Luật sư Hà Huy Sơn: Để đảm bảo Hội thẩm nhân dân độc lập chỉ tuân theo pháp luật cần thay đổi chế định hiện nay
Chế độ bầu Hội thẩm nhân dân được thực hiện đối với các Toà án nhân dân địa phương. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán và chỉ tuân theo pháp luật. Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số.
Điều kiện để trở thành Hội thẩm nhân dân: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất, đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có kiến thức pháp lý, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, thì có thể được bầu hoặc cử làm Hội thẩm.
Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu theo sự giới thiệu của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và do Hội đồng nhân dân cùng cấp miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân cùng cấp sau khi thống nhất với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp. Nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân địa phương theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân địa phương theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Số lượng Hội thẩm nhân dân của các Toà án nhân dân địa phương do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Chánh án quyết định phân công, thay đổi Hội thẩm nhân dân tham gia tiến hành tố tụng.
Hội thẩm nhân dân tại các phiên tòa sơ thẩm với số lượng 02 hoặc 03 người và Thẩm phán là 01 hoặc 02 trong Hội đồng xét xử 03 hoặc 05 người tùy theo quy định của pháp luật. Nếu xét về số lượng thì Hội thẩm nhân dân có vai trò quyết định đối với phán quyết của Tòa án. Nhưng thực tế ngược lại, các Hội thẩm nhân dân thường chịu ảnh hưởng và ngả theo quyết định của Thẩm phán. Yêu cầu đối với Hội thẩm nhân dân không phải là kiến thức pháp lý mà là sự khách quan, sự phản ảnh khách quan thái độ của xã hội đối vụ việc. Nhưng với chế định về Hội thẩm nhân dân hiện nay thì Hội thẩm nhân dân phụ thuộc vào sự phân công, sự thay đổi của Chánh án. Nếu Hội thẩm nhân dân nào mà “độc lập” với Thẩm phán thì sẽ khó được trưng dụng. Vì lợi ích của mình và với chế định hiện hành, “không ít” Hội thẩm nhân dân đã trở thành vật cảnh, trang trí cho phiên tòa.
Để đảm bảo Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, cần phải thay đổi chế định Hội thẩm nhân dân hiện nay:
.
1. Không biến Hội thẩm nhân dân thành một nghề.
2. Hội thẩm nhân dân hoàn toàn không được biết đến sẽ tham gia xét xử vụ việc nào, không được biết đến hồ sơ vụ việc, không được biết đến đương sự trước khi phiên tòa được mở.
3. Việc tham gia tiến hành tố tụng của Hội thẩm nhân dân theo thứ tự vụ án, vụ việc của tòa án mà không theo sự phân công của Chánh án.
4. Nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân không quá 01 năm và không được bầu trở lại. Số lượng Hội thẩm nhân dân phải tăng gấp nhiều lần hiện nay để đảm bảo hoạt động tiến hành tố tụng của Tòa án.
Thực hiện tốt vai trò của Hội thẩm nhân dân sẽ góp phần làm cho người dân tham gia nhiều hơn vào hoạt động tiến hành tố tụng của Tòa án.
Hà Nội, ngày 30/03/2014.
Luật sư Hà Huy Sơn
Theo Tễu Blog
Không có nhận xét nào: