Thủy Điện: Con Dao Hai Lưỡi - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
20 tháng 11, 2013

Thủy Điện: Con Dao Hai Lưỡi

Thủy điện Sông Tranh 2
Mặc Lâm, RFA - 19.11.2013: 

Lợi nhuận từ nguồn thu bán điện và chức năng ngăn lũ, cắt lũ của thủy điện là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên những vụ xả lũ bất ngờ gây lũ lụt trong thời gian qua là vấn đề cần xem xét cặn kẽ để tránh cho người dân vùng hạ du những mất mát đau lòng như vài tuần lễ vừa qua.

Thủy điện lo sợ vỡ đập

Lũ lụt tại Việt Nam hình thành từ nhiều chục năm qua chứ không phải lúc này mới xuất hiện, đặc biệt là các tỉnh miền Trung nơi mỗi năm đều hứng chịu nhiều cơn lũ tàn phá nhà cửa hoa màu và nhất là sinh mạng người dân.

Năm nay lũ về nhanh và tàn phá nhiều vùng do mưa lớn kết hợp với việc thủy điện lo sợ vỡ đập đã cùng nhau xả lũ khiến tình hình càng tồi tệ hơn. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Gia Lai là những nơi chịu lũ vì thủy điện. Riêng Quảng Nam lũ xảy ra do tác động của lượng mưa quá lớn. Những nơi bị lũ tràn về thật khó mà tả cho hết nỗi đau do mất mát của người dân.

Theo số liệu mới nhất cho biết có 50 người chết và mất tích. Hàng trăm ngàn căn nhà trôi theo giòng nước hay ngập nặng. Hàng ngàn hecta lúa và hoa màu trôi theo lũ. Gia cầm gia súc chết không kể xiết. Tính mạng tài sản người dân đang là câu hỏi mà Bộ Công thương cần phải xem lại quy trình cũng như các dự án thủy điện đã và đang được vận hành.

Thủy điện là nền công nghiệp giống như dao hai lưỡi. Nó có chức năng điều tiết lượng nước đầu nguồn để tránh cho hạ du bị nước tràn về mỗi khi mưa to do tích nước từ sông suối tập trung vào làm thành lũ vì vậy nếu thực hiện nó theo đúng quy trình, kỹ thuật và nhất là ý thức được sự tàn phá của nó một cách triệt để thì thủy điện sẽ là mối lợi cho người dân cũng như chủ các công trình

Do mùa hè thường gây cho các hồ chứa cạn kiệt nên lượng nước mà các hồ thủy điện tích tụ luôn cao hơn quy định. Do cao vượt mức như thế nên mỗi khi lũ ở thượng nguồn đổ về đe dọa vỡ đập khiến nhiều thủy điện không còn cách lựa chọn nào khác là xả đập càng nhanh càng tốt trước khi lũ về. Tác động này cộng với lượng mưa khiến hạ du chìm trong biển nước là điều mà Bình Định và Quảng Ngãi đang gặp.
Nước lũ tràn qua đường vào trung tâm huyện Kbang,
tỉnh Gia Lai hôm 15/11.

Các đập thủy điện dội bom nước xuống người dân nhằm tránh sự cố tồi tệ hơn khi vỡ đập vẫn là câu hỏi nghiêm khắc của nạn nhân chạy lũ. Vậy việc xây dựng một quy trình hoàn chỉnh có khó khăn quá sức hay không? câu trả lời được GSTS Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch Hội cơ học thủy khí Việt Nam hiện giảng dạy tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết:

“Xây dựng hồ chứa thì vấn đề quan trọng là phải dự báo lượng nước tức là lượng nước mưa rơi xuống rồi chảy vào hồ. Vì vậy ở các thượng nguồn phải có những trạm đo mưa và vài trạm đo lưu lượng các nhánh sông, suối chảy vào hồ. Khi có những cai đó rồi thì người ta sẽ xây dựng một quy trình xả nước như thế nào đó. Khi đã biết lượng nước rồi thì sẽ cho hồ nó bớt đi, hiểu nôm na như thế. Mình xả sớm để cho nước lũ nó về chứa trong hồ thì lưu lượng sẽ chảy từ từ và nó sẽ làm cho vấn đề nhẹ hơn. Xây dựng những trạm thủy văn ở đầu nguồn các hồ chứa đồng thời xây dựng các quy trình. Và để đảm bảo việc xả lũ quy trình này phải có cơ quan giám sát hoặc là gắn camera tại các nơi xả lũ để truyền trực tiếp về các trung tâm giám sát của người dân đảm bảo các hồ chứa xả lũ trước khi lũ về, tức là đón lũ, như vậy việc xả lũ về hạ du thì nước xả nó sẽ từ từ, có lợi hơn khi chưa có hồ nữa.

Về chuyên môn nó không khó khăn gì cả nếu xây dựng được trạm đầu nguồn và xây dựng quy trình và có cơ quan giám sát độc lập.”

Mật độ thủy điện dày đặc

Miền Trung là nơi mà thủy điện vừa và nhỏ có mật độ dày đặc so với cả nước. Chỉ riêng tỉnh Quảng Nam đã có 58 đập thủy điện đã và sắp đưa vào hoạt động. Thủy điện là ngành tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp. Nó tạo nguồn thu cho ngân sách và quan trọng hơn cả là nó giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt điện của cả nước.

Thủy điện cung cấp nước trong việc tưới tiêu tới những cánh đồng trong mùa khô và chức năng thứ hai của các hồ thủy điện là chặn lũ, cắt lũ cho hạ nguồn. Tuy nhiên Quảng Nam cũng đã có kinh nghiệm cay đắng về thủy điện A vương vào năm 2009 trong cơn bão số 9 khi việc xả lũ đã gây mất mát cho người dân một con số cực lớn, mặc dù tiền thuế của thủy điện này đóng cho ngân sách không dưới 2.700 tỉ đồng mỗi năm.

Tại Quảng Ngãi với 19 dự án thủy điện đang chờ phê duyệt cộng với các nhà máy thủy điện hiện đang hoạt động cũng hình thành một vòng cung thủy điện bao vây cả tỉnh. Trong đợt lũ vừa qua, Quảng Ngãi và Bình định chịu nặng nề nhất. Theo ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND Thị xã Hội An nhận xét:

“Thật ra thì mấy ngày qua không phải do thủy điện xả mà vì lượng mưa lớn quá. Quảng Ngãi, Bình Định không có thủy điện như Quảng Nam nhưng nó bị lụt lớn hơn vì lượng mưa nó trên 200 thậm chí có chỗ 400 còn ở mình thì bình quân 150 trở lại thôi.”

Nhận xét về việc xả lũ gây thiệt hại cho vùng hạ du ông Giảng cho biết:

“Vấn đề này cũng thuộc về khoa học, bây giờ mình nói theo dạng cảm tính thì cũng khó. Thật ra nó là con dao hai lưỡi nếu biết thải thì nó sẽ điều tiết lụt nhưng nếu thải mà nó có lòng tham, thiếu tính toán thì nó lại nguy hiểm. Thí dụ như nước đang lụt lại xả nữa thì nó sẽ tăng lượng nước lên, nước sẽ cao lên. Nếu có quy chế có lịch xả nước một cách chủ động thì nó có thể điều tiết. Vì sợ mùa hè hết nước mà tích nước đến cái độ vỡ bờ khi người ta bảo phải xả thì trở tay không kịp vì đây là vấn đề của nhiều phía. Những nơi làm thủy điện mà biết xả nước hợp với quy luật thì nó chẳng có gì nhưng nếu anh xả theo cách bị động, quán tính và lòng tham thì rất nguy hiểm.”

Hình ảnh cả thị xã Sông Cầu ngập trong biển nước khi thủy điện Sông Ba hạ xả lũ đã làm người dân Bình Định sống trong nỗi lo sợ không thể diễn tả. Thủy điện chỉ thật sự hữu ích khi được kiểm soát chặt chẽ cả công nghệ xây dựng lẫn quy trình theo dõi việc xả lũ. Báo chí vẫn cho rằng người dân hưởng lợi từ thủy điện thì ít mà thiệt hại từ nó xem ra quá nhiều là câu hỏi cần được nhà nước giải quyết bằng việc làm cụ thể chứ không phải là cách trả lời trước quốc hội hay trên mặt báo của các quan chức trách nhiệm như vừa qua.

Thủy Điện: Con Dao Hai Lưỡi Reviewed by Unknown on 11/20/2013 Rating: 5 Thủy điện Sông Tranh 2 Mặc Lâm, RFA - 19.11.2013:  Lợi nhuận từ nguồn thu bán điện và chức năng ngăn lũ, cắt lũ của thủy điện là đi...

Không có nhận xét nào: