Minh Anh, RFI - 13.03.2013: Liên quan đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay có bài phân tích đề tựa « Căn nguyên và những cái bẫy trong việc rẽ hướng sang châu Á của Hoa Kỳ ». Tờ báo nhận định rằng, việc Mỹ tăng cường quân đội trong khu vực có nguy cơ khiến cho Trung Quốc thêm hung hăng.
Nhìn từ bên ngoài, sự chuyển hướng của Hoa Kỳ sang châu Á mang một lý do rất đơn giản, đó là vì quyền lợi kinh tế và an ninh quốc gia. Sự rẽ hướng đó được chính quyền Obama gọi là « xoay trục ». Hay nói một cách khác, chính là sự thay đổi chiến lược của Hoa Kỳ tại châu Á.
Sự « xoay trục » của Hoa Kỳ về châu Á phải được hiểu rằng Mỹ đã nhận thức được sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng và các hành động khiêu khích của Bắc KInh trước các đồng minh truyền thống của Mỹ tại khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông. Từ hai thập niên nay, việc Bắc Kinh tăng đều đặn ngân sách quốc phòng mỗi năm đến trên 10% cho thấy một ngày nào đó Trung Quốc có thể trở thành một đối thủ đáng gờm. Đấy là chưa tính đến mối họa Bắc Triều Tiên đang đè nặng lên Hàn Quốc.
Hai yếu tố thuận lợi cho sự « xoay trục »
Theo phân tích của tác giả, có hai yếu tố mang các bản chất khác nhau sau đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự « xoay trục ». Một mặt, chính việc khám phá nguồn trữ lượng dồi dào khí đá phiến hé mở triển vọng giúp Hoa Kỳ giảm sự lệ thuộc vào nguồn dầu hỏa Trung Đông. Như vậy, Washington đã có thể giảm quân số trong khu vực này, bắt đầu từ việc rút hết quân tại Irak vào năm 2011 và tương tự cho Afghanistan từ đây đến hết năm 2014. Mặt khác, chiến tranh lạnh kết thúc cho phép Mỹ giải ước từ từ khỏi châu Âu. Lầu Năm Góc sẽ cho rút bớt thêm quân tại các khu căn cứ ở Đức.
Kinh tế và quân sự là hai trục chính trong việc « rẽ hướng » sang châu Á
Bài phân tích nhận định, việc « rẽ hướng » sang châu Á sẽ được dựa vào hai trục chính. Trục thứ nhất liên quan đến vấn đề kinh tế. Việc lần đầu tiên Tổng thống Obama tham dự « Hội nghị thượng đỉnh Đông Á » cho thấy Mỹ rất mong muốn đạt được một sự hội nhập kinh tế và thương mại hoàn toàn với châu Á. Hoa Kỳ bày tỏ thiện chí đàm phán về một thỏa thuận tự do trao đổi mậu dịch ngay trong lòng khối Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trục thứ hai liên quan đến vấn đề quân sự. Cam kết chuyển hướng sang châu Á đi kèm với việc tái định vị quân sự. Mà bằng chứng là Washington thông báo kể từ tháng 4/2012 sẽ gởi 2500 quân đến khu căn cứ quân sự Darwin tại Úc. Hoa Kỳ còn thắt chặt các mối quan hệ quân sự với các nước trong khu vực Đông Nam Á qua việc cho neo đậu các tàu chiến tại các khu hải cảng lớn của Singapore hay đặt các máy bay giám sát tại Philippines và cũng như qua việc cho thực hiện các đợt luân chuyển binh sĩ thường xuyên hơn.
Theo bài báo, mục tiêu của các động thái này là nhằm đạt được một sự linh hoạt luân chuyển binh lính tối đa trong khu vực mà không cần phải dựa dẫm nhiều vào các khu căn cứ quân sự thường trực của Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tác dụng ngược của chiến lược « xoay trục »
Tuy nhiên, bài phân tích đánh giá rằng sự hiệu chỉnh chiến lược trên rất có thể sẽ có tác dụng phản ngược với mục tiêu đề ra. Thay vì là nhằm ổn định - hội nhập khu châu Á – Thái Bình Dương, và đảm bảo các đồng minh châu Á của mình, sự « xoay trục » đó có nguy cơ khiến Bắc Kinh trở nên hung hăng hơn. Trước việc luôn bị xem thường về năng lực quân sự và rất có thể luôn ám ảnh bởi sự gia tăng quân lực Mỹ, Trung Quốc đã gia tăng các tiềm năng quân sự của mình. Chẳng hạn như sự kiện Bắc Kinh khởi động chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của mình vào năm 2011. Theo các chuyên gia phân tích, thay vì góp phần làm hạ nhiệt trong khu vực, chiến lược « xoay trục » của Hoa Kỳ có nguy cơ đẩy giới quân sự Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn. Trên thực tế là Bắc Kinh đã nói bóng nói gió đến sự trở lại «tâm lý chiến tranh lạnh».
Bài phân tích đã trích dẫn nhận định của một vị giáo sư đại học cho rằng chính sách ngoại giao mới của Hoa Kỳ đã làm trầm trọng thêm cảm giác bất an và chỉ có thể làm cho Trung Quốc thêm phần hung hăng. Chính sách này không những không tạo được sự ổn định trong khu vực mà còn gây sứt mẻ trong mối quan hệ bang giao Mỹ - Trung. Theo vị giáo sư này, chính sách « xoay trục » này được dựa trên một đánh giá sai lầm. Ông cho rằng, Trung Quốc phô trương thanh thế chủ yếu là nhằm che đậy những bất an trong nước do nhiều năm khủng hoảng tài chính và bất ổn xã hội.
Những hạn chế trong chính sách « xoay trục »
Cuối cùng, bài phân tích cũng nhận định rằng chính sách « xoay trục » của Hoa Kỳ vẫn còn khó có thể hoàn thiện được.
Thứ nhất liên quan đến vấn đề tài chính. Tác giả cho rằng việc áp dụng cắt giảm tự động từ hồi tuần rồi sẽ làm cho ngân sách quốc phòng giảm xuống đến ít nhất là 8%, tức là giảm 500 tỉ đô-la trong vòng 10 năm.Thứ hai, việc giảm lệ thuộc vào nguồn dầu hỏa nhập khẩu từ Trung Đông vẫn còn là một triển vọng khá xa vời.
Thứ ba, có sự khác biệt giữa người tiền nhiệm và người kế thừa trong lãnh vực ngoại giao. Khác với bà Hillary Clinton, tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ ông John Kerry đã chọn châu Âu và Trung Đông làm điểm đến trong chuyến xuất ngoại đầu tiên chứ không phải là châu Á. Một tín hiệu cho thấy Washington chưa thể nào quay lưng lại với các « đồng minh cũ » của mình.
Một điều chắc chắn là Hoa Kỳ cũng không thể nào lùi bước với châu Á. Nhưng Hoa Kỳ cũng khó có thể mà giữa thăng bằng được cán cân Đông – Tây của mình.
Không có nhận xét nào: