TỪ VÔ NGÃ ĐẾN TÁNH KHÔNG - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
17 tháng 7, 2013

TỪ VÔ NGÃ ĐẾN TÁNH KHÔNG

Lam Hồng - 16.7.2013: Chủ đích của bài này chỉ là muốn chia sẻ một “kinh nghiệm” …bị giáo lý nhà Phật “cám dỗ” trên suốt hành trình quay quắt với chính mình hơn là trình bày lý thuyết về Phật Giáo. Trên những đoạn đường quay quắt triền miên với bao nhiêu đảo điên mộng tưởng đó, giáo lý nhà Phật và chính dung mạo của Đức Phật cứ mập mờ thấp thoáng xuất hiện, như một tiếng gọi TRỞ VỀ: Trở về với sự Im Lặng của tâm thức, trở về với sự tịch mịch thanh tĩnh của nội tâm, trở về với sự hồn nhiên đơn giản ban đầu của lòng thơ trẻ.

Sự Im Lặng đó, với Giáo Lý Nguyên Thủy Nam Tông, là sự im lặng của một con người dám THĐY tất cả là không có thực, không có tự tánh. Tất cả những gì mình ôm ấp nâng niu và níu giữ, từ những thành kiến, những lo toan, những tha thiết, những sợ hãi, những phòng vệ, cho đến ngay cả cái tôi của mình đều không có thực. Tất cả đều không có thực, tất cả đều không có bản chất hay yếu tính, vì tất cả đều đang biến diễn đổi thay từng giây từng phút không ngừng trong thế tương sinh tương hóa trùng trùng của Dòng Sống miên man vô tận. Đó là lý vô ngã, vô thường, duyên khởi của cuộc sống. Chỉ vì nhìn lầm, nhận lầm, nên mới “khư khư mình buộc lấy mình vào trong”, vào trong vòng Nghiệp chướng và Khổ não liên miên không thoát.

Nếu sự Im Lặng của Nguyên Thủy Nam Tông là một thứ “tâm lý trị liệu” tới cùng như thế, thì Phật Giáo Đại Thừa Bắc Tông đẩy sự Im Lặng đó vào tận miền thăm thẳm nhất của cõi tâm linh, của “tôn giáo”, của một khả năng siêu việt nơi con người. Ở Nguyên Thủy Nam Tông, còn có sự phân biệt Không và Có, phiền não và giác ngộ, Tăng và Tục; sự phân biệt đó vẫn là cái nhìn đo đếm phân biệt của những quan năng vật chất khi đứng trước những hiện tượng vật chất. Phân biệt, cũng như triết lý Tây Phương vốn phân biệt, và cũng như cái nhìn thông tục hằng ngày của chúng ta vốn thường xuyên chia cắt phân biệt. Trí tuệ và tình cảm thông tục của con người luôn phải đi và chỉ có thể đi được trên một đường ray của nhận thức. Đúng hoặc sai, hay hoặc dở, không hoặc có, dài hoặc ngắn… Vì thế, thế giới mà chúng ta nhận thức được, thực ra, chỉ là một mảng hay một lớp váng thực tại mỏng manh bị quy ước và chia chẻ phân biệt do mắt tai mũi lưỡi da thịt và ý thức, theo những phạm trù tiên thiên. Thực tại do nhận thức luôn được phân biệt và phán định thành dài ngắn, cao thấp, tăng giảm, tốt xấu, hay dở, sống chết, có không. Trí tuệ và mọi cảm nhận “bình thường” của con người chỉ nhận thức được thực tại như thế, và sinh hoạt trong một thế giới thực tại giới hạn như thế, Một thực tại luôn bị phân đôi. Một thực tại mà tâm thức luôn phải chọn một bỏ một. Một thực tại không đồng nhất với Thực Tại. Một thực tại được qui ước do các quan năng vật chất tiếp cận với thế giới vật chất. Một thực Tại “trần gian” mà nhà Phật gọi là Tục Đế, do Lục Căn tiếp cận với Lục Trần. Khốn nỗi, từ khả năng nhận thức giới hạn đó, cái trí tuệ bình thường lại xác quyết phán định mọi sự, kể cả về Tuyệt Đối. Cái trí tuệ bình thường của Tục Đế đã “lấn sân” sang Thế Giới Chân Lý, hay Thực Tại Tuyệt Đối, mà nhà Phật gọi là Chân Đế. Sự nhìn lầm, nhận lầm đó, nhà Phật gọi là Vô Minh (Avidya), là căn gốc cho mọi ồn ào hời hợt, là ngọn nguồn của mọi nghiệp chướng, khổ não, nô lệ của con người.

Vượt ra khỏi thân phận người để sống trọn vẹn nỗi bi tráng lẫm liệt của con người, đó là giáo lý Bắc Tông. Trung tín với Giáo Lý Nguyên Thủy, Đại Thừa Bắc Tông đã vượt ra khỏi ngay cả vòng vây của giáo lý Nguyên Thủy vốn còn chia chẻ phân biệt, để sống trọn cái Tình, cái Lý, cái @ của con người. Tình trở thành BI, Lý trở thành TRÍ, ý trở thành DÝNG. Bi Trí Dũng là con người thành toàn, con người đã phát triển trọn Nhân Tính, cũng gọi là Tính Phật hay Tính Như Lai. Mà muốn trở thành một con người Yêu Thương Trọn Vẹn và không phân biệt không điều kiện, một con người có Trí Huệ nhìn thấu Chân Lý, một con người Dũng Mãnh để sống “ơn gọi” cao tuyệt được làm người, thì con người phải Vượt Qua, Vượt Qua chính mình, Vượt Qua cái nhìn thông tục của mình, Vượt Qua cái con người lăng xăng hời hợt kiêu mạn muốn “bằng Thiên Chúa” mà xác định có không không có đủ thứ nơi mình và nơi mọi điều tối linh của vũ trụ. Sự Vượt Qua như vậy, là đi vào Im Lặng. Im Lặng của cái Chết. Và nơi Phật Giáo Bắc Tông, sự Im Lặng tận cùng không phải là sự lặng tắt cái Tôi Vô Ngã Vô Thường và Duyên Khởi nữa. Đó vẫn là sự ồn ào của cái Tôi khi đứng trước Chân Lý. Im Lặng hay cái KHÔNG của Phật Giáo Đại Thừa Bắc Tông là sự VƯỢT QUA.

Trước Chân Lý, con người phải hoàn toàn IM LẶNG.

Im Lặng của Đại Thừa Bắc Tông là Vượt Qua. Vượt Qua mọi lưỡng phân của Tâm Thức giới hạn. Ở đó, Không và Có, Hữu Thể và Vô Thể, Thân xác và Tinh thần, Im lặng và Nói năng, Dơ và Sạch, Tăng và Giảm, Xấu và Tốt, Sinh và Diệt, Khổ não và Bồ đề, Luân hồi và Niết Bàn, Tục đế và Chân đế,…tất cả những giới hạn và qui định của Tâm Thức như thế đều bay vèo trong cơn gió lốc, vút vào trong sự thăm thẳm của Thể Tánh Chân Thực của Thực Tại Tối Linh Tối Hậu. để như Lão Tử trong lời đầu của Đạo Đức Kinh nói “Đạo khả đạo, phi Thường Đạo; Danh khả danh, phi Thường Danh”; và để như vị Tổ đầu tiên của Thiền Tông Trung Hoa là Đức Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) thế kỷ VI tuyên bố về yếu chỉ của Thiền: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, Trực chỉ nhân tâm, Kiến Tánh thành Phật”: Truyền (điều cốt yếu của Phật) ngoài giáo lý, không dùng ngôn ngữ tư tưởng, chỉ thẳng tâm người, Thấy Tánh thành Phật.

Đó là Triết lý Trung Quán vốn ẩn sâu trong Giáo lý Nguyên Thủy của Đức Phật mà đến thế kỷ thứ III, Nagarjuna tức Long Thọ Bồ Tát sẽ là một con rồng bay múa bát ngát để hiển dương. Triết lý Trung Quán là tiếng sét, Tiếng sét của Im Lặng (Mặc như lôi: Sự Im lặng sấm sét) đánh tan mọi phân biệt, vượt lên khỏi mọi chia chẻ của đầu óc tư lương huyền đàm hí luận, để khơi mở ra Trí Huệ Bát Nhã (Maha Prajna paramita) , tức Siêu Việt Trí hay Vô Phân Biệt Trí hay Trí Huệ Vượt Qua tất cả những đôi bờ giới hạn, Trí Huệ Đến Bờ Bên Kia, Trí Tuệ Đáo Bỉ Ngạn, để nhìn muôn pháp trong Thực Tính, Thực Thể tròn đầy và siêu việt, “linh thiêng”, ngay nơi vạn hữu nhiệm mầu.

Và như thế, Trung Quán nói riêng và Phật Giáo nói chung lại là niềm tin quá lớn vào con người. Nếu con người có “tội tổ tông” là bị mê mờ ngu muội trong màng lưới Vô Minh, thì cũng chính nơi con người, lại có một khả năng nhận biết mọi sự đúng y như thực. Khả năng đó, là Trí Huệ Bát Nhã, là “trực giác” kiến chiếu vào thể tánh siêu việt lên khỏi mọi giới hạn phân biệt. Trí Huệ Bát Nhã vì thế cũng gọi là Tánh Không. Chữ Không ở đây không phải là không và có, vô ngã hay hữu ngã, vô thường hay thường hằng, hay và dở, tốt và xấu, sinh và diệt, khổ và vui… nữa, mà là sự IM LẶNG NGÀN TR]NG, là sự LẶNG TẮT C_A TÂM THỨC HỮU HẠN. Chữ Tánh ở đây, là cái chất Phật, cái Trí Huệ Phật, cái Tâm Như Lai, là khả năng sâu xa tiềm ẩn của con người.

Chúng ta chỉ quen nhìn thấy một thế giới “vật chất”. Và đến ngay cả thế giới “tinh thần” cũng bị cái nhìn theo thế giới vật chất nó khuôn lại, nhận thức và qui định thành thế này hay thế nọ. Có Thượng Đế, không có Thượng Đế. Thượng Đế là thế này hay Thượng Đế là thế kia. Tuyên bố xác định như thế, đều giống như những anh mù sờ voi. Đến cả giáo lý nhà Phật nữa, cũng bị chính các người “mê” Phật cho là hay, là đúng, để rồi lại chia chẻ, phân biệt: Đây là vô ngã, đây là vô thường, đây là tứ diệu đế, đây là lục căn, lục trần, đây là thập nhị nhân duyên; đây là Phật Giáo, đây không phải là Phật Giáo, đây là chân lý, đây là phi chân. Bỗng nhiên, một hôm, nghe Phật dữ dội thuyết trong Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật rầng: “49 năm thuyết pháp, ta chưa hề nói một lời”. Tại sao ? “Phật thuyết điều…không thể thuyết, mới thực sự là thuyết”. Vì thế “Ai bảo Phật có thuyết pháp, kẻ đó phỉ báng Phật”. Để rồi, vang vọng lại những lời đó, Tâm Kinh Bát Nhã gióng giả một hồi chuông thức tỉnh: “Sắc bất dị KHÔNG, KHÔNG bất dị Sắc, Sắc tức thị KHÔNG, KHÔNG tức thị Sắc. … Thị chư pháp KHÔNG tướng: Bất sinh bất diiệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm”. Và cuối cùng, Tâm Kinh Bát Nhã gầm rống cho vang lên trong hồn người một tiếng sét, một tiếng hét: Gate, Gate, paragate, parasamgate, Bodhi, Svàha ! Vượt Qua, Vượt Qua đi, Vượt Qua đến bờ bên kia đi…! Ô, con đường trở về để trở thành một bé thơ, một lá cỏ, một giọt sương hồn nhiên lóng lánh, lại phải có một cuộc buông tay lao mình vào vực thẳm như vậy đó sao?

Nhà Phật nói quá xá để trở về một sự Im Lặng Thiên Thu hay đúng hơn, sự Im Lặng Thiên Xuân bất tuyệt. Còn “Nhà” Chúa thì dường như ngược lại. “Nhà” Chúa là Nhà từ Im Lặng Vô Ngần trong Cung Lòng Cha vô tận lại cứ nhào xuống nói năng đủ trò đủ thứ trong cái điên đảo của trò đời, nói bằng nụ cười với đôi mắt mẹ, nói bằng tiếng khóc khát sữa oe oe, nói bằng những giọt mồ hôi kiếm sống, nói bằng những tháng năm ta bà du thuyết lang thang, nói trên Biển hồ, nói trên núi mướt xanh cỏ mượt, nói với đám đông rách rưới, nói với cô thiếu nữ bán thân, nói với bà mẹ cùng cực, và nói bằng tiếng thét choáng váng trên Thập Giá.

Mầu Nhiệm Lời, hay là, sự nói cho đến cùng của Vô Cùng Mặc Lấy Xác Phàm như thế, có phải cũng là Mầu Nhiệm Lặng Im ? Mầu Nhiệm Lời sẽ nói đến đâu ? Đâu là sự tận cùng của Lời, là khi hóa ra Không trong Lòng Mộ Đất hay khi trở về trong Thăm Thẳm Lòng Cha Vĩnh Cửu ? Hay dù Lời có thành xác phàm, thành lời phàm, thì Lời vẫn mãi mãi là Lời hun hút trong Tịch Lặng của Thiên Tính Vô Cùng ?

Rồi đây, tư tưởng Trung Quán với Bát Nhã và Tánh Không sẽ là điểm giao lưu hội ngộ sâu xa giữa Ki-tô giáo Á Đông và Phật Giáo. Qua Trung Quán, người Ki-tô hữu phải trả Thiên Chúa về cho Thiên Tính thâm mật, và gieo mình vào Lời Lặng Im và Lời Sáng Tạo Vô Cùng trong Cung Lòng Thiên Tính Muôn Đời Muôn Thuở. Để từ đó, trong Nhiệm Cục Cứu độ, bằng Thánh Linh “Bát Nhã” của Chúa Ki-tô chiếu dọi, nếu người Ki-tô hữu có dám “gọi” Thiên Chúa là Cha, thì hơn bao giờ hết, người Ki-tô hữu lại càng phải qui về Giê-su Ki-tô, là trung tâm vạn sự, là nơi Cha hiện diện, là phương thế diệu dụng mà Cha đang tác động, và là Con Người mà Cha, qua Ngài, bằng Thánh Linh, đang đưa dẫn mọi người vào trong cõi Lặng Im Thăm Thẳm, nơi Cha, Con, Thánh Linh luôn yêu thương hiệp nhất, luôn sáng tạo, luôn cứu độ và luôn thánh hoá con người.

Đăng Sơn Vô Trú

là bút hiệu của Lm. Giuse Đặng Chí San. Cha đã có nhiều năm nghiên cứu về Phật giáo và hiện đang là giáo sư giảng dạy môn Phật giáo tại Trung tâm Học vấn Đa Minh.- See more at: http://www.lamhong.org/2013/07/16/tu-vo-nga-den-tanh-khong/#sthash.3PSMnkt1.dpuf
TỪ VÔ NGÃ ĐẾN TÁNH KHÔNG Reviewed by Unknown on 7/17/2013 Rating: 5 Lam Hồng - 16.7.2013: Chủ đích của bài này chỉ là muốn chia sẻ một “kinh nghiệm” …bị giáo lý nhà Phật “cám dỗ” trên suốt hành trình quay...

Không có nhận xét nào: