Thụy My, RFI - 26.03.2013: Thông tín viên nhật báo cánh hữu Le Figaro hôm nay cho biết « Trung Quốc tìm cách cải thiện hình ảnh tại châu Phi ». Tuy nhiên bài viết dịch lại của tờ New York Times cho thấy « Tại Hồng Kông, Bắc Kinh vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của khát vọng dân chủ ».
Còn trong nước, theo nhật báo cánh tả Libération, an toàn thực phẩm vẫn là chuyện đau đầu. Trong ngành mỹ phẩm, Trung Quốc còn đi ngược lại xu hướng thế giới : nhật báo kinh tế Les Echos cho biết, tuy bị cấm đoán tại châu Âu nhưng thử nghiệm trên loài vật lại là bắt buộc tại Trung Quốc.
Le Figaro nhận xét, vừa nhậm chức Chủ tịch nước xong, ông Tập Cận Bình đã lên đường công du một tuần lễ tại châu Phi. Đành rằng nếu không có hội nghị thượng đỉnh BRICS hôm nay tại Durban, thì chưa hẳn ông Tập đã đến châu lục này, tuy nhiên phải ghi nhận rằng ông đã chọn lựa châu Phi để thăm viếng trước cả châu Mỹ, châu Âu thậm chí châu Á. Trong vòng tám ngày, ông đi thăm Tanzania, Nam Phi và Congo-Brazzaville.
Theo tờ báo, đó là vì ông Tập Cận Bình có những thông điệp cần mang đến. Nếu quan hệ thương mại Trung Quốc – châu Phi đang ở tột đỉnh, thì những dấu hiệu bất bình ngày càng nở rộ.
Đến châu Phi để chiếm đoạt tài nguyên
Từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành đối tác hàng đầu của châu Phi, và trao đổi thương mại năm 2012 đã đạt con số kỷ lục là 200 tỉ đô la, đầu tư của Bắc Kinh tăng 60%. Theo Bộ Thương mại, đã có 2.000 công ty Trung Quốc có trụ sở tại châu Phi. Sau các công ty dầu khí là một làn sóng thứ hai thương nhân tràn đến, đã có « từ một đến hai triệu người Trung Quốc » làm ăn tại châu Phi. Chỉ riêng ở Angola, con số người Hoa đã là 250.000 người.
Nhưng người châu Phi vẫn lo ngại Trung Quốc đến đây chỉ để chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên về dầu khí và khoáng sản, ngoài ra không có mục đích gì khác. Biết thế nên Bắc Kinh cố gắng xoa dịu. Năm ngoái, khi loan báo tăng gấp đôi tín dụng cho châu Phi với 20 tỉ đô la, ông Hồ Cẩm Đào nói rõ là dành cho cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông cũng loan báo tăng viện trợ để đào tạo 30.000 người, cấp học bổng cho 18.000 sinh viên, gởi đến 1.500 nhân viên y tế. Và đặc biệt là Bắc Kinh còn tặng cho Liên hiệp châu Phi (UA) một trụ sở mới ở Addis-Abeba trị giá 150 triệu euro.
Thực dân mới Trung Quốc và quyền lực mềm
Tuy nhiên theo Le Figaro, những nỗ lực này không đủ để xóa tan những bất bình. Người Trung Quốc rất bối rối khi đọc được một bài viết của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria trên tờ Financial Times. Ông Lamido Sanusi viết : « Đã đến lúc người châu Phi phải mở mắt trước thực tế của bài tình ca với Trung Quốc ». Vị Thống đốc lên án Bắc Kinh chỉ muốn thâu tóm nguyên liệu và tràn ngập lục địa đen với những hàng hóa rẻ tiền, chứ không chuyển giao kỹ thuật. Theo ông, « Đó là điều chủ yếu của chủ nghĩa thực dân », và « Châu Phi đã tự mở cửa cho một dạng chủ nghĩa đế quốc mới ». Mùa hè năm ngoái, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma cũng đã cảnh báo trước một quan hệ bất bình đẳng « không thể tồn tại lâu dài ».
Tại chỗ, một loạt các sự cố đã minh họa cho lời cảnh báo trên. Cách đây hai ngày, các nhân viên khu mỏ uraniumcủa công ty Trung Quốc CNNC tại Azelik (Niger) đã bắt đầu một cuộc « đình công vô thời hạn » để đòi hỏi điều kiện làm việc tốt hơn, cũng như các chế độ theo luật pháp Nigeria.
Tháng vừa qua, một bản báo cáo của tổ chức phi chính phủ Environmental Investigation Agency (EIA) khẳng định rằng Mozambique – một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới – đã bị thiệt hại gần 30 triệu đô la trong năm 2012 do nạn buôn lậu gỗ sang Trung Quốc. Những chỉ trích loại này ngày càng nhiều. Các công ty Trung Quốc bị lên án là không tôn trọng luật pháp nước sở tại, hoặc đưa ồ ạt công nhân người Hoa đến.
Để tuyên truyền, Bắc Kinh vào tháng 12/2012 đã tung ra một ấn bản hàng tuần của tờ China Daily, tập trung vào quan hệ Trung Quốc – châu Phi, được xuất bản tại Kenya, Nairobi. Bài xã luận đầu tiên nhìn nhận quan hệ này là « phức tạp và không phải lúc nào cũng thông hiểu ». Trung Quốc cũng đã thiết lập tại Nairobi trụ sở châu Phi của Tân Hoa Xã và kênh truyền hình CCTV Africa. Bắc Kinh trông cậy vào « quyền lực mềm », và chuyến công du đầu tiên của Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viên cũng nhằm phục vụ cho chiến lược này.
Không có nhận xét nào: