Một số phụ nữ cố gắng đẩy một chiếc xe chở đầy các thùng trái cây nhập cảng từ Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images) |
HÀ NỘI (NV) - Việt Nam ngày càng lún sâu vào vòng lệ thuộc Trung Quốc về mặt kinh tế.
Thời Báo Kinh Tế Việt Nam (TBKTVN) hôm Thứ Bảy vừa qua nêu ra các con số chứng minh sự phụ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc. Báo chí ở Việt Nam đã nhiều lần báo động về tình trạng thâm thủng mậu dịch ngày một dâng cao của Việt Nam với Trung Quốc mà một quan chức của Bộ Công Thương Hà Nội nói là khuynh hướng đó “bình thường”.
Theo TBKTVN, Trung Quốc dẫn đầu trong 8 thị trường Việt Nam nhập cảng nhiều nhất năm 2012, chiếm tới 25.3% tổng số kim ngạch nhập cảng.
“Trong các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, có khoảng 30 mặt hàng đạt kim ngạch trên 100 triệu USD, trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; tiếp đến là điện thoại các loại và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải; sắt thép; xăng dầu).”
TBKTVN viết. “Có một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có kim ngạch chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng tương ứng của cả nước, như: Khí đốt 53.2%, phân bón 50.7%, rau hoa quả 48.8%, thuốc trừ sâu 46.1%, điện thoại các loại và linh kiện 45.4%, vải 43.4%, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng 32.2%, nguyên phụ liệu dệt may da 30.2%, sắt thép 29.5%, hóa chất 27%, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện 26.6%, xơ sợi 26.4%, ô tô nguyên chiếc 25.1%...”
Tổng Cục Thống Kê thuộc Bộ Công Thương CSVN đưa ra con số hồi cuối năm ngoái cho thấy Việt Nam chỉ xuất cảng được sang Trung Quốc một lượng hàng phần lớn là nguyên liệu, và khoáng sản với trị giá 12.2 tỉ USD trong khi nhập cảng từ Trung Quốc tới 28.9 tỉ USD, tức là thâm thủng mậu dịch tớ 16.7 tỉ USD.
Con số thâm thủng mậu dịch giữa Việt Nam với Trung Quốc suốt nhiều năm qua gia tăng nhanh chóng.
Nếu chỉ tính từ năm 2007 đến nay, người ta thấy Việt Nam thâm thủng năm 2007 với Trung quốc là 9.145 tỉ USD. Năm 2008 thâm thủng 11.116 tỉ USD; năm 2009 thâm thủng 11.532 tỉ USD. Năm 2010 thâm thủng 12.710 tỉ USD và năm 2011 thâm thủng 13.467 tỉ USD.
Việt Nam lệ thuộc phần lớn vào Trung Quốc cả nguyên liệu, trang bị máy móc sản xuất đến hàng hóa tiêu dùng. Ngày 3 tháng 10 năm 2012, báo Người Lao Ðộng phải kêu rằng hàng hóa của Trung Quốc “Thượng vàng, hạ cám gì cũng nhập”.
Cả những đồ tệ hại như “gà thải loại” đến các loại hàng giả, hàng nhái đến trái cây tẩm ướp hóa chất độc hại, các loại “phụ gia” gây ung thư cũng nhập bầy bán gần như công khai khắp nơi.
“Không chỉ nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất mà nhiều mặt hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, rau củ quả, trái cây... từ Trung Quốc cũng ồ ạt tràn vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, chính ngạch”. Báo Người Lao Ðộng ngày 3 tháng 10, 2012 viết.
Một chuyên gia kinh tế nói Việt Nam đang trở thành “bãi phế thải” các loại hàng hóa phẩm chất xấu của Trung Quốc.
Ông Ðào Ngọc Chương, phó vụ trưởng Vụ Thị Trường Á Châu của Bộ Công Thương bình luận tình trạng nhập siêu ngày càng lên cao của Việt Nam với Trung Quốc là “Bình thường”. Nhưng ngay từ năm ngoái, người ta đã thấy có nhiều bài viết phân tích mối quan hệ mậu dịch, thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Lệ thuộc về kinh tế sẽ dẫn đến lệ thuộc về chính trị.
“Hàng hóa Trung Quốc đang ồ ạt tràn vào Việt Nam không chỉ gia tăng chênh lệnh về cán cân thương mại giữa hai nước mà còn gây bất lợi cho sản xuất trong nước. Sự lệ thuộc ngày càng lớn vào hàng hóa Trung Quốc có thể dẫn đến việc Việt Nam phải nhượng bộ các yêu sách của đối phương một khi chiến tranh thương mại xảy ra. Bởi phụ thuộc về kinh tế sẽ dẫn đến lệ thuộc về chính trị.” Báo Sống Mới Online ngày 3 tháng 10, 2012 từng viết.
Trong khi nhiều loại sản phẩm, hàng hóa sản xuất ở Việt Nam không bán được, hàng tồn kho rất lớn thì hàng Trung Quốc bán phá giá vẫn cứ ồ ạt đổ vào Việt Nam.
Một trong những thí dụ là các loại sắt thép.
“Sự gian lận của các doanh nghiệp Trung Quốc được tiếp tay bởi doanh nghiệp nhập khẩu cùng sự bàng quang của các cơ quan chức năng, thép Trung Quốc đang bức tử thép Việt. Theo Hiệp Hội Thép Việt Nam (VSA), khó khăn mà ngành thép đang phải đối mặt khiến ít nhất 5 doanh nghiệp ngành thép phá sản. Trong năm 2012, dự kiến có khoảng 20% doanh nghiệp nữa sẽ đóng cửa. Với thực trạng đến cuối tháng 9 năm 2012 lượng thép tồn kho ước khoảng 330 nghìn tấn và đang có dấu hiệu tiếp tục gia tăng, có lẽ, số doanh nghiệp trong ngành thép Việt Nam phải đóng cửa chưa dừng lại ở đây.” Sống Mới Online báo động. (T.N.)
Không có nhận xét nào: