Gs Cao Huy Thuần - Ai Cho Chú Mày Làm Vua? Chính Đáng Và Chính Đáng Hóa - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
5 tháng 9, 2013

Gs Cao Huy Thuần - Ai Cho Chú Mày Làm Vua? Chính Đáng Và Chính Đáng Hóa

GS Cao Huy Thuần: Tôi mượn một trang sử của Pháp để mở đầu câu chuyện giải trí này. Chẳng phải vì tôi mê gì nước Pháp, nhưng quả thật, động đến chuyện hiến pháp, dù chỉ để giải trí, không đâu giàu hiến pháp bằng nước Pháp, bởi lẽ không đâu có 1789. Cách mạng rồi phản cách mạng, cực đoan rồi phản cực đoan, từ tả qua hữu rồi từ hữu qua tả, 1789 là nguồn sáng tạo cho nhiều bản hiến pháp chết non, chết trẻ, chưa sống đã chết, làm giàu cho tư tưởng chính trị, không riêng gì cho nước Pháp.

Vậy thì tôi mượn một trang sử của Pháp, hồi bắt đầu hình thành nước Pháp. Như ai cũng biết, trước khi thành hình như các quốc gia có chủ quyền, châu Âu sống một thời gian dài dưới chế độ phong kiến trong đó quyền lực của vua bị chèn ép giữa hai quyền lực, ở trên và ở dưới. Trên là Hoàng đế. Dưới là quý tộc. Rất chậm, chậm hơn nhiều so với ta, các quốc gia ở châu Âu mới thành hình, sau khi các ông vua đánh bại được thế lực ở trên và ở dưới, xác nhận chủ quyền toàn vẹn của mình.

Bởi vậy, cho đến năm 987, nước Pháp chưa thành hình mà cũng chưa có vua. Do con cháu của Hoàng đế ở bên trên suy yếu, chư hầu ở bên dưới của vùng lãnh thổ mà ngày nay ta gọi là nước Pháp, họp lại để bầu. Ấy, để bầu. Họ bầu. Trong giới quý tộc, họ bầu một ông bá tước lên làm vua. Đó là Hughes Capet, lấy vương hiệu là Hughes Đệ Nhất. Hai ngày sau, Nhà thờ làm lễ đăng quang cho vua.

Với vương miện trên đầu, do bàn tay của đại diện Thượng đế đặt lên, vua chính thức là vua. Nhưng dù vậy, cùng với cái mũ, vua cũng phải cầm khí giới trong tay để chống lại các ông quý tộc lăm le chống đối. Một trong những ông bá tước bất trị như vậy đã bị tân vương hạch hỏi:

– Ai cho chú mày làm bá?

Câu đó hay, nhưng câu trả lời của ông bá tước cứng đầu còn hay hơn, lưu danh trong lịch sử:

– Ai cho chú mày làm vua? Qui t’a fait roi?

Câu trả lời hàm ý, như ai cũng thấy: “Tao! Tao cho chú mày làm vua. Chú mày được làm vua là do chúng tao bầu lên. Không có chúng tao thì chú mày đếch có cái ngai”. Trong thời đại phong kiến, vua đầu tiên của nước Pháp là một lãnh chúa được các lãnh chúa khác bầu lên. Bầu cử đó tạo ra nguồn gốc và tính chính đáng cho tước vị và quyền lực của ông vua, cùng với cái mũ của Nhà thờ.

Trong một thời gian vài thế hệ, hậu duệ của “chú mày” Huyghes Đệ Nhất này giữ đúng luật lệ bầu cử, nhưng khéo léo làm đủ mọi cách để cho trưởng tử của mình được bầu lên khi ông vua còn tại vị. Riết một hồi, mánh lới này không còn cần thiết nữa, thực tế cha truyền con nối trở thành thông lệ. Hai thế kỷ sau, vương quyền được củng cố, ông vua bỏ lửng chuyện bầu bán, con trưởng của vua cứ vô tư lên ngôi, thông lệ trở thành nguyên tắc từ năm 1223. Nguyên tắc ấy ban tính chính đáng cho quyền lực quân chủ.

Cho đến thế kỷ 18, nguyên tắc ấy chắc như chân lý bất di bất dịch, tuy rằng trong học thuyết không thiếu gì các tác giả nêu lên câu hỏi: thí vua vì vua tàn bạo có chính đáng hay không? Ở phương Đông, câu hỏi đó cũng được đặt ra và Mạnh Tử được xem như người có ý tưởng táo bạo đáng kính. Nhưng đó là tính chính đáng trong việc hành xử quyền lực. Còn tính chính đáng về nguồn gốc của quyền lực thì ai cũng đinh ninh như thế: quyền lực là do Thượng đế ban cho một dòng họ, con tiếp nối cha. Đinh ninh ấy, cũng giống như đinh ninh về Thượng đế-tác giả, bị lung lay tận gốc khi gió bão triết lý bắt đầu báo trước cách mạng 1789. Hobbes, Locke, rồi Rousseau gieo một tư tưởng mới vào trí óc con người, tống Thượng đế ra khỏi vai trò người ban chủ quyền, đặt vai trò ấy vào đoàn thể các cá nhân tập hợp thành quốc gia. Nguồn gốc của quyền lực từ nay là cái hợp đồng trong đó người chủ thể của quyền lực là dân và dân cai trị thông qua các người đại diện được bầu lên. Trên thực tế, cách mạng 1789 thổi bay hai chỗ tựa của tính chính đáng cũ: bay cái đầu của vua Louis 16 và bay luôn cái mũ của Nhà thờ.

Thế nhưng không phải dễ gì mà tất cả mọi thành phần xã hội đều chấp nhận tư tưởng mới, thực tế mới. Hai tính chính đáng, cũ và mới, va chạm nhau, gây nên bất ổn chính trị và xã hội trong suốt mười năm đầu sau cách mạng. Trong vòng mười năm, nước Pháp thay đổi hiến pháp bốn lần, không lần nào mang lại kết quả ổn định. “Cách mạng ăn thịt con ruột của mình” là câu nói bất hủ diễn tả rất đúng tình trạng tương tàn tương sát giữa phe cách mạng với nhau, giữa cánh cực đoan và cánh ôn hòa, để giữ vững quyền lực chống lại khuynh hướng phản cách mạng níu chặt lấy quân quyền, củng cố lại tính chính đáng cũ đã ăn sâu trong đầu óc của một thành phần xã hội.

Trên đây là tôi chỉ mới vào đề. Bây giờ tôi mới nói đến chỗ muốn nói: giữa cơn hỗn loạn chế độ đó, tay hảo hán nào hứa hẹn được ổn định sẽ phất lên như diều gặp gió. Ổn định vốn là tâm lý chung của người người, xưa cũng như nay. Đánh đúng tâm lý đó, nay là đảng, xưa là người hùng. Nói chung, xưa nay gì, người hùng thường là một ông tướng. Sau 1789, đúng là một ông tướng, một tướng quân, chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, mới 30 tuổi uy danh đã lừng lẫy khắp Âu châu. Đó là tướng Bonaparte, kẻ đã đánh bại đế quốc Áo, chiếm nước Ý, thắng Ai Cập, một mình từ xa quyết đoán vận mệnh Âu châu, bất chấp ý kiến của chính quyền cách mạng ở thủ đô. Năm 1799, Bonaparte hãy còn là Bonaparte, trên ngưỡng cửa để trở thành Napoléon, trở thành vua. Nhưng… “Ai cho chú mày làm vua?”

Là con đẻ của cách mạng, ông giương cao ngọn cờ chính đáng của cách mạng. Phe cách mạng cần ông để giữ quyền lực. Ông cần phe cách mạng để mưu đồ thăng tiến. Nhưng một phần của quần chúng và quý tộc còn sót vẫn còn tha thiết với vương quyền. Thì ông tạo ra vương quyền! Thì ông xây dựng chiếc ngai của ông trên cả hai tính chính đáng! Chuyện ấy, ông phải mượn tay của nhà tư tưởng cừ khôi nhất của thời 1789, người đã tạo cơ sở lý thuyết cho bản hiến pháp đầu tiên: Sieyès. Tài của Sieyès là trộn được nước với dầu.

Ngày 18 Hạ Thu 1799, Bonaparte làm đảo chánh. Soạn hiến pháp mới, Sieyès tưởng tượng ra một sự phân quyền nữa ngay giữa lòng cơ quan lập pháp và giữa lòng cơ quan hành pháp. Quốc hội bị chia ra nhiều thành phần, có thành phần chỉ lo việc soạn thảo luật, có thành phần thảo luận dự luật nhưng không biểu quyết, có thành phần biểu quyết mà không thảo luận: một viện nói và một viện câm. Chính phủ cũng chia ra thành hai đầu, hai quốc trưởng, một ông lo việc nội trị, một ông lo việc ngoại giao, mỗi ông có một nội các riêng biệt. Trình dự thảo hiến pháp lên Bonaparte, tướng quân sổ toẹt cái mục quốc trưởng hai đầu, thế vào bằng ba đầu, hai cái đầu hữu danh vô thực, chỉ đóng vai trò cho ý kiến, thực quyền dồn cả vào một đầu thôi, là ông.

Miễn cho tôi đi vào chi tiết của bản hiến pháp nhiêu khê này mà ý đồ lúc đầu của Sieyès là chia quyền lực ra như thế để tránh cả hai mối hiểm nguy đã vấp phải: hiểm nguy từ Quốc hội độc tài, hiểm nguy từ hành pháp độc tài. Nhưng, với Bonaparte đầy tham vọng, hành pháp làm sao không độc tài được? Quốc trưởng ba đầu chỉ là tạm thời, tướng quân sửa hiến pháp ba lần trong vòng bảy năm để: lần thứ nhất, phong Bonaparte làm quốc trưởng trọn đời, có quyền chỉ định người kế vị; lần thứ hai, biến quốc trưởng thành Hoàng Đế, biến Bonaparte thành Napoléon. Cả hai lần, Bonaparte đều “trưng cầu dân ý”, cũng như đã “trưng cầu dân ý” để chấp thuận hiến pháp. Ba triệu dân chấp thuận. 1500 chống. Nhưng 4 triệu dân không bỏ phiếu. Đâu có hề chi khi Bonaparte chỉ là kẻ tiếm quyền bằng sức mạnh. Ông lên ngai bằng sức mạnh, cũng sức mạnh sẽ đẩy ông ra khỏi ngai. Như thế, mặc dù ông đã khôn ngoan đặt cái ngai của ông lên cả hai tính chính đáng và đây mới là chuyện đáng nói của tôi.

Trước hết là tính chính đáng mới mà cách mạng vừa đem lại, chính đáng dân chủ. Ông tuyên bố: “Hiến pháp được xây dựng trên những nguyên tắc thực sự của chính thể đại diện…”. Nghĩa là quyền lực của ông là do từ dân, chứ không phải do đảo chánh, do bạo lực. Hơn thế nữa, dân đang muốn chấm dứt tình trạng hỗn loạn, ông là người sẽ thực hiện khao khát đó, đưa cách mạng đến hồi kết thúc. Cho nên ông kêu gọi: “Hỡi công dân, cách mạng đã được gắn chặt vào những nguyên tắc lúc khởi đầu: cách mạng đã chấm dứt”. Bonaparte tiếp nối cách mạng và khép lại cách mạng: tính chính đáng của cách mạng đã gắn chặt vào ông. Bởi vậy, ông làm gì cũng là do ý của dân. Hiến pháp là do ý của dân. Làm quốc trưởng trọn đời cũng là ý của dân. Lên ngôi hoàng đế cũng là do ý của dân, vì tất cả đều thông qua trưng cầu dân ý. Chuyện lạ đời chưa bao giờ thấy trong lịch sử: điều 1 của hiến pháp được sửa đổi lần thứ hai tuyên bố: “Chính quyền của Cộng hòa được giao cho một hoàng đế”. Như vậy còn là Cộng hòa? Như vậy là dân chủ hay quân chủ? Là Cộng hòa quân chủ? République monarchique? Là quân chủ cộng hòa? Monarchie républicaine? Ông nói: Napoléon là vua trong một nước Cộng hòa bởi vì Cộng hòa của ông là tiếp nối Cộng hòa đã được khai sinh sau khi vua Louis 16 bị xử trảm. Ông là tiếp nối, nên một mặt ông phải tuyên thệ trung thành với những nguyên tắc của 1789: tự do, bình đẳng, quyền tư hữu. Ông phải chấp nhận những cơ quan lập pháp được xem như biểu hiện ý muốn của dân. Là vua, ông không rời tính chính đáng dân chủ.

Nhưng, mặt khác, ông là vua, ông là hoàng đế. Là vua, ông phải cư xử giống như các vua trong lịch sử lâu đời, giống như các vua tại vị trong các nước lân bang. Cho nên ông phải để vợ cũ, lấy vợ mới là công chúa, lại phải làm lễ cưới ở Nhà thờ, phải nhận vương miện từ Thượng đế. Lễ lược, cưới hỏi, đăng quang, diễn xuất như vua… ông làm tuốt như truyền thống vua chúa, ông tưởng ông khoác được lên vai cả hai tính chính đáng. Nhưng chẳng hoàng hậu, chẳng giáo hoàng, chẳng diễn xuất nào thay thế được sự công nhận tự nhiên của lịch sử lâu đời. Diễn xuất tài tình đến đâu đi nữa, Napoléon vẫn hiện nguyên hình là con của một thứ dân đảo Corse, một kẻ tiếm vị, một vua tân trang, một tay cách mạng giả.

Thế còn ba cuộc trưng cầu dân ý thì thế nào? Chẳng phải là ý dân đó sao? Sách luật của Pháp phân biệt hai thứ trưng cầu dân ý, một thứ chân thật, có lựa chọn thực sự, thì gọi là référendum, một thứ giả hiệu, bắt buộc không có lựa chọn nào khác, thì gọi là plébiscite. Ba cái plébiscite của Napoléon chụm lại chỉ làm nên hòn núi giả – hòn giả sơn. Các viện trong cơ quan lập pháp cũng vậy, chỉ là những con rối trong sợi chỉ của phù thủy. Gián tiếp, Napoléon cử vào đấy bộ hạ tay chân, chẳng dính dáng gì với dân, chẳng chút hào khí để chống đối, bảo vâng gọi dạ thì mau, nói ngược thì ngọng. Chính phủ thì là quái thai, chẳng phải quân chủ, chẳng phải cộng hòa, chẳng phải quý tộc, chẳng phải thứ dân. Cái chính phủ ấy dọa nạt, dọa nạt nước Pháp và dọa nạt cả Âu châu. Lời thề chưa ráo nước bọt, Napoléon, ngay khi mới được bầu lên Đệ nhất Quốc trưởng, đã dẹp tất cả những tự do mà Sieyès hy vọng sẽ được gìn giữ.

Cướp chính quyền mà lên, Napoléon chỉ có thể giữ được chính quyền bằng bạo lực. Chế độ của ông dần dần đi vào con đường độc tài rất chi là chuyên chính. Hoàng đế không chấp nhận một dấu hiệu chống đối nào, dù cho tất cả mọi cơ quan đều được sắp đặt để tung hô. Một mình ông thay thế tất cả, lãnh đạo tất, trái luật cũng bất cần, hiến pháp cấm thì ông ra luật bằng sắc lệnh. Báo chí? Ồ, báo chí, cái lũ ấy thì phải bịt mồm cho kỹ, rất kỹ. Ông để lại cho các hậu thế độc tài câu nói để đời: “Nếu ta thả lỏng dây cương cho báo chí, ta sẽ không ở được trong chính quyền quá ba tháng”. Ông có lý: tuyết nhẹ thế kia, nhưng tuyết có thể làm rơi núi đá. Để giữ núi đá, ông tái lập quân quyền, giảng hòa với lớp dân còn tin ở vua chúa, tạo ra một giới quý tộc mới cha truyền con nối, cưỡng hôn giữa chủ quyền của dân và chủ quyền của trời. Ông lấy danh hiệu Hoàng đế do ân sủng của Thượng đế và chủ quyền nhân dân”. Quái đản cái ý thức hệ con lai cha gà mẹ vịt.

Nói gì thêm? Thôi thì thế này: dân chúng có thể lầm củ cà rốt với củ sâm nhưng không ai lầm tính chính đáng thật với tính chính đáng giả cầy. Kẻ độc tài nào cũng bắt buộc phải tạo chính đáng cho mình bằng cách chính đáng hóa quyền lực. Nhưng bản tâm đã độc tài thì cái gì nhắm đến cũng chỉ là quyền lực mà thôi, càng chính đáng hóa càng lộ ra tính bất chính, thủ thuật. Trong trường hợp Napoléon, cái giả lộ ra ở cả hai mặt, mặt vua và mặt dân, dơi không nhận ra ông mà chuột cũng không rúc rích với ông được.

Đó là chuyện bên Tây. Bên Tàu có hào kiệt nào đánh đu với hai tính chính đáng như vậy không? Có, mà không chừng còn lý thú hơn. Cứ đọc hiến pháp thì biết. Điều 1, ngay từ điều 1: “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một nước xã hội chuyên chính nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo… ”. Ông Mác chễm chệ ngồi ở trên ngai. Ông Mao xen vào ngồi ké: “… và xây dựng trên liên minh giữa công nhân và nông dân”. “Ai cho nị làm vua?”. Cả ông Mác và ông Mao cùng đáp một lần: “Ngộ!”. Nhanh tay hơn, ông Mao hích ông Mác, giơ quyển sách đỏ lên.

Đâu phải! Đâu phải! Có người lên giành cái ngai. Đó là ông Rousseau, xin lỗi, ông Lư Thoa. Ông Lư Thoa la lớn: “Không phải toa! Moa!”. Và ông chỉ tay vào cái điều 2: “Mọi quyền lực trong Cộng hòa nhân dân Trung Quốc thuộc về nhân dân”. Các ông ấy cãi nhau như vậy từ 1954. Cãi bên ấy chưa đủ, họ đem nhau qua cãi ở bên ta.

Trước hết, phải chân thành công nhận rằng ông bạn lớn của ta có lý khi khẳng định ngay từ trên chóp bu hiến pháp nguồn gốc chính đáng nguyên thủy nơi quyền lực của ông ấy là ý thức hệ. Khác với ta, ông ấy đã vạn lý trường chinh với cái ý thức hệ đó nhiều năm trước khi cắm được ngọn cờ trên Thiên An Môn. Bắt đầu của họ khác với bắt đầu của ta: nguyên thủy của Nhà nước độc lập của ta không mang cái tính chính đáng ý thức hệ ấy. Còn họ, Mao đánh nhau với Tưởng, quân đội đánh nhau với quân đội, đảng Cộng sản đánh nhau với Quốc dân đảng, ý thức hệ cộng sản đánh nhau với ý thức hệ chủ nghĩa tam dân. Chuyên chính vô sản thắng, lên nắm quyền. Quyền ấy đương nhiên là chuyên chính vô sản. Bình minh của họ là chuyên chính vô sản. Còn bình minh của ta thì bầu trời xanh lơ, đâu có đỏ như thế. Nơi bầu trời xanh lơ ấy, không có chuyên chính, không có vô sản, chỉ có hạnh phúc, chỉ có dân tộc. Ta có tính chính đáng của ta, họ có tính chính đáng của họ. Cái tính chính đáng nguồn gốc ấy, họ phải bảo vệ là chuyện của họ và họ có lý, họ không bảo vệ thì quyền lực của họ mất tổ tiên. Cho nên họ sì sụp hương khói ông Mao. Nhưng cả ông Mao lẫn ông Mác đều phải biết rằng cái tính chính đáng ấy càng ngày càng chỉ là giấy tờ. Trên thực tế, nghĩa là trên cái ngai, nó chỉ là con mèo, con mèo giấy, không bắt được chuột. Tuy vậy, cái chữ “chuyên chính”của hai ông lại là nanh vuốt phải thờ bởi vì nó hợp với truyền thống của tổ tiên để lại từ hồi cụ tổ Tần Thủy Hoàng đốt sách. Không thờ thì cái tên Lư Thoa kia sẽ chiếm ngai mất.

Vậy thì hóa ra ông Lư Thoa vẫn sống dai, vẫn trường thọ, ngay cả trên đất của quyển sách đỏ, vệ binh đỏ. Vẫn cứ oang oang “mọi quyền lực thuộc về dân”. Cái ấy thì ta cũng nói, ai cũng nói, ông Napoléon cũng bập bẹ. Có điều là, ông Lư nói là nói thiệt, nói như mục đích, nói như cứu cánh. Nói rằng đấy là mục đích, đấy là cứu cánh, đấy là chính đáng. Còn về sau, nhiều kẻ cũng nói, nhưng nói như đầu lưỡi, nói để cúng cụ. Ông Lư nói là chỉ đích danh cái tính chính đáng. Còn về sau, nhiều kẻ vái ông ba xá để mượn câu nói của ông mà đóng vở kịch chính đáng hóa một tình trạng chính đáng lung lay.

Bởi vì, trong thời đại ngày nay, dù độc tài bao nhiêu cũng không né tránh được sự thật hiển nhiên này: không có dân thì không có tính chính đáng. Trước sau gì, nhiều ít gì, rồi cũng phải chính đáng hóa quyền lực, nhất là khi quyền lực ấy công khai mang tính chuyên chính. Chuyên chính đến bao nhiêu đi nữa, không quyền lực nào phô trương thân hình trần trụi của mình. Văn minh thì phải bận áo. Vấn đề là: bận áo vì thật tâm thấy đó là văn minh hay bận áo để che mắt cái bản chất man rợ. Vấn đề là: thật tâm thấy ông Lư như lý tưởng hay bản tâm mượn ông Lư để trường tồn. Thấy ông ấy như lý tưởng thì là dân chủ. Thấy ông ấy như phương tiện thì là… Napoléon.

Cãi nhau trên lý thuyết thì gần 60 năm rồi vẫn chưa hết cãi. Một bên nói rằng nếu thật tâm dân chủ thì phải hỏi cái lá phiếu và minh bạch gắn tính mạng chính trị của mình vào lá phiếu. Một bên nói: ta có trăm cách để dân chủ gấp ngàn lần, nào là thương thảo với dân, nào là hỏi ý kiến, cứ gì cái mảnh giấy cỏn con ấy. Tính chính đáng đâu có phải chỉ đo bằng lá phiếu! Đem lại cho dân phồn vinh kinh tế chẳng phải là chính đáng sao? Ổn định chính trị chẳng phải là chính đáng? Tính chính đáng tìm ở đâu nếu không phải là nơi tâm lý thỏa mãn của người dân? Chính đáng không phải chỉ nằm nơi lá phiếu, nhưng, được rồi, nếu phải bầu cử để chứng minh tính chính đáng thì ta bầu cử. Sợ gì! Bầu phiếu cũng là nghề của ta! Khổ nỗi, có lá phiếu và lá phiếu, lá phiếu này không giống lá phiếu kia. Lá phiếu, ôi lá phiếu, ở nơi này ngươi là giáo dục, ở nơi kia ngươi là xảo trá. Phất phơ giữa chợ, ở nơi này em là tấm lụa đào, ở nơi kia em đi vào lầu xanh.

Thế giới bàn tán không ngớt về lụa đào hay lầu xanh từ khi cái quận Buyun (Bộ Vân) đưa lá phiếu vào chính trị địa phương năm 1998. Đây là cuộc đầu phiếu trực tiếp đầu tiên bầu thủ lãnh ở cấp quận. Tham nhũng, lộng quyền thì trên dưới gì cũng đều có, nhưng phép vua vẫn cứ thua lệ làng, ở cấp dưới, các tiểu vương nhũng nhiễu quá đến nỗi dân quê phải nổi loạn. Dân nổi loạn thì tính chính đáng nằm đâu? Thỏa mãn hay bất mãn? Buyun sẽ trả lời. Buyun sẽ chứng minh: lá phiếu ở đây là lụa đào chính hiệu.

Buyun có 16.000 dân. Mười sáu ngàn dân sẽ đi bỏ phiếu trực tiếp. Nhưng dân chủ ở đây là “dân chủ với màu sắc Trung Quốc”, cho nên cái gì cũng đặc biệt và hãy tìm cái mới trong cái đặc biệt ấy. Cái mới trước tiên là có nhiều ứng cử viên. Ba mươi chữ ký giới thiệu của cử tri là đủ. Nhiều, cho nên phải giới hạn. Thế là phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu hạn chế ở vòng loại để giới hạn số ứng cử viên còn 15 người. Mười lăm người vẫn là nhiều. Thế là đến lượt một “hội nghị liên tịch tuyển cử” (xuanju lianxi huiyi) được tổ chức, gồm 162 vị chức sắc của các làng và quận, để chọn ra 2 người trong số 15 người ấy, bằng phiếu kín hẳn hoi, để đưa ra tranh cử chức chủ tịch Ủy ban nhân dân. Hai người này có một tuần để vận động, để trả lời chất vấn của cử tri. Thế nhưng, không cần phải qua vòng loại vì được hưởng một điều khoản đặc biệt của luật lệ bầu cử địa phương, một nhân vật thứ ba xuất hiện để tranh cử. Ứng cử viên ấy tên là Tan Xiaoqiu, phó bí thư đảng ủy Buyun. Ngày 31-12-1998, toàn thể cử tri bỏ phiếu, thế là trực tiếp, đúng là dân ý. Tan Xiaoqiu thắng cử. Đúng là dân chủ, nhất là lại có cái mới này nữa: chàng thắng cử với tỷ số 50, 29 % mà thôi.

Ba năm sau, cuối tháng 12-2001, hết nhiệm kỳ, Buyun lại tổ chức bầu cử. Cũng vòng loại. 14 người lọt sổ. Hai người bị loại nữa vì lý do hình thức. Một người tự ý rút tên. Hội nghị liên tịch tuyển cử họp lại, lần này gồm 165 người, đại biểu của các làng và quận. Bầu phiếu. Kín. Chọn ra 2 người tranh cử. Một trong 2 người là… Tan Xiaoqiu. Cử tri bỏ phiếu. Trực tiếp. Người thắng cử là Tan Xiaoqiu.

Tha hồ bình luận, cả thế giới bình luận, người tỉa ra cái hay, người thọc vào cái dở, ai cũng có lý. Người nào là cảm tình viên của chế độ thì hoan hô: Trung Quốc đi vào con đường dân chủ. Người nào thiếu hồng huyết cầu lạc quan thì lắc đầu: nào là sàng lọc, nào là lựa chọn, cái lưới an ninh không để lọt qua bất cứ một bất ngờ nào. Người nào ba phải thì tủm tỉm: “thà chút chút còn hơn không”, “chút chút để ổn định hơn nhiều nhiều mà bất ổn”.

Chút chút để ổn định, để anh nông dân xả uất khí trước tham nhũng, để đưa ra trước dư luận và thế giới bằng chứng cụ thể về tính chính đáng của chế độ, ở tận gốc rễ làng xóm, thế là gì nếu không phải là chính đáng hóa cơ sở? Nếu anh nông dân bằng lòng thì chính đáng hóa ấy là hay lắm chứ, là đáng làm. Nhưng nếu dư luận cho là thủ thuật, thì sao? Thay vì chính đáng hóa, phải chăng mục đính cốt lõi chỉ là khí cụ hóa anh nhà quê, phương tiện hóa người dân? Con người, rốt cục, vẫn là dụng cụ, không phải chủ thể.

Trong hàng trăm bài báo, hàng chục quyển sách viết về những thử nghiệm bầu cử tương tự như kiểu Buyun, tôi nhặt ra đây cái lý luận bênh vực tính chính đáng – hành xử ấy của một cảm tình viên ở Mỹ: dân chủ không phải là mục đích, không phải là cứu cánh nhắm đến; dân chủ chỉ là phương tiện để giữ vững chính quyền. Ông ấy dám nói thêm: ở đâu cũng vậy, không riêng gì Buyun. Chẳng lẽ ở ông Lư Thoa cũng vậy sao? Ở phong trào Ngũ Tứ cũng mắm sốt? Ở nơi xe tăng Thiên An Môn cũng thế thôi?

Ông ấy viết: “Bao nhiêu nhà nghiên cứu Tây phương, đầu óc bị ô nhiễm vì những lý thuyết tự do về tính chính đáng, đã gặp khó khăn để hiểu cách chính đáng hóa chính thể cộng sản, nhất là trong bối cảnh văn hóa và lịch sử chính trị của Trung Quốc”. Và ông cắt nghĩa: Nhà lãnh đạo chính đáng là “một nhà lãnh đạo nhận được Thiên mệnh, nhân từ và biết tôn trọng thần dân, ban phát lợi tức quốc gia một cách công bằng, và được dân chúng thương mến, dù không bày tỏ. Một người lãnh đạo phải biết không được làm hại dân, trái lại, có chính sách làm lợi, làm giàu cho dân và để cho dân làm những gì họ cho là tốt”.

Nói cách khác, thế là minh quân trong đạo Khổng. Ngày nay, được như thế cũng là may rồi. Nhưng, thứ nhất, ông ấy quên lửng cái điều 2 trong hiến pháp Bắc Kinh! Nếu chỉ muốn minh quân thì vứt cái điều 2 ấy đi. Vả chăng, thứ hai, minh quân là gì trong học thuyết chính trị Tây phương? Là despotisme éclairé, độc tài sáng suốt. Là Frédéric II của nước Phổ. Là Cathérine II của nước Nga. Cũng không phải là cái lý tưởng chính đáng của điều 2. Điều 2 đã gửi trả lại cái thiên mệnh của đức Khổng về cho ông trời rồi. Đố ông tác giả ấy trả lời được câu này: tại sao một minh quân như vậy, được dân thương như vậy, lại còn sàng lọc đủ trò để kiếm cho được cái lá phiếu của anh nông dân? Phải chăng, vì ở thời đại này, dù là anh nhà quê ít học đi nữa, cũng biết đứng lên mà hỏi: “Ai cho chú mày làm vua?”

Có lẽ chuyện Buyun đã cũ quá rồi, không diễn tả đúng thực tế sinh động dân chủ ngày nay. Thì tôi xin mượn chuyện mới hơn. Chuyện sửa đổi hiến pháp gần đây nhất, thực hiện năm 2004. Cũng là điều 2 đấy!

Bộ Chính trị quyết định sửa đổi hiến pháp 1982. Một nhóm quan chức được chỉ định để soạn thảo. Họp lần đầu ngày 27-3-2003. Bộ Chính trị vạch ra nguyên tắc. Tham khảo ý kiến trong vòng hạn chế. Dự thảo thành hình tháng 8 năm ấy. Khi đó cái chuyện sửa đổi mới được chính thức công bố. Dự thảo đưa ra Quốc hội. Như thường lệ, Quốc hội biểu quyết nhanh, gọn, ngày 14-3-2004. Xong.

Tuy chỉ được chính thức công bố vào tháng 8, báo chí đã biết vào tháng 6. Nhiều nhà nghiên cứu danh tiếng cũng đã được tham vấn trước đó. Giới đại học mở nhiều thảo luận. Đại học Thanh Đảo. Đại học Thượng Hải. Nhiều giáo sư đại học được Bộ Chính trị hỏi ý kiến. Giáo sư Jiang Ping (Giang Bình). Giáo sư Wu Jinglian (Ngô Kính Liễn). Giới đại học xôn xao, hồ hởi. Không lâu! Một chỉ thị mật ra lệnh ngưng thảo luận, ngưng xuất bản bài viết của đại học. Vài nhà kinh tế, vài luật gia từng phát biểu ý kiến được công an hỏi chuyện. Truyền thông tuyên bố: sửa đổi hiến pháp đã được tổ chức một cách dân chủ và trong khuôn khổ một cuộc tham khảo ý dân rộng rãi.°°°

Napoléon đem lại nhiều thành tựu tích cực cho nước Pháp. Nhưng ông độc tài thì người Pháp nói ông độc tài. Ông bóp nghẹt tự do thì người Pháp nói ông bóp nghẹt tự do. Nước Pháp có sách vở mà ta khâm phục. Thứ văn hóa ấy tỏa sáng văn minh. Đức Khổng có nhiều ý kiến chính trị không hợp thời nữa. Nhưng chỉ một chữ của ngài thôi, mà ngài để trên đầu mọi sự mọi vật, chữ Nhân, cũng đủ để người Việt Nam tôn thờ ngài như Thầy. Chữ Nhân ấy đã bị truất phế, thay thế trên bàn thờ cụ tổ Thủy Hoàng bằng chữ lợi, chữ tham, chữ dối, chữ thủ đoạn, chữ xảo trá.

“Ai cho chú mày làm vua?” Cái văn hóa ấy.

C. H. T.

Chú thích

1. Về Buyun và những thử nghiệm bầu cử tương tự, bình luận đầy dẫy trong các sách báo đại học Mỹ. Trình bày tổng kết rất gọn trong: Gunter Schubert, La démocratie peut-elle coexister avec le Parti unique? Perspectives chinoises, n° 77, mai-juin 2003.

2. Ông tác giả nói ở cuối bài là: Guo Baogang (Quách Bảo Cương), China’s Quest for Political Legitimacy: The New Equity-Enhancing Politics, Lanham Lexington Books, 2010.

3. Về sửa đổi hiến pháp 2004, xem: Chen Jianfu (Trần Kiến Phúc), La dernière révision de la Constitution chinoise. Grand bond en avant ou simple geste symbolique, Perspectives chinoises, n° 82, mars-avril 2004.

© Thời Đại Mới

Nguồn: Tham luận viết cho Hội Thảo Hè, 12-13 tháng 8-2013, Singapore của GS Cao Huy Thuần.
Gs Cao Huy Thuần - Ai Cho Chú Mày Làm Vua? Chính Đáng Và Chính Đáng Hóa Reviewed by Unknown on 9/05/2013 Rating: 5 GS Cao Huy Thuần : Tôi mượn một trang sử của Pháp để mở đầu câu chuyện giải trí này. Chẳng phải vì tôi mê gì nước Pháp, nhưng quả thật, ...

Không có nhận xét nào: