Nelson Mandela, Quyền Lực Của Sự Tha Thứ - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
7 tháng 12, 2013

Nelson Mandela, Quyền Lực Của Sự Tha Thứ

Sau một cơn bệnh kéo dài, Nelson Mandela,
cựu Tổng thống Nam Phi, đã qua đời ngày 5 tháng 12, 2013
TS. Nguyễn Hưng Quốc: Cái chết của ông, một người 95 tuổi, không làm ai ngạc nhiên. Nhưng người ta vẫn xúc động.

Có thể nói, trong các chính khách thuộc thế giới thứ ba, không có ai bị ở tù lâu như Nelson Mandela, không ai được yêu mến và kính trọng như Nelson Mandela: Ông được xem như một biểu tượng của trí tuệ, của tinh thần dân chủ, lòng nhân đạo và của sự khoan dung không chỉ ở nước ông hay ở châu Phi mà ở khắp thế giới. Ông trở thành nguồn cảm hứng lớn lao cho rất nhiều người, từ giới làm chính trị đến giới nghệ sĩ khắp nơi. Với mọi người, được gặp Mandela, ngay cả khi ông đã về hưu, không còn nắm giữ chút quyền lực nào cả, cũng là một niềm vui và là một vinh dự nhớ đời.

Khi được hỏi ai là người ông ngưỡng mộ nhất, Tổng thống Barack Obama không hề ngần ngại trả lời ngay: Nelson Mandela! Từ lúc còn trẻ, ông đã muốn noi theo gương của Mandela. Năm 2005, lúc mới bước chân vào Thượng viện, một ngày, đang lái xe đi họp, Obama nhận được điện thoại, có người báo tin là Mandela muốn gặp ở khách sạn Four Season, Georgetown, ông vội vã quay xe lại ngay. Cuộc gặp gỡ chỉ kéo dài có năm phút. Bức hình chụp chung lần ấy được Obama đặt ngay trên bàn làm việc ở phòng Bầu Dục khi ông lên làm Tổng thống. Năm 2009, trong bài diễn văn nhận giải Nobel Hòa Bình, Obama thú nhận là so với những đóng góp của những con người vĩ đại như Albert Schweitzer, Martin Luther King, George Marshall và Nelson Mandela, thành tích của ông còn rất ư khiêm tốn.

Cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Chỉ riêng sức chịu đựng và sự kiên nhẫn của Mandela đã vượt ra ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Sinh năm 1918, tốt nghiệp luật tại đại học Witwatersrand, tham gia các phong trào chống thực dân một cách bất bạo động từ thời còn trẻ, Mandela bị bắt và bị giam trong nhà tù tổng cộng đến 27 năm. Trong lúc ông ở tù, vợ ông, bà Winnie Mandela cũng bị bắt ở ở tù nhiều lần, trong nhiều năm, do các hoạt động chống lại chế độ thực dân và kỳ thị chủng tộc tại Nam Phi. Con cái của ông không có ai chăm sóc. Người con trai cả với người vợ đầu, Thembi, bị chết vì tai nạn xe cộ năm 1969, ông cũng không thể dự được đám tang. Ngoài ra, ông cũng biết được vợ của ông, Winnie, cũng không hoàn toàn chung thủy với ông.

Tất cả những bi kịch ấy không làm nao núng nghị lực của ông. Ngay trong nhà tù, với những điều kiện quản thúc và áp chế vô cùng khắc nghiệt, Mandela vẫn tiếp tục học, hết học luật (hàm thụ từ một trường đại học ở London) đến học về Hồi giáo và tiếng Afrikaans, một phương ngữ có khoảng bảy triệu người nói ở Nam Phi.

Và ông tiếp tục tranh đấu.

Những năm đầu, việc tranh đấu bị hạn chế do Mandela thường xuyên bị biệt giam và không được liên lạc với bên ngoài. Nhưng từ năm 1975 trở đi, tự do hơn, ông được tiếp một số bạn bè, đồng chí cũng như khách khứa quốc tế đến thăm trong nhà tù, đặc biệt, ông có thể gửi thư từ ra ngoài khá đều đặn – mỗi tháng ba bức (dù tất cả đều bị kiểm duyệt, dĩ nhiên). Ông gửi thư cho vợ, cho con, cho bạn bè. Ông gửi thư cho các đồng chí trong đảng của ông. Ông gửi thư cho các chính khách quốc nội cũng như quốc tế để kêu gọi sự ủng hộ. Ông gửi thư cho cả những người có những quan điểm chính trị khác hẳn với ông để tranh thủ sự đồng tình hoặc ít nhất để nuôi dưỡng quan hệ hữu nghị trong chừng mực có thể.

Qua những bức thư ấy, ông không những củng cố lực lượng mà còn mở rộng những liên minh chính trị cần thiết cho cuộc đấu tranh cho độc lập, dân chủ và bình đẳng ở Nam Phi. Những bức thư thường xuyên ấy khiến Mandela, dù bị ở tù, thậm chí, ở tù biệt giam, vẫn luôn luôn hiện diện trong sinh hoạt chính trị ở Nam Phi cũng như trên thế giới. Các cơ quan truyền thông khắp nơi hầu như không bao giờ quên ông. Dư luận không ngừng bàn tán về ông. Các tổ chức nhân quyền không ngừng lên tiếng đòi hỏi chính phủ thiểu số người da trắng ở Nam Phi trả tự do cho ông. Ông trở thành đại diện duy nhất của người Nam Phi mà chính quyền da trắng cần phải thương lượng nếu muốn cải thiện tình hình chính trị trong nước, danh tiếng trên thế giới và quan hệ quốc tế hầu tránh tình trạng bị tẩy chay và cô lập do các chính sách kỳ thị chủng tộc của họ.

Điều người ta thán phục nhất, là qua những bức thư ấy, người ta thấy rất rõ, mặc dù bị cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài trong một thời gian rất dài, kiến thức về chính trị của Mandela không ngừng được cập nhật, tư duy chiến lược của ông vẫn vô cùng sắc sảo, và đặc biệt, tấm lòng của ông vẫn đầy khoan dung. Bị kỳ thị và đày đọa đến tận cùng, Mandela vẫn không chút oán thù. Ông vẫn muốn giải quyết những mâu thuẫn và xung đột trầm trọng ở Nam Phi qua con đường hòa giải. Chính vì vậy không phải chỉ những người da đen ủng hộ ông mà cả những người da trắng cấp tiến cũng ngưỡng mộ ông. Người ta xem ông không những chỉ là một chính khách lỗi lạc mà còn là một biểu tượng của đạo đức; và với tư cách một biểu tượng đạo đức, ông không những giải phóng dân chúng người da đen ở nước ông mà còn giải phóng bất cứ người cùng khổ và bị áp bức nào khác.

Cuối cùng, dưới áp lực càng lúc càng nặng nề của quốc tế và tình hình rối ren không thể giải quyết được trong nước, chính phủ người thiểu số người da trắng ở Nam Phi quyết định trả tự do cho Mandela vào ngày 2 tháng 2, 1990. Dân chúng Nam Phi đổ nhau reo mừng chào đón người anh hùng của họ sau 27 năm bị giam cầm. Bài diễn văn đầu tiên Mandela đọc trước dân chúng là kêu gọi mọi người tranh đấu một cách hòa bình và trong tinh thần hoà giải.

Được tự do hoạt động, uy tín và uy thế của Mandela càng ngày càng lớn mạnh. Ông được nguyên thủ của nhiều quốc gia, kể cả cường quốc, trên thế giới, từ Đức giáo hoàng John Paul II đến Tổng thống Mỹ, George H.W. Bush, Tổng thống Pháp, Francois Mitterand, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher… tiếp đón và ủng hộ. Năm 1993, ông được trao giải Nobel hòa bình.

Trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên ở Nam Phi vào năm 1994, Mandela trở thành tổng thống người da đen đầu tiên của nước này. Một trong những mục tiêu lớn nhất Mandela đặt ra trong nhiệm kỳ tổng thống của mình là tạo nên sự hòa giải giữa người da đen và da trắng, giữa tầng lớp giàu có và đại đa số dân chúng nghèo khổ trong nước. Chính sách của Mandela khác hẳn nhiều nước châu Phi khác, sau khi độc lập, đâm ra kỳ thị ngược lại với người da trắng, cuối cùng, đẩy đất nước của họ vào cảnh lạc hậu, khốn quẫn, loạn lạc và độc tài (như Zimbabwe, Uganda và Rwanda). Với chính sách hoà giải của Mandela, kinh kế của Nam Phi vẫn phát triển tốt đẹp trong khi tình hình chính trị vẫn ổn định. Tuy nhiên, ông đối diện với không ít chỉ trích và chống đối từ các tổ chức chính trị của người da đen cực đoan, trong đó có cả tổ chức của vợ ông, bà Winnie, cuối cùng, hai người phải ly dị.

Năm 1999, Mandela, khi hết nhiệm kỳ thứ nhất, từ giã chính trị. Ông sống với người vợ thứ ba, Graca Machel, cưới năm 1998, lúc ông 80 tuổi. Nhưng ông vẫn tiếp tục bận bịu với vô số công việc, hết gặp gỡ người này lại hội họp với người khác, hầu như ai cũng muốn gặp ông. Ông lại hay đi diễn thuyết và tổ chức nhiều hội từ thiện, nhiều chương trình học bổng nổi tiếng. Đến năm 2004, đã già và yếu, lại thêm nhiều bệnh, ông mới thực sự về hưu hẳn: Ông gọi là “về hưu từ hưu trí” (retiring from retirement), và dặn dò: “Đừng gọi tôi, tôi sẽ gọi bạn” (khi cần). Nhưng thật ra, ông cũng không rút lui khỏi sân khấu chính trị thế giới hoàn toàn. Thỉnh thoảng ông vẫn lên tiếng, và tiếng nói của ông vẫn gây rất nhiều ảnh hưởng trên dư luận, như, năm 2007, ông kêu gọi Robert Mugabe, tổng thống Zimbabwe nên từ chức. Sinh nhật thứ 90 của ông năm 2008 được tổ chức long trọng trong cả nước.

Ở Nam Phi, người ta xem Mandela như một vị cha già của dân tộc. Nhưng vị cha già này khác hẳn một đấng cha già khác ở đâu đó vốn chỉ giỏi gây ra chiến tranh và áp bức, Mandela, ngược lại, mang lại hòa bình, tự do, bình đẳng và thịnh vượng cho đất nước ông. Nhiều người ví ông với Tổng thống Abraham Lincoln, người đã có công gàn gắn sự chia rẽ của nước Mỹ sau một cuộc nội chiến đẫm máu và giải phóng nô lệ. Nhưng có lẽ, về một phương diện nào đó, công việc của Mandela còn khó khăn ở Lincoln: khác với Lincoln, Mandela từng bị kẻ thù đày ải cả hơn nửa thế kỷ. Cái gọi là sự tha thứ của Mandela, do đó, cao cả hơn hẳn những người có đời sống bình thường khác.

Có thể nói, ở Mandela có nhiều sự vĩ đại, nhưng sự vĩ đại lớn nhất khiến mọi người đều ngưỡng mộ ông, thậm chí, tôn thờ ông, chính là sự tha thứ của ông đối với những kẻ đã hành hạ ông và dân tộc của ông.

Nhiều người tưởng sự tha thứ làm cho người ta yếu đi. Mandela chứng minh ngược lại: Tha thứ làm cho người ta mạnh. Một số nhà bình luận chính trị cho quyền lực của Mandela, trước hết, là quyền lực của sự tha thứ (power of forgiveness).

Và một số nhà tâm lý học cho đó là bài học quan trọng nhất mà Mandela để lại cho nhân loại.

TS Nguyễn Hưng Quốc
 Nguồn: Việt Thức


Nelson Mandela, Quyền Lực Của Sự Tha Thứ Reviewed by Unknown on 12/07/2013 Rating: 5 Sau một cơn bệnh kéo dài, Nelson Mandela, cựu Tổng thống Nam Phi, đã qua đời ngày 5 tháng 12, 2013 TS. Nguyễn Hưng Quốc : Cái chết củ...

Không có nhận xét nào: