Cái chết tức tưởi của một Hiệu Trưởng từ việc "chống tiêu cực" ở Lâm Đồng - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
16 tháng 9, 2013

Cái chết tức tưởi của một Hiệu Trưởng từ việc "chống tiêu cực" ở Lâm Đồng

Chủ nhật - 15.9.2013: Cái chết của thầy giáo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc An B (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) bằng cách tự kết liễu đời mình do uất ức từ việc “chống tiêu cực” của ngành cách nay chưa lâu là một cú sốc lớn cho ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng.

Trong tháng 8 vừa qua, trước thềm năm học mới, lấy cớ “chống tiêu cực”, Phòng Giáo dục-Đào tạo (GDĐT) huyện Bảo Lâm gây nên sự xáo trộn kinh hoàng khi ra “tối hậu thư” đến đầu năm học mới 2013 - 2014, tất cả các trường trên địa bàn xã Lộc An phải thực hiện việc thuyên chuyển giáo viên từ trường này đến trường kia.

Cách nay chưa lâu, ông Phó phòng GDĐT huyện Bảo Lâm Hoàng Văn Đãng mạnh dạn phát biểu: “Năm học này, chúng tôi sẽ “thực hiện điểm” việc thuyên chuyển giáo viên tại tất cả 4 trường trên địa bàn xã Lộc An. Theo đó, các trường ở Lộc An sẽ phải lên phương án thuyên chuyển để Phòng GDĐT huyện Bảo Lâm xem xét và quyết định trước năm học mới”.

Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng chúng tôi nắm được, do có phản ứng của tập thể giáo viên ở Lộc An nên việc thuyên chuyển theo “tối hậu thư” của Phòng GDĐT huyện Bảo Lâm chưa thể triển khai trước năm học mới vừa bắt đầu.

Để kiểm chứng thông tin, sáng 4.9, chúng tôi đã liên lạc với thầy giáo Hoàng Văn Đãng - Phó phòng GDĐT huyện Bảo Lâm; nhưng đã bị ông từ chối thẳng thừng: “Về việc này, anh liên hệ với UBND huyện. Tôi không có thẩm quyền trong việc trả lời!”. Việc từ chối trả lời báo chí của ông Phó phòng GDĐT càng minh chứng cho chủ trương thuyên chuyển ồ ạt giáo viên ở một xã vùng sâu có gì đó khuất tất.

Cái chết tức tưởi của một hiệu trưởng

Trước đó, một ngày của tháng 8, chúng tôi đã tìm về xã vùng sâu, vùng xa Lộc An để tìm hiểu vấn đề. Nhiều giáo viên ở đây đã không ngần ngại phát biểu thẳng: “Cách làm của huyện Bảo Lâm như thế là mang tính áp đặt! Không hiểu sao họ lại lấy việc chống tiêu cực dẫn đến cái chết của một hiệu trưởng để làm cớ nhằm gây xáo trộn cả một cơ cấu giáo dục của một huyện vùng sâu, vùng xa này!”.

Thầy giáo Huỳnh Đình Phúc sinh năm 1962, là hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc An B - một trong 4 trường tiểu học của xã Lộc An (Lộc An A, Lộc An B, Lộc An C và B’Đơr).

Trong ngôi nhà nhỏ tại thôn 4 (xã Lộc An), người vợ của cố thầy giáo Huỳnh Đình Phúc, chị Lư Thị Lan, thắp nén hương trên bàn thờ chồng, rồi kể: “Buổi sáng hôm ấy thức dậy, tôi không thấy chồng mình đâu cả nên vội vàng chạy đi tìm. Và, thật bất ngờ khi tôi thấy anh ấy nằm gục bên gốc càphê sau vườn với chai thuốc trừ sâu bên cạnh. Đêm trước, anh ấy còn chở tôi đến chơi ở nhà một người bạn. Mọi phiền muộn, buồn đau trong công việc đã được anh ấy nén chặt trong lòng…”.

Trước khi được chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc An B, thầy giáo Phúc là hiệu trưởng nhiều năm liền của Trường Tiểu học Lộc An A. Năm 1996, Trường Tiểu học Lộc An A đạt chuẩn quốc gia. Hẳn thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của thầy hiệu trưởng. Đến 2007, thầy được điều chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc An B.

Khác với trường cũ, tại Trường Tiểu học Lộc An B, thầy Hiệu trưởng Huỳnh Đình Phúc trong suốt nhiều năm phải “lập lại trật tự” trên nhiều lĩnh vực bởi sự lộn xộn đã hiện hữu ở đó từ nhiều năm trước. “Lúc về trường mới, anh ấy đã phải chống chọi với nhiều thứ, trong đó có cả những bất trắc đang rình rập. Là vợ, tôi chỉ biết động viên anh ấy cố gắng chứ không thể can thiệp vào công việc của chồng…” - chị Lan tâm sự.

Đến tháng 9.2011, thầy Phúc hết nhiệm kỳ hiệu trưởng tại Trường Tiểu học Lộc An B. Một thông tin khiến chúng tôi khá bất ngờ khi đi tìm nguyên nhân cái chết của thầy Phúc là vào thời điểm này, thầy Phúc vừa có cơ hội lên làm Phó phòng GDĐT huyện Bảo Lâm nhưng đồng thời lại đối mặt với một số đơn thư tố cáo mang tính nội bộ.

“Hồi đó, chồng tôi được đề cử lên vị trí Phó phòng GDĐT huyện Bảo Lâm cùng với thầy Hoàng Văn Đãng (phụ trách công tác tổ chức của phòng)” - chị Lư Thị Lan tâm sự. Chị Lan nói tiếp: “Theo dư luận trong ngành giáo dục huyện Bảo Lâm, ngày đó, nếu chồng tôi còn sống thì cái “ghế” phó phòng không rơi vào tay thầy giáo Đãng như bây giờ!”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những “bản án” khá khó hiểu dẫn đến cái chết của thầy giáo Huỳnh Đình Phúc là kết luận nội dung tố cáo số 21/KL-GD của Phòng GDĐT huyện Bảo Lâm ngày 13.6.2011.

Kết luận này nêu: “Những nội dung tố cáo ông Huỳnh Đình Phúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc An B của bà Lê Thị Hoài Hương và bà Lê Thị Sinh, giáo viên nhà trường đều đúng và có cơ sở pháp lý, không có việc cố tình tố cáo sai sự thật. Những sai phạm của ông Huỳnh Đình Phúc trong quản lý tài chính - tài sản, quản lý chỉ đạo - điều hành chuyên môn đã vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở, làm mất uy tín - ảnh hưởng danh dự người cấp dưới. Những hành vi trên đã gây ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của giáo viên trong nhân dân, học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học…”.

Sau kết luận thanh tra của Phòng GDĐT huyện Bảo Lâm, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Nguyễn Văn Triệu đã ký quyết định số 3556/QĐ-CT ngày 15.8.2011 kỷ luật thầy giáo Huỳnh Đình Phúc với hình thức “cảnh cáo” và “không bổ nhiệm lại trong thời gian 12 tháng kể từ ngày quyết định này có hiệu lực và điều động đi công tác khác”.

Nhận “bản án” kỷ luật, thầy Huỳnh Đình Phúc đã bị sốc thực sự nên đã tìm đến cái chết bằng cách uống thuốc sâu tự tử. Sau cái chết của thầy Phúc, UBND huyện Bảo Lâm đã tổ chức thanh tra lại và ngày 16.1.2012 đã ra kết luận thầy Huỳnh Đình Phúc không có những sai phạm như kết luận thanh tra lần trước (kết luận số 58/KL-UBND ngày 16.1.2012 cũng do chính ông Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Nguyễn Văn Triệu ký).

Thuyên chuyển hay thanh trừng?

Điều đáng nói khác, sau cái chết của thầy giáo Huỳnh Đình Phúc, vấn đề rối ren ở Trường Tiểu học Lộc An B vẫn tiếp tục và dường như rất khó “xử lý”. Bên cạnh đó, chính người “cạnh tranh” với thầy giáo Huỳnh Đình Phúc là thầy Hoàng Văn Đãng với cương vị phó phòng GD huyện đã gây xáo trộn cho cả ngành giáo dục của một xã bằng cách ra quyết định thuyên chuyển hầu hết các giáo viên ở cả 4 trường của Lộc An.

Quan điểm của một số lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Bảo Lâm đưa ra đó là: Cần thuyên chuyển đội ngũ giáo viên từ trường này sang trường khác để… chống tiêu cực! Trong đó, những tiêu cực ở Trường Tiểu học Lộc An B là một điển hình! Nhắc đến chuyện “tiêu cực” ở Trường Tiểu học Lộc An B, người ta lại nhớ đến vụ tự tử của thầy giáo Hiệu trưởng Huỳnh Đình Phúc.

Một cán bộ làm cùng ngành của thầy Phúc cho biết: “Cái chết của thầy Phúc quả là có những khuất tất mà nhẽ ra huyện Bảo Lâm cần phải ra tay làm rõ. Nhưng từ bấy đến giờ, anh em giáo viên chúng tôi không hề thấy bất kỳ động thái nào của chính quyền. Nay, lấy lý do chống tiêu cực trong đội ngũ giáo viên, họ đùng đùng làm cái công việc tưởng chừng như rất chính đáng là thuyên chuyển mọi người từ trường này sang trường kia. Thực chất của vấn đề này như thế nào? Hẳn vì có một ai đó sợ một vấn đề gì đó chăng?”.

Một giáo viên khác cho biết thêm: “Hồi thầy giáo Huỳnh Đình Phúc chưa mất, cấp trên đã đề xuất vị trí Phó phòng GDĐT huyện Bảo Lâm cho hai người là Huỳnh Đình Phúc và Hoàng Văn Đãng. Trong đó, theo dư luận nhiều người, “cái chân” của thầy Phúc “chạm gần” hơn là ông Hoàng Văn Đãng. Tuy nhiên, sau cái chết của thầy Phúc, ông Đãng đã không còn “đối thủ”. Tuy vậy, hệ quả kéo theo từ những việc lùm xùm dẫn đến cái chết của thầy Phúc quả là đáng sợ. Bởi vậy, phải chăng cuộc “cách mạng” này chẳng qua chỉ là một cuộc thanh trừng và loại trừ hậu họa?”.

Một trong hai người đệ đơn tố cáo thầy Huỳnh Đình Phúc là cô giáo Lê Thị Sính (giáo viên Trường Tiểu học Lộc An B) cũng phải lên tiếng về chuyện thuyên chuyển này của Phòng GDĐT huyện Bảo Lâm: “Điều lạ là việc thuyên chuyển đó chẳng theo nghị quyết cụ thể của Chi bộ và Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng và thông qua trước đó. Ở đây, theo tôi, việc thuyên chuyển này là theo sự áp đặt của Phòng GDĐT huyện Bảo Lâm”.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Trường Tiểu học Lộc An C, phát biểu: “Trường tôi đang triển khai mô hình thí điểm phương pháp giảng dạy theo VNEN - trường học thân thiện, học sinh tích cực và hầu hết giáo viên đã được tập huấn theo mô hình này. Nay, nếu đội ngũ giáo viên này “bị” thuyên chuyển tới trường khác mà trường khác đó chưa được áp dụng cách dạy theo VNEN thì có khác nào việc tập huấn ấy là công cốc!”.

Rồi nữa, điều không phải là không khôi hài là cách thức thuyên chuyển ở 4 trường tiểu học tại Lộc An: Giáo viên phải tự bốc thăm để được “dính” trường nào thì sẽ thuyên chuyển đến trường đó! Sau “bốc thăm”, nhà trường sẽ lập danh sách trình lên phòng và phòng sẽ ra quyết định thuyên chuyển!

“Trường tôi có 17 giáo viên thì đợt này có đến 13 người phải thuyên chuyển; bốc thăm hoài mà vẫn chưa ngã ngũ! Kể ra cũng… vui thật! Cứ như là chuyện… chơi xóc đĩa vậy!” - một giáo viên Trường Tiểu học Lộc An B vừa cười vừa nói.

Đến đầu năm học 2013 - 2014, cái chết của cố nhà giáo hiệu trưởng trường Lộc An B (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) Huỳnh Đình Phúc đã gần như chìm vào quên lãng. Trong khi cơ quan chức năng của huyện Bảo Lâm hầu như đã “buông tay” trong việc tìm nguyên nhân cái chết này thì lấy lý do “chống tiêu cực”, Phòng GDĐT huyện Bảo Lâm tiến hành ồ ạt việc thuyên chuyển giáo viên và đã gây nên làn sóng phản ứng mạnh từ phía giáo viên. Nếu kế hoạch thuyên chuyển giáo viên của Phòng GDĐT huyện Bảo Lâm vẫn tiếp tục được thực hiện thì riêng địa bàn “điểm” Lộc An, chỉ với 4 trường tiểu học thôi nhưng đã có hơn 40 giáo viên phải chuyển công tác từ trường này sang trường kia.

Nguồn: Lao Động 


Cái chết tức tưởi của một Hiệu Trưởng từ việc "chống tiêu cực" ở Lâm Đồng Reviewed by Unknown on 9/16/2013 Rating: 5 Chủ nhật - 15.9.2013: Cái chết của thầy giáo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc An B (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) bằng cách tự ...

Không có nhận xét nào: