Trần Quang Hạ - Ném Đá Vào Người Đấu Tranh Dân Chủ - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
4 tháng 9, 2013

Trần Quang Hạ - Ném Đá Vào Người Đấu Tranh Dân Chủ

Trần Quang Hạ, Dân Luận - 3.9.2013: Hệ thống báo chí lề phải bị kiểm soát tuyệt đối, mọi sự "lệch lạc" hay "biểu hiện chưa đúng" đều bị chấn chỉnh và trừng phạt. Đây là công cụ bạo lực tạo nên sức mạnh của chế độ. Về mặt hiệu quả, phải thừa nhận CS đã thành công không chỉ ở mặt tuyên truyền nói tốt cho chế độ, mà còn ngăn chặn không cho người dân biết mặt xấu của chính quyền thối nát.

So với báo chí cộng sản, làm báo tự do khó khăn hơn nhiều. Quyền được nói phải được tôn trọng. Khái niệm định hướng dư luận hoàn toàn xa lạ, ít nhất về mặt chủ trương công khai của một tờ báo. Tôn trọng sự khác biệt tự nó không làm thay đổi mục tiêu mà ngược lại có thể đem đến cho người đọc những bổ ích cần thiết. Nhưng vì tôn trọng khác biệt, báo internet có thể bị lợi dụng để chế độ độc tài phản công những tổ chức, cá nhân chống lại nó.

Cộng sản tố cáo Việt Tân (VT) là khủng bố, xấu xa, không ai tin. Nhưng những người chống cộng nhận xét về VT thì đáng tin hay không?

Người của VT từng bị bắt, tù đày hoặc trục xuất Việt Nam, thế nhưng mỗi lần có tin tức hay bài viết gì liên quan đến là lập tức có hàng loạt ý kiến tấn công chụp mũ VT làm có mồi cho CS. Nếu để ý, những còm kiểu nầy đều xóay vào sai lầm trong quá khứ. Cho đến bây giờ, VT là tổ chức có qui cũ, có đảng viên và có hoạt động làm CSVN rất lo ngại. Bằng chứng nhà cầm quyền CS một mực bêu rếu VT là tổ chức khủng bố.

Nếu không tin VT thì đừng gia nhập tổ chức của họ. Nếu đã lỡ đóng tiền trong quá khứ,thì đừng đóng tiền nữa. Tại sao phải nhất quyết hạ bệ người ta để làm gì vậy? Phải có cái gì đứng đàng sau những chống phá VT chứ không phải đơn thuần là một vài bạn đọc có quan hệ không tốt với một đảng phái chính trị. Không loại trừ khả năng dư luận viên đóng vai chống cộng quá khích tác nghiệp thường trực trên internet có ăn lương, có chỉ đạo.

Một trường hợp vu họa, gán ghép cũng khá hiểm độc xảy ra mới đây: Chị Phạm Thanh Nghiên lên tiếng trong bài viết "Nói một lần nầy thôi", rằng có người tên NPA cứ nằng nặc ép chị nhận mình là Việt Tân. Người nầy thuộc phe "dân chủ". Sự bực tức của chị nói lên tính chất phức tạp trong giao tiếp trên không gian mạng. Chị Nghiên khẳng định mình là người yêu nước, không tham gia đảng phái nào ngoại trừ khối 8406. Chị Nghiên hiện vẫn còn bị bao vây cô lập, còn "người dân chủ NPA" thì ở đâu đó, không ai biết.

Anh Đỗ Thành Công, phát ngôn viên đảng Dân Chủ Nhân Dân, từng về Việt Nam hoạt động, bị bắt, bị tù rồi trục xuất. Từng là nạn nhân những qui chụp vô lý trên internet, anh viết:

"Vài năm trước, chúng tôi cũng từng là nạn nhân của ném đá, nghi ngờ, bị chụp mũ và gán ghép “cuội’. Giờ này thì nhiều đảng viên lãnh đạo của Đảng Dân chủ Nhân dân đã thi hành xong các bản án tù về tội “tuyên truyền chống chế độ”, nhưng thực sự là đã dám lập đảng đối lập, dám thách thức bản chất của điều 4 Hiến Pháp."

Còn những người ném đá, bôi bẩn anh thì vẫn an nhiên tự tại. Họ nhân danh người miền Nam trước đây, từng bị lừa gạt nên nghi ngờ thủ đoạn CS. Họ suy diễn từ quá khứ để thủ đắc cái quyền được bảo mọi người phải cảnh giác, nghi ngờ anh Công chống cộng cuội. Anh viết tiếp:

"Những người ném đá chúng tôi hiện nay vẫn còn sống, có người là nhà bình luận ở Nam California, có người là nhà thơ chống Cộng nổi tiếng. Điều nghịch lý là họ vẫn an toàn, vẫn tiếp tục làm công việc ném đá của họ vào những người khác một cách nhiệt tình. Và chúng tôi, có người thì vẫn còn tiếp tục ngồi tù, có người vẫn tiếp tục đi con đường gian truân của mình."

Điều anh Công gọi không còn là nghịch lý mà là vô lý. Tại sao chúng ta không dám chỉ tên, vạch mặt những kẻ "chống cộng" theo kiểu hàm hồ vô cảm. Anh ngồi tù trong lúc chúng rung đùi ngồi uống cafe ở phố Bolsa. Chẳng lẽ trong môi trường tự do, chúng ta bất lực trước những kẻ phá hoại?

Luồng dư luận nghi ngờ lời kêu gọi của LS Lê Hiếu Đằng gần đây dựa vào vài điểm chính: Đấu tranh với CS thì phải dứt khoát với hình tượng HCM, CS phải thay đổi chứ không thể sửa đổi, ông Đằng đối lập cuội để cứu đảng CS v.v...

Hồ Chí Minh được tô vẽ để củng cố chế độ toàn trị. Kéo ngã hình tượng nầy không thể một sớm một chiều và không nhất thiết là điều kiện tiên quyết để xét đoán những người trong nước. Đã có những nổ lực phơi bày tội ác HCM tiến hành ở hải ngoại từ lâu nay đạt kết quả rất khích lệ. Khi nào CS còn dùng hình tượng HCM phòng thủ thì người dân cũng dùng hình tượng đó như cái khiêng tấn công lại CS. Vấn đề là tấn công ai, chứ không phải dùng cái khiêng nào che chắn.

Cộng sản chỉ có thể thay đổi chứ không thể sửa đổi là đúng không có gì sai. Nhưng chưa thay đổi được thì cứ bắt đầu việc sửa đổi trước. Mở tung nó ra xem chỗ nào mục nát có sửa được không? Việc làm của LS Đằng đáng hoan nghênh bởi vì ông dám mở ra sửa chữa, còn hơn những người khác biết căn nhà mục nát nhưng im lặng hoặc những người từ xa đòi đập phá căn nhà nhưng không mở nó ra thì làm sao phá?

Khi gán ghép cho những người đấu tranh "cuội", người ta dựa vào kinh nghiệm bị CS lừa trong quá khứ. Cộng sản từng dựng lên những tổ chức đối lập khi VNCH còn là một thực thể có chính quyền, có dân có đất. Bây giờ mọi điều ngược lại, cộng sản có tất cả còn phía chống lại họ không có gì hết. Nghi ngờ và e sợ đối lập phải là chính quyền CS chứ không phải phía những người đấu tranh. Khi còn chính quyền, phía VNCH đã sơ hở để tự làm suy yếu, bây giờ lại đa nghi để làm suy yếu mình thêm lần nữa! Điều nghịch lý là ở đây. Tư duy như thế không sai nhưng luôn chậm một bước, không kịp thời đại.

Lập luận rằng ông Đằng lập đảng "cuội" để CS hạ cánh an toàn, tẩu tán tài sản (!) cũng không có cơ sở. Mới có ra lời kêu gọi, báo chí trong nước đã đồng loạt đánh phủ đầu, đánh hội đồng hầu triệt tiêu những manh nha chống đối. Với bộ máy đàn áp khổng lồ hiện nay, CS còn rất tự tin và tiếp tục tích lũy chứ chưa nghĩ đến chuyện tẩu tán. Có lẽ còn hơi sớm để đặt vấn đề như thế dù nó không thừa khi sự thay đổi xảy ra.

Dư luận viên tuyên truyền tốt cho chế độ thường là yếu tố kích hoạt cho những phản biện của còm sĩ. Họ ăn lương và làm công việc của họ, dù hay hay dở vẫn được chấp nhận như một phần của tự do ngôn luận. Dư luận viên giả danh dân chủ ném đá vào những người đấu tranh dân chủ mới đáng khinh bỉ. Họ nguy hiểm hơn cả đội quân dư luận viên định hướng dư luận. Nhưng việc làm của họ không được coi là dư luận bởi tính chất trá hình ngụy tạo.

Bài viết không nhằm vào những tác giả hay còm sĩ có quan điểm khác biệt, trình bày một cách ôn hòa, xây dựng với lời lẽ tương kính. Bài viết nói đến những kẻ ném đá bất lương. Những "ném đá viên" kiểu nầy đích thực là ném đá dấu tay. Dù ngu xuẩn tự nguyện hay ma lanh ăn lương chính quyền, những kẻ ném đá cần được dư luận nghiêm khắc lên án.
Trần Quang Hạ - Ném Đá Vào Người Đấu Tranh Dân Chủ Reviewed by Unknown on 9/04/2013 Rating: 5 Trần Quang Hạ, Dân Luận - 3.9.2013: Hệ thống báo chí lề phải bị kiểm soát tuyệt đối, mọi sự "lệch lạc" hay "biểu hiện chưa...

Không có nhận xét nào: