Biểu Tượng Của GM Phó Giáo Phận Vinh Phê Rô Nguyễn Văn Viên - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
5 tháng 9, 2013

Biểu Tượng Của GM Phó Giáo Phận Vinh Phê Rô Nguyễn Văn Viên

Lam Hồng - 4.9.2013: Con thuyền bấp bênh trên sóng và con chim bồ câu ngậm cành ô-liu

Thông thường, biểu tượng của các giám mục có phần chung giống nhau như thánh giá, mũ, dây, khiên diễn tả tác vụ mục tử của người được mời gọi tiếp tục sứ mệnh của Đức Giêsu Kitô giữa lòng thế giới. Sự phân biệt biểu tượng của các giám mục được thể hiện ở giữa khiên. Về phần mình, ở giữa khiên, tôi chọn hình ảnh con thuyền bấp bênh trên sóng và con chim bồ câu ngậm cành ô-liu.

Hình ảnh con thuyền bấp bênh trên sóng gợi lên trong chúng ta hình ảnh con thuyền của gia đình ông Nô-ê trong cơn đại hồng thủy được Sách Sáng Thế diễn tả (St 6-9), cũng là hình ảnh Giáo Hội trên đường lữ hành, và là hình ảnh cuộc sống của mỗi người chúng ta giữa biển đời sóng gió. Những gì gia đình ông Nô-ê trải qua, cũng là những gì mà Giáo Hội và mỗi người chúng ta trải qua, khác nhau chăng chỉ là hình thức biểu hiện mà thôi.

Hình ảnh con chim bồ câu ngậm cành ô-liu báo hiệu nước rút để gia đình ông Nô-ê ra khỏi thuyền là hình ảnh Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hướng dẫn Giáo Hội và mỗi người chúng ta trên hành trình dương thế. Con thuyền bấp bênh trên sóng, nhưng không phải là bấp bênh như vậy mãi hoài, bởi vì đã có con chim bồ câu ngậm cành ô-liu báo hiệu hừng đông ngày mới, sức sống tràn đầy, và tương lai xán lạn. Giữa biển đời, Giáo Hội và mỗi người chúng ta bị sóng đánh tư bề, tuy nhiên, Chúa Thánh Thần luôn đồng hành nâng đỡ, định hướng, và dẫn đưa về bến bình an.

Trên biểu tượng có câu ‘Thầy ban cho anh em bình an của Thầy’. Câu này là một phần trong Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan (Ga 14,27), ghi lại lời Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” Đức Giêsu nói những lời này trong bối cảnh chuẩn bị từ biệt các môn đệ của mình để bước vào cuộc khổ nạn. Thông thường, khi ông bà, cha mẹ hay ai đó sắp qua đời, họ để lại nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ, tiền bạc hay trăng trối ước nguyện của mình cho người thân. Đức Giêsu không có gì cho người thân, là các môn đệ mình, vì Người ‘không có chỗ tựa đầu’ (Mt 8,20). Đức Giêsu chỉ để lại cho họ bình an của Người. Nhờ bình an của Đức Giêsu, các môn đệ đã vượt qua tất cả sóng gió của cuộc đời để trung thành với Người và giáo huấn của Người cho đến hơi thở cuối cùng.

Bình an, tiếng Do Thái ‘Shalom’, là một trong những chủ đề chính của Kinh Thánh cũng như cuộc sống hằng ngày của người Do Thái. Mỗi khi gặp gỡ, người Do Thái chào nhau ‘Shalom’. Mặc khải Kinh Thánh Cựu Ước, đặc biệt, tiên tri Isaia, cho chúng ta nhận thức rằng Đức Giêsu, Đấng Emmanuel (Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta), không những là Hoàng Tử Bình An (the Prince of Peace) hay Người Đem Bình An (the Bringer of Peace) của Thiên Chúa đến cho nhân loại, mà còn là Con Người Bình An (the Person of Peace), Đức Kitô Bình An (the Christ of Peace), và là Người Tôi Tớ Đau Khổ Bình An (the Suffering Servant of Peace). Vì yêu thương nhân loại trong cảnh bất an do hậu quả tội lỗi, Thiên Chúa đã đem Bình An của Người, Đức Giêsu Kitô, đến cho nhân loại (Ep 2,14).

Mặc khải Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta nhận thức rằng cuộc đời dương thế của Đức Giêsu gắn liền với chủ đề bình an. Điểm qua một số biến cố lớn trong cuộc đời Đức Giêsu, chúng ta biết rằng khi Đức Giêsu Giáng Sinh thì có muôn vàn thiên binh và sứ thần cất tiếng hát rằng “vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Khi sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu nói với họ rằng “vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này” (Lc 10,5). Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Sau khi sống lại, Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và lời đầu tiên của Người là “bình an cho anh em” (Ga 20,19). Trong thân phận con người, Đức Giêsu đã nếm trải cuộc đời bất an của nhân loại, đặc biệt sự bất an tột cùng của kiếp người là sự chết để đem lại bình an đích thực cho tất cả mọi người từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế.

Được Thiên Chúa mặc khải, thánh Phaolô đã diễn tả chủ đề bình an cách cụ thể hơn cho các cộng đoàn kitô hữu sơ khởi. Chẳng hạn, thánh Phaolô nói về Đức Giêsu với các tín hữu Êphêsô rằng “Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần” (Ep 2,17). Thánh Phaolô cũng khuyên dạy họ rằng “vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an” (Ep 6,14-15). Hơn thế nữa, thánh Phaolô còn được mặc khải về thực tại Nước Thiên Chúa, quê hương vĩnh cửu của tất cả những ai tin tưởng, hi vọng, yêu mến Đức Giêsu và thực thi giáo huấn của Người rằng “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).

Mỗi người chúng ta ai cũng khao khát bình an. ‘Xin cho hai chữ bình an’ là câu nói chúng ta thường nghe. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được kinh nghiệm bình an đích thực. Thông thường mỗi người hiểu hay tiếp cận bình an theo lăng kính cảm tính của mình. Chẳng hạn, người thì cho rằng có được sức khỏe tốt là có bình an, kẻ khác lại quan niệm rằng có đủ điều kiện vật chất là có bình an, số khác nữa lại bảo có bằng cấp và địa vị tốt trong xã hội là có bình an. Thực ra, khi đạt được những thứ đó hay những thứ tương tự, có chăng con người chỉ được thứ bình an tạm thời. Bình an đích thực không phải là ‘thực thể chúng ta sở hữu’, nhưng là ‘thực thể chúng ta hướng tới’. Thế gian không thể ban tặng cho chúng ta bình an đích thực, điều này đã được Đức Giêsu khẳng định (Ga 14,27).

Bình an đích thực của chúng ta đến từ Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Mạch Bình An (1 Tx 5,23; 2 Tx 3,16; Dt 13,20). Thiên Chúa là Bình An hay nói cách khác, bình an thuộc bản tính Thiên Chúa. Bình an của Thiên Chúa được mặc khải cách trọn vẹn trong biến cố Đức Kitô (the Christ Event). Chúng ta có được bình an đích thực khi chúng ta biết chân thành cộng tác với ơn Chúa để thiết lập, duy trì, và làm triển nở mối tương quan liên vị với Đức Giêsu Kitô dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ước gì bình an của Thiên Chúa là căn tính tư tưởng,ngữ pháp lời nói, và thước đo việc làm của chúng ta trong hành trình giữa biển đời đầy phong ba bão táp hướng về sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.

ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Viên
Biểu Tượng Của GM Phó Giáo Phận Vinh Phê Rô Nguyễn Văn Viên Reviewed by Unknown on 9/05/2013 Rating: 5 Lam Hồng - 4.9.2013: Con thuyền bấp bênh trên sóng và con chim bồ câu ngậm cành ô-liu Thông thường, biểu tượng của các giám mục có phần ...

1 nhận xét:

  1. Giám mục PHỤ TÁ khác hoàn toàn với Giám mục PHÓ:
    -PHỤ TÁ: giám mục hiệu tòa, ko có quyền kế vị

    -Phó: sau khi ĐGM chính chết hoặc từ nhiệm lập tức giám mục phó trở thành giám mục chính tòa giáo phận

    xin lưu ý và sửa lại bài đăng kẻo nhầm lẫn cho những người chưa biết

    Thanks

    Trả lờiXóa