Nhà Nước và Đời Sống Chính Trị - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
12 tháng 4, 2013

Nhà Nước và Đời Sống Chính Trị

LM. Piere Marc-Antoine Fontelle, Sedifop - 8.7.2009: Từ cổ đại, Giáo Hội đã lên tiếng chống lại những lạm dụng của kẻ cầm quyền và đã tìm cách để khuyến khích tất cả mọi người thiện chí hành động cho công bằng xã hội. Thực chất, không có một xã hội lý tưởng, không có một hệ thống định trước mà chỉ cần áp dụng là sẽ có chân hạnh phúc trên đời. Hình thức của chính quyền tự nó không là mục đích ; nó chỉ là phương tiện để đạt đến mục đích cao hơn thuộc giới siêu nhiên, đời sống vĩnh cửu. Vì vậy, Giáo Hội không có sự đặc biệt ưa chuộng một hình thái chính phủ nào cả, Giáo Hội dành chuyện này cho sự lựa chọn một cách tự do và sáng suốt của con người, vì đó không phải là lãnh vực của Giáo Hội như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhở : “Giáo Hội không thể hiện sự ưa chuộng cái này hay cái khác, miễn là phẩm giá con người được tôn trọng và thăng tiến đúng đắn, và chính Giáo Hội có được không gian cần thiết để hoàn thành sứ vụ giữa thế gian” (Thông điệp Sollicitudo rei socialis, số 41). Vai trò của Giáo Hội không phải là để làm chính trị, nhưng để theo dõi các chính quyền, có thể có những hình thức khác nhau tùy theo địa dư, tùy theo thời đại và con người, có tôn trọng luật tự nhiên và quyền tối thượng của Giáo Hội trong lãnh vực siêu nhiên hay không.
Giáo Hội không muốn hội nhập vào sự tổ chức cụ thể của những thể chế để tôn trọng đúng mức sự phân tách giữa trần thế và thiên liêng. Tùy theo những hoàn cảnh thời gian và không gian, các thể chế có thể thay đổi miễn là đời sống Kitô giáo không vì thế mà bị hủy hoại. Chính vì thế mà sự tách biệt các quyền lực như chúng ta đang sống trong những thể chế dân chủ hiện đại dường như không đi ngược lại những nguyên tắc Kitô giáo.

Những biến đổi xâu sắc của thế kỷ XX, hiện đã khiến quyền giáo huấn nghiêng về việc công nhận thể chế dân chủ như là hình thức chính quyền tốt nhất. Nhưng vấn đề là dân chủ kiểu nào ? Sự công nhận này nhắm vào phưong thức lên nắm chính quyền của vị nguyên thủ Quốc Gia, nhưng không bao giờ đặt lại vấn đề chủ thuyết về nguồn gốc quyền lực và mục đích của nó. Đây chỉ là vấn đề khôn ngoan thận trọng của Mẹ Giáo Hội của chúng ta trong khuôn khổ hiện trạng của xã hội. Dân chủ bắt buộc đòi hỏi một trình độ trưởng thành nào đó của các công dân. Sự khó khăn của vấn đề không nằm trong quyền tham dự vào đời sống công cộng (x. Gaudium et spes, số 75, 6) ; mà trong sự trưởng thành để có thể tham dự vào. Bởi vậy, để xây dựng một nền dân chủ đích thực, cần phải có dân chúng trưởng thành, ý thức được bổn phận và quyền của mình trên nền tảng công lý được làm sống động bởi bác ái, dân chúng ý thức được phẩm giá và ơn gọi của con người là yêu mến Đấng Tạo Hóa. Trái lại, một nền dân chủ với dân chúng không đủ trưởng thành, sẽ đương nhiên dẫn đến sự suy đồi phong hóa kể cả đến bất công và sự coi thường sự sống.

Sự suy nghĩ của chúng tôi hướng nhiều đến trình độ trưởng thành hơn là đến hình thức các thể chế. Làm thế nào để đạt đến trình độ trưởng thành ? Câu trả lời không đơn giản, nhưng chúng tôi có thể đưa ra một vài yếu tố. Yếu tố trả lời thứ nhất phải được rút ra trong sự nhận biết và ý thức được thế nào là thẩm quyền từ những người muốn ra hành xử một chức vụ chính quyền. Yếu tố trả lời thứ nhì phải được rút ra trong sự đào tạo con người để họ không lựa chọn bất cứ ai, mà họ có thể phán đoán về chất lượng của chương trình chính trị và sự liêm khiêt của những người muốn đem ra áp dụng. Như vậy, cần phải trở về với điều chủ yếu : mọi thẩm quyền đến từ Thiên Chúa, bởi vì mọi thẩm quyền đều thuộc quyền sỡ hữu của Thiên Chúa. Quả vậy, Thiên Chúa cai quản vũ trụ và một mảnh quyền lực mà các chính quyền có được chỉ là sự tham gia vào cái chính quyền rộng lớn của Thiên Chúa. Chúng ta nên luôn suy nghĩ về những lời phán của Chúa Giêsu với Pilatô : “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu điều đó không được cho ngài từ bên trên” (Ga 19, 11). Tuy nhiên, quyền hành con người không tuyệt đối, nó có liên quan đến Thiên Chúa. Không có gì trên đời là tuyệt đối ; chỉ có Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối. Thật ra, mọi quyền hành trên đời có hai giới hạn lớn :

1. Giới hạn thứ nhất
là sự lệ thuộc của nó vào Thiên Chúa. Quyền hành đến từ Thiên Chúa, luật pháp và các quyết định chính quyền bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì chúng xuất phát từ cùng một quyền hành, Thiên Chúa. Hiện nay có một sai lầm nặng nề, thuyết chứng thực pháp lý (posotivisme juridique), thuyết này chủ trương biến luật pháp thành một môn riêng biệt, có nguồn gốc và biện minh riêng biệt. Luật không còn lệ thuộc vào quyền hành đến từ Thiên Chúa nữa, cũng không còn nhắm vào mục đích của con người là Thiên Chúa. Luật, như thế, trở thành một phương tiện trung tính, có lôgic nội bộ riêng, phục vụ cho kẻ cầm quyền tùy theo những chủ thuyết xung quanh. Không cần để ý nếu luật là để phục vụ cho cái thiện hay trái lại cho cái ác. Chúng thật đã qua xa với định nghĩa luật pháp vốn nhằm hoàn trả lại cho mỗi người cái gì thuộc về người đó, nhằm để thiết lập một sự công bằng thông qua bác ái, tôn trọng con người từ lúc thụ thai đến hơi thở cuối cùng. Tuy nhiên, với tình trạng đa dạng của những chuẩn mực pháp lý, ít hay nhiều đúng luật và có một sự áp dụng đôi khi mang tính độc tài hơn là công minh, trường hợp này, chúng ta có dịp thực thi nhân đức vâng lời, tiến lên trong khiêm nhượng và trong ba đức tính thần học. Đời sống thường nhật như thế có thể trở thành bàn đạp cho một đời sống thiêng liêng mãnh liệt. Chúng ta hãy tưởng tượng một chiếc xe hơi tôn trọng tuyệt đối luật đi đường bằng cách làm những hành động rõ ràng mang tính đức tin và bác ái mỗi khi có khả năng vi phạm luật pháp, nhưng lại không vi phạm vì tình yêu Thiên Chúa. Người đó đã tích lũy được cả một kho thành tích.

2. Giới hạn thứ nhì: chính quyền là một cơ quan để phục vụ công ích nhằm giúp đỡ con người sống đạo đức. Nó không bao giờ được trở thành một phương thức thăng tiến xã hội cho bản thân hay một phương tiện để thống trị người khác. Vì thế, chính quyền này luôn phải tiến hành trong những giới hạn của luân lý được liệt kê trong Thập Điều (Mười Điều Răn). Chính phủ phải phục vụ công ích. Nó phải, theo học thuyết của Thánh Tôma Aquinô, thiết lập một xã hội nơi đó, người ta tôn trọng Mười Điều Răn, giữ con người trong sự tôn trọng đó và sau cùng là giúp đỡ con người thăng tiến trong điều thiện. Để được vậy, nó phải khiến người ta tôn trọng sự công bằng, nhưng công bằng lại đòi hỏi phải được bổ túc bởi liên đới và bác ái. Nguyên tắc của liên đới đối nghịch với mọi hình thức cá nhân chủ nghĩa; nguyên tắc bổ trợ đối nghịch với mọi hình thức của chủ nghĩa chuyên chính và chủ nghĩa tập thể hóa. Nguyên tắc bổ trợ thuộc phãm vi của công bằng. Nó có mục tiêu là khiến càng nhiều tthành ohần của một cộng đồng càng tốt tham gia, tùy theo khả năng, vào việc thực hiện công ích, bằng cách ủy quyền cho những người trách nhiệm và những thẩm quyền liên hệ.

Sự bất tuân luôn là cái gì nguy hiểm vì những hậu quả nó kéo theo đối với toàn thể xã hội. Vì thế Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo rất cứng rắn về chuyện này khi nói với chúng ta rằng : “Theo lương tâm, người công dân bị bắt buộc không được tuân theo những quy định của chính quyền dân sự khi những chỉ thị này trái với những đòi hỏi của luân lý, trái với các quyền cơ bản của con người và trái với những giáo huấn của Phúc Âm. Sự từ chối tuân lệnh chính quyền dân sự, khi những đòi hỏi của họ trái ngược với những đòi hỏi của lương tâm ngay thẳng, tìm thấy lý do trong sự phân biệt giữa phục vụ Thiên Chúa và phục vụ cộng đồng chính trị. “Của Xe-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22, 21). “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29). Nếu chính quyền dân sự, đi quá quyền hạn của mình, đàn áp công dân, thì công dân không từ chối điều được khách quan yêu cầu bởi công ích. Họ được phép bảo vệ các quyền của mình và quyền của những công dân khác chống lại những lạm dụng chức quyền, nhưng phải tôn trọng những giới hạn được vạch ra bởi luật tự nhiên và Luật Phúc Âm. Kháng cự chính đáng chống lại sự đàn áp của quyền lực chính trị không được sử dụng vũ khí, ngoại trừ nếu có những điều kiện sau đây : trường hợp vi phạm hiển nhiên, trầm trọng và kéo dài, các quyền cơ bản; sau khi đã sử dụng hết mọi phương pháp khác; không gây thêm những xáo trộn; khi có hy vọng thành công chính đáng; nếu không thể dự trù một cách hợp lý các giải pháp tốt hơn (số 2242-2243). Tuy nhiên, sự bất tuân chính quyền chỉ liên quan đến những chuyện đi ngược lại những giáo huấn thiêng liêng, nhưng đối với những gì còn lại không có lý do gì mà không tuân thủ. Công Đồng Vaticanô II nhắc nhở rằng “Tuy nhiên, khi công quyền vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp công dân, thì lúc đó chính công dân cũng không nên từ chối những gì khách quan xét thấy phù hợp với đòi hỏi của công ích. Nhưng họ được phép bênh vực quyền lợi của riêng mình cũng như của đồng bào chống lại những lạm dụng của công quyền, tuy nhiên phải tôn trọng những giới hạn của luật tự nhiên cũng như luật Phúc Âm” (Gaudium et spes, n.74, 5).

Nếu chúng ta xem lại các nghĩa vụ của một Nhà Nước tách rời với Giáo Hội, chúng ta thấy trước hết là nghĩa vụ cho phép mọi người có quyền thi hành tự do lương tâm của mình, tự do thờ phượng Thiên Chúa đúng với lương tâm của mình và được sống phù hợp với những lề luật của tín ngưỡng mình theo khi mà các lề luật này không đi ngược lại trật tự công cộng. Nghĩa vụ thứ nhì của Nhà Nước là gìn giữ và bảo đảm trật tự công cộng, điều này kể cả quyền và nghĩa vụ tự vệ chống lại các kẻ thù bên ngoài cũng như bên trong đất nước. Nghĩa vụ này như thế cho phép Nhà Nước chống lại những kẻ gây hấn bằng việc sử dụng những phương tiện tương ứng (quân đội, cảnh sát, nhà tù vv…). Nghĩa vụ lớn thứ ba của Nhà nước là bảo vệ gia đình, nơi sự sống được truyền lại. Khi mà gia đình bị lung lay, chính là cả đất nước cũng bị lung lay. Nghĩa vụ thứ tư của Nhà Nước là bảo vệ và tạo thuận lợi cho quyền tư hữu trong lúc coi chừng cho có một sự phân bố công bằng của cải theo nguyên tắc của sự phân bố phổ quát của cải. Nghĩa vụ thứ năm của Nhà Nước là can thiệp, nếu cần, vào đời sống kinh tế để tránh những lạm dụng và như vậy có thể luôn luôn phục vụ những người khiêm nhượng nhất và dễ bị làm mồi cho bất công nhất.

Chúng ta có thể kết luận với Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo : “Chính quyền phải tôn trọng các quyền căn bản của con người. Phải thực thi công bình với lòng nhân đạo khi tôn trọng quyền của từng người, nhất là quyền của các gia đình và những người khốn cùng. Các quyền chính trị gắn liền với tư cách công dân, có thể và phải được công nhận theo các đòi hỏi của công ích. Các quyền ấy không thể bị công quyền đình chỉ khi không có lý do chính đáng và tương xứng. Việc thực thi các quyền chính trị nhằm mưu cầu lợi ích chung của quốc gia và của cộng đồng nhân loại. Những người phục tùng quyền bính phải coi cấp trên như người đại diện Thiên Chúa, Ðấng đã đặt họ làm người phân phát các ân huệ của Người (x. Rm 13,1-2): “Vì Chúa, anh em hãy tuân phục mọi thể chế do loài người đặt ra. Hãy hành động như những con người tự do, không phải như những người lấy tự do làm màn che đậy sự gian ác, nhưng như những tôi tớ của Thiên Chúa” (1 Pr 2,13.16). Sự cộng tác trung thực của người công dân bao hàm quyền, đôi khi là bổn phận, phải lên tiếng phê phán những gì họ cho là có hại cho nhân phẩm và lợi ích của cộng đồng. Người công dân phải góp phần với chính quyền để mưu ích cho xã hội trong tinh thần tôn trọng chân lý, công bằng, liên đới và tự do. Lòng yêu mến và phục vụ Tổ Quốc phát xuất từ bổn phận tri ân và đòi hỏi của đức ái. Nhiệm vụ tùng phục quyền bính hợp pháp và phục vụ công ích đòi hỏi người công dân chu toàn vai trò của mình trong đời sống của cộng đồng chính trị. Bổn phận tùng phục quyền bính và có trách nhiệm đối với công ích buộc người công dân phải đóng thuế, bầu cử và bảo vệ quê hương”. (số 2237-2240).

(Mai Khôi phỏng dịch)
Nhà Nước và Đời Sống Chính Trị Reviewed by Răng Ra Ri on 4/12/2013 Rating: 5 LM. Piere Marc-Antoine Fontelle, Sedifop - 8.7.2009 : Từ cổ đại, Giáo Hội đã lên tiếng chống lại những lạm dụng của kẻ cầm quyền và đã tì...

Không có nhận xét nào: