia lửa” được Thiên Chúa nhóm lên trong lòng con người, để duy trì lẽ thiện, hướng dẫn con người về điều ngay. Các giáo phụ đã đồng hóa nó với tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Sang thời hiện đại, luân lý chịu ảnh hưởng rất mạnh của Emmanuel Kant. Theo Kant, lương tâm được đồng hóa với nghĩa vụ (sự bắt buộc) mà lý trí đặt ra khi hành động, dựa trên các “mệnh lệnh nhất quyết”. Dựa theo toàn bộ tri thức luận của mình, Kant cắt đứt mọi mối tương quan giữa những mệnh lệnh ấy với sự thực khách quan. Kant quá nhấn mạnh đến nghĩa vụ, đến sự tuân phục mệnh lệnh, nhưng không có những tiêu chuẩn khách quan để kiểm soát những mệnh lệnh ấy. Từ đó, cá nhân cảm thấy sự xung đột, bởi vì mình phải tuân theo những mệnh lệnh mù quáng, độc đoán.
Tựu trung, nền luân lý thời hiện đại vẫn cứ xoay quanh các nan đề: Nếu tìm tiêu chuẩn bên ngoài chủ thể, thì còn gì là giá trị của tự do? Còn nếu lấy chính tự do làm tiêu chuẩn, thì sao tránh được sự chủ quan?[11] Nói cách khác: làm sao duy trì được sự thực khách quan mà không đè bẹp tính cách sáng tạo của lương tâm? Đối lại, làm sao bảo vệ sự tự do của con người nhưng không bị rơi vào tình trạng chủ quan? Có thể tìm ra một đường lối dung hòa hay không giữa những quan điểm đối lập đó? Karol Woytila, khi đang làm giáo sư luân lý ở Lubin và kể cả khi đã được bổ nhiệm làm TGM Cracovia, đã trình bày một quan điểm về lương tâm được xem như một đường lối dung hòa giữa các quan điểm xung đột trên: Cần phải coi lương tâm không phải như một chức năng để diễn tả những mệnh lệnh cho con người biết hành động. Lương tâm cần được lồng trong toàn thể cơ cấu của con người. Tuy nhiên không nên quan niệm lương tâm như một thừa phái viên truyền đạt mệnh lệnh cho con người, nhưng không thể coi lương tâm như là nhà lập pháp tối cao tự đặt ra tiêu chuẩn để hành động. Con người là một nhân vị, có nghĩa là sống trong tương quan với Thiên Chúa, với xã hội, với thế giới. Con người cần phải hành động sao cho xứng với sự thực thiện hảo của các mối tương quan ấy. Nhiệm vụ của lương tâm là phải tìm ra sự thực, sự thiện để rồi trình bày cho ý chí quyết định. Hiểu như vậy, chức vụ chính của lương tâm không phải ở sự quyết định, nhưng là ở chỗ khám phá ra sự thực, một sự thực cụ thể chứ không phải sự thực trừu tượng.
Quan niệm này vừa tránh được nguy cơ chủ quan, vừa tránh nguy cơ vụ luật. Tránh chủ quan, xét vì lương tâm luôn ở trong tình trạng hướng về sự thực, tìm kiếm sự thực khách quan nơi các mối quan hệ của nhân vị; tránh sự vụ luật, bởi vì nó không áp đặt những quy luật trừu tượng, nhưng trình bày cho thấy sự thực thiện hảo[12].
Công đồng Vatican II trong Hiến chế Gaudium et Spes, số 16, đã coi lương tâm như là thâm cung sâu thẳm nhất của con người, nơi mà con người sống trung thực với mình nhất; đồng thời, cái thâm cung ấy là nơi mà con người gặp gỡ Thiên Chúa, nơi mà con người nghe thấy tiếng nói của Ngài, nhiều lần ra như văng vẳng bên tai hãy làm cái này, đừng làm cái kia: “Lương tâm là nơi thẳm sâu thầm kín, là cung thánh của lòng người, nơi đây chỉ còn một mình con người với Thiên Chúa, Đấng đang lên tiếng trong thâm tâm con người”. Chính nơi sâu thẳm thầm kín ấy “con người khám phá ra lề luật không do chính mình đặt ra nhưng lại phải tuân theo, và tiếng nói của luật lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải sống yêu thương và thi hành điều thiện cũng như tránh xa điều ác”.
Như vậy, lương tâm được hiểu như một khả năng luân lý thúc đẩy con người và chỉ cho con người biết trong từng hoàn cảnh cụ thể đâu là nghĩa vụ luân lý mà họ phải thi hành[13]. Nói cách khác,“lương tâm là lương năng bẩm sinh trong lòng người làm cho người ta phân biệt được cái tốt với cái xấu, cái hay với cái dở và lòng tốt thúc đẩy người ta chọn làm điều lành tránh điều dữ”[14].
Để có thể xây dựng một xã hội lành mạnh điều tiên quyết là phải bắt đầu từ giáo dục, một nền giáo dục biết tôn trọng những giá trị đạo đức truyền thống, những giá trị luân lý ngàn đời, tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên đã cảnh báo: “Căn nhà Việt Nam, muốn được vững chắc, cần có sự chung sức chung lòng của mọi người, nơi đó, các tôn giáo được phát huy chức năng của mình, nhằm cộng tác xây dựng một cuộc sống an bình và phát triển”[15]. Trong tác phẩm Sáng tạo và giao lưu – Tập tiểu luận phê bình văn học, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội 2004, tr. 558 – 570, nhà văn Phạm Vĩnh Cư đã nói rất hay về vai trò của tôn giáo và những giá trị đạo đức cao cả của tôn giáo trong việc kiến tạo một bộ mặt xã hội thật sự nhân bản: “Lịch sử thế giới trong ba thế kỉ qua cho ta thấy một bức tranh vận động tiến – thoái hết sức phức tạp và đầy kịch tính. Hôm nay hơn bao giờ hết không thể yên tâm về bất kì một lĩnh vực nào của đời sống con người trên trái đất này, nhất là về đời sống đạo đức – tinh thần. Những bộ óc ưu thời mẫn thế ở phương Tây và phương Ðông không phải không có cơ sở cảnh báo về một ‘thời đại Trung cổ mới’, về ‘cuộc xâm lăng từ chiều thẳng đứng của chất man rợ’, nó không từ một xã hội nào, một quốc gia nào. Nền giáo dục con người, xưa kia là phận sự và độc quyền của các tôn giáo, từ khi được chuyển giao cho các nhà nước thế tục, có thể tự hào về nhiều thành tựu to lớn và vững chắc của mình, nhưng không phải trong khu vực đức dục. Vấn đề hợp tác giữa nhà nước, xã hội và các giáo hội trong lĩnh vực này đang được đặt ra và giải quyết ở nhiều nước. Trong tình hình ấy, hiểu biết về đạo đức học của các nền tôn giáo lớn của nhân loại trở thành nhiệm vụ của mọi công dân có trách nhiệm ở mọi quốc gia”. GS Nguyễn Đình Chú cũng đã nói lên vai trò và những tác động của tôn giáo đối với đời sống xã hội như một sự hiện diện không thể thiếu nếu nhà lãnh đạo thật sự muốn xây một xã hội có kỷ cương giường mối: “Xin nhớ rằng, hiến pháp có chặt chẽ đến đâu, pháp luật dù có quy định ngóc ngách đến đâu, so với sự sống thiên hình vạn trạng, vẫn còn khe hở. Cảnh sát trần gian dù đông đặc nghiêm túc đến đâu (mà thực tế làm gì có nghiêm túc cả) vẫn không đủ bao hết sự đời. Phải có thêm loại cảnh sát cõi âm, loại cảnh sát nằm ngay trong chính tâm linh mỗi người không loại trừ ai, kể cả ông vua có quyền uy tối thượng, trị vì trăm họ, mới mong đảm bảo có cuộc sống tốt lành nhiều hơn trong điều kiện thiện ác vốn dĩ cứ tranh chấp nhau triền miên cùng nhân loại”[16]./.
_______________
[1] Hoàng Tụy, Tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống, ngày 5-1-2012, Viet-Studies.info
[2] Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 211, tr. 29 và 33
[3] Thiện Ý, “Vì sao đạo đức băng hoại”, ngày 21-3-2009, Talawas.org
[4] Thiện Ý, Vì sao tội ác lên ngôi?, ngày 9-9-2011, Viet-Studies.info
[5] Đức giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Bất gốc, ngày 30-8-2012, hdgmvietnam.org
[6] Đức giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Bất gốc, ngày 30-8-2012, hdgmvietnam.org
[7] Đức giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Bất gốc, ngày 30-8-2012, hdgmvietnam.org
[8] Diễn từ của Đức thánh cha Biển Đức 16 tại Assisi, nhân ngày các đại diện tôn giáo cùng cầu nguyện cho hòa bình 27-11-2011
[9] Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ, NXB Hồng Đức, 2008
[10] Từ điển Đức tin Kitô giáo, bản Pháp-Việt
[11] Kim Thao, Những quan điểm khác nhau về lương tâm trải qua lịch sử, Thời sự Thần học – Số 2
[12] Bình Hòa, Lương tâm là gì? Thời sự Thần học, số 2
[13] Lm. Phaolô Bùi Đình Cao, Giáo trình luân lý căn bản
[14] Phaolô Nguyễn Bình Tĩnh, Luân lý cơ bản Kitô giáo, Thuận Hóa-Huế 1994
[15] Đức giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Bất gốc, ngày 30-8-2012, hdgmvietnam.org
[16] GS Nguyễn Đình Chú, Sự áp đảo của phương Tây đối với phương Đông trên phương diện văn hóa và tinh thần truyền thống, ngày 01-06-2010, Viet-Studies.info
Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta thấy hiện lên khắp nơi những báo động đỏ; gióng lên những hồi chuông cảnh báo về sự suy đồi đạo đức, băng hoại luân lý; thái độ dửng dưng vô cảm trước nỗi khổ đau của đồng loại; sự gian dối, lừa lọc đang len lỏi vào tất cả mọi ngõ ngách của cuộc sống, thậm chí, nó thống trị cả những ngành nghề nhạy cảm nhất như Giáo dục và Y tế, đến mức trong dân gian đã có những câu nói trở thành khẩu ngữ hay là phương châm sống cho nhiều người: “Thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt. Lọc lừa, lươn lẹo lại lên lương”. Người ta đang cố gạt sang một bên những lời cảnh báo về một hiện trạng “trật đường rày” của con tàu Việt Nam khi đang hành trình vào thiên niên kỷ thứ ba. Mọi người đều nhắm mắt bịt tai trước bao tội ác và những tiếng kêu cứu của đồng loại đang rên xiết dưới gông cùm của các thế lực bạo tàn. Một thứ Mackenoisme đang thống lãnh cả dân tộc.
Có người ví xã hội này giống như một ngôi nhà đã bị xuống cấp nghiêm trọng, mọi nỗ lực vá víu chỉ làm cho nó thêm hư hỏng mà thôi. Thật vậy, chính Chúa Giêsu cũng đã nói trong cuộc tranh luận về việc ăn chay với các kinh sư thuộc nhóm Pharisêu: “Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ; chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo ao cũ, làm chỗ rách lại tệ hơn” (Mc 2, 21). Nhà giáo dục học Hoàng Tụy cũng cảnh báo: “…nếu chỉ xử lý cục bộ, chắp vá, vụn vặt, theo phương thức sai đâu sửa đó, thì không những không giảm bớt được trục trặc, mà có khi còn làm phát sinh thêm những rối ren, phức tạp mới, làm bất ổn gia tăng, đến mức có thể vượt khỏi tầm kiểm soát”[1]. Và người ta đề nghị một giải pháp: chỉ còn cách là đập bỏ nó đi và xây lại một căn nhà khác mới hơn, tiện nghi hơn, vì “Xã hội Việt Nam dường như đang trong một giai đoạn phi quy chuẩn” (nhà xã hội học Nguyễn Thị Oanh).
Lý giải về hiện tượng này người ta đã nêu lên nhiều nguyên nhân. Về phía những người chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những tệ đoan của xã hội thì giải thích theo kiểu tránh né vấn đề, đổ lỗi cho người khác, một thứ văn hóa đùn đẩy đang được xiển dương để ngụy biện. Trước đây thì người ta đổ cho chiến tranh. Chính tội ác chiến tranh và những tàn phá của nó đã tạo nên một thứ lương tâm trơ lạnh trước nỗi đau của đồng loại. Chính chiến tranh đã kìm hãm sự phát triển của đất nước. Nay người ta lại quay ra đổ cho kinh tế thị trường và những giá trị của chủ nghĩa hưởng thụ, tự do cá nhân phương Tây du nhập làm hư hỏng giới trẻ. Nghĩa là không bao giờ họ đánh ngực nhận lỗi để có thể tìm ra một giải pháp khả dĩ cứu vãn xã hội. Phía những nhà trí thức thật sự có tâm huyết với vận mệnh quốc gia dân tộc, đã một thời đắp chung chăn với chế độ, nay thức tỉnh vì biết chăn có quá nhiều rận và đã lên tiếng, như Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng, thuộc Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã viết: “Sự khủng hoảng đạo đức Việt Nam hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc truyền bá chủ nghĩa duy vật và vô thần, hạ thấp vai trò của tôn giáo, nhất là thời kỳ trước Đổi mới. Việc phủ nhận các giá trị tôn giáo, đề cao chủ nghĩa duy vật vô thần tới mức cực đoan vô hình trung cổ vũ cho cái “văn hóa” tiêu dùng phàm tục”[2]. Số khác lại nhìn thấy xu hướng chính trị hóa đang đè nặng trên đôi vai người dân khiến cho mọi lĩnh vực đều nhuốm màu sắc chính trị. Xu hướng này muốn quy chiếu mọi thứ về chiều kích “chính trị”, quan niệm rằng cái gì cũng phải được xem xét và đánh giá dưới “quan điểm chính trị” – hiểu theo nghĩa là quan điểm chính thống của Đảng và nhà nước. Xu hướng chính trị hóa xảy ra ngay từ lĩnh vực đạo đức, và xâm lấn cho tới những lĩnh vực như giáo dục, khoa học, văn hóa nghệ thuật, và lẽ đương nhiên bao hàm cả nội dung hoạt động của các đoàn thể quần chúng… Vì thế mà đạo đức truyền thống hay đạo lý nhân văn thông thường cũng bị đẩy lùi xuống hàng thứ yếu để chỉ đề cao đạo đức cách mạng và quan điểm lập trường cách mạng. Theo nhận xét của nhà báo Thiện Ý, kể từ những đợt cải tạo công thương nghiệp mang tính chất đấu tranh giai cấp trước đây, “đạo đức truyền thống [bị] đặt xuống dưới ý thức hệ cộng sản”, và lúc này “đạo đức cao nhất của mọi người là trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê mà cụ thể là thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam, để đấu tranh tiêu diệt các giai cấp thù địch, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”[3]. Nhà báo Thiện Ý cũng đề cập đến tệ nói dối tràn lan đang xẩy ra một cách bình thường trong xã hội Việt Nam và là nguyên nhân của những bất ổn khác: “Nói dối, nghĩ một đằng, nói một nẻo chính là nguyên nhân đầu tiên, từ đó đẻ ra những tệ nạn khác làm sa đọa xã hội”[4]
Trong bối cảnh đó tiếng nói lương tâm bị bóp nghẹt, vì tội ác và bóng đêm thường đồng lõa với nhau, các thế lực của sự dữ vẫn thích sống du dú trong các ngóc ngách của bóng tối. Vì thế hễ ái lên tiếng bênh vực cho công lý là bị chụp mũ, bị kết án là phản động, âm mưu lật đổ chế độ hay phá hại khối đại đoàn kết toàn dân. Lương tâm, với họ, chẳng là gì cả. Chỉ kinh tế, như một mãnh lực vô song, làm thay đổi đời sống xã hội. Đồng tiền trở nên tiêu chí thẩm định và đánh giá nhân phẩm của một con người, sức mạnh của nó cũng trở nên phi thường khi người ta biến nó thành mục đích và cứu cánh cho cuộc đời mình, khi nó tham gia can thiệp vào đời sống chính trị. Người ta luôn phải sống dưới chế độ gay gắt của kim tiền. Lương tâm, nhân phẩm bị dày xéo một cách tai ác. Chỉ có tiền mới đưa lại cho con người danh giá, địa vị, đức tính, tiền mua chuộc được lòng người, làm mù quáng được công lý và chân lý.
Như vậy, nguyên nhân chính, theo nhận định của Đức giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đó là lương tâm con người đã bị bật gốc: “Cây bật gốc là vì mất hết rễ, con người gian ác vì vô giáo dục. Đây là cái giá phải trả cho những quan niệm lệch lạc một thời về giáo dục, khi người ta chú trọng đến tuyên truyền ‘lập trường giai cấp’ hơn là huấn luyện đạo đức con người. Phương châm giáo dục từ xa xưa ‘tiên học lễ hậu học văn’ có thời đã bị quên lãng, nhường chỗ cho một thứ giáo dục bát nháo, thi đua bằng cấp, ồn ào về số lượng. Truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam ‘tôn sư trọng đạo’ đã bị thay thế bằng bạo lực học đường, dẫn tới tình trạng học sinh đâm chém thầy cô giáo”[5]. Và “Phải chăng phần ‘rễ’ của xã hội quá mỏng không đủ sức nâng đỡ và giữ vững con người trước cơn lốc hưởng thụ hôm nay? Cũng giống như người ta cắt rễ cây để xây cao ốc, hiện nay phần rễ đạo đức của xã hội cũng bị cắt hết để chạy theo phần nổi hào nhoáng của một cuộc sống đua chen hằng ngày”[6].
Làm thế nào để tẩy trừ được tình trạng giả dối, thiếu thành thật đang phổ biến trong đất nước Việt Nam chúng ta hôm nay? “Làm thế nào để chữa được căn bệnh này? Tương lai dân tộc sẽ đi về đâu? Để giải bài toán hóc búa này,… chúng ta phải xây dựng một nền giáo dục dựa trên lương tâm và đạo đức của con người”[7], mà điều quan trọng hàng đầu đó là cần phải nhìn nhận các giá trị đạo đức và vai trò quan trọng của các tôn giáo trong đời sống xã hội. Bởi, “khi không còn tin vào những giá trị siêu nhiên, con người sẽ bị chệch hướng cuộc đời. Chối bỏ Thượng Đế là nguyên nhân của bạo lực”. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhiều lần quả quyết như thế. “Sự chối bỏ Thiên Chúa làm băng hoại con người, khiến con người không còn mẫu mực nữa, và dẫn họ đến bạo lực”[8].
Vấn đề lương tâm đối với con người ngày nay
Vậy lương tâm là gì? Tại sao lại phải nghe theo tiếng nói của lương tâm?
Chữ lương tâm trong tiếng Việt được hiểu là yếu tố nội tâm tạo cho mỗi người khả năng tự đánh giá hành vi của mình về mặt đạo đức, và do đó tự điều chỉnh mọi hành vi của mình[9]. Lương tâm là chứng nhân, một phản ảnh của lòng con người, đồng thời là một hướng dẫn viên của hành động, soi sáng cho các hành vi nhân linh nhờ sự hiểu biết về thiện và ác[10]. Trong tiếng Pháp chữ conscience có nghĩa rộng hơn: từ góc độ tâm lý học, nó có nghĩa là ý thức, nhận thức; còn trong luân lý học, thì ngoài chữ lương tâm, có khi cũng được dịch là lương tri, hiểu theo nghĩa là khả năng hiểu biết đúng đắn điều phải trái, đúng sai, hình thành ở con người trong thực tiễn cuộc sống nói chung. Theo nguyên tự, conscience, với tiếng La Tinh conscientia và Hy Lạp synèidesis, có nghĩa là “cùng biết”. Những triết gia cổ thời của Hy Lạp (Platon, Aristote) hiểu là sự “biết” về tính chất xấu hay là tốt, kèm theo sự “biết” về hành vi mà mình hay người khác đã làm. Như vậy, ngoài sự “biết” về hành vi đã diễn ra, còn có một cái “biết” nữa phê phán về tính chất tốt xấu của nó: “cùng biết”, hay “đồng biết” là như thế đó. Hiểu như vậy, ta có thể dịch là “lương tri”, xét vì bao hàm sự nhận định của tri thức. Thời các Giáo Phụ, lương tâm được coi như là “tia lửa” được Thiên Chúa nhóm lên trong lòng con người, để duy trì lẽ thiện, hướng dẫn con người về điều ngay. Các giáo phụ đã đồng hóa nó với tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Sang thời hiện đại, luân lý chịu ảnh hưởng rất mạnh của Emmanuel Kant. Theo Kant, lương tâm được đồng hóa với nghĩa vụ (sự bắt buộc) mà lý trí đặt ra khi hành động, dựa trên các “mệnh lệnh nhất quyết”. Dựa theo toàn bộ tri thức luận của mình, Kant cắt đứt mọi mối tương quan giữa những mệnh lệnh ấy với sự thực khách quan. Kant quá nhấn mạnh đến nghĩa vụ, đến sự tuân phục mệnh lệnh, nhưng không có những tiêu chuẩn khách quan để kiểm soát những mệnh lệnh ấy. Từ đó, cá nhân cảm thấy sự xung đột, bởi vì mình phải tuân theo những mệnh lệnh mù quáng, độc đoán.
Tựu trung, nền luân lý thời hiện đại vẫn cứ xoay quanh các nan đề: Nếu tìm tiêu chuẩn bên ngoài chủ thể, thì còn gì là giá trị của tự do? Còn nếu lấy chính tự do làm tiêu chuẩn, thì sao tránh được sự chủ quan?[11] Nói cách khác: làm sao duy trì được sự thực khách quan mà không đè bẹp tính cách sáng tạo của lương tâm? Đối lại, làm sao bảo vệ sự tự do của con người nhưng không bị rơi vào tình trạng chủ quan? Có thể tìm ra một đường lối dung hòa hay không giữa những quan điểm đối lập đó? Karol Woytila, khi đang làm giáo sư luân lý ở Lubin và kể cả khi đã được bổ nhiệm làm TGM Cracovia, đã trình bày một quan điểm về lương tâm được xem như một đường lối dung hòa giữa các quan điểm xung đột trên: Cần phải coi lương tâm không phải như một chức năng để diễn tả những mệnh lệnh cho con người biết hành động. Lương tâm cần được lồng trong toàn thể cơ cấu của con người. Tuy nhiên không nên quan niệm lương tâm như một thừa phái viên truyền đạt mệnh lệnh cho con người, nhưng không thể coi lương tâm như là nhà lập pháp tối cao tự đặt ra tiêu chuẩn để hành động. Con người là một nhân vị, có nghĩa là sống trong tương quan với Thiên Chúa, với xã hội, với thế giới. Con người cần phải hành động sao cho xứng với sự thực thiện hảo của các mối tương quan ấy. Nhiệm vụ của lương tâm là phải tìm ra sự thực, sự thiện để rồi trình bày cho ý chí quyết định. Hiểu như vậy, chức vụ chính của lương tâm không phải ở sự quyết định, nhưng là ở chỗ khám phá ra sự thực, một sự thực cụ thể chứ không phải sự thực trừu tượng.
Quan niệm này vừa tránh được nguy cơ chủ quan, vừa tránh nguy cơ vụ luật. Tránh chủ quan, xét vì lương tâm luôn ở trong tình trạng hướng về sự thực, tìm kiếm sự thực khách quan nơi các mối quan hệ của nhân vị; tránh sự vụ luật, bởi vì nó không áp đặt những quy luật trừu tượng, nhưng trình bày cho thấy sự thực thiện hảo[12].
Công đồng Vatican II trong Hiến chế Gaudium et Spes, số 16, đã coi lương tâm như là thâm cung sâu thẳm nhất của con người, nơi mà con người sống trung thực với mình nhất; đồng thời, cái thâm cung ấy là nơi mà con người gặp gỡ Thiên Chúa, nơi mà con người nghe thấy tiếng nói của Ngài, nhiều lần ra như văng vẳng bên tai hãy làm cái này, đừng làm cái kia: “Lương tâm là nơi thẳm sâu thầm kín, là cung thánh của lòng người, nơi đây chỉ còn một mình con người với Thiên Chúa, Đấng đang lên tiếng trong thâm tâm con người”. Chính nơi sâu thẳm thầm kín ấy “con người khám phá ra lề luật không do chính mình đặt ra nhưng lại phải tuân theo, và tiếng nói của luật lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải sống yêu thương và thi hành điều thiện cũng như tránh xa điều ác”.
Như vậy, lương tâm được hiểu như một khả năng luân lý thúc đẩy con người và chỉ cho con người biết trong từng hoàn cảnh cụ thể đâu là nghĩa vụ luân lý mà họ phải thi hành[13]. Nói cách khác,“lương tâm là lương năng bẩm sinh trong lòng người làm cho người ta phân biệt được cái tốt với cái xấu, cái hay với cái dở và lòng tốt thúc đẩy người ta chọn làm điều lành tránh điều dữ”[14].
Để có thể xây dựng một xã hội lành mạnh điều tiên quyết là phải bắt đầu từ giáo dục, một nền giáo dục biết tôn trọng những giá trị đạo đức truyền thống, những giá trị luân lý ngàn đời, tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên đã cảnh báo: “Căn nhà Việt Nam, muốn được vững chắc, cần có sự chung sức chung lòng của mọi người, nơi đó, các tôn giáo được phát huy chức năng của mình, nhằm cộng tác xây dựng một cuộc sống an bình và phát triển”[15]. Trong tác phẩm Sáng tạo và giao lưu – Tập tiểu luận phê bình văn học, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội 2004, tr. 558 – 570, nhà văn Phạm Vĩnh Cư đã nói rất hay về vai trò của tôn giáo và những giá trị đạo đức cao cả của tôn giáo trong việc kiến tạo một bộ mặt xã hội thật sự nhân bản: “Lịch sử thế giới trong ba thế kỉ qua cho ta thấy một bức tranh vận động tiến – thoái hết sức phức tạp và đầy kịch tính. Hôm nay hơn bao giờ hết không thể yên tâm về bất kì một lĩnh vực nào của đời sống con người trên trái đất này, nhất là về đời sống đạo đức – tinh thần. Những bộ óc ưu thời mẫn thế ở phương Tây và phương Ðông không phải không có cơ sở cảnh báo về một ‘thời đại Trung cổ mới’, về ‘cuộc xâm lăng từ chiều thẳng đứng của chất man rợ’, nó không từ một xã hội nào, một quốc gia nào. Nền giáo dục con người, xưa kia là phận sự và độc quyền của các tôn giáo, từ khi được chuyển giao cho các nhà nước thế tục, có thể tự hào về nhiều thành tựu to lớn và vững chắc của mình, nhưng không phải trong khu vực đức dục. Vấn đề hợp tác giữa nhà nước, xã hội và các giáo hội trong lĩnh vực này đang được đặt ra và giải quyết ở nhiều nước. Trong tình hình ấy, hiểu biết về đạo đức học của các nền tôn giáo lớn của nhân loại trở thành nhiệm vụ của mọi công dân có trách nhiệm ở mọi quốc gia”. GS Nguyễn Đình Chú cũng đã nói lên vai trò và những tác động của tôn giáo đối với đời sống xã hội như một sự hiện diện không thể thiếu nếu nhà lãnh đạo thật sự muốn xây một xã hội có kỷ cương giường mối: “Xin nhớ rằng, hiến pháp có chặt chẽ đến đâu, pháp luật dù có quy định ngóc ngách đến đâu, so với sự sống thiên hình vạn trạng, vẫn còn khe hở. Cảnh sát trần gian dù đông đặc nghiêm túc đến đâu (mà thực tế làm gì có nghiêm túc cả) vẫn không đủ bao hết sự đời. Phải có thêm loại cảnh sát cõi âm, loại cảnh sát nằm ngay trong chính tâm linh mỗi người không loại trừ ai, kể cả ông vua có quyền uy tối thượng, trị vì trăm họ, mới mong đảm bảo có cuộc sống tốt lành nhiều hơn trong điều kiện thiện ác vốn dĩ cứ tranh chấp nhau triền miên cùng nhân loại”[16]./.
_______________
[1] Hoàng Tụy, Tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống, ngày 5-1-2012, Viet-Studies.info
[2] Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 211, tr. 29 và 33
[3] Thiện Ý, “Vì sao đạo đức băng hoại”, ngày 21-3-2009, Talawas.org
[4] Thiện Ý, Vì sao tội ác lên ngôi?, ngày 9-9-2011, Viet-Studies.info
[5] Đức giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Bất gốc, ngày 30-8-2012, hdgmvietnam.org
[6] Đức giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Bất gốc, ngày 30-8-2012, hdgmvietnam.org
[7] Đức giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Bất gốc, ngày 30-8-2012, hdgmvietnam.org
[8] Diễn từ của Đức thánh cha Biển Đức 16 tại Assisi, nhân ngày các đại diện tôn giáo cùng cầu nguyện cho hòa bình 27-11-2011
[9] Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ, NXB Hồng Đức, 2008
[10] Từ điển Đức tin Kitô giáo, bản Pháp-Việt
[11] Kim Thao, Những quan điểm khác nhau về lương tâm trải qua lịch sử, Thời sự Thần học – Số 2
[12] Bình Hòa, Lương tâm là gì? Thời sự Thần học, số 2
[13] Lm. Phaolô Bùi Đình Cao, Giáo trình luân lý căn bản
[14] Phaolô Nguyễn Bình Tĩnh, Luân lý cơ bản Kitô giáo, Thuận Hóa-Huế 1994
[15] Đức giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Bất gốc, ngày 30-8-2012, hdgmvietnam.org
[16] GS Nguyễn Đình Chú, Sự áp đảo của phương Tây đối với phương Đông trên phương diện văn hóa và tinh thần truyền thống, ngày 01-06-2010, Viet-Studies.info
Không có nhận xét nào: