Sự Phân Tầng Xã Hội Việt Nam Hiện Nay - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
3 tháng 1, 2014

Sự Phân Tầng Xã Hội Việt Nam Hiện Nay

Huỳnh Ngọc Chênh: Dưới sự cai trị của đảng CS, hầu hết các nước trong khối gọi là XHCN, sự phân tầng trong xã hội được nhìn thấy rất rõ ràng không cần che đậy.

Xã hội trong các nước đó, dĩ nhiên bao gồm VN, phân ra làm hai tầng lớp cơ bản: đảng viên và quần chúng.

Tầng lớp quần chúng cũng được phân chia ra làm hai đẳng cấp: dân ngoan và dân không ngoan.

Đẳng cấp "không ngoan" là đẳng cấp bị đảng đánh giá là hạ tiện, thấp kém nhất trong xã hội bao gồm những người có lý lịch dính líu đến chính quyền cũ, những người có biểu hiện không ưa cộng sản, những người hay kiện tụng chính quyền vì sự oan khiên của mình, những người tham gia biểu tình chống Trung Cộng xâm lược, những người phát lộ chính kiến độc lập và những người hay viết bài hoặc lên tiếng phản biện đường lối của đảng cũng như chính sách của nhà nước... như giới blogger chẳng hạn. Đẳng cấp "dân ngoan" là những người chỉ biết nhắm mắt tuân phục và làm theo bất cứ điều gì đảng hô hào bất kể đúng sai dù trong lòng có muốn hay không.

Tầng lớp đảng viên cũng được phân chia rạch ròi và nghiêm ngặt theo nhiều đẳng cấp từ thấp đến cao. Đẳng cấp thấp nhất là đảng viên thường không có chức vụ gì, tiếp theo là đẳng cấp xã ủy và tương đương, đẳng cấp huyện ủy và tương đương, rồi cao hơn là đẳng cấp tỉnh ủy, cao hơn nữa là đẳng cấp trung ương ủy và cao chót vót, đứng trên tất cả thiên hạ là đẳng cấp chính trị ủy, thường không quá 20 người, là đẳng cấp tối thượng đẳng, được xem như là giới đại tăng lữ, đại quý tộc hiện đại và có thể còn cao hơn nữa.

Những người trong đẳng cấp chính trị ủy tức là các ủy viên BCT đương nhiên đứng ngoài và đứng trên pháp luật vì chính họ là những người làm ra pháp luật thông qua cái gọi là nghị quyết để cai trị toàn dân và lãnh đạo tuyệt đối đất nước (ông Nguyễn Phú Trọng, người trong đẳng cấp nầy đã công khai nói ra: pháp luật đứng sau nghị quyết đảng). Họ đương nhiên tự phân công lẫn nhau để nắm giữ các vị trí lãnh đạo mà không cần đến ý kiến của nhân dân dù họ vẫn nói thể chế họ đặt ra là dân chủ. Quốc hội thường chỉ thông qua sự tự phân công của họ để làm màu. Họ còn cao hơn cả đẳng cấp đại quý tộc, đại tăng lữ của các quốc gia phong kiến nhà thờ thời trung cổ bên Châu Âu. Họ chính là những ông vua như một ông từng là vua- ông Nguyễn Văn An- đã nói.

Đẳng cấp thượng đẳng thứ nhì là các ủy viên ban chấp hành TW đảng. Họ cũng đứng trên pháp luật vì thật sự pháp luật do họ làm ra từ các nghị quyết của đảng mà họ được quyền thông qua. Họ được hưởng mọi ưu đãi về vật chất, chức vụ, quyền uy...cao thứ nhì sau đẳng cấp chính trị ủy. Họ đương nhiên được phân công vào các chức vụ từ phó thủ tướng, xuống bộ trưởng, xuống bí thư hoặc chủ tịch tỉnh- thành. Một Tw ủy viên không bao giờ nhận chức vụ thấp hơn chủ tịch tỉnh hoặc thấp hơn bộ trưởng. Nếu có ai đang nhận các chức vụ thấp ấy chỉ là cá biệt, tạm thời, chỉ là bước đệm, để chuẩn bị được phân công lên chức cao hơn. Hiện nay đang có hai trường hợp cá biệt đó là hai kế tập, là hai "hoàng tử" con của ngài thủ tướng (tạm nhận chức thứ trưởng) và con của một "ông vua" về hưu (tạm nhận chức phó chủ tịch thành).

Rồi tiếp theo là các đẳng cấp tỉnh - thành ủy viên, rồi quận- huyện ủy viên, rồi phường xã ủy viên...Tùy theo thứ tự đẳng cấp mà được hưởng những đặc quyền đặc lợi tương ứng.

Thời bao cấp thì sự phân phối vật chất theo thứ tự ưu tiên cho các đẳng cấp từ cao xuống thấp phân biệt rất nghiêm ngặt và cụ thể qua hệ thống tem phiếu, qua việc cấp phát nhà ở. Đẳng cấp nào thì dùng tem phiếu loại nào, được cấp nhà ở ra sao, đi xe loại gì... Ngay cả thông tin cũng được phân ra các bản tin theo màu sắc để phân phối ưu tiên từ trên xuống. Cấp nào thì được đọc thông tin loại nào. Nhưng đó chỉ là bề ngoài, thực chất đẳng cấp bộ chính trị được nắm toàn bộ thông tin theo những kênh riêng hết sức đặc biệt. Xuống đẳng cấp dưới một tí thì kênh thông tin hạn hẹp hơn....v.v...xuống đến cấp hạ dân thì chỉ được nhận thông tin qua...loa phường và báo Nhân Dân với nội dung và chất lượng như thế nào thì không cần nói ra nhưng ai cũng biết.

Ngày nay, sự phân phối vật chất, quyền uy, chức vụ và thông tin cho từng đẳng cấp cũng phân biệt y như xưa, nếu có khác chăng là ranh giới phân biệt trong lĩnh vực phân phối vật chất giữa các đẳng cấp có bị nhòe đi do sự phức tạp của cơ chế thị trường. Tuy nhiên đẳng cấp cao vẫn nắm lợi thế "cạnh tranh" nhờ vào quyền uy, chức vụ và sự độc quyền thông tin (qua kênh đặc biệt dành riêng) nhảy ra thị trường chiếm đoạt lợi nhuận khổng lồ thông qua nhóm lợi ích, thông qua các công ty quốc doanh và thông qua các công ty sân sau.

Đứng trước pháp luật, vẫn không có sự bình đẳng giữa các đẳng cấp mặc dù pháp luật ghi rất rõ mọi cá nhân và pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật. Theo hiến pháp, pháp nhân đảng đứng lên trên, lãnh đạo tất cả nên đương nhiên không thể nào bình đẳng với các pháp nhân và cá nhân khác. Từ đó, trong thực tế, các đẳng cấp cao trong đảng cũng có những ưu đãi về pháp luật nhiều hơn những đẳng cấp thấp hơn và đương nhiên cao hơn hẳn hai đẳng cấp thấp kém dưới quần chúng.

Trong lịch sử từ ngày đảng CS lên nắm chính quyền đến nay, chưa hề có một tổ chức đảng CS nào dù là cấp thấp nhất, như chi bộ đảng chẳng hạn, bị đưa ra tòa xét xử vì những sai trái. Các đảng ủy lãnh đạo PMU 18, Vinashine, Vinaline....lãnh đạo sai đưa đến tham ô thất thoát tài sản nhà nước hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng không bao giờ thấy các pháp nhân là các tổ chức đảng ấy bị đưa ra tòa. Không bao giờ. Các pháp nhân là các tổ chức hội, đoàn của đảng cũng được hưởng sự ưu đãi nầy. Còn các pháp nhân của hạ dân như công ty, câu lạc bộ, nhóm thân hữu...vv..nếu làm sai tập thể, ngay tức khắc bị đưa ra xét xử trọn...ổ. Đảng phái chính trị đối lập (nếu có) thì càng bị xét xử trọn gói nhanh hơn nữa.

Trong lịch sử lập nước từ năm 1945 đến nay cũng chưa hề có một cá nhân nào trong đẳng cấp chính trị ủy bị đưa ra xét xử trước pháp luật. Ở Liên Xô, Trung Cộng, Triều cộng thì đã có xãy ra nhưng do đấu đá tranh giành quyền lực đưa đến thanh trừng nội bộ hơn là do vi phạm pháp luật, và kẻ bị thanh trừng thường bị giam đến chết hoặc bị thủ tiêu chứ hiếm khi được đưa ra xét xử (trường hợp Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu- Còn việc đưa ra cho chó xử như Kim Jong Un làm với dượng nó thì khỏi phải nói nữa). Đẳng cấp trung ương ủy, thì cũng rất hiếm hoi bị đưa ra tòa. Từ 1975 đến nay, ở VN chỉ có chừng vài người ở cấp nầy bị đi tù. Hy hữu lắm. Thường là những vụ việc sai trái quá lớn không thể nào che đậy hoặc ở phe nầy, bị phe kia bươi móc ra để hạ uy tín nhau.

Những việc phạm pháp lặt vặt như nhận hối lộ, trốn thuế, buôn lậu, gây rối trật tự, tạm vắng- tạm trú không khai báo...nếu rơi vào đẳng cấp từ đảng viên trở lên thì hầu như được cho qua. Ngay cả đẳng cấp dân ngoan cũng tùy vào tình hình mà được làm lơ. Nhưng những vi phạm ấy rơi vào đẳng cấp dân không ngoan thì chỉ có nước đi tù mọt gông với mức án cao nhất.

Khi xét xử một dân ngoan ở tòa thì hầu như họ được các quyền lợi có ghi trong pháp luật như có luật sư bênh vực, xử công khai thực sự với sự tham dự thoải mái của mọi người dân, bất kỳ là ai. Nhưng một dân không ngoan bị đưa ra xét xử thì chịu trăm bề bất công. Luật sư có cũng như không, nói xét xử công khai nhưng ngay cả người nhà cũng không được vào dự. Hình ảnh bố mẹ SV Phương Uyên, bố mẹ hai em Đinh Nhật Uy và Đinh Nguyên Kha ngồi thảm hại trên lề đường trước cổng tòa xét xử con họ đã nói lên tất cả sự phân biệt đối xử theo đẳng cấp xã hội của chế độ nầy. Ngược lại gia đình đám côn đồ chuyên đi chặt tay cướp xe lại xem chốn công đường nghiêm minh như bãi đất chợ trời, tha hồ lộng hành, chửi mắng, hăm dọa và đòi hành hung luật sư cũng như nạn nhân mà không hề bị nhân viên công lực nào ngăn cản và xử lý. Đó là ngay trước công đường, giữa thiên thanh bạch nhật, huống chi ở những góc khuất đen tối khác thì sự bất công không thể nào kể ra cho hết.

Đẳng cấp dân không ngoan bị cho là đẳng cấp thấp kém tệ hại nhất trong bậc thang đẳng cấp hiện nay. Họ chỉ có thể hơn đẳng cấp nô lệ của thời mồ ma nông nô đôi chút. Những người trong đẳng cấp nầy không những bị đối xử thiệt thòi trước pháp luật như đã nói mà còn bị xử lý theo luật rừng rú nào đó không thể nào tin nổi. Họ bị công an, dân phòng, trật tự bắt bớ đánh đập bất cứ lúc nào. Những lúc muốn che đậy tai tiếng thì người ta lại xử dụng côn đồ thiệt hoặc cho nhân viên công lực giả danh côn đồ, giả danh quần chúng tự phát nhảy ra đánh đập những người dân trong đẳng cấp thấp bé nầy tàn nhẫn. Công dân Nguyễn Hoàng Vi bị vô cớ bắt vào đồn công an đánh đập tàn nhẫn và bị lột truồng ra để quay phim chụp hình thoải mái mà không cơ quan pháp luật nào thấy đó là sự vi phạm pháp luật nặng nề, một sự xúc phạm nhân phẩm phụ nữ và quyền con người tồi tệ.

Những người trong đẳng cấp dân không ngoan không được đi lại tự do, không được tụ họp quá 3 người để vui chơi hoặc trò chuyện, không được đến nhà thăm viếng nhau. Những vụ xông vào nhà riêng, vào nhà hàng, vào nơi tiệc tùng để quậy phá, đánh đập và bắt người một cách trái pháp luật đã xảy ra thường xuyên trong thời gian gần đây và phổ biến đến mức làm cho mọi người thấy đó như là chuyện đương nhiên.

Người trong đẳng cấp thấp còn bị ngăn cản hoặc bị ngấm ngầm gây khó dễ trong việc tìm chỗ thuê nhà để trú. Vợ chồng kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh, vợ chồng Huỳnh Khánh Vy (em gái Huỳnh Thục Vy), vợ chồng Huỳnh Thục Vy, vợ chồng Trịnh Kim Tiến...là những thí dụ điển hình.

Người trong đẳng cấp thấp cũng dễ dàng bị cho mất việc nếu như đang đi làm, còn nếu như đang thất nghiệp thì sẽ không biết thất nghiệp đến bao giờ.

Đến đây chắc có người sẽ hỏi, đảng CS là đảng của giai cấp công nhân, lấy liên minh công nông làm nòng cốt để đứng lên giành chính quyền và làm cuộc cách mạng mang lại quyền lợi cho giai cấp công nhân và xây dựng một xã hội bình đẳng sao không thấy bóng dáng giai cấp công nhân ở đâu trong bảng phân hạng đẳng cấp xã hôi?

Trên chục triệu công nhân đang đi làm thuê trong các phân xưởng trên cả nước có thu nhập bình quân vài triệu đồng mỗi tháng thì họ thuộc vào đẳng cấp nào chắc ai cũng biết. Họ đang chui rúc vào những phòng trọ ổ chuột vài mét vuông, con cái họ đang gởi trong những nhà trẻ lậu phép vì quá ít tiền để bị những cô bảo mẫu không chuyên hành hạ, đánh đập đến tử vong. Mà những cô bảo mẫu không học hành ấy từ đâu ra nếu không là con cái của giai cấp công nhân nghèo khó hay giai cấp nông dân đang bị cướp đất.

Giai cấp công nhân cũng như giai cấp nông dân đang nằm lơ lững giữa đẳng cấp dân ngoan và dân không ngoan. Nếu họ tuân phục, lầm lủi bán sức lao động rẻ bèo, mặc cho bị giới chủ đánh đập làm nhục, mặc cho bọn cường hào cướp đất, cướp thành quả lao động thì họ được xếp vào đẳng cấp dân ngoan. Nếu họ biểu tình, đình công đòi tăng lương, khiếu kiện đòi đất...thì bị xếp vào đẳng cấp thấp nhất ngay tức khắc.

Ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu đảng CS, người được xem là nhà lý luận có bằng cấp và chức tước cao nhất đảng hiện nay, người quyết tâm dẫn dắt dân tộc nầy đi lên CNXH dù cho trăm năm sau chưa biết có đến đích hay không, người luôn miệng kiên kịnh lập trường chủ nghĩa Mác Lê nin với mục tiêu tối thượng và sau cùng là xây dựng một xã hội bình đẳng, hãy dùng trí tuệ sáng ngời và lý luận sắc bén của mình lý giải tại sao dưới sự lãnh đạo đúng đắn của đảng CS, xã hội VN lại phân tầng ra nhiều đẳng cấp một cách quái dị và chưa từng có như vậy?

Rất mong.


Sự Phân Tầng Xã Hội Việt Nam Hiện Nay Reviewed by Unknown on 1/03/2014 Rating: 5 Huỳnh Ngọc Chênh: Dưới sự cai trị của đảng CS, hầu hết các nước trong khối gọi là XHCN, sự phân tầng trong xã hội được nhìn thấy rất rõ r...

Không có nhận xét nào: