Kính Hòa, RFA - 25.03.2013: Ngày 24 tháng ba vừa qua là ngày giỗ cụ Phan Chu Trinh, nhà yêu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20.
Tư tưởng Phan Chu Trinh và phong trào Duy Tân do cụ đề xướng vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay cho công cuộc phục hưng dân tộc Việt Nam.
Cụ Phan Chu Trinh sinh năm 1872 tại Quảng Nam, mất ngày 24/3/1926 tại Sài Gòn. Cụ chủ trương không sử dụng bạo lực để giành lại độc lập cho Việt Nam, mà theo cụ phải canh tân xã hội Việt Nam trước, và nhất là chấn hưng giáo dục Việt nam.
Bấm vào nút PLAY để nghe phỏng vấn
Dành cho máy có duyệt trình I.E cũ
Nhà văn Nguyên Ngọc, người sáng lập trường đại học Phan Chu trinh tại Hội An, trích lời nhà sử học Pháp Daniel Hemery nhận xét vè cụ Phan, “Daniel Hemery nhận định cụ Phan Chu Trinh là nhân vật sáng giá nhất thế kỷ 20. Vì Ông đã nhận ra những nan đề ngay từ đầu thế ky 20 mà nhân dân Việt nam phải đảm nhận, thậm chí cho đến bây giờ.”
Và nhà văn Nguyên Ngọc nói tiếp “Ông là người duy nhất nhận ra rằng thế giới là mênh mông hoàn toàn khác."
Cùng với Phan Chu Trinh là cả một thế hệ nhà nho đồng thời với ông đã nhận thấy một cuộc chơi mới trên bàn cờ thế giới, mà cả ngàn năn trước đó không hề có, nhà văn Nguyên Ngọc nói tiêp về người Pháp đang cai trị Đông Dương lúc ấy, “Cụ Phan Chu Trinh nhận ra đối thủ mới phát triển hơn chúng ta cả một thời đại."
Bà Bùi Trân Phượng hiệu trưởng trường đại học tư thục Hoa Sen tại TP HCM cũng nhận định:
"Một điều đáng khâm phục là thế hệ sĩ phu đầu thế kỷ được đào tạo trong tinh thần nho học, theo tinh thần khoa bảng nhưng hiểu ra rằng phải có cuộc canh tân về giáo dục ở bề sâu. Hiểu ra rằng VN là một bộ phận của thế giới bao la chứ không chỉ là thế giới Hán hóa.”
Đám tang cụ Phan Chu Trinh tại Sài Gòn năm 1926
Các nhà nho trí thức của thế hệ cụ Phan Chu Trinh đã có những ý tưởng duy tân bằng cách tiếp xúc với Tân Thư là các tài liệu dịch từ các trước tác của thời kỳ khai sáng ở châu Âu ra tiếng Hán, cùng với các tác phẩm do các nhà duy tân Nhật bản viết, và một phần khác cũng rất quan trọng là sự quan sát chính đối thủ đang cai trị nước Việt nam lúc đó là người Pháp. Mà điều đáng nói là, như bà Bùi Trân Phượng nhận xét, “Dù được đào tạo trong môi trường Hán học, họ đủ tỉnh táo, đủ tư duy độc lập để đặt vấn đề, để rồi mở lòng mình cho những giá trị mới.”
Do vậy, Cụ Phan Chu Trinh ý thức được rằng vấn đề không chỉ đơn giản là độc lập dân tộc, mà theo như nhà văn Nguyên Ngọc, “Cụ Phan Chu Trinh đặt vấn đề độc lập dân tộc trong một phạm trù lớn hơn đó là phát triển dân tộc.”
Vẫn còn nguyên giá trị
Vấn đề phát triển dân tộc này được cụ Phan Chu Trinh gọi là Chấn dân khí, tức là nâng cao dân trí, ý thức của dân chúng. Cụ Phan Chu Trinh đã cùng với các nhà nho cùng chí hướng dựng nên một hệ thống trường học giảng dạy theo phương pháp mới kiểu Tây học thực tế, không tầm chương trích cú các điển cố Trung Hoa theo cách giáo dục khoa cử ngày trước nữa. Đó chính là hệ thống Đông Kinh Nghĩa Thục. Về mặt kinh tế ông cũng kêu gọi xúc tiến các họat động thương mại, kỹ nghệ. Và ông cũng đã đi diễn thuyết để khuếch trương ý tưởng đó.
Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào Duy Tân bị đàn áp, Phan Chu Trinh bị cầm tù, rồi được thả. Ông tiếp tục xúc tiến Duy Tân nhưng sự nghiệp chưa thành thì ông mất. Đám tang ông cũng là một sự kiện chính trị xã hội lớn vào thời ấy.
Lịch sử Việt Nam đã phát triển theo con đường khác, như nhà văn Nguyên Ngọc nói, “Chuyện giải quyết vấn đề độc lập của VN do những cái éo le của lịch sử đã đi theo con đường khác.”
Và chúng ta đã biết Việt nam đã dành độc lập bằng con đường bạo lực vũ trang. Rồi những cuộc chiến đẫm máu đã tiếp nối. Nhưng dường như hiện trạng VN vẫn còn những nan đề mà Cụ Phan Chu Trinh đã nhận thấy từ đầu thế kỷ 20.
Anh Trần Thiên Thị, một cựu học sinh trường Trung Học Phan Chu Trinh ở Đà Nẵng, đã thành lập một diễn đàn thảo luận về tư tưởng Phan Chu Trinh, anh nhận xét:
“Bây giờ hòan cảnh xã hội bây giờ không khá hơn thời cụ PCT, theo tôi bây giờ sự tha hóa còn hơn thời xưa, chẳng hơn thời cụ Phan là bao nhiêu.”
Lịch sử đã qua đi, không thể lập lại như nhà văn Nguyên Ngọc nói, “Chúng ta không thể nói nếu cho lịch sử được, , nhưng mặc dù vậy bây giờ những vấn đề mà cụ Phan đặt ra 100 năm trước vẫn còn nguyên vẹn.”
Vậy chúng ta nên nhìn lại tư tưởng và sự nghiệp của cụ Phan để tiếp tục chấn hưng nước Việt như bà Bùi Trân Phượng nói:
“Phong trào Duy Tân đầu thế kỷ đã đặt ra những vấn đề mà nước VN chưa giải quyết thì phải làm. Chúng ta đã lỡ hẹn với lịch sử 1, 2, 3 lần thì đến lúc nào đó chúng ta cũng phải làm, như những vấn đề dân chủ, dân quyền, dân sinh và đặc biệt là vấn đề dân trí. Chúng ta nợ lịch sử thì chúng ta phải trả nợ thôi.”
Hay như anh Trần Thiên Thị, “Công cuộc của cụ Phan Chu Trinh còn dang dở và cần phải tiếp tục.”
Thế nhưng, hiện nay trong sách lịch sử được giảng dạy ở các trường học Việt nam. Cụ Phan Chu Trinh chỉ được mô tả như một người yêu nước bình thường như bao người yêu nước khác, hơn nữa lại được gán cho một cái tên là nhà yêu nước cải lương không triệt để. Anh Trần Thiên Thị nhận xét về sách sử ở Việt nam phần nói về Cụ Phan là,
“Sách sử ký nói về cụ Phan Chu Trinh còn phiến diện.”
Để thực hiện công cuộc chấn hưng theo tinh thần và tư tưởng Phan Chu Trinh, phải chăng điều đơn giản trước tiên mà chúng ta phải làm là phải sửa đổi sách lịch sử, để cho thể hệ trẻ, thế hệ sẽ tiếp tục sự nghiệp dang dở của cụ Phan, nhận thức đúng đắn và trung thực vai trò của cụ Phan trong lịch sử dân tộc.
Không có nhận xét nào: