Đoàn Khắc Xuyên - 14.10.2013: Sự kiện thứ 1: Cuối cùng thì hôm 4.10 bộ Giáo dục – đào tạo đã giao vụ giáo dục đại học tiến hành thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế – phó viện trưởng viện Tài chính – Ngân hàng thuộc trường đại học Kinh tế quốc dân và kiến nghị hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước xem xét thu hồi quyết định công nhận chức danh phó giáo sư đối với ông Quế sau khi có kết luận luận án tiến sĩ của ông Quế bị tố cáo đạo văn là đúng.
Ông Hoàng Xuân Quế – tác giả luận án tiến sĩ được bảo vệ năm 2003 với đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ Việt Nam” bị tố cáo đạo văn từ một luận án tiến sĩ bảo vệ năm 2002 của ông Mai Thanh Quế ở học viện Ngân hàng. Hội đồng chức danh giáo sư ngành Kinh tế học đã thành lập hội đồng xác minh luận án và 100% thành viên hội đồng đã khẳng định luận án của ông Hoàng Xuân Quế sao chép tới 30% nội dung (52,5/159 trang) từ luận án của ông Mai Thanh Quế.
Các nội dung sao chép trong luận án của ông Hoàng Xuân Quế là không hợp pháp vì không có chú dẫn nguồn trích và việc sao chép không đúng quy định (không có dấu ngoặc kép cho phần sao chép nguyên văn). Vì vậy, luận án của ông Hoàng Xuân Quế “không được coi là một công trình khoa học hoàn chỉnh”.
Sự kiện thứ 2: “Thơ thiền núi thiêng Yên Tử lay động đại học Kỷ lục Thế giới”. Như một tiếng kèn ca khúc khải hoàn, dưới cái tít như trên, báo GD-TĐ đưa tin: ngày 22.9, tại thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (thành phố Uông Bí – Quảng Ninh), đại học Kỷ lục Thế giới trao tặng bằng Tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục cho quyển sách độc bản “Thi vân Yên Tử” của nhà thơ, GS.TS Hoàng Quang Thuận cho Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử.
Về “nhà thơ thần” – GS.TS Hoàng Quang Thuận – và giá trị thơ của ông, thi giới đã bàn nhiều, tưởng không cần nhắc lại. Nhưng cái đại học Kỷ lục Thế giới lạ hoắc thì xưa nay chắc chẳng ai biết, trừ phi có ai đó bỏ thì giờ vào trang web của nó để thấy nó tự xưng là một trường đại học tự quản, một tổ chức liên kết các cuốn sách kỷ lục châu Á và một số quốc gia như Việt Nam, Nepal, Ấn Độ… Nó cấp bằng tiến sĩ danh dự cho những người giữ kỷ lục của cộng đồng với điều kiện nộp cho “trường đại học” này 1.000 đôla Mỹ. Có người đã gọi cái đại học Kỷ lục Thế giới này là “đại học lừa”.
Vậy mà không biết bằng cách nào người nhận bằng của cái đại học đó đã “huy động” được sự tham dự buổi lễ trao bằng của một cựu ủy viên Bộ Chính trị, nguyên phó Chủ tịch Quốc hội; một cựu phó Thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ Ngoại giao cùng lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị trung ương; một phó chủ tịch UBND tỉnh và Thượng tọa, trưởng ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh; lãnh đạo thành phố Uông Bí, đại diện các sở, gành, đơn vị cùng hơn 2.000 tăng ni, phật tử trong tỉnh. Chẳng lẽ trong bao nhiêu vị ấy, không ai biết gì về thực chất của cái trường đại học ấy?
Một người bán hàng gian dối dù sao cũng chỉ hại một hoặc một số ít người, với một món hàng dỏm. Một, và không chỉ một, người được coi là trí thức mà gian dối thì ảnh hưởng chắc chắn không chỉ tới một mà nhiều người, nếu không nói là cả thế hệ trẻ. Nếu lấy bằng tiến sĩ bằng cách sao chép hoặc bằng cái bằng dỏm một cách dễ dàng thì ai còn chịu học thực? Phải nói đó là một tấm gương xấu cho thế hệ trẻ.
Một nghiên cứu gần đây cho biết học sinh càng học lên càng nói dối nhiều hơn lúc nhỏ. Chẳng biết, ngoài việc phải thường xuyên nói dối, viết dối theo các bài văn mẫu ở trường, các em có bị ảnh hưởng gì không của những đại trí thức, đại khoa bảng như hai vị trong hai sự kiện kể trên?
Người Đô Thị
Không có nhận xét nào: