Đức Cha Phaolô Thăm Các Giáo Xứ Vùng Lũ Quảng Bình - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
23 tháng 11, 2013

Đức Cha Phaolô Thăm Các Giáo Xứ Vùng Lũ Quảng Bình

GPVO - 20.11.2013: Các cơn bão liên tiếp đã để lại một miền Trung tả tơi, quằn quại với những vết thương chưa lành, lại phải gồng mình chống đỡ những trận lũ lụt và lốc xoáy mới. Vẻ mặt thất thần của người dân, cùng cảnh tượng hoang tàn còn sót lại, dấy lên một nỗi tang thương, nghẹn lòng cho những ai đến đây…

Sáng ngày 16.11.2013, ngay sau thánh lễ ban phép Thêm sức tại giáo xứ Đồng Vông (Nghệ An), Đức Cha Phaolô đã vội vã đi thăm một số nơi bị bão lũ tại Quảng Bình. Đây là chuyến thăm thứ hai của vị Chủ chăn giáo phận, sau cơn bão số 10.

Như mọi người đã biết, khi những tang thương do cơn bão số 10 để lại còn chưa nguôi thì trận bão số 11 ập đến, mang theo một cơn lốc khủng khiếp quét hết những gì còn sót lại trên đường nó đi qua. Nỗi thất thần còn chưa lắng xuống thì cơn bão số 12, 13 lại dồn dập "ghé thăm" khúc ruột miền Trung này. Một số người tự hỏi, nếu siêu bão Haiyan, cơn bão mạnh nhất từ trước đến nay đã làm cho 2/3 đất nước Philippin thành những bãi hoang tàn và cướp đi gần 5000 nhân mạng, mà đổ bộ vào vùng đất Quảng Bình này nữa như dự báo ban đầu, thì sẽ còn lại gì trên dải đất "cát trắng gió Lào" này nữa? Và ngay trong thời điểm này, cơn bão số 15 hoành hành ở vùng Nam Trung bộ, gây ra bao khốn khổ cho người dân nơi đây. Có lẽ chưa bao giờ, những ngày cuối năm lại "lê thê", nặng trĩu với người dân miền Trung như năm 2013 này.

Những ngày tang thương trong bão lũ của người dân Quảng Bình, là những ngày nghẹn ngào trong tình hiệp thông, sẻ chia, trong lời nguyện cầu của toàn Giáo phận Vinh. Cách riêng, Đức Giám mục Phaolô đã ân cần thăm hỏi và yêu cầu ban Caritas Giáo phận đến tận nơi khảo sát và cứu trợ kịp thời cho bà con. Theo ngài, song song với việc cứu trợ cấp thời, cần phải nghĩ đến việc dự phòng và phát triển. Đó là cả một chương trình dài. Trong chuyến thăm lần này, bên cạnh việc đến tận nơi hỗ trợ để lợp lại các mái nhà bị tốc ngói hay dựng lại các bức tường bị sụp đổ, thì Đức Cha muốn khảo sát thực tế cho vấn đề cần ưu tiên đó là việc di dời các hộ sống trên sông hay các vùng thấp lên nơi cao tại Văn Phú, Chay (Diên Trương), Đồng Đưng (Cồn Nâm), Yên Thuận (Tân Phong), Kinh Nhuận...

Giáo xứ Diên Trường, nơi lũ ống dập dồn và cơn lốc kinh hoàng tàn phá

Diên Trường được thành lập từ năm 2006, với hai giáo họ thuộc 2 trong 8 thôn của xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch. Đây là xã chịu thiệt hại rất nặng nề trong cơn bão số 11 vừa qua với cơn lốc kinh hoàng quét qua nơi đây vào rạng sáng 16.10.2013, làm 3 người chết, nhiều người bị thương và cuốn phăng nhiều nhà cửa. Thôn (họ) Diên Trường và nhất là thôn Tân Sơn (họ Chay) may mắn không nằm trên đường đi của lốc, nhưng cũng phải chịu thiệt hại nặng bởi gió giật mạnh và lũ ống dập dồn đổ về dòng Nan. Nhìn những ngôi nhà sập đổ bên mép sông đang xói dần và dòng chảy cuồn cuộn mới thấy hết những thảm cảnh mà người dân ở đây phải đối diện mỗi khi lũ tới. Trước những nguy hiểm thường trực đó, giáo họ đang chủ trương di dời tất cả các hộ dân lên nơi an toàn, và hiện tại đã có hơn 60% trong tổng số 140 hộ đã chuyển lên vùng trên, cách chỗ cũ 3km. Thời gian sắp tới, bà con nơi đây sẽ di dời nhà thờ và các hộ còn lại.

Cha quản xứ Antôn Nguyễn Văn Hùng cho biết, cuộc sống lam lũ nơi rừng thiêng nước độc đã khiến cho nhiều người đàn ông ở đây mất sớm. Cảnh mẹ goá con côi không hoạ hiếm ở giáo họ Chay này. Việc học văn hoá của các em ở đây cũng khá cách trở, với 12 km đường núi heo hút hiểm trở luôn là một mối nghi ngại. Hiện toàn giáo họ chỉ có 8 em học cấp 3 và 3 em đang học cao đẳng đại học. Tất cả như làm cho bức tranh Chay thêm ảm đạm, nhất là công việc di dời thêm khó khăn.

Trước khi rời Chay, Đức Cha Phaolô đã trao cho cha quản xứ 90 triệu đồng để hỗ trợ cho 4 gia đình bị sập nhà, 1 gia đình bị tốc mái hoàn toàn và một số gia đình bị thiệt hại. Ngài hứa trong ít ngày tới sẽ gửi tiền để mua đất làm nhà nguyện mới, đồng thời yêu cầu cha quản xứ cố gắng đẩy nhanh tiến độ di dời, để bà con sớm an cư lạc nghiệp.

Rời Diên Trường, đoàn chúng tôi đến Cồn Nâm, xứ đạo được bọc quanh bởi sông nước.

Giáo xứ Cồn Nâm, nhấp nhô giữa biển lũ

Cồn Nâm, sau những tháng ngày bập bềnh trong biển lũ, cuộc sống đã dần trở lại với nét thanh bình miền sông nước. Là ốc đảo biệt lập cách trở với chiều dài 2km, rộng chừng 300m; xứ đạo Cồn Nâm như con thuyền giữa bức tranh thủy mặc sông núi bao la: “Sông Gianh cả thảy ba nguồn; Nguồn Nan, nguồn Nậy lại còn nguồn Son”. Dòng sông Gianh lịch sử chính là đây, nơi chở nặng trong mình ký ức của một thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, chia đôi xứ sở.

Gửi xe ở họ Thái Hoà, sau nhiều phút lênh đênh trên sông lớn, thuyền đã cập bến Cồn Nâm lung linh sắc đèn, nhưng vết tích của lũ vẫn còn thấy rõ. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là bức tượng Đức Mẹ trên tháp nhà thờ không còn nữa, trận cuồng phong vừa qua đã cuốn phăng đi; nhiều bức tường sập đổ và nhiều mái nhà lổ chổ ngói mới ngói cũ.

Cồn Nâm với 6 giáo họ chia làm 2 cụm cách sông. Giáo họ Đồng Đưng với 178 hộ và 850 giáo dân nằm sâu trong vùng đồi núi, công trình nhà thờ khởi công từ tháng 2.2012 đến nay mới chỉ được 40%. Cơn bão số 11 kèm theo lốc xoáy vừa qua đã làm ít nhất 10 gia đình ở đây bị thiệt hại nặng nề. Chưa thể đến tận nơi thăm hỏi, vị Chủ chăn Giáo phận đã hỗ trợ 50 triệu đồng qua cha quản xứ Phêrô Nguyễn Văn Phú để giúp họ sớm vượt qua khó khăn. Đồng thời, ngài yêu cầu giáo xứ lên kế hoạch cụ thể cho chương trình vượt lũ tại họ Thái Hòa để Giáo phận có hướng hỗ trợ.

Sáng Chúa Nhật 17.11, Đức Cha Phaolô đã dâng thánh lễ ban phép Thêm sức cho 320 em trong giáo xứ. Chia sẻ trong thánh lễ, ngài mời gọi mọi người khám phá vai trò và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống người Kitô hữu. Riêng với các em, một khi đón nhận ấn tín của Chúa Thánh Linh, hãy cộng tác với ơn của Ngài để sống đức tin trưởng thành, làm chứng cho Chúa trong môi trường sống của mình.

Sau thánh lễ, Đức Cha đến Giáp Tam, cách Cồn Nâm chừng 3km, thăm giáo xứ và cha già Phêrô Nguyễn Huy Thiết đang hưu dưỡng tại đây. Sau đó, đoàn lên thuyền về lại Thái Hoà và đến giáo xứ Văn Phú.

Giáo xứ Văn Phú, nơi hội tụ của Nguồn Nậy và Nguồn Son

Con đường hẹp ngoằn nghoèo, trơn trượt ven sông đưa đoàn chúng tôi đến Văn Phú, giáo xứ do cha Giuse Nguyễn Quang Trung quản nhiệm. Tàn dư của lũ vẫn còn rõ nét. Là nơi hội tụ của nguồn Nậy và nguồn Son trước khi đổ ra cửa Gianh thông ra biển, nên một khi lũ về, toàn cảnh nơi đây bạc một màu trắng xoá. Các trận lũ ống kéo theo sau cơn bão số 10 và 11 vừa qua đã làm cho 19 gia đình bị sập nhà hoàn toàn, 1 số hộ sống lênh đênh trên sông nước như gia đình anh Hoàng Hiểu bị trôi hết toàn bộ gia sản, 6 quán tạp hoá ven sông cũng chịu chung số phận vì nước lên quá nhanh. Nhiều người sau khi trốn lũ trở về thấy nhà mình chỉ còn là một cái nền trơ trọi. Nhiều thuyền bè, cơ đồ của người dân bị hư hỏng nặng, 52 hồ nuôi cá, cua dự tính thu hoạch vào dịp tết đã bị ngập trôi. Đáng thương hơn khi có 28 chiếc xà lan của tập đoàn Vinashin bị bỏ hoang ở xã Quảng Thuận đã trôi dạt xuống đây, làm sập nhiều căn nhà, và hiện đang nằm ngổn ngang, gây cản trở.

Theo thống kê của ban Caritas Giáo phận, Văn Phú có 30 gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất. Đức Cha Phaolô đã hỗ trợ 184 triệu đồng để họ sớm ổn định lại cuộc sống, nhất là đưa những hộ dân sống trên sông lên đất liền, và dựng lại nhà cho những hộ dân bị sập đổ hoàn toàn để họ sớm trở về sinh sống, như gia đình anh Hoàng Thọ... Bên cạnh đó, Đức Cha cũng đã tìm mạch nước ngọt và yêu cầu giáo xứ đẩy nhanh tiến độ khoan giếng, rồi giáo phận sẽ hỗ trợ hệ thống máy lọc nước. Lâu nay, người dân nơi đâyphải đi mua nước về dùng rất tốn kém và vất vả.

Rời Văn Phú trời đã ngả sang chiều, đoàn chúng tôi lên đường trở lại Toà Giám mục sau hai ngày thăm viếng các giáo xứ vùng lũ Quảng Bình. Trước nhu cầu cấp thiết sau chuyến thăm của Đức Cha Phaolô, Tòa Giám mục đã gửi 260 triệu để hỗ trợ công tác di dời 7 hộ làng chài lên trên bờ, 100 triệu để hỗ trợ nhà vượt lũ tại Phong Phú (Minh Cầm) và 40 triệu cho giáo họ Yên Thuận (Tân Phong).

Bình minh đang dần ló dạng, những hậu quả nặng nề đang từng bước được khắc phục và những dự phóng lâu dài giúp giảm thiểu những thiệt hại do bão lũ gây nên đang dần thành hình và được triển khai. Dĩ nhiên, đây là cả một lộ trình dài, đòi hỏi nhiều tâm lực. Nhờ ơn Chúa và sự hảo tâm sâu rộng của cộng đồng, chúng ta có quyền hy vọng ở tương lai.










PM Hòa Thắng
Đức Cha Phaolô Thăm Các Giáo Xứ Vùng Lũ Quảng Bình Reviewed by Unknown on 11/23/2013 Rating: 5 GPVO - 20.11.2013: Các cơn bão liên tiếp đã để lại một miền Trung tả tơi, quằn quại với những vết thương chưa lành, lại phải gồng mình ch...

Không có nhận xét nào: