Cần Hiểu Đúng Quyền Tự Do Ngôn Luận Và An Ninh Mạng Theo Nghị Định 72 - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
1 tháng 4, 2014

Cần Hiểu Đúng Quyền Tự Do Ngôn Luận Và An Ninh Mạng Theo Nghị Định 72

TS. Trần Cẩm Tú: Phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch:

Ở Việt Nam có tới 1/3 dân số sử dụng dịch vụ Internet, đứng trong Top 20 quốc gia có nhiều người sử dụng Internet trên thế giới. Đây là thành công đặc biệt của Việt Nam trong hai thập kỷ qua. Vì thế, việc phổ cập và quản lý dịch vụ Internet là một yêu cầu tất yếu.

Nghị định 72 của Chính phủ (72/2013/NĐ-CP) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có hiệu lực thi hành đã nửa năm nay, tuy nhiên trên một số diễn đàn tiếp tục xuất hiện những thông tin theo hướng cố tình diễn đạt làm sai lệch nội dung Nghị định, tạo cớ vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền tự do báo chí, ngôn luận. Một số đối tượng lập ra cái gọi là “bản tuyên bố phản đối Nghị định 72”, lập lờ đánh lận theo chiêu thức “xin chữ ký ủng hộ bản tuyên bố”, nói là kêu gọi ủng hộ chữ ký qua mạng, song thực chất là trò hề tự tung hứng, gây nhiễu thông tin.

Việc ban hành Nghị định 72 là kết quả của quá trình nghiên cứu, khảo sát kỹ tình hình Internet trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam và với mục đích rất rõ ràng.

Ngay tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh đã nêu rõ: Nghị định này quy định chi tiết việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet… Tại Điều 4 về chính sách phát triển, quản lý Internet và thông tin trên mạng cũng khẳng định, việc thúc đẩy việc sử dụng Internet trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, công nghệ để tăng năng suất lao động, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời khuyến khích phát triển các nội dung, ứng dụng tiếng Việt phục vụ cho cộng đồng người Việt Nam trên Internet. Đẩy mạnh việc đưa các thông tin lành mạnh, hữu ích lên Internet…

Như vậy, mục đích và chính sách Internet ở Việt Nam được nêu trong Nghị định là nhằm thúc đẩy việc sử dụng Internet trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội, hoàn toàn không có bất kỳ điều khoản nào nói rằng cấm đoán người dân sử dụng Internet, hạn chế thông tin, tự do ngôn luận… như luận điệu tuyên truyền của các đối tượng chống đối. Cần hiểu, việc phát triển Internet ở bất kỳ quốc gia nào cũng phải gắn liền với công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn vì lợi ích quốc gia, tập thể và cá nhân. Do đó, Nghị định quy định việc ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật. Áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của Internet.

Theo đó, để đảm bảo Internet phát triển tích cực, ngăn chặn các hành vi lợi dụng xâm hại, phạm pháp, Nghị định quy định các hành vi nghiêm cấm như lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo. Lợi dụng Internet để tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân… Việc nghiêm cấm các hành vi lợi dụng Internet để phạm pháp nói trên là cần thiết và phù hợp luật pháp quốc tế, vì lợi ích công cộng và của chính công dân. Trong thực tiễn giai đoạn vừa qua, một số tổ chức, cá nhân đã lạm dụng môi trường mở Internet để phục vụ ý đồ xấu. Một số trang tin mạo danh không dừng lại ở mức gây hại cho một vài cá nhân, mà còn có biểu hiện cố tình tung tin thất thiệt làm nhiễu loạn thông tin về tài chính, tiền tệ, ảnh hưởng đến nền kinh tế; hoặc đưa những thông tin gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước Việt Nam… Vì vậy, Nghị định 72 cấm “giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân”. Đây là bước đi cụ thể trong việc đấu tranh, ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực đang nảy sinh trên môi trường mạng.

Trong thời gian qua, một số thông tin nói cấm việc cung cấp, trao đổi thông tin trên mạng là không đúng. Nội dung Điều 20 nêu các khái niệm nhằm phân biệt các loại hình trang thông tin điện tử theo tính chất thông tin và mục đích sử dụng để có biện pháp quản lý phù hợp, trong đó có khoản 4 quy định về trang thông tin điện tử cá nhân: Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập thông qua việc sử dụng trang mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp. Quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Internet (Điều 10), quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội (Điều 26) hoàn toàn không có điều khoản nào ngăn cấm người sử dụng mạng xã hội chia sẻ tin tức. Còn đối với quy định “không cung cấp thông tin tổng hợp” nhằm đảm bảo các trang thông tin điện tử thuộc loại này hoạt động đúng mục đích, tính chất thông tin, dịch vụ cung cấp. Trong trường hợp các trang thông tin điện tử cá nhân, trang thông tử điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành muốn cung cấp thông tin tổng hợp thì phải tuân thủ các quy định đối với trang thông tin điện tử tổng hợp. Điều này nhằm giúp bảo vệ bản quyền nội dung của các cơ quan báo chí; bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dùng Internet tại Việt Nam trong việc tham khảo, theo dõi các nội dung thời sự từ các nguồn chính thống để tránh bị ảnh hưởng bởi các trang thông tin giả mạo, tự ý biên tập, thay đổi nội dung, xuyên tạc các thông tin trên báo chí. Do đó, việc áp dụng Nghị định 72 sẽ tạo ra những quy định rõ ràng, minh bạch, tạo hành lang cho Internet Việt Nam phát triển; đồng thời có cơ chế, giải pháp để ngăn chặn tiêu cực, tác hại nảy sinh trên Internet


T.C.T.


Cần Hiểu Đúng Quyền Tự Do Ngôn Luận Và An Ninh Mạng Theo Nghị Định 72 Reviewed by Unknown on 4/01/2014 Rating: 5 TS. Trần Cẩm Tú : Phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch: Ở Việt Nam có tới 1/3 dân số sử dụng dịch vụ Internet, đứn...

Không có nhận xét nào: