Dương Tự Trọng đang bị lôi ra trước vành móng ngựa |
Phạm Kỳ Đăng, Dân Luận: Tin tức từ đại án tham nhũng chỉ xác nhận lại những gì bàn dân nói đến một hiện trạng sống của quan chức đem công quỹ đánh bạc, đút lót tới hàng triệu USD. Hiện trạng xì ra tại một phiên tòa xử, đến nhanh hơn mọi lời đồn thổi từ nhiều năm nay, rất trần trụi, trắng trợn, thực ra với những người suy ngẫm nhiều về đất nước này, ngán ngẩm tới nỗi chẳng còn gì để nói. Nhưng với số tín đồ ngước mắt nhìn lên bục giảng, tin công bố đánh thức họ lờ mờ vỡ vạc ra điều gì về sự sa đọa của nhóm người ở tầng cao hơn mình không sao tiếp cận nổi đang hùa nhau ăn theo, ở tầng cao nhất phát động ngày càng nhiều đợt giáo dục quần chúng “sống, chiến
đấu lao động và học tập theo”. Tập thể cấp cao ăn theo, họ cần một nhà nguyện để đọc kinh giả tảng, và bây giờ đất dưới bục giảng của một vài vị pháp sư rùng rùng vỡ lở, đó là nội dung thông điệp. Thông điệp từ vụ án Dương Chí Dũng gửi xã hội mang hiệu ứng domino.
đấu lao động và học tập theo”. Tập thể cấp cao ăn theo, họ cần một nhà nguyện để đọc kinh giả tảng, và bây giờ đất dưới bục giảng của một vài vị pháp sư rùng rùng vỡ lở, đó là nội dung thông điệp. Thông điệp từ vụ án Dương Chí Dũng gửi xã hội mang hiệu ứng domino.
Một hiệu ứng domino đổ theo hướng về bất lương, và táng tận.
Ngay lập tức trên báo chính thống có những bài viết lập luận về “lý” và “tình”. Người viết viện dẫn bình luận của Khổng Tử trong Tứ Thư. Căn cứ vào những hàm ý gửi gắm, ta sẽ có hình ảnh ông Dương Tự Trọng sa vào vòng lao lý vì trọng chữ “nghĩa” và bởi sống rất có “tình”, mà “pháp luật vốn rất vô tình”. Các bình luận ở dưới bài báo, dĩ nhiên qua sàng lọc, thật ngạc nhiên, đồng thanh bày tỏ tình cảm chí thiết với con người “bổn phận với nước nhà anh luôn làm xuất sắc [...] vì tình riêng anh sẵn sàng chịu thiệt thân để cứu anh. Người như vậy tuy phạm tội nhưng đầy nhân cách”.
Tờ Petrotimes của ông Nguyễn Như Phong cho đăng bài của Hoàng Chiến Thắng, còn dành những lời có cánh cho con người “vẹn tài vẹn tâm”, “tính cách có phần nghệ sĩ, sống phóng khoáng”. Tác giả viết: “Với tài năng và sự tận tụy, nhiệt tâm với công việc cùng với danh tiếng vốn có, ông sẽ lại thăng tiến và kỳ vọng giữ những chức vụ quan trọng hơn nữa trong ngành công an”, “[…] ông Trọng, còn đam mê nghệ thuật và thích làm thơ”. Và theo diễn giải của tác giả, ông Trọng chỉ là người sa ngã vì quá trọng chữ “tình”. Petrotimes đăng ý kiến của độc giả về bài báo; chả hiểu sao bài báo này đã khiến độc giả lã chã nước mắt bày tỏ lòng cảm phục và kính trọng đối với ông Dương Tự Trọng. Người đọc coi ông là tấm gương và sẵn sàng làm như vậy trong hoàn cảnh của ông, như thể đều dập chân vẫy chào ông hẹn người có nụ cười anh hùng hào sảng sớm quay trở về. Họ cảm phục tác giả thấm đẫm nhân văn, đầy tình cảm và tinh thần vị tha.
Về con người ông Dương Tự Trọng, tôi không phản bác các ứng xử vị tình của ông nếu như ông chỉ một mình đưa anh đi chạy trốn và chịu đựng hậu quả. Vượt ra phạm vi đó, huy động cả bộ máy công quyền thừa hành vào việc giúp đào thoát là sự lạm dụng quyền lực, do đó là hành vi phạm pháp, ở nhà nước văn minh nào cũng bị truy tố vậy thôi. Hơn nữa điều hành người xã hội đen vào cuộc, càng không thể chấp nhận nổi, bởi ở các quốc gia thực sự là nhà nước pháp quyền, các cơ quan điều tra cấm chỉ nhân viên quan hệ chén chú chén anh với các loại đầu gấu, xã hội đen. Người ta đã cười về sự vị tình vô nguyên tắc, từ tình “anh em”, tình “đồng chí”, không một rào cản lụy ngay vào tình “đồng bọn” và “đồng đảng”. Những hành động vượt rào của viên sĩ quan công an, tự nó bôi xóa lên, màu gì thì khỏi phải nói, cái “vẹn đức vẹn tài” mà tác giả Hoàng Chiến Thắng và độc giả Petrotimes ca ngợi.
Lẽ nào có sự mâu thuẫn không thể khắc phục được giữa tình và lý. Hay đặt vấn đề theo một cách khác: sự tận tâm đối với pháp luật sẽ bắt buộc mọi người có nghĩa vụ tuân thủ đều phải hy sinh nhiều hoặc tất cả những gì thuộc về đạo đức?
Chúng ta nên nhớ đạo lý làm người ở Tứ Thư, các bộ luật và bộ máy tư pháp của nhà nước phong kiến thời Hồng Đức, cũng như của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đều không đáp ứng được chuẩn mực của một nhà nước dân sự - pháp quyền. Tùy mức độ thân thế và huyết thống, chuẩn mực đạo lý nó tùy nghi cho cách diễn giải và đánh giá khác nhau. Tùy vị trí quyền lực và tiền tài, các điều luật ở các nhà nước quân chủ chuyên chế và chuyên chính vô sản, hay cộng sản chỉ là một tên gọi khác, được áp dụng tùy tiện một cách hà khắc hoặc nương nhẹ khác nhau. Giống nhau là ở chỗ các nhà nước ấy chối từ quyền bình đẳng cho mọi người dân. Chỉ có vua quan hay lãnh đạo, công chức bên trên và đám đông bên dưới còn lại là thần dân, không hơn, không kém. Bộ luật và bộ máy thi hành pháp luật ở hai thể chế luôn có bản song trùng đi kèm, mang tính nước đôi, giống nhau trong bản chất ở tính độc đoán. Cho nên ta không ngạc nhiên những ngày tiếp sau đây, bộ máy tư pháp, công an hóa đến tận chân răng, sẽ còn loay hoay với việc khởi tố vị Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ, bởi hàng năm nay Đảng vẫn còn chưa tìm ra danh tính, diện mạo đồng chí X. Bộ Chính trị từ khi ra đời đóng thay vai trò Tòa án Hiến pháp, ngay sau Hội nghị trung ương VI, đã thống thiết đề nghị một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính Trị mãi mà vẫn không được Ban Chấp hành Trung ương chuẩn thuận.
Các bài báo trên với cách dẫn giải và các ý kiến bình luận được đăng tải, rất thiếu lý lẽ thuyết phục. Nội dung dẫn giải và cả bình luận của độc giả trên báo chính thống cùng loại trừ hai yếu tố pháp quyền và công dân, hơn nữa đều tố giác một sự thực đau đớn: Nhà nước Việt Nam hiện nay không phải là nhà nước pháp quyền, ý thức người dân Việt Nam về quyền và trách nhiệm công dân của mình chưa chín độ, và người dân Việt Nam chưa trưởng thành, bởi dưới chính quyền 65 năm nay từ chối nhân quyền phổ quát, người dân ta chưa bao giờ được làm công dân thực thụ.
Nhưng nhiều người duy cảm hãy nhớ rằng cái bộ luật Hồng Đức đòi hỏi xử nặng những kẻ tố giác người thân của mình nào có đảm bảo tính nhân văn? Cũng như không thể bừa bãi gọi cách bao che cho nhau vì tình đồng chí là nhân văn được. Xét trong tương quan với một hệ thống khác, pháp luật ở một nhà nước dân chủ - pháp quyền theo mô hình văn minh phương Tây, không triệt tiêu những giá trị thuộc về đạo đức. Một nghi can bị điều tra có quyền từ chối không khai báo gì về thân nhân của mình ở cấp thân quyến nhất (cha mẹ, anh em ruột, vợ chồng). Điều tra viên hay công an có trách nhiệm phổ biến cho họ về quyền đó, vì điều tra là việc của công an hay cơ quan điều tra. Gặp những trường hợp như vậy, công an/điều tra viên còn khuyên nghi can không nên khai báo về thân nhân của mình. Nếu so sánh như vậy, nền tư pháp của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với thực tế xúi giục con tố cha, vợ tố chồng từ hồi Cải cách ruộng đất vẫn chà đạp quyền công dân tới ngày hôm nay, và trong công tác điều tra, chưa kể bức cung bạo hành, với sự chia rẽ và vùi dập quan hệ gia đình gây nhiều oan khuất, còn phải làm rất nhiều điều hệ trọng mới đảm bảo được tính chính đáng cho một đòi hỏi về đạo đức. Nhưng xét thật sâu xa, khía cạnh đạo đức chỉ được đề cập, nếu như nó đảm bảo sự tham gia bình đẳng cho mọi thành viên xã hội thuộc mọi thành phần và sắc tộc. Vì lẽ đó, nhiều nhà nước dân chủ phân chia các nhánh quyền lực, cạnh bên Hành pháp và Lập pháp (cũng như truyền thông, báo chí) dành một chỗ đứng độc lập cho ngành Tư pháp, nơi công an, với một trong các chức năng là cơ quan điều tra, được phân bổ vị trí thừa hành rất rõ ràng. Viện Công tố chịu trách nhiệm toàn bộ vụ việc từ khâu điều tra khi phát hiện tình tiết cấu thành tội phạm, tới khởi tố, xét xử và thi hành án. Nhất là trong khâu điều tra, Viện Công tố (là Viện Kiểm sát Nhân dân ở Việt Nam hiện nay) có chức năng yêu cầu mọi cơ quan chính quyền và cung cấp thông tin, huy động toàn bộ các cơ quan điều tra như công an, hải quan, cơ quan truy thuế vụ, v.v. vào cuộc. Như vậy, với tư cách là cơ quan điều tra, công an, còn có nhiều chức năng rất cần thiết cho xã hội xin miễn bàn tới ở đây, chỉ được phép hoạt động dưới sự điều hành của Công tố viện. Riêng phiên tòa xử ông Dương Tự Trọng ở Việt Nam cho ta thấy một bộ máy tư pháp công an hóa đến mức quái gở: tòa xử một sĩ quan công an với đại diện bên công tố (Viện Kiểm sát) đeo hàm sĩ quan công an. Nhân chứng tại tòa khai ra một viên chức cấp cao của Bộ Công an, và sự đưa hối lộ nghi còn dính dáng tới Bộ trưởng Bộ Công an. Kết thúc phiên tòa, thẩm phán ngồi ghế chủ tọa đã kết án Dương Tự Trọng bằng một bản án nghiêm khắc nghiêng theo một "quyết tâm chính trị" hơn là luật pháp, và, căn cứ vào tình tiết mới xuất hiện đã làm đơn chuyển sang Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu truy tố bởi nghi vấn (ông Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ) nhận hối lộ và làm lộ bí mật nhà nước.
Động đến cấp lãnh đạo Bộ Công an, "quyết tâm chính trị" sẽ phải chùng xuống vì ở thể chế này, việc truy cứu trách nhiệm ông Ngọ sẽ gặp rất nhiều rào cản. Đơn giản vì người đứng đầu ngành tư pháp Việt Nam hiện nay, hai ông Viện trưởng viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đều là tướng cấp cao của ngành công an đưa sang cả. Khả năng công an cao cấp sẽ được hưởng quy chế miễn trừ là rất cao, như thể họ là một “lực lượng lạ” trong lòng dân tộc, vì công an đã có lời thề trung với Đảng, công khai diễn phớ ra phương châm “còn Đảng còn mình”.
Đáng lẽ có thể dân sự hóa ngành tư pháp được đảng hóa và công an hóa toàn thể, và hoàn thiện luật pháp phù hợp với trào lưu văn minh, Hiến pháp sửa đổi vào năm 2013 đã duy trì điều 4, như vậy từ chối nhân quyền và bóp nghẹt những ý kiến đóng góp của nhân sĩ và trí thức mang tính bùng nổ từ cuộc vận động góp ý sửa Hiến pháp 1992, rất quan trọng cho cải cách tư pháp.
Những vòng xoáy từ trước PMU đã tạo lên vòng xoáy to và mạnh mẽ Vinashin và Vinalines tệ hơn ở sức phá hoại. Ông Tổng Bí thư, sau khi giật lại quyền chỉ đạo Ban Nội Chính Trung Ương, lại tiếp tục vận động chỉnh đốn quay vòng và kêu gọi sống theo làm theo. Sự thuyết pháp giả hay thật của ông rồi đó sẽ phù phép ra một vòng xoáy lốc tàn hại khác của tham nhũng. Đằng sau hậu trường bưng bít đang bung xung vì những cuộc đấu đá ở tầng cao nhất, hé từ màn xử Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng, người ta ngửi thấy sặc sụa hơn khí vị của sòng bài.
Thiếu vắng một bước đột phá từ hành động chứ không phải từ lời nói, thực tế thảm hại của nền chính trị Việt Nam sụp đổ không có lý do gì trì hoãn. Bắc Hàn còn có thể trưng mẽ một thủ đô hoành tráng và bom nguyên tử. Trung Quốc có thể phô trương thành tựu kinh tế trong 30 năm qua, và ý Đảng của họ còn chiêu mộ được lòng dân dưới tinh thần của một chủ nghĩa dân tộc hung hãn đến mức phát xít. Việt Nam bốn mươi năm sau cuộc chiến vỗ ngực thắng cuộc không có gì để an ủi nhân dân. Bên một lăng xây, chưa chắc làm mát lòng người nằm trong linh cữu, ngổn ngang một đống những công trình dở dang từ trung ương đến địa phương là sản phẩm của một nền kinh tế vòng vo định hướng giữ manh mối làm giàu bất chính, đang đến hồi vỡ nợ và sạt nghiệp.
Nhiều người nhận định, chính quyền Việt Nam đang tiếp tục chính sách đi dây mạo hiểm giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc và phương Tây. Xét thực tế thi hành chính sách phi dân chủ, nói một đằng làm một nẻo, tôi cho rằng, nhà nước này còn đi dây với Nhân dân nữa, chừng nào người dân bị tước bỏ quyền chủ sở hữu không có chỗ đứng trên ruộng vườn và không có quyền làm công dân tự do biểu lộ ý kiến khác trong ngôi nhà tổ quốc của mình. Họ, những người chưa làm chủ ruộng vườn, xuống đường đòi lại lãnh thổ cha ông bị cướp đoạt, ngày 19.01.2014, thêm một lần bị chính những người đồng bào tiếp tay cho ngoại bang, chính là công an kết hợp với côn đồ, lẽ ra phải bảo vệ cho cuộc biểu tình ôn hòa diễn ra tốt đẹp, xúm vào quây hành hung và đánh đập.
Thế thì ông Thủ tướng ra cái thông điệp đầu năm với những kêu gọi “đổi mới thể chế, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân” mà làm gì. Thông điệp chỉ đại diện cho lợi ích một nhóm, chà đạp quyền lợi toàn dân, không khác gì các nghị quyết, dứt khoát không bao giờ đi vào cuộc sống. Mặc nhiên đối lại, từ những mối lở loét trên cơ thể của một thể chế phi nhân xì ra nhiều bức bối, cứ như từ những thúc hối, muốn hay không, cuộc sống còn gửi trả lại rất nhiều thông điệp.
Phạm Kỳ Đăng
Không có nhận xét nào: