Dột Từ Nóc - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
12 tháng 1, 2014

Dột Từ Nóc

MỘT 
Hiến Pháp sửa đổi 2013 vừa có hiệu lực pháp luật từ ngày 01.01.2014, thực chất là bản cương lĩnh chính trị-kinh tế của Đảng cộng sản, tuyên bố Nước Việt Nam đứng bên lề cộng đồng quốc tế. Tiếp tục khẳng định bản chất Nhà Nước Cộng sản, theo con đường xã hội chủ nghĩa, mô hình chưa hề tồn tại trên thế giới, trong khi chủ nghĩa cộng sản đã cáo chung ngay từ quê hương sinh ra nó và các nước đã sai lầm đi theo nó. Nay chỉ còn Việt Nam, Trung quốc, Triều Tiên và Cu Ba tuyên bố trên văn bản là theo cộng sản, nhưng thực chất nói một đằng làm một nẻo và họ chỉ giữ lại vũ khí độc chiêu bảo vệ chính quyền, thủ tiêu đối lập là “chuyên chính vô sản” và “chế độ độc đảng toàn trị”.

Mô hình đảng trị đang áp đặt lên toàn xã hội, đi ngược lại ý chí nhân dân, trấn áp nhân quyền, kiềm chế dân quyền và thắt chặt tự do dân chủ.

Một đất nước mà những quyền tự do cơ bản nhất của con người không được bảo đảm, thì bao giờ con người mới có cơ hội làm người.

Câu chuyện chế độ nào, thể chế nào đã quá nhàm chán và lỗi thời ở thế kỷ 21 này. Thực tế hơn là mỗi người hãy tự hỏi, sau gần bốn mươi năm thống nhất Đất Nước, Việt Nam đứng hàng thứ mấy trên thế giới ?????

Cái đám đông người Việt hôm nay chỉ còn mỗi cơ hội kiếm ăn qua ngày dưới cơ chế “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Đầy tớ chỉ dùng sở đoản, đi thăm các nước giàu xin viện trợ thoát nghèo, ODA, nhân đạo … và tới các nước nghèo xin được công nhận tuy là cộng sản nhưng có “nền kinh tế thị trường”.

Điều 4 Hiến Pháp 2013 là điều then chốt của bản Hiến Pháp, nếu muốn dùng như một đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất, cần xem lại về tu từ, sự lẫn lộn nội hàm và ngoại diên, đặc biệt là thái độ phân biệt xã hội (giai cấp, đẳng cấp), du nhập tư tưởng ngoại lai và sùng bái cá nhân trong nội dung đề mục.

Đơn cử, xin trích dẫn Điều 4, Mục 1, Hiến Pháp 2013:

[ Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.]

Ở đây ta thấy cụm từ “Nhân dân lao động” yếu tố ngoại diên, bị cụm từ “giai cấp công nhân” nội hàm, đứng trước, không cần thiết lấn át, đồng thời vi phạm luật tu từ và logic ngôn ngữ. Tại sao, nếu đã nói nhân dân lao động tức là gồm tất cả những thể nhân/ người lao động ở tất cả các tầng lớp xã hội có khả năng lao động và tạo ra sản phẩm từ hoạt động sáng tạo của mình, trong đó có giai cấp công nhân. Nếu khẳng định điều này tức là giai cấp công nhân đứng ngoài nhân dân lao động và không phải là những người lao động (thực tế chỉ làm công cụ cho thủ đoạn độc tài toàn trị tức chuyên chính vô sản).

Điều này chỉ rõ thái độ đối xử bất bình đẳng và phân biệt các tầng lớp nhân dân trong xã hội, tự ý đề cao “giai cấp công nhân”lên trên và trước đa số nhân dân lao động còn lại. Thiệt thòi nhất là nông dân, những người bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để làm đẹp lời diễn văn của các nguyên thủ quốc gia khi các vị tự hào phát ngôn cái thành tích nhất nhì thế giới về xuất khẩu lúa gạo mà vẫn là lớp nghèo nhất xã hội. Chính sự phân biệt giàu nghèo giữa giai cấp tư sản và vô sản để đấu tranh giai cấp của Mác đã trở thành vũ khí giết người hàng loạt, hủy hoại lương tâm và đạo lý con người.

Sự phân biệt này chứng tỏ cái đầu óc lạc hậu của ĐCS với thế giới ngày nay là nhân loại đã bước vào kỷ nguyên của “Kinh tế tri thức”, xóa bỏ những rào cản giai cấp, đẳng cấp, giới tính … và chỉ khuyến khích lao động sáng tạo để cải tạo con người, xã hội và thiên nhiên.

Đoạn tiếp theo cũng phản logic như đoạn trước: “… đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, “ , vì chỉ cần “… đại biểu trung thành của nhân dân lao động và dân tộc” là đủ.

Đoạn cuối của đề mục là đặc biệt nguy hại, bởi tư tưởng chủ đạo của lực lượng lãnh đạo đất nước mà bị áp đặt một tư tưởng ngoại lai không tưởng đã lỗi thời và phá sản thế giới trong trọn thế kỷ 20 – chủ nghĩa Mác Lê nin. “Tư tưởng Hồ Chí Minh” là ĐCS VN tự đặt ra, thế giới chỉ ghi nhận HCM là người yêu nước và nhà hoạt động cách mạng chứ không có “Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Hơn nữa, ở Việt Nam, một cá nhân dù lớn đến mấy cũng không thể hơn được Tinh hoa, Tư tưởng Văn Hóa Dân Tộc đã đúc kết từ hàng ngàn năm lịch sử.

Đây thực sự là nan đề của dân tộc cần được bàn thấu tình đạt lý. Quyết không để Bộ Não Chủ Đạo của một bản Hiến Pháp, một Đạo Luật gốc của Quốc Gia bị áp đặt một tư tưởng ngoại lại lỗi thời và một “tư tưởng” cá nhân chưa được toàn dân đồng thuận.

Dân tộc ta đã từng là chủ nhân của đất Tàu hiện tại, cách nay 7.000 đến 10.000 năm, đã từng cộng sinh và bị dồn ép xuống phía Nam như ngày nay. Chúng ta đã cố gắng cùng chung sống với Tàu, nhưng không thể. Đã từng theo Tây, lại đuổi Tây. Theo Liên Xô, họ tự bỏ. Theo Mỹ, đuổi Mỹ.

Thế thì theo ai bây giờ??? Thưa, chẳng theo ai cả.

Hãy tự tin mà bước trên chính đôi chân của mình!!!

Đó là Thượng sách. Và hãy đừng là quân cờ cho bất cứ kẻ nào!

Nhân đây cũng lưu ý với quý vị rằng, những thuật ngữ ngoại lai gây thảm họa cho trí thức, văn hóa và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và thế giới, chính là “Giai cấp”, “Đấu tranh giai cấp”, “Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ”, “Vô sản” (nay biến tướng thành Vồ sản), “Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”, “Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại”… Những thuật ngữ này những năm 20 thế kỷ 20 trở về trước không có trong văn hóa ngôn ngữ Việt Nam và Từ điển từ nguyên. Chất độc này nó không dừng lại ở tiếng nói mà nó đã trở thành tiềm thức gây hại. Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm rõ sự thật lịch sử để thế hệ nối tiếp có thể nhận diện và ý thức tẩy độc.

Tóm lại, Điều 4 HP 2013 là điều luật phản dân, hại nước gây chia rẽ các tầng lớp xã hội, phủ nhận Đạo lý dân tộc và Văn Hóa Việt Nam từ ngàn đời, du nhập tư tưởng ngoại lai lỗi thời và tệ sùng bái các nhân làm đất nước và dân tộc tụt hậu với thế giới.

HAI

Sai từ ông Tổng bí thư … đến các cơ quan truyền thông

Kể từ khi Luật Doanh nghiệp (Luật số 13/1999/QH 10) có hiệu lực từ ngày 01.01.2000 đến nay, trên các văn bản quy phạm pháp luật, diễn văn của các quan chức đến các phương tiện thông tin đại chúng như báo giấy, báo điện tử, Đài phát thanh, VTV … xuất hiện với số lần tăng theo cấp số nhân.

Đó là cụm từ “Sản xuất kinh doanh”.

Cụm từ này được phát ngôn rõ ràng, rành mạch từ chính những vị nguyên thủ Quốc gia từ Tổng Bí thư ĐCS, Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng CP và Chủ Tịch QH.

Đương nhiên nó đã được in ấn và phát hành trong các văn kiện cấp Quốc gia.

Thí dụ, xin trích một đoạn trong Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng:

“Thực hiện Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội năm 2014. Trong đó xác định Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013. Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.” (người viết in đậm và gạch chân).

Cụm từ “Sản xuất kinh doanh”, trước hết, đã viết sai về văn phạm vì thiếu dấu phẩy sau từ “sản xuất”, vì không có từ “sản xuất kinh doanh” trong từ điển Tiếng Việt và trong phần giải thích từ ngữ của Luật Doanh nghiệp. Cho nên, ở đây nên hiểu là “sản xuất, kinh doanh” hay “sản xuất và kinh doanh”, tức sản xuất và kinh doanh là hai đơn vị từ chỉ các hoạt động kinh tế khác nhau về đặc điểm, tính chất và có tính độc lập tương đối.

Nhưng về mặt ngữ nghĩa nếu hiểu như vậy thì sai với quy định được giải thích trong Luật Doanh nghiệp (Luật số 13/1999/QH 10), Nhà xuất bản chính trị quốc gia 1999 [Sự Thật]. Trang 7, Chương I, Điều 3. Giải thích từ ngữ, Mục 2, giải thích thuật ngữkinh doanh như sau :

“Kinh doanh là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.” (Phần giải thích này giữ nguyên tính đến lần sửa đổi cuối cùng tháng 06.2013 của Luật Doanh nghiệp).

Như vậy, sản xuất là một trong những công đoạn của quá trình kinh doanh, cho nên khi đã nói đến kinh doanh thì nội hàm của nó đã chứa đựng sản xuất rồi. Vậy là cụm từ “Sản xuất kinh doanh” trong Thông điệp đầu năm của Thủ Tướng thể hiện không đúng với thuật ngữ pháp lý đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp, đồng thời sai sai cả về văn phạm Tiếng Việt. Bởi vì, đây có thể là cách nói và hiểu từ thời bao cấp, tức là sản xuất và cung cấp/phân phối. Cung cấp hay phân phối ở đây hiểu theo nghĩa bán cho nhân dân hay cơ quan tổ chức. Đây là hoạt động thương mại do nhà nước độc quyền thời đó, chứ không phải theo nghĩa kinh doanh như trong Luật Doanh nghiệp hiện nay.

Cái sai tuy không lớn, nhưng không thể chấp nhận trong một “Thông điệp của Thủ Tướng”. Hơn nữa Thủ Tướng lại có trình độ chuyên môn là Cử nhân Luật và Lý luận Chính trị cao cấp.

Tai hại hơn nữa, là thính giả cứ phải nghe đi nghe lại cụm từ mà giới truyền thông bắt chước phát ngôn mà không hiểu nghĩa của nó trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng.

Vài nét chổi dọn vườn, mong được chỉ giáo.

LAV
Nguồn: XHDS
Dột Từ Nóc Reviewed by Unknown on 1/12/2014 Rating: 5 MỘT   Hiến Pháp sửa đổi 2013 vừa có hiệu lực pháp luật từ ngày 01.01.2014, thực chất là bản cương lĩnh chính trị-kinh tế của Đảng...

Không có nhận xét nào: