Giáo Hội Và Sự Phản Biện - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
6 tháng 4, 2014

Giáo Hội Và Sự Phản Biện

Lam Hồng: Phản biện xã hội từ lâu đã được đề cập trong các đại hội, hội nghị thế nhưng rút cục chẳng đi đến đâu giống như kiểu đánh trống bỏ dùi “Tại hội thảo do Viện Nghiên Cứu Khoa Học Pháp Luật Bộ Tư Pháp và UNDP tổ chức tại Hạ Long (Quảng Ninh) về tăng cường sự tham gia của xã hội dân sự vào quá trình xây dựng luật, ông Nguyễn Vi Khải nguyên viện trưởng Viện Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học đã nhắc tới chuyện MTTQ Việt Nam đã định tiến hành một dự án xây dựng quy chế giám sát phản biện xã hội. Ông Khải kể khi bàn về dự án này thì có một ông hỏi: Phản biện gì, phản biện ai? Vì thế mà đề án dừng lại không có tiến triển gì thêm” (Nguồn Laodong.com, 11/2/2012).

Sở dĩ không thể tiến triển là vì cái cần phản biện đó chính là những đường lối chính sách của Đảng, mà với những thứ đó thì chẳng ai dám? Đang khi đó phản biện chỉ có ý nghĩa và đem lại kết quả khi dám nói lên sự thật và bảo vệ sự thật. Hiểu như thế thì phải chăng cần xác định lại đối tượng của sự phản biện? Lúc này người ta hay nói “Phản biện Xã Hội” nhưng lẽ ra phải là “Phản Biện Chính Trị” mới đúng. Tại sao? Bởi vì xã hội là nội hàm của chính trị, hay nói cách khác không một xã hội nào lại không nằm trong một thể chế chính trị nào đó. Các xã hội Âu Mỹ thuộc thể chế dân chủ, còn xã hội Việt Nam thì thuộc thể chế Cộng Sản.

Phản biện nếu chỉ là phản biện xã hội thì điều ấy có nghĩa người ta đã tự bó hẹp trong một phạm vi mà quên mất đi nguồn gốc phát sinh ra nó là chính trị. Thật sự thì Đảng chỉ muốn có phản biện xã hội trong chiều hướng xây dựng cho nền chính trị ngày càng vững mạnh. Điều này đã được ghi thành Nghị Quyết Đại Hội “Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam góp phần thực hiện thắng lợi NQ đại Hội XI của Đảng” (Nguồn Tạp chí CS tháng 2/2012).

Phản biện xã hội sẽ không thể kết quả nếu không phản biện chính trị, bởi chính trị là gốc phát sinh xã hội. Không phản biện chính trị mà chỉ nhắm phản biện xã hội thì cũng chẳng khác nào cái việc gãi ngứa ngoài giày. Muốn gãi cho đã ngứa thì phải gãi vào da vào thịt chứ cứ gãi miết vào giày thì ăn thua gì? Tuy rằng chính trị chi phối đời sống xã hội cách mạnh mẽ nhưng không mang tính quyết định đến sự an nguy của mỗi con người. Lý do bởi vì dầu sống trong bất cứ hoàn cảnh chính trị nào, con người vẫn là một nhân vị tự do. Người ta có thể giết hoặc bỏ tù một người nào đó nhưng không ai có thể giết, bỏ tù tư tưởng của y. Có thể cấm không cho phản biện bằng lời nói hoặc sách báo nhưng cái không thể cấm là tư tưởng ấy mới thật nguy hiểm. Cứ chất chứa mãi trong đầu trong óc những cái không được nói, không được viết ra ấy thì có khác nào một nồi áp xuất chứa đầy hơi nóng, thế nào rồi cũng có ngày nổ tung.

Giống như nồi áp xuất cần phải có chỗ xả thì mới an toàn, phản biện chính trị cũng vậy cũng cần có chỗ để con người tự do nói lên quan điểm của mình về tất cả mọi vấn đề. Tuy nhiên như vừa nói chính trị ảnh hưởng tuy mạnh nhưng không quyết định đến sự an nguy của mỗi con người, nhưng nếu chính trị không quyết định thì đó là cái gì? Theo tôi cái quyết định ấy chính là tôn giáo. Tôn giáo quả thật như người ta nói là sản phẩm của con người nhưng nó lại mang nơi mình Sự Thật (chân lý). Nói cách rõ ràng hơn, tôn giáo có sứ mạng đem lại sự thật và chỉ sự thật ấy mới có thể đưa đến an vui giải thoát cho con người “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8, 32).

Mục đích xuống thế của Đức Kito là để rao giảng sự thật Con Thiên Chúa ở nơi mỗi người nhưng ngay từ đầu đã bị kịch liệt chống đối. Người Do Thái lấy đá ném Chúa Giesu vì cho Ngài là người mà dám tự tôn mình là Thiên Chúa. Chúa đáp “Trong Sách Luật (KT) các ngươi há chẳng chép: Ta đã nói các ngươi là Thần hay sao (TV 82, 6) Nếu Thiên Chúa gọi những kẻ được nghe Đạo ĐCT là Thần (mà Kinh Thánh không thể bãi bỏ) thì Ta đây là Đấng đã được biệt ra Thánh và sai xuống thế gian nói rằng Ta là Con ĐCT cớ sao các ngươi lại cáo Ta là nói lộng ngôn” (Ga 10, 31 -36).

Tiếp nối sứ mạng của Đức Kito, giáo hội có nhiệm vụ rao giảng cùng một Sự Thật ấy và tất nhiên cũng không sao tránh khỏi chống đối. Hơn bao giờ hết, sự chống đối nổi lên tư bề cả từ bên ngoài lẫn bên trong khiến con thuyền Thánh Pherô hầu như muốn hòng chìm. Trước tình cảnh khốn đốn ấy, đức Benedicto XVI đã phải lên tiếng kêu gọi thảo luận: “Thần học là việc tìm kiếm sự hiểu biết có lý lẽ các mầu nhiệm của mạc khải được tin nhận bởi đức tin. Việc thảo luận Thần học lành mạnh trong giáo hội là điều hữu ích và cần thiết, đặc biệt khi nó liên quan đến các vấn đề chưa được giáo quyền định nghĩa nhưng giáo quyền luôn là điểm quy chiếu” (Nguồn Simonhoa Dalat).

Bước vào thảo luận có nghĩa là đã chấp nhận phản biện, tuy nhiên như đức Thánh cha nói phản biện cần lành mạnh. Có lành mạnh mới hữu ích tức đem lại sự hòa hợp, trái lại thì không. Thực tế trong Giáo Hội đã diễn ra không ít những cuộc phản biện không đưa đến hòa hợp mà là đối kháng.

I/ Phản biện đưa đến đối kháng

Giữa hiện tượng tục hóa và chủ nghĩa Mac quả nhiên có mối tương tác rất mực hữu cơ và Thần học Giải Phóng chỉ là hệ quả tất nhiên của mối tương tác ấy. Thật vậy tục hóa không phủ nhận Thiên Chúa nhưng là trình bày một Đấng Thiên Chúa đồng hành cùng với con người trong lịch sử. Mặt khác tục hóa không bác bỏ nước Trời nhưng nói Đức Kito chính là Nước Trời đồng thời Mác là tiền hô của Nước Trời đó “Có nguồn gốc từ thế giới Kitô-Do Thái giáo, chủ nghĩa Mác thừa hưởng từ đó nhiều yếu tố rõ rệt dù nó tuyệt đối bác bỏ thế giới đó. Một thí dụ là sự kỳ vọng vào một tương lai sáng lạn vào “Con người nhỏ bé” như là kẻ mang lại sự cứu rỗi. Với nhiều người, những thành tố như thế trong chủ nghĩa Mac có thể được cân nhắc, không hoàn toàn như một khai triển hậu Kitô nhưng là một tiền Kitô” (HĐGM Hòa Lan – Giáo Lý Mới – Thời đại Mới – Nguyễn Ước dịch).

Chủ nghĩa Mác có thể chỉ đường cho một Kitô giáo canh tân và việc canh tân ấy đã được Thần Học Giải Phóng đảm nhiệm. Thần Học Giải Phóng về thực chất không đơn thuần là một suy tư triết học nhưng như Leonardo Boff nói đó là niềm tin biến hóa lịch sử hay là lịch sử được suy tư từ chất men của niềm tin nghĩa là thần học giải phóng của cha Gustavo Gutierres bản chất là đồng nhất với thần học giải phóng của bác nông dân Kito hữu ở Braxin” (Leonardo Boff – Thần học giải phóng là gì? – UBĐKCGYN TP HCM xuất bản)

Nói niềm tin biến hóa lịch sử thì đó là niềm tin nào nếu chẳng phải là tin vào chủ nghĩa Mác trong cuộc đấu tranh giai cấp để tiến tới thế giới CS đại đồng hoặc Cánh Chung Luận như có người nói? Niềm tin này đã được Gustavo Gutierres phát động để cho một Lm có tên là Camilo Torres người xứ Columbia thực hiện. Torres sinh năm 1929 tại Bogota thụ phong linh mục năm 1954 và đã du học tại Louvain (Bỉ) ông hoạt động với dân nghèo, rời bỏ giáo xứ năm 1962, ông có tài thu hút quần chúng và đi đến đâu cũng lo diễn thuyết. Năm 1965 trở về làm giáo dân thường đồng thời gia nhập du kích quân trong Đội Binh Giải Phóng, bị quân đội Columbia tiêu diệt ngày 15/2/1966. Torres chỉ huy một số linh mục kháng chiến như Domingo Lain người Columbia, Gaspar Garcia Lavina người Nicaragua, Conrado Balweg người Phi. Phong trào ông rất mạnh, trở thành mối đe dọa cho Vatican” (Nguồn Chuyenluan.net – Bs N.V. Thọ ít nhiều nhận định về TCG).

Thần học giải phóng luôn đòi hỏi những người đến với nó cần phải dấn thân. Torres cùng với các bạn đồng chí hướng khác đã từ bỏ chức linh mục để rồi chiến đấu và chết như một phiến quân. Vậy động cơ nào đã thúc đẩy họ? Ta có thể dẫn chứng cho câu trả lời từ L. Boff một linh mục nổi tiếng dòng Phanxico sau khi quyếtr định hồi tục đã viết thư ngỏ gửi các bạn hữu trong đó xác định lý tưởng của mình “trước khi trở thành chua cay, trước khi nhìn thấy những nền tảng nhân bản của đức tin và lòng cậy trông Kito giáo trong tôi bị hủy diệt, trước khi nhìn thấy nơi tôi hình ảnh Phúc Âm của Thiên Chúa nhập thể trong con người bị tấn công, tôi chọn thay đổi con đường. Không phải thay đổi hướng đi. Những động cơ đã biến đổi cuộc đời tôi vẫn không lay chuyển đó là chiến đấu cho Nước Chúa đang bắt đầu giữa người nghèo, niềm cảm thông với những nỗi đau khổ của thế giới này, sự dấn thân cho cuộc giải phóng những người bị áp bức” (Tb Cg&Dt 1992 – Thư ngỏ của Leonardo Boff – Lm N.H.Giáo dịch và giới thiệu).

“Chiến đấu cho nước Chúa đang bắt đầu giữa người nghèo” chắc chắn đây không phải là đòi hỏi của Đức Kitô khi rao giảng Tin Mừng “Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần đến, các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng đó là hai điều kiện bắt buộc mà Đức Kitô đòi hỏi để gia nhập Nước Trời. Hai điều kiện này luôn bổ túc cho nhau, có tin thì mới sám hối tội lỗi mình, càng thật lòng sám hối bao nhiêu thì càng tăng thêm lòng tin bấy nhiêu. Sở dĩ Chúa đòi buộc như thế bởi vì Nước Trời mà Ngài rao giảng là Nước Trời mầu nhiệm nội tại. Nước Trời ví như viên ngọc quý ẩn kín dưới ao nước. Tội lỗi ví như nước đục, nó khiến cho Tâm ta mờ tối không nhận ra Nước Trời ở nơi mình. Đức Kitô là duy nhất hôm qua cũng như hôm nay và cho đến đời đời vẫn y nguyên là một” (Dt 13, 8) cũng như Ngài chỉ rao giảng có một Tin Mừng Nước Trời, kẻ nào rao giảng một thứ Tin Mừng nào khác sẽ bị luận phạt: “Tôi lấy làm lạ cho anh em, sao lại vội lìa khỏi đấng đã gọi anh em bởi ơn sủng của Đức Kitô mà theo Tin Mừng khác. Nhưng chẳng hề có Tin Mừng nào khác đâu chẳng qua là có mấy kẻ quấy rối anh em, muốn canh tân Tin Mừng của Đức Kitô đó thôi. Nhưng dẫu chúng tôi hoặc thiên sứ trên trời giảng cho anh em thì người ấy đáng bị nguyền rủa. Tôi đã nói trước rồi nay lại nói nữa: Nếu ai rao giảng cho anh em một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng mà anh em đã nhận lãnh thì người ấy sẽ bị nguyền rủa” (Gal 1, 6 -9).

Thánh Phao lo đã phải nhắc lại hai lần như thế chứng tỏ đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Dẫu vậy điều này đã diễn ra trong suốt chiều dài hai ngàn năm của Giáo Hội: lạc giáo và chống lạc giáo có thể nói đó là cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ của Hội Thánh Đức Kito. Trong cuộc chiến cam go ấy đã có biết bao người đã rời bỏ Giáo Hội để chống lại như L. Boff chẳng hạn “Kinh nghiệm cá nhân tôi có về quyền bính trong lãnh vực giáo thuyết trong hai mươi năm qua, tôi có thể tóm tắt lại như sau: nó độc ác và không chút thương xót. Nó chẳng quên gì cả, chẳng tha thứ gì cả” (Thư ngỏ…).

Rao giảng một thứ Tin Mừng khác với Tin Mừng của Đức Kito về Nước Trời mầu nhiệm nội tại, điều ấy ắt không thể tránh án phạt. Thế nhưng điều đáng tiếc và cũng nên đáng sợ là hiện nay còn có rất đông những người công khai tán đồng bênh vực Thần Học Giải Phóng “Trong dòng ngài được đa số anh em ủng hộ. Năm 1984 khi bị triệu qua Roma, ngài được tháp tùng bởi hai hồng y Braxin, thuộc cùng dòng là Paulo Arns, TGM Sao Paulo và Aloiso Lorscheider tgm Fortaleza mang theo năm mươi ngàn lá thư ủng hộ. Tại đại tu nghị của dòng năm 1987 các nghị phụ cũng biểu lộ công khai sự đồng tình với ngài trong nỗ lực xây dựng một giáo hội huynh đệ, nghèo khó bình đẳng và tự do hơn” (Lời giới thiệu của Lm Nguyễn hồng Giáo Tb Cg&Dt đã dẫn).

Không ai có thể xây dựng Giáo Hội ngoài Đức Kito và Ngài thiết lập Giáo Hội không như bất cứ một tổ chức nào nhưng là Thân Mầu Nhiệm “Ta là cây nho, các con là nhành. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều, vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được. Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta thì bị ném ra như nhánh kia khô héo rồi người ta lượm lấy quăng vào lửa mà đốt đi” (Ga 15, 5 -6).

Giáo hội là Thân Mầu Nhiệm nhưng đồng thời cũng là Dân Riêng Thiên Chúa đang trên đường lữ thứ trần gian. Đường nào có luật của đường đó,nếu đi trên đường đời cần theo luật giao thông mới có an toàn thì đi đường tâm linh nhất thiết cũng phải tuân thủ các giới răn. Toàn bộ giới răn trong Đạo Chúa chỉ có mục đích để giúp cho con người thực hiện tâm linh tính của mình. Tâm linh tính ấy chính là con đường của Chúa Kito để đến với Đấng Cha “Ta là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6).

Đức Kitô là đường và đường này là để đến với Đấng Cha chứ không thể dừng lại ở nơi Ngài. Dừng lại như thế tức đã mặc nhiên chấm dứt sự tìm kiếm, đang khi đó mệnh lệnh của Thiên Chúa được ban ra cho hết thảy mọi người “các ngươi sẽ tìm Ta và gặp được khi các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng” (Gr 29, 13).

Sống đạo là sống một cuộc tìm kiếm lâu dài, thế nhưng việc tìm ấy không phải là tìm cái chi đó bên ngoài nơi thế giới ngoại vật nhưng là trở về với Đấng Thiên Chúa ở nơi mình. Tục hóa vì đã khai tử Thiên Chúa (giải thiêng) thế nên việc tìm kiếm là vô nghĩa. L. Boff sau quyết định hồi tục, ông đã công khai nói lên ý hướng của mình “Tôi không thể tiến bước lên nữa. Mà đi lùi thì đối với tôi là hy sinh phẩm giá mình và từ bỏ cuộc chiến đấu của bao năm qua” (Thư ngỏ…). Không tìm kiếm Thiên Chúa mà chỉ tìm ý riêng mình, tất nhiên đưa đến phản kháng. Trái lại phản biện mà biết bỏ ý riêng đi sẽ đưa đến hòa hợp. Thánh Gioan Thánh Giá là một tấm gương như thế để chúng ta noi theo.

II/ Phản biện đưa đến hòa hợp

Có thể nói các đấng sáng lập hoặc cải tổ dòng đều là những con người tiền định cho một sứ mạng cao cả. Thánh Gioan Thánh Giá (1542 – 1591) ngay từ tuổi thiếu niên đã có phẩm chất đặc biệt đó là trong mọi việc ngài luôn tự hỏi “Vào trường hợp tôi, Chúa Giesu sẽ làm gì?) Hỏi như thế tức có nghĩa đã gắn chặt đời mình vào với lý tưởng cứu nhân độ thế của Đức Kitô. Công cuộc ấy Chúa đã hoàn tất trên thập giá (Ga 19, 30) nhưng với chúng ta những Kito hữu, công cuộc ấy còn phải tiếp diễn. Thánh Gioan Thánh Giá hơn ai hết ngài đã nhận thức phận sự của mình là cải tổ Dòng Kín Cát Minh.

Cải tổ, hơn nữa lại là cải tổ một dòng kín là điều hết sức khó khăn, đến nỗi người ta đã coi việc ấy không khác gì nổi loạn “Sự canh tân khiến ngài bị tố cáo là nổi loạn. Các thầy dòng Carmelo chước giảm chống lại các thầy dòng đi chân không. Cuối cùng sau những nhục mạ dữ dội ngài bị cầm tù ở Toledo. Người ta đối xử hết sức cứng rắn với ngài, ba lần mỗi tuần họ đưa ngài tới nhà cơm và đánh đập không nương tay” (Niên lịch phụng vụ – Theo vết chân người).

Bị người ta đánh đập nhiếc mắng vì mình có lỗi đã khổ. Thế nhưng trường hợp của Thánh Gioan lại còn khổ hơn gấp bội, ngài bị chính những anh em cùng dòng đánh đập sỉ nhục chỉ vì muốn làm điều tốt cho họ. Mặc dầu vậy Thánh Gioan chẳng những không hề oán trach mà còn cảm tạ Chúa vì đã chịu nhục như thế. Những khổ nhục không làm ngài chùn bước, trái lại còn làm tăng đức tin và củng cố thêm lý tưởng của mình. Chịu khổ vì Danh Chúa đó là những mối phúc thật đã được Đức Kito tuyên dương (Mt 5, 1 – 12) Tuy nhiên chúng ta không thể không đặt câu hỏi: tại sao chịu khổ nhục vì Danh Chúa lại có thể là mối phúc thật, chẳng lẽ Thiên Chúa lại muốn con người cứ phải khổ phải đau thì mới vừa lòng?

Để trả lời cho câu hỏi hóc búa này, chúng ta cần phải tìm ra nguyên nhân của khổ. Lão Tử nói tất cả khổ đau đều vì ta có thân, nhược bằng không thân thì đâu có khổ (Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vị ngô hữu thân. Cập ngô vô thân ngô hữu hà hoạn – ĐĐK chương XIII). Thật ra ai mà chẳng có thân, không thân lấy chi mà sống? Tuy nhiên có thân ở đây cần phải hiểu là chấp xác thân này là mình. Do nơi chấp thân xác là mình nên mới hết lòng lo lắng cho nó nhưng rồi nó vẫn cứ bệnh cứ chết, ấy thế là đau là sợ. Chính do bởi chấp xác thân là nguyên nhân của khổ nên Đức Kito mới đòi ta phải bỏ mình “Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai vì cớ Ta mà bỏ mạng sống mình sẽ được” (Mt 16, 24 -25).

Cái mình mà Chúa nói cần phải bỏ ấy nếu phân tách ra thì có hai phần, một là chấp xác thân là mình và hai là chấp tâm tưởng ý riêng là mình. Bởi chấp thân là mình thế nên người ta mới ham ăn ham uống, bia bọt, đặc sản vô độ gây nên biết bao giết hại chúng sinh vô phương tự vệ. Lại nữa cũng vì chấp tâm tưởng ý riêng là mình thế nên đã sinh ra đủ thứ ganh ghét oán hờn, chiến tranh đủ loại hoặc cố chấp cuồng tín trong tôn giáo, độc tài chính trị v.v… Thần học giải phóng nói riêng và tục hóa nói chung chính là một thứ cố chấp trong quan điểm. Sự cố chấp trong ý hệ đưa đến độc đảng, còn trong Thần học đưa đến xa lìa với Giáo Hội Tông Truyền, một giáo hội đã được Đức Kitô chính thức trao quyền “Chúa nói với Pherô: Ta trao chìa khóa Nước Trời cho ngươi, điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” (Mt 16, 19).

Chúa trao chìa khóa Nước Trời cho Phero cũng tức là cho Giáo Hội, mục đích không phải để nắm độc quyền nhưng là để bảo toàn chân lý. Bảo toàn khác với độc quyền ở chỗ, một đàng là để giữ gìn đường lối Chúa, một đàng là khư khư bám riết lấy một quan niệm. Đường lối Chúa như Đức Kito khẳng định đó là con đường đến với Đấng Cha và duy chỉ có con đường ấy mới đưa đến Thực Tại. Trái lại Thần Học Giải Phóng đi theo con đường của Mác chủ trương đấu tranh giai cấp, bởi đó ngày càng rời xa Thực Tại Thiên Chúa Tình Yêu (1Ga 4, 8). Hiểu như vậy phản biện đưa đến đối kháng thì sự đối kháng ấy xét bề ngoài là với Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền nhưng thực chất chính là với Đấng là Tình Yêu ở nơi mình.

Thánh Gioan Thánh Giá đã chịu đựng biết bao đắng cay khổ nhục để cho công cuộc cải tổ dòng thành tựu và trước khi về với Chúa hưởng vinh phúc muôn đời, ngài đã để lại cho chúng ta một lời đáng nhớ “Vào lúc xế chiều của cuộc sống này, bạn sẽ được phán xét về Tình Yêu”./.

Phùng Văn Hóa
Giáo Hội Và Sự Phản Biện Reviewed by Unknown on 4/06/2014 Rating: 5 Lam Hồng: Phản biện xã hội từ lâu đã được đề cập trong các đại hội, hội nghị thế nhưng rút cục chẳng đi đến đâu giống như kiểu đánh trốn...

Không có nhận xét nào: