Soạn Thảo và Tu Chính Hiến Pháp - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
6 tháng 3, 2013

Soạn Thảo và Tu Chính Hiến Pháp

Nguyễn Học Tập, TNCG - 6.3.2013: Chúng ta thường nghe nói Quốc Gia nầy đang triệu tập Ủy Ban Soạn Thảo Hiến Pháp, Đảng Phái kia (trường hợp Quốc Gia đang bị một chính đảng thao túng) đang chuẩn bị tu chính, sửa đổi Hiến Pháp, cắt bỏ điều nọ khoản kia của Hiến Pháp.

Một câu hỏi tự nhiên đến với bất cứ ai trong chúng ta là chúng ta hài lòng hay không về "thiện chí" của những đề nghị được đưa ra.

Câu trả lời dĩ nhiên tùy thuộc vào quan niệm của chúng ta và quan niệm của những người "thành tâm thiện chí" đang lo về Hiến Pháp có tương đồng hay không.
Chúng tôi không có ý dài dòng định nghĩa theo nguyên ngữ, cũng như lịch sữ của quan niệm Hiến Pháp, điều đó ai trong chúng ta cũng tìm thấy được dễ dàng trong các sách giáo khoa.

Điều mà chúng tôi muốn nêu lên như là xác tín mà một Quốc Gia dân chủ, tự do và nhân bản phải có, là Hiến Pháp nói riêng và Luật Pháp nói chung (gồm luật Hiến Pháp và luật pháp thông thường, những áp dụng phát xuất từ nền tảng được Hiến Pháp xác định) không phải là "dụng cụ của giới thống trị đương quyền nhằm áp đặt trên đầu trên cổ thành phần bị trị để đạt được mục đích" , như tư tưởng bất hạnh của ý thức hệ Cộng Sản (cfr. LUẬT PHÁP TRONG Ý THỨC HỆ CỘNG SẢN).

"Hiến Pháp và luật pháp là những thể thức, điều lệ trên đó cuộc sống chung trong cộng đồng Quốc Gia được tổ chức". (P. Biscaretti di Ruffìa- G. C. Reghezzi, Introduzione al Diritto costituzionale, Giuffré, Milano 1988, 312).
Nếu đồng ý được với nhau về định nghĩa tổng quát trên của Hiến Pháp và Luật Pháp theo tư tưởng của GS P. Biscaretti di Ruffìa và G.C. Reghezzi (đại học Boccone, Milano-Ý), chúng ta có thể tiếp tục cuộc hành trình với nhau để duyệt xét những đặc điểm nói lên tinh thần mà một Hiến Pháp dân chủ, tự do và nhân bản phải có và là niềm ước vọng cho cuộc sống chung trong tương lai của dân tộc Việt Nam.

Và sau đây là những đặc điểm trên mà chúng tôi đã tìm thấy được qua Hiến Pháp của các Quốc Gia tân tiến Tây Âu,

Hiến Pháp đã giúp người dân Tây Âu kiến thiết lại quê hương đổ nát của họ sau Thế Chiến thứ II, hướng dẩn họ tiến lên hàng cường quốc của thế giới hiện đại:

Hiến Pháp nhân bản.

Hiến Pháp bảo chứng.

Hiến Pháp dân chủ.

Hiến Pháp thực hữu.

Hiến Pháp với tự do tiêu cực và tích cực.

Hiến Pháp thực hiện quyền và tự do của người dân qua cơ chế Quốc Gia.

Hiến Pháp với dân chủ đa nguyên và thiểu số đối lập.

Hiến Pháp dân chủ tản quyền.

Hiến Pháp cứng rắn và các điều khoản bất di dịch.

1 - Hiến Pháp nhân bản.

Một trong những đặc tính nổi bậc của của các Hiến Pháp Tây Âu là nhân phẩm con người được đặt ở địa vị quan trọng trong Hiến Pháp.

Nhân phẩm, quyền và tự do của con người được đặt ở địa vị trung tâm điểm, tối thượng và bất khả xâm phạm trong tổ chức Quốc Gia.

Bản Tuyên ngôn Độc Lạâp 1776 của Hoa Kỳ và Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân Cách Mạng Pháp 1789 đặt địa vị con người ở phần Tiền Đề, để nói lên tính cách quan trọng của lời tuyên bố: Quốc Gia long trọng tuyên bố cam kết trước quốc dân sẽ thực thi việc tôn trọng nhân phẩm, quyền và tự do của con người.

Tinh thần vừa kể được Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức lập lại ở điều khoản đầu tiên của Hiến Pháp và tuyên bố như là một điều khoản luật có tính cách bắt buộc phải tuân hành đối với mọi quyền lực Quốc Gia:

"Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm. Mọi quyền lực Quốc Gia có bổn phận kính trọng và bảo vệ nhân phẩm đó...

Các quyền căn bản được kể sau đây có giá trị bắt buộc đối với cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp như là những quyền đòi buộc trực tiếp" (Điều 1, đoạn 1 và 3 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức)


Và liên tiếp trong 18 điều khoản kế tiếp, Hiến Pháp 1949 CHLBĐ

- liệt kê các quyền căn bản con người như là những điều khoản luật có giá trị bắt buộc trực tiếp đối với các cơ chế quyền lực Quốc Gia ,

- trước khi đưa ra định nghĩa thể chế chính trị và phương thức tổ chức Quốc Gia ở điều 20.

Điều đó cho thấy dân tộc Đức đặt con người ở địa vị tối thượng và trung tâm điểm trong tổ chức Quốc Gia. Con người có trước, ở địa vị tối thượng và là chủ nhân quyền lực Quốc Gia: Quốc Gia được được tổ chức để phục vụ con người chớ không ngược lại.

Cũng vậy, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc

- tuyên bố nhân phẩm, quyền và tự do của con người liên tiếp trong 54 điều khoản đầu tiên của Hiến Pháp,

- trước khi đề cập đến thể chế tổ chức Quốc Gia từ điều 55 trở đi, nói lên tinh thần tôn trọng nhân phẩm của dân tộc Ý.

Và chúng ta cũng có thể tìm thấy tinh thần vừa đề cập ở bất cứ Hiến Pháp Tây Âu nào khác.

2 - Hiến Pháp bảo chứng.

Do tin tưởng vào sự thành tín, thông lệ tập tục, việc không đúc kết Hiến Pháp thành một văn bản duy nhất làm nền tảng cho đường lối tổ chức quốc Gia, một vài tác giả Anh quốc có những định nghĩa thiếu sót như:

"Hiến Pháp là văn bản tổng kết một số luật lệ, hợp pháp cũng như không, để điều hành hoạt động của Chính Phủ".

"Hiến Pháp là một văn kiện xác định các luật lệ để quy định thành phần, quyền hạn, phương thức tổ chức những cơ cấu chính của Chính Quyền".


Trái lại, nếu chúng ta lấy Hiến Chương Pennsylvania 28.9.1776 của Hoa Kỳ, chúng ta sẽ nhận thấy một cách rõ ràng Hiến Chương nêu ra 2 yếu tố:

- sơ đồ và phương thức tổ chức Chính Phủ,

- các phương thức bảo đảm quyền và tự do của người dân.

Trong tinh thần vừa kể, Carl J. Friedrich xác định rằng:

"Hiến Pháp không phải chỉ là một văn kiện nêu lên thể chế chính trị, mà là một văn kiện nêu lên thể chế chính trị đặc biệt, không những để nêu lên đặc tính của Quốc Gia, mà còn để giới hạn hành động của Chính Quyền".

Hiến Pháp là một văn bản nền tảng, là Luật Pháp căn bản (Grundgesetz, Đức ngữ) khởi thủy trên đó một Quốc Gia trong tương lai sẽ được xây dựng, được người dân Tây Âu luôn luôn hiểu đồng nghĩa với

"Một văn bản bảo chứng (Garantismo). Ở Tây Âu, người dân đòi buộc phải có Hiến Pháp , nếu muốn thiết lập Quốc Gia. Hiến Pháp đối với họ là một văn bản luật pháp nền tảng hay một loạt các nguyên tắc cơ bản, thể hiện một thể chế Quốc Gia, nhằm giới hạn mọi cách xử dụng quyền hành tự tung tự tác và bảo đảm một chính quyền có giới hạn" (G. Sartori, cit.) .

Do tính cách bảo chứng đó mà đọc Hiến Pháp Tây Âu chúng ta thấy nhan nhản những điểu khoản như:

"Tự do cá nhân là điều bất khả xâm phạm .

"Tư gia là lãnh vực bất khả xâm phạm" .

"Tự do thư tín và mọi hình thức thông đạt cá nhân khác là quyền bất khả xâm phạm

"...Mọi hình thức bắt giữ, khám xét, lục soát đối với cá nhân cũng như mọi hình thức giới hạn tự do cá nhân khác đều không được chấp nhận, nếu không có án trác tòa có lý do chính đáng và chỉ được thi hành trong các trường hợp và theo cách thức được luật pháp ấn định.

"Trong trường hợp cần thiết và khẩn cấp, được luật pháp định trước, nhân viên công lực có thể áp dụng biện pháp tạm thời, nhưng phải thông báo cho cơ quan tư pháp nội trong 48 tiếng đồng hồ sau đó, và nếu không được cơ quan tư pháp đồng thuận trong 48 tiếng đồng hồ kế tiếp, các biện pháp tạm thời trên phải được hiểu là đã được thu hồi và trở thành vô hiêu lực.

"Mọi khống chế ngược đãi thể xác và tinh thần đối với người đang bị giãm thiểu tự do đều sẽ bị trừng phạt" (Điều 13, đoan 3 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc) .

"Hình phạt không thể nào gồm những ngược đãi trái với tính cách nhân đạo và nhân phẩm con người. Các hình phạt phải nhằm mục đích cải huấn người bị kết án (Điều 27, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc)

"Không ai có thể bị thuyên chuyển ra khỏi thẩm quyền của thẩm phán được luật pháp tiền định để xét xử "


Chúng tôi vừa trích dẩn một số điều khoản (còn nhiều điều khoản khác nữa) bảo chứng của Hiến Pháp, nói lên tính cách "nhìn nhận, kính trọng và bảo vệ" nhân phẩm, quyền và tự do con người của tổ chức Quốc Gia, chống lại mọi lạm quyền, cưỡng chế bất công bất cứ từ đâu đến.

3 - Hiến Pháp dân chủ.

Thể chế dân chủ của tổ chức Quốc Gia được Hiến Pháp 1947 Ý Quốc nêu lên ở điều 1, tức là ngay ở điều khoản đầu tiên của Hiến Pháp để xác định một cách long trọng thể chế chính trị mà dân tộc Ý quyết định thực thi trong việc tổ chức Quốc Gia mình và là môi trường bảo đảm trong đó các quyền bất khả xâm phạm của con người được " nhìn nhận và bảo vệ"(Điều 2, đoạn 1 Hiến Pháp 1947 Ý):

- "Quyền tối thượng của Quốc Gia thuộc về dân chúng. Dân chúng hành xử quyền tối thượng theo hình thức và trong giới mức của Hiến Pháp" .
Cũng vậy, quyền tối thượng của Quốc Gia thuộc về dân chúng hay thể chế dân chủ được Hiến Pháp CHLBĐ long trọng tuyên bố ở điều 20, cùng một điều khoản được dùng để định nghĩa bản thể và tổ chức Quốc Gia, sau khi đã dành 19 điều khoản đầu để nói lên nhân phẩm, quyền và tự do con người , như chúng tôi đề cập ở trên:

"...Mọi quyền hành của quốc Gia đều phát xuất từ dân chúng. Quyền hành Quốc Gia được dân chúng hành xử qua các cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý và qua các cơ quan chuyên biệt của quyền Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp".


Nhưng thể chế dân chủ không phảûi chỉ có vậy, nêu lên "dân chủ" có nghĩa là dân làm chủ, dân có chủ quyền hay "quyền tối thượng của quốc Gia thuộc về dân" là đủ.

Dân Chủ còn có nghĩa là Hiến Pháp phải xác định dân chúng hành xữ quyền tối thượng của mình trong cộng đồng Quốc Gia như thế nào: "theo phưong thức và trong giới mức của Hiến Pháp"(Hiến Pháp Ý) và "qua các cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý và qua các cơ quan chuyên biệt của quyền Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp"(Hiến Pháp CHLBĐ).

Còn nữa, Hiến Pháp cũng có nhiệm vụ xác định thể thức, làm thế nào để người dân trao quyền của mình cho những người đại diện , để họ hành xử thay mình trong một Quốc Gia theo dân chủ đại diện (ngoại trừ trường hợp trưng cầu dân ý là thể thức hành xử dân chủ trực tiếp).

Bởi lẽ nếu thể thức trao quyền không được xác định một các minh bạch và công bình, những người được coi là đại diện "cơ quan chuyên biệt của quyền Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp" hay "đội ngũ tiền phong của nhân dân, lực lượng lãnh đạo của giới công nhân, nông dân và của cả dân tộc..." có thể tước quyền của người dân và hành xử một cách bất chính.

Thể thức đó đã được Hiến Pháp 1949 CHLBĐ xác định:

"Các Nghị sĩ Hạ Viện được tuyển chọn qua các cuộc phổ thông đầu phiếu, trực tiếp, tự do, bình đẳng và kín" (Điều 38, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức" .
Cũng vậy,

"Ở các Tiểu Bang (Laender), Vùng (Kreise) và Xã Ấp (Gemeinden), dân chúng phải có được các vị đại diện được tuyển chọn qua các cuộc phổ thông đầu phiếu, trực tiếp, tự do, bình đẳng và kín" (id.).

Và sau khi xác định thể thức chuyển giao quyền hành, phương thức và giới mức hành xử theo Hiến Pháp ấn định, chính thể dân chủ vẫn chưa được coi là kết thúc.

Ai có thể bảo đảm cho là giới thừa hành được dân chúng trao quyền là những người liêm chính, hiệu năng, hành quyền theo luật định chính đáng không lạm quyền tự tung tự tác?

Nói cách khác, làm sao dân chúng có thể kiểm soát được hành vi của những kẻ thừa hành?

- Nếu Chính Phủ thiếu hiệu năng hoặc hành quyền tự tung tự tác, Quốc Hội có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ Tướng và yêu cầu Tổng Thống giải tán Chính Phủ (Điều 67, Hiến Pháp 1949 CHLBĐ.).

- Nếu Hạ Viện không chu toàn nhiệm vụ mình, Tổng Thống có thể giải nhiệm Hạ Viện trước định kỳ (Điều 68, id.).

- Nếu Chính Phủ, Hạ Viện tự tung tự tác ban hành các đạo luật bất chính , vi hiến chỉ cần Chính Phủ của một Tiểu Bang, 1/3 Nghị sĩ của Hạ Viện có thể đệ đơn đến Viện Bảo Hiến , thành phần hành xử quyền hành tự tung tự tác tùy hỷ sẽ bị Viện Bảo Hiến phán quyết(Điều 93, id.).

Ngoài ra Hiến Pháp 1949 CHLBĐ còn tiên liệu một Ủy Ban Thường Trực Bảo Vệ Nhân Quyền tại Hạ Viện (Wehrbeauftrage) để kiểm soát mọi hành vi gây tổn thương đến quyền và tự do của người dân bất cừ từ đâu đến (Điều 45b, id.).

Dân chủ là vậy. Dân chủ không chỉ có nghĩa là tuyên bố người dân làm chủ, mà người dân còn có phương thế hữu hiệu trong tay để

- trao quyền cho các người đại diện,

- kiểm soát cách hành xử quyền bính của họ để định chuẩn hiệu năng và theo đúng đường lối pháp định.

4 - Hiến Pháp dân chủ thực hữu.

Trong phần nói về tính các bảo chứng của Hiế n Pháp, chúng tôi liệt kê ra một loạt các quyền và tự do của người dân mà Hiến Pháp đứng ra bảo đảm như là những quyền căn bản bất khả xâm phạm của con người.

Thật ra nêu lên như vậy không khó khăn gì. Hiến Pháp nào cũng tuyên bố. Thậm chí những Hiến Pháp độc tài của Hitler và Mussolini cũng không thiếu, còn nói gì đến nhiều Hiến Pháp của các nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa.

Bởi lẽ tuyên bố như trên mới là cách nhìn nhận trên lý thuyết (formel).

Điều quan trọng là làm thế nào để những điều tuyên bố trên được thể hiện thực sự trong thực tế. Tinh thần biến những điều tuyên bố trên lý thuyết thành những quyền và tự do được thể hiện trong thực tại được các nhà hiến pháp học (constitutionalistes) mệnh danh là tinh thần "dân chủ thực hữu" (democrazia effettiva hay democrazia sostanziale).

Muốn thể hiện tinh thần "dân chủ thực hữu", ngoài việc tuyên bố trên lý thuyết, Hiến Pháp phải tiên liệu các điều kiện và phương tiện để các điều mình tuyên bố có thể được hình thành.

Tinh thần "dân chủ thực hữu" đó đã được Hiến Pháp 1949 CHLBĐ nêu lên như là những điều luật có hiệu lực bắt buộc đối với Quốc Gia:

"...Các quyền căn bản sẽ được kể sau đây (quyền và tự do căn bản của con người từ điều 1-20 như đã nói) có giá trị bắt buộc đối với cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp như là những quyền đòi buộc trực tiếp".

Cùng trong tinh thần đó, nhưng với cái nhìn khác, nhãn quang tích cực, Hiến Pháp Ý quy trách cho Quốc Gia phải tạo điều kiện cho người dân được hưởng các quyền và tự do của mình:

"Bổn phận của Quốc Gia là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại vật trong khi giới hạn thực sự tự do và bình đẳng của người dân, ngăn cản không cho họ phát huy triển nở toàn vẹn con người của mình và tham gia thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở" (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc) .
Đề cập đến quyền được bảo vệ sức khoẻ, quyền được giáo dục, quyền của những người tàn tật và khuyết kém được trợ giúp... Hiến Pháp Ý tuyên bố:

"Các bổn phận của Quốc gia được kể trong các điều khoản nầy sẽ được giao cho các cơ quan được thiết lập để thi hành hoặc bổ túc thay cho Quốc Gia" (Điều 38, đoạn 4, id.).
Tinh thần thực hữu là vậy. Quốc Gia không những chỉ đứng ra tuyên bố , mà còn tiên liệu điều kiện và cơ chế để thực hiện điều mình tuyên bố đối với người dân.

5 - Hiến Pháp với tự do tiêu cực và tự do tích cực

Trong phần Hiến Pháp bảo chứng, chúng ta đã liệt kê nhiều lời tuyên bố về quyền và tự do của người dân . Nhưng tuyên bố như vậy, Hiến Pháp chỉ tuyên bố dưới hình thức tiêu cực (liberté negative) .

"Tư gia là lãnh vực bất khả xâm phạm".

chẳng hạn , là môt lối tuyên bố quyền tự do dưới hình thức tiêu cực.

Điều đó có nghĩa là Chính quyền không được xâm phạm gia cư, lục xét, trưng thu tài vật trong nhà người dân, nếu không có án trác với lý do chính đáng (Điều 13, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý)

Người dân Tây Âu đã biến thể Quốc Gia họ từ quân chủ độc tài, độc tôn của họ qua thể chế dân chủ, từ các thể chế chuyên chế độc tài qua dân chủ đại nghị, lấy Quốc Hội làm bảo chứng cho tự do.

Nhưng Hiến Pháp của họ không ngừng lại ở trình độ Hiến Pháp bảo chứng tiêu cực "Chính quyền không được can dự, lục xét, bắt bớ, đàn áp, giam cầm...". Nói một cách ngắn gọn, ở trình độ "người dân được tự do khỏi" (liberté de...). Thể chế dân chủ của người dân Tây Âu ,mà Hiến Pháp là văn bản biểu tượng, đã tiến xa hơn những gì chỉ gói ghém trong câu "Chính quyền không được", hay tự do tiêu cực.

Người dân trong thể chế dân chủ Tây Âu là người dân được quan niệm như một chủ thể năng động, đầy sáng kiến, chính mình đứng ra đảm lấy trách nhiệm cộng tác xây dựng cuộc sống Quốc Gia cho chính mình và cho đồng bào mình. Do dó người dân không phải là một đơn vị đóng khung trong giới hạn được Hiến Pháp và Luật Pháp bảo đãm " Chính Quyền không được xâm nhập".

Người dân , chủ thể năng động của Tây Âu cần được tổ chức Quốc Gia tạo điều kiện thích hợp và khuyến khích để:

- "...tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở" (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).


Do đó không những Hiến Pháp tuyên bố :

"Mọi công dân có quyền tự do gia nhập hội, không cần phải xin phép, để đạt được các mục đích mà hình luật không ngăn cấm cá nhân (Điều 18, hiến Pháp 1947 Ý)

mà Hiến Pháp còn khuyến khích:

"Mọi công dân có quyền tự do gia nhập chính đảng để cùng nhau hợp tác theo thể thức dân chủ quyết định đường lối chính trị Quốc Gia(Điều 49, id.).

Người dân không những được tự do (tự do khỏi, liberté de...) gia nhập chính đảng mà không bị Chính Quyền phiền hà quấy nhiểu, mà còn được Quốc Gia đứng ra tạo điều kiện và khuyến khích hãy tham gia vào chính đảng để (tự do để , liberté à...) quy định đường lối lãnh đạo Quốc Gia.

Tinh thần tạo ra tự do tích cực (liberté à...) để khuyến khích người dân sáng kiến cộng tác được thể hiện qua việc Quốc Gia đứng ra

- tổ chức học đường miễn phí cho mọi người (Điều 34, id.),

- xác định quyền tư hữu (Điều 42, id.), -

- tuyên bố kinh tế tự do (Điều 41, id.), -

- dành mọi dễ dãi cho việc tiếc kiệm, tạo vốn (Điều 47, id.) ,

- qui định những đạo luật về lao động tại quốc nội và ký hiệp ước lao động trên lãnh vữa quốc tế (Điều 35, id.).

Nói tóm lại Hiến Pháp của một Quốc Gia tân tiến

- không chỉ gồm nhựng điều khoản bảo chứng tự do tiêu cực " Chính quyền không được... ",

- mà còn gồm cả những bổn phận của Quốc Gia tạo đứng ra điều kiện thuận lợi để người dân tích cực (liberté à...) sáng kiến cộng tác xây dựng đòi sống thịnh vượng sung mãn cho xứ sở.

6 - Hiến Pháp thực hiện quyền và tự do của người dân qua cơ chế Quốc Gia.


Như trên chúng tôi vừa nói, điều kiện tối thiểu để ngưới dân Tây Âu chấp nhận Hiến Pháp như là văn bản nền tảng trên đó một Quốc Gia tương lai sẽ được xây dựng là Hiến Pháp đứng ra bảo đảm nhân phẩm, quyền và tự do của người dân phải được tôn trọng.

Đó là tư tưởng gói ghém trong những gì chúng ta vừa đọc qua như là "tự do khỏi" hay "tự do tiêu cực" như vừa nói.

Và chúng tôi cũng có dịp đề cập là con người với nhân phẩm, quyền và tự do căn bản của mình có trước tổ chức Quốc Gia. Quốc Gia được tổ chức để phục vụ con người chớ không ngược lại. Do đó mà Hiến Pháp 1949 CHLBĐ ngay ở điều 1 đã long trọng truyên bố:

"Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm. Mọi cơ chế quyền lực Quốc Gia có bổn phận kính trọng và bảo đảm nhân phẩm đó".

"Các quyền căn bản được kể sau đây có giá trị bắt buộc đối với cơ quan Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp như là những quyền đòi buộc trực tiếp" (Điều 1, đoạn 1và 2 Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).


Từ đó người dân Tây Âu đã đi xa hơn trong quan niệm về Hiến Pháp của họ:

- không những người dân có quyền đòi buộc Quốc Gia "kính trọng và bảo đảm" các quyền và tự do của mình,

- người dân còn có thể nhờ tổ chức Quốc Gia để giúp mình được hưởng trọn vẹn các quyền và tự do đó. Đó là ý nghĩa của đoạn trích dẩn sau đây của Hiến Pháp Ý :

"Cộng Hoà dân chủ Ý nhận biết và bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần xã hội, nơi con người phát triển nhân cách của mình" (Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý).

Và bảo vệ

- không chỉ có nghĩa là bênh vực chống lại mọi vi phạm bất cứ từ đâu đến,

- mà còn đứng ra tạo các điều kiện thuận tiện để các quyền đó có môi trường và điều kiện để thực hiện và phát huy, để con người "phát triển nhân cách của mình".

Nói cách khác, Quốc Gia là phương tiện giúp con người để con người nhờ Quốc Gia (par moyen de...) có được cuộc sống "triển nở toàn vẹn con người của mình và tham dự thiết thực vào đời sống Quốc Gia".
Đó là những gì Quốc Gia Ý tuyên bố ở điều khoản kế tiếp như là mục đích của tổ chức Quốc Gia:

- "Bổn phận của quốc Gia là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại trong khi giới hạn thực sự tự do và bình đẳng của người dân, cản trở không cho phép họ phát huy triển nở trọn vẹn con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội của xứ sở"(Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Điều đó cho thấy Quốc Gia là phương tiện nhờ đó người dân sống xứng đáng với nhân phẩm con người của mình và lợi ích cho đồng bào mình.

7 - Hiến Pháp dân chủ đa nguyên và thiểu số đối lập.

Một trong những đặc tính quan trọng nữa mà Hiến Pháp dân chủ phải có là nguyên tắc dân chủ đa nguyên và bảo đảm cho thành phần thiểu số đối lập.

Chúng tôi không có ý khai triển đặc tính vừa kể, để tránh cho bài viết quá dài, mặc dầu là đặc tính không thể thiếu , nếu một thể chế dân chủ muốn được coi là dân chủ thực sự. Chúng tôi không khai triển thêm vì trước chúng tôi chắc chắn đã có nhiều bài viết của các vị đàn anh đề cập đến một cách đầy đủ với nhiều tài liệu dẫn chứng phong phú.

Chúng tôi chỉ muốn nhắc sơ qua một vài tư tưởng liên hệ đối với đặc tính dân chủ vừa kể. Một trong những nguyên tắc nền tảng cho đặc tính đa nguyên của dân chủ là quyền bình đẳng:

"Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Người Nam và người Nữ đều có quyền như nhau.

Không ai có thể bị thiệt thòi hay được ưu đãi do phái tính, sinh trưởng, giòng giống, ngôn ngữ, quốc tịch hoặc xuất xứ, tín ngưởng, ý kiến về tôn giáo hay chính trị.

Và nếu mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, thì trước pháp luật mọi người đều có quyền và cơ hội thuận tiện như nhau để "tham gia một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội của xứ sở" (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).


Chính Hiến Pháp dân chủ khuyến khích cổ võ người dân hay tham gia vào chính đảng để cộng tác lãnh đạo Quốc Gia:

"Mọi công dân có quyền tự do gia nhập chính đảng để họp tác theo thể thức dân chủ quyết định đường lối chính trị Quốc Gia".
"hợp tác theo thể thức dân chủ quyết định đường lối chính trị quốc Gia" không phải chỉ là đặc quyền đặc nhiệm cho thành phần đa số đương quyền , mà bất cứ "mọi công dân" đều có quyền và bổn phận được Hiến Pháp quy định.

Tính cách đa nguyên của dân chủ là một lợi điểm , hơn là yếu tố phản động, phản đảng, phản dân chủ và phản gì gì nữa...

Trong một thể chế dân chủ, nhiệm kỳ của Tổng Thống, Chính Phủ, Quốc Hội đều được Hiến Pháp minh định.

Tính cách đa nguyên dân chủ làm cho chính sự hiện diện của chính đảng thiểu số đối lập là tiếng chuông cảnh tỉnh luôn luôn gióng bên tai những ai đang hành quyền rằng quyền lực của họ là quyền lực có giới hạn: thời gian kết thúc nhiệm kỳ của họ đang được tính từng ngày một. Nếu họ không hành xử quyền lực Quốc Gia có hiệu năng và tôn trọng luật pháp, ngày tàn của họ chắc chắn sẽ được tiếng chuông báo tử gióng lên trong cuộc bầu cử sắp đến.

Và như chúng tôi đã có dịp đề cập ở trên, muốn thi hành một thể chế dân chủ thực hữu, Quốc Gia không phải chỉ đứng tuyên bố xuông "dân chủ, bình đẳng, đa nguyên, đa đảng" là hết chuyện.

Tổ chức Quốc Gia phải tiên liệu những phương thức để thực hiện , nếu không những tư tưởng cao cả huy hoàng, lời hay ý đẹp của Quốc Gia chỉ là những câu tuyên bố trống rổng, nếu không muốn nói là tuyên bố để mỵ dân.

Sau đây là phương thức thực hữu bảo đảm cho dân chủ đa nguyên của Hiến Pháp 1949 CHLBĐ:

"Viện Bảo Hiến Liên Bang sẽ quyết định) trong trường hợp bất đồng ý kiến hay nghi vấn về các vấn đề hợp hiến hay không giữa luật pháp Liên Bang hay luật pháp Tiểu Bang với Hiến Pháp hiện tại, hoặc giữa luật pháp Liên Bang với luật pháp của Tiểu Bang , nếu được Chính Phủ Liên Bang, Chính Phủ của một Tiểu Bang hay 1/3 nghị sĩ của Hạ Viện Liên Bang yêu cầu" (Điều 93, Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).

Đoạn văn "Chính Phủ của một Tiểu Bang hay 1/3 nghị sĩ của hạ Viện Liên Bang yêu cầu" cho thấy rõ Hiến Pháp nâng cao khả năng "dân chủ đa nguyên" hay "khả năng đối lập" của thành phần thiểu số lên lằn mức "khả thi" thiết thực.

Trong một quốc Gia Liên Bang như Đức Quốc hay Hoa Kỳ, thành phần đa số đang lãnh đạo ở Quốc Hội và Chính Phủ Liên Bang (hay trung ương) , nhưng thành phần thiểu số đối lập có thể đang lãnh đạo Chính Phủ ở một hay nhiều Tiểu Bang nào đó hoặc đang chiếm 1/3 số ghế hay hơn nữa trong Hạ Viện Liên Bang.

Hiến Pháp xác định là mổi khi có Chính Phủ của một Tiểu Bang hay 1/3 nghị sĩ Hạ Viện Liên Bang yêu cầu là Viện Bảo Hiến sẽ duyệt xét tính cách hợp hiến hay bất hợp hiến của các đạo luật mà thành phần đa số đưa ra. Quyết định như vậy là Hiến Pháp trao cho thiểu số đối lập khả năng thực hữu kiểm soát tính cách hợp hiến hay vi hiến chính kiến và hoạt động của Chính Quyền và đa số trong Quốc Hội.

Còn nữa, sau khi nhận phúc trình đối kháng của phe đối lập, chính Viện Bảo Hiến, một cơ chế độc lập và vô tư không thiên vị sẽ phán quyết chính kiến và hoạt động của đa số. Chính Phủ cũng như thành phần đa số trong Quốc Hội khó mà "cậy quyền ỷ thế", dựa vào số đông , "cả vú lấp miệng em".

Tính cách đa nguyên dân chủ được thể hiện qua vai trò của thành phần thiểu số đối lập, thừa hành "quyền và nhiệm vụ" đối lập của mình để bênh vực quyền lợi của xứ sở, bênh vực quyền và tự do của người dân.

Thành phần thiểu số đối lập, trong tinh thần dân chủ đa nguyên, được Hiến Pháp 1949 CHLBĐ mặc nhiên giao cho nhiệm vụ "điều chỉnh, thắng bớt, cắt tỉa và phản đối loại trừ" những đường lối và hoạt động quá lố hay sai lầm của đa số.

Chính khả năng thực hữu đối lập của thành phần thiểu số (so với giới đương quyền) trong việc kiểm soát hợp hiến hay vi hiến làm cho Chính Phủ và đa số đương quyền trong Quốc Hội phải tôn trọng Hiến Pháp và Luật Pháp khi hành quyền.

Nói cách khác , chính khả năng đối lập thực hữu của thành phần thiểu số luôn giữ cho giới cầm quyền luôn thi hành quyền lực quốc gia trong khuôn khổ hiến định và luật định : tôn trọng dân chủ, tự do, nhân bản theo tinh thần quốc gia pháp trị.

8 - Hiến Pháp dân chủ tản quyền.


Ngoài ra nguyên tắc phân quyền theo hàng ngang , lập pháp, hành pháp và tư pháp, theo tinh thần "Kiểm soát và Cân Bằng" (Checks anh Balances) của Hiến Pháp Philadelphia 1787 của Hoa kỳ , ai trong chúng ta cũng biết, các Hiến Pháp Tây Âu, nhứt là Hiến Pháp cửa Quốc Gia Liên Bang như CHLBĐ, đều dành nhiều quyền hạn cho các Cộng Đồng Địa Phương cũng như nhiều tổ chức thành phần xã hội trung gian được tham dự tích cực vào việc định hướng chính trị và lãnh đạo Quốc Gia.

Chúng tôi dùng thành ngữ Cộng Đồng Địa Phương để diễn tả nhiều chủ thể chính tri ngoại vi khác nhau đối với cơ cấu quyền lực trung ương của Quốc Gia như Quốc Hội, Chính Phủ và Tư Pháp. Cộng Đồng Địa Phương ở CHLBĐ được chúng tôi hiểu đồng nghĩa với Tiểu Bang(Laender), ở Pháp: Phân Khu (Département) và ở Ý: Vùng (Regione).

Đọc Hiến Pháp 1947 Ý Quốc, người đọc cảm thấy lý thú vì Hiến Pháp đề cập đến Cộng Đồng Địa Phương (Vùng, Regione) không phải chỉ trong khuôn viên tiết mục V, tiết mục dành riêng cho vị thế của tổ chức trong Cộng Đồng Quốc Gia, mà rải rác đó đây trong khắp thân bài của Hiến Pháp. Điều đó nói lên rằng Hiến Pháp xem địa vị và vai trò của Cộng Đồng Địa Phương , mặc dầu giới hạn trên một phần đất của lãnh thổ, nhưng có địa vị và vai trò liên hệ với mật thiết hoàn toàn và đều khắp đến mọi phương diện của cuộc sống Quốc Gia. Cộng Đồng Địa Phương

- không chỉ là tiếng nói đại diện cho nhu cầu và lợi ích liên quan đến địa phương,

- mà là tiếng nói đại diện của dân chúng địa phương chuyển đạt ý kiến, nhu cầu và ước muốn của họ liên quan đến cuộc sống của cả xứ sở.

Vai trò hiến định của Cộng Đồng Đia Phương được Hiến Pháp dành cho năm điều khoản quan trọng:

- Quyền đề xướng dự án luật Quốc Gia(Điều 5 và 71, 72 Hiến Pháp 1947 Ý)

- Quyền trưng cầu dân ý bãi bỏ luật(Điều 75, id.).

- Quyền mỗi Cộng Đồng có 3 đại diện, tham gia với Quốc Hội Lưỡng Viện tuyển chọn Tổng Thống(Điều 83, id.).

- Quyền tham gia tu chính và sửa đổi Hiến Pháp (Điều 138, đoạn 1,2 và 3, id.)

- Quyền của Chủ Tịch Cộng Đồng Địa Phương tham dự vào các phiên hợp của Hội Đồng Nội Các Chính Phủ để "nói lên một cách trung thực các nhu cầu liên hệ đến tư cách tự lập của Cộng Đồng Địa Phương và các ước vọng của Cộng Đồng Địa Phương liên quan đến đời sống quốc Gia, như là một chủ thể sở hữu chủ quyền lực" .
Mục đích của các vai trò mà Hiến Pháp dành cho Cộng Đồng Địa Phương vừa được trích dẫn trên trước hết nói lên tính cách dân chủ đa nguyên của Hiến Pháp.

Chủ thể quyền lực Quốc Gia mà Hiến Pháp có nhiệm vụ xác định không những chỉ được phân chia qua các cơ quan Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp mà tản mác trong dân chúng, từ trung ương đến địa phương.

Danh sách liệt kê các chủ thể quyền lực đó là một danh sách mở rộng (Điều 71, id.), tùy hoàn cảnh và nhu cầu còn có thể được ghi thêm vào những chủ thể khác. Các chủ thể chính trị ngoại vi đó (sánh với các cơ cấu trung ương) hành xử quyền lực Quốc Gia của mình để bổ túc, làm phong phú thêm việc xác định đường hướng chính trị quốc gia bằng cách đóng góp nhiều ý kiến với cái nhìn đa diện của nhiều chủ thể ở mổi lãnh vựa và địa phương khác nhau.

Kế đến ngoài việc dân chúng địa phương , qua các quyền đề xướng luật pháp, trưng cầu dân ý bãi bỏ, bầu cử Tổng Thống , tu chính và sửa đổi Hiến Pháp cũng như vi Chủ Tịch của họ có quyền tham dự vào các buổi họp Hội Đồng Nội Các có thể góp ý kiến và kiểm soát cách hành xử của các cơ chế trung ương (Quốc Hội và Chính Phủ), dân chúng địa phương qua các phận vụ hiến định vừa kể tham gia một cách tích cực vào việc lãnh đạo Quốc Gia. Đó là khuynh hướng dùng dân chủ trực tiếp (trưng cầu dân ý, Cộng Đồng Địa Phương và Chủ Tịch của họ) để điều hoà dân chủ đại diện, cũng như mở rộng lãnh vực rộng rãi cho dân chủ tham dự (democrazia partecipativa) vào môi trường của dân chủ đại diện.

9 - Hiến Pháp cứng rắn và một số điều khoản bất di dịch.


Tất cả những điều cao cả về con người, về tự do và dân chủ thực hữu được Hiến Pháp tuyên bố, nếu không có gì cứng chắc làm môi trường và điều kiện thuận lợi để bảo đảm cho thực hiện, thì tất cả những nỗ lực kể trên chỉ là "công giả tràng".

Đọc các Hiến Pháp dân chủ và nhân bản Tây Âu, một trong những đặc tính quan trọng mà ai cũng thấy được, đó là tính cách cứng rắn của Hiến Pháp.

Điều đó có nghĩa là muốn tu chính, cắt xén, sữa đổi một hay nhiều điều khoản của Hiến Pháp, những người chủ trương thực hiện phải hội đủ những điều kiện gia trọng mà Hiến Pháp đã tiên liệu.

Điều kiện gia trọng vừa kể, để có thể sữa đổi Hiến Pháp, được Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức tuyên bố:

- "Một đạo luật như vừa kể (đạo luật về tu chính Hiến Pháp) phải được sự đồng thuận của 2 / 3 thành viên Hạ Viện và 2/ 3 thành viên Thượng Viện" (Điều 79, đoạn 2 Hiến Pháp CHLBĐ).

Con số tỷ lệ vừa nói, chúng tôi nghĩ rằng không phải là con số dễ thực hiện. Chúng ta thử so sánh với điều kiện chỉ cần đa số tuyệt đối (50%+1 phiếu) là Hạ Viện có túc số để chọn vị Thủ Tướng mới, thành lập tân Nội Các và điều khiển Chính Phủ, không cần có sự đồng thuận của Thượng Viện:

- "Được tuyển chọn (Thủ Tướng) ai có khả năng quy tựu về phía mình số phiếu của đa số thành viên Hạ Viện" (Điều 63, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).
Và trong trường hợp bất khả kháng, ngay cả ai chỉ thu thập được đa số tương đối của Hạ Viện, trong vòng 7 ngày cũng có thể được Tổng Thống Liên Bang bổ nhiệm Thủ Tướng:

- "Nếu người được tuyển chọn không đạt được đa số vừa kể (đa số tuyệt đối), trong vòng 7 ngày kế tiếp, Tổng Thống Liên Bang có thể bổ nhiệm ông hoặc giải tán Hạ Viện" (Điều 63, đoạn 2, id.).

Tính cách cứng rắn của Hiến Pháp cũng được thể hiện qua đặc tính bất di dịch của một số điều khoản cột trụ của toà nhà Quốc Gia.

Xoá bỏ đi những nguyên tắc căn bản cột trụ đó, tòa nhà Quốc Gia CHLBĐ sẽ không còn nữa, và con người với địa vị và quyền căn bản bất khả xâm phạm của mình không còn được bảo vệ, lý tưởng của Hiến Pháp không còn dược tôn trọng nữa.

Do đó Hiến Pháp tuyên bố một số điều khoản bát di dịch, dưới bất cứ điều kiện nào:

"Không thể chấp nhận bất cứ một sự thay đổi nào đối với Hiến Pháp nầy, có liên quan đến sự tương quan giữa Cộng Hoà Liên Bang (Bund) và các Tiểu Bang (Laender), nhứt là liên quan đến việc tham gia của các Tiểu Bang vào quyền lập pháp hoặc liên hệ đến các nguyên tắc được tuyên bố nơi các điều 1 và 20" (Điều 79, đoạn 3, Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).


Và như chúng ta đều biết, điều 1 của Hiến Pháp liên quan đến địa vị và các quyền bất khả xâm phạm của con người và điều 20 là điều định nghĩa về thể chế chính trị của Quốc Gia Đức.

Chúng tôi vừa nêu lên những đặc tính phải có của một Hiến Pháp dân chủ, tự do và nhân bản Tây Âu. Phải chăng đó cũng sẽ là những đặc tính, mà người ta có thể đọc được hàm chứa trong các điều khoản của Hiến Pháp tương lai của Quốc Gia Việt Nam dân chủ, tự do và tôn trọng con người?

Soan thảo hay tu chinh Hiến Pháp, để có được một nền tảng nhân bản và dân chủ hơn những gì tệ mạt trong Hiến Pháp hiện đại, chúng ta nên lưu ý đến những điều được đề cập ở trên, nếu chúng ta muốn cho người Việt Nam chúng ta có được môt cuộc sống xứng đang với người và tạo mức sống thịnh vượng cho Đất Nước Việt Nam thân yêu.
Soạn Thảo và Tu Chính Hiến Pháp Reviewed by Răng Ra Ri on 3/06/2013 Rating: 5 Nguyễn Học Tập, TNCG - 6.3.2013 : Chúng ta thường nghe nói Quốc Gia nầy đang triệu tập Ủy Ban Soạn Thảo Hiến Pháp, Đảng Phái kia (trường ...

Không có nhận xét nào: