Công Hàm TT Phạm Văn Đồng Là "Cái Bẫy" Của CT Hồ Chí Minh Lừa Chu Ân Lai - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
27 tháng 5, 2014

Công Hàm TT Phạm Văn Đồng Là "Cái Bẫy" Của CT Hồ Chí Minh Lừa Chu Ân Lai

LS Nguyễn Trọng Quyết: CÔNG HÀM 14/9/1958 DO THỦ TƯỚNG PHẠM VĂN ĐỒNG KÝ LÀ "CÁI BẪY" NGOẠI GIAO CỦA CT HỒ CHÍ MINH LỪA CHU ÂN LAI

Lời dẫn của nhà văn Phạm Viết Đào:

- Ngày 14 tháng 9 năm 1958 lại là ngày Chủ nhật. Đây là ngày nghỉ hàng tuần của các cơ quan Nhà nước, trong đó có Chính phủ ?
- Tại thời điểm năm 1958, quyền hạn của chức danh Thủ tướng được quy định theo Hiến pháp năm 1946.


- Điều 44 Hiến pháp năm 1946 ghi rõ:

“Chính phủ gồm có Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Phó Chủ tịch và Nội các.

Nội các có Thủ tướng, các bộ trưởng. Có thể có Phó Thủ tướng”.
Quy định trên cho thấy: Thủ tướng chỉ là người đứng đầu nội các, là một thành viên trong số rất nhiều thành viên của Nội các, do Chủ tịch nước chọn và đưa ra Nghị viện biểu quyết. Các quy định khác của bản Hiến pháp xác nhận vị trí người đứng đầu Chính phủ khi ấy là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa...
- Như vậy chữ ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong Công hàm 14/9/1958 hoàn toàn không có giá trị pháp lý, tư cách pháp nhân thay mặt Chính phủ Việt Nam theo Hiến pháp 1946!
Cảm ơn Ls Nguyễn Trọng Quyết đã phát hiện ra "cái bẫy" pháp lý có giá trị này?


Ngày 14 tháng 9 năm 1958, tại sao?

Ngày 14 tháng 9 năm 1958 từ Hà Nội, “Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai – Tổng lý Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có nội dung như sau:

“Thưa đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ:
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt bể…
Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958 …”

Xét về mặt câu chữ cho thấy: văn bản này được làm tại Hà Nội vào ngày 14 tháng 9 năm 1958. Diễn giải theo trình tự có thể suy luận: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhóm họp, biểu quyết nhất trí ghi nhận và tán thành tuyên bố về hải phận của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; cuộc họp có thể diễn ra vào ngày 14 tháng 9 năm 1958 hoặc trong khoảng thời gian 10 ngày trước đó (từ ngày 4 tháng 9 năm 1958 đến ngày 13 tháng 9 năm 1958). Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký văn bản thông báo quan điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho Chu Ân Lai. Vì văn bản được ký vào ngày 14 tháng 9 năm 1958 nên đương nhiên, con dấu của Chính phủ cũng được đóng vào ngày này.
Nhưng ngày 14 tháng 9 năm 1958 lại là ngày Chủ nhật. Đây là ngày nghỉ hàng tuần của các cơ quan Nhà nước, trong đó có Chính phủ. Có đúng là ngày Chủ nhật 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và bộ máy giúp việc vẫn tới Phủ Thủ tướng làm việc bình thường, soạn thảo và ký ban hành văn bản gửi Chu Ân Lai? Hay sự thật, văn bản này đã được soạn rồi ký sẵn một hoặc nhiều ngày trước đó, thậm chí là sau đó?

Quyền hạn của Thủ tướng!

Tại thời điểm năm 1958, quyền hạn của chức danh Thủ tướng được quy định theo Hiến pháp năm 1946.
Cần nhấn mạnh rằng, văn bản ngày 14 tháng 9 năm 1958 ghi chức danh “Thủ tướng Chính phủ” trong phần người ký là chưa chính xác. Điều này rất dễ gây ra sự hiểu lầm tai hại: Thủ tướng chính phủ là người đứng đầu chính phủ và có quyền đại diện cho chính phủ ấy.
Thế nhưng, quy định của Hiến pháp năm 1946 lại hoàn toàn không phải như vậy.
Điều 44 Hiến pháp năm 1946 ghi rõ: “Chính phủ gồm có Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Phó Chủ tịch và Nội các. Nội các có Thủ tướng, các bộ trưởng. Có thể có Phó Thủ tướng”.
Quy định trên cho thấy: Thủ tướng chỉ là người đứng đầu nội các, là một thành viên trong số rất nhiều thành viên của Nội các, do Chủ tịch nước chọn và đưa ra Nghị viện biểu quyết. Các quy định khác của bản Hiến pháp xác nhận vị trí người đứng đầu Chính phủ khi ấy là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Không có một điều luật riêng biệt quy định quyền hạn cụ thể của chức danh Thủ tướng và thậm chí, người giúp đỡ Chủ tịch nước là Phó Chủ tịch mà không phải là Thủ tướng. Nói cách khác, quyền hạn của Thủ tướng theo Hiến pháp 1946 rất hạn chế, bó hẹp trong một số công việc như: chọn Bộ trưởng để đưa ra Nghị viện biểu quyết; chọn thứ trưởng để Hội đồng Chính phủ chuẩn y; chịu trách nhiệm về con đường chính trị của Nội các. Bản Hiến pháp cũng không có điều khoản quy định về thẩm quyền của Nội các.
Thay vào đó, Hiến pháp 1946 lại quy định rất cụ thể quyền hạn của Chủ tịch nước và quyền hạn của Chính phủ. Trong số các quyền hạn của Chủ tịch nước theo quy định tại Điều 49, có các quyền hạn sau:

- Thay mặt cho nước;
- Chủ tọa Hội đồng Chính phủ;
- Ký hiệp ước với các nước;

Rõ ràng, Chủ tịch nước mới là chức danh đại diện cho nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa nói chung, cho Nhà nước và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nói riêng trong quan hệ bang giao với các nước mà Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không phải là ngoại lệ. Thủ tướng chỉ là một thành viên của nội các – một cơ quan của Chính phủ và không có các quyền hạn này.
Cũng không có bằng chứng cho thấy Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Hội đồng chính phủ khi ấy đã ủy nhiệm cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng được quyền đại diện ra văn bản phúc đáp tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Chính phủ có họp?

Văn bản ngày 14 tháng 9 năm 1958 nêu rõ là: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành …”. Do vậy theo logic, sau khi có Tuyên bố về hải phận ngày 4 tháng 9 năm 1958, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có một cuộc họp và nội dung cuộc họp đã thể hiện ý chí “ghi nhận”, “tán thành” tuyên bố của Trung Quốc.
Như đã trích dẫn một phần Điều 49 Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền “chủ tọa Hội đồng Chính phủ”. Dựa trên tư liệu từ báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam (dangcongsan.vn), nhật ký làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 04 tháng 9 năm 1958 đến ngày 14 tháng 9 năm 1958 được ghi lại như sau:
- Ngày 4 tháng 9 năm 1958:
+ Sáng: tiếp đoàn Đại biểu bóng đá Campuchia;
+ Trong ngày, dự họp ban Bí thư bàn một số vấn đề về báo Nhân dân và công tác dân vận;
+ Trong ngày: tiếp đoàn đại biểu cán bộ trường thiếu sinh quân Quế Lâm và bệnh viện Nam Ninh;
- Ngày 5 tháng 9 năm 1958:
+ Dự họp Bộ Chính trị để bàn về công tác tổ chức Đảng, Chính phủ và công tác thủy lợi;
- Ngày 6 tháng 9 năm 1958:
+ Gửi đện mừng các vị lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ Triều Tiên nhân dịp kỷ niệm lần thứ 10 quốc khánh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên;
- Ngày 7 tháng 9 năm 1958:
+ Sáng: đi thăm công trình thủy nông Gia Thượng, xã Ngọc Thụy, quận 8 (huyện Gia Lâm), ngoại thành Hà Nội;
+ Cùng ngày, đến thăm Trường sỹ quan hậu cần;
- Ngày 8 tháng 9 năm 1958:
+ 7 giờ, tiếp đoàn đại biểu hòa bình Miến Điện;
+ Trong ngày: dự họp Bộ Chính trị bàn về đấu tranh thống nhất nước nhà;
+ Cùng ngày: gửi huy hiệu tặng ông Phùng Quang Chiểu và Thanh niên xã Thống Nhất (Lào Cai);
- Ngày 9 tháng 9 năm 1958: không ghi lịch làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh;
- Ngày 10 tháng 9 năm 1958:
+ Dự họp ban Bí thư để bàn về chính sách phân bón cho nông nghiệp và một số vấn đề khác;
+ Cùng ngày, ký quyết định số 86/QĐ giảm án tử hình xuống tù chung thân cho một phạm nhân can tội giết người;
- Ngày 11 tháng 9 năm 1958: không ghi lịch làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh;
- Ngày 12 tháng 9 năm 1958:
+ Dự họp bộ Chính trị bàn về quản lý gạo vụ mùa năm 1958 và về con số kiểm tra kế hoạch Nhà nước năm 1959;
- Ngày 13 tháng 9 năm 1958:
+ Sáng: thăm lớp học Chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc tổ chức tại Hà Nội;
+ Sau đó, thăm triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1958;
+ Chiều: tiếp giao sư người Miến Điện U.Oong la và phu nhân;
- Ngày 14 tháng 9 năm 1958:
+ Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề: Công xã nhân dân, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số ra 1645 giới thiệu về quá trình hình thành và những đặc điểm của công xã nhân dân ở Trung Quốc.
Không có tư liệu phản ánh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ tọa bất cứ cuộc họp nào của Hội đồng chính phủ trong khoảng thời gian từ ngày 4 tháng 9 năm 1958 đến ngày 14 tháng 9 năm 1958. Cũng không thể nói có việc Phó Chủ tịch nước thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh để chủ tọa Hội đồng chính phủ vì thời kỳ này, không ai được bổ nhiệm giữ chức danh Phó Chủ tịch nước.

Nếu điều này là sự thật thì văn bản của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ghi “Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa, quy định về hải phận…” là hoàn toàn không chính xác; và tiếp nữa, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng không có quyền đại diện cho Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa để hứa hay cam kết với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về mọi vấn đề có liên quan đến thực thi tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 vì thẩm quyền này thuộc về Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch nước Việt nam dân chủ cộng hòa.

Nếu điều này là sự thật thì văn bản do ông Phạm Văn Đồng ký hẳn nhiên không phải là “công hàm ngoại giao” như kẻ xâm lược đã thổi phồng, cường điệu hóa mà thực chất chỉ là một lá thư viết vội của cá nhân Thủ tướng nội các thuộc Chính phủ nước Việt nam dân chủ cộng hòa gửi Tổng lý Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, có nội dung hoàn toàn không phản ánh quyết định của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khi ấy. Theo cách nói dân gian, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói dối Chu Ân Lai và thật lực cười khi Trung Quốc lại lấy những lời nói dối đó đó làm căn cứ để khẳng định chủ quyền phi lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
**
Cho đến chừng nào Hoàng Sa và một phần Trường Sa vẫn còn nằm trong tay ngoại bang, lá thư viết vội của ông Phạm Văn Đồng vẫn được kẻ xâm lăng sử dụng như một bằng chứng để biện hộ cho hành vi bành trướng của chúng thì chừng đó, mỗi người con đất Việt vẫn kiên quyết và thẳng thừng bác bỏ văn bản vô giá trị này.
LS. Nguyễn Trọng Quyết
-----------------------------------------
Phụ lục: Danh sách Chính phủ mở rộng

Chính phủ mở rộng (từ kỳ họp thứ 5 đến kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá I)
(Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Quốc hội khoá I, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/9/1955 và được tiếp tục bổ sung cho đến Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa I, ngày 27-5-1959)

Chủ tịch nước
Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Ông Phạm Văn Đồng (từ 9-1955)
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Ông Phan Kế Toại (từ 9-1955)
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Ông Võ Nguyên Giáp (từ 9-1955)
Phó Thủ tướng
Ông Trường Chinh (từ 4-1958)
Ông Phạm Hùng (từ 4-1958)
Bộ trưởng Bộ Công an
Ông Trần Quốc Hoàn
Bộ trưởng Bộ Giáo dục
Ông Nguyễn Văn Huyên
Bộ trưởng Bộ Tài chính
Ông Lê Văn Hiến (đến 6-1958)
Ông Hoàng Anh (từ 6-1958)
Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện
Ông Nguyễn Văn Trân (từ 9-1955)
Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Kiến trúc
Ông Trần Đăng Khoa (từ 9-1955 đến 4-1958)
Bộ trưởng Bộ Thủy lợi
Ông Trần Đăng Khoa (từ 4-1958)
Bộ trưởng Bộ Kiến trúc
Ông Bùi Quang Tạo (từ 4-1958)
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp
Ông Lê Thanh Nghị (từ 9-1955)
Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp
Ông Phan Anh (từ 9-1955 đến 4-1958)
Bộ trưởng Bộ Nội thương
Ông Đỗ Mười (từ 4-1958)
Bộ trưởng Bộ Ngoại thương
Ông Phan Anh (từ 4-1958)
Bộ trưởng Bộ Y tế
Ông Hoàng Tích Trí (đến 5-1959)
Ông Phạm Ngọc Thạch (từ 5-1959)
Bộ trưởng Bộ Lao động
Ông Nguyễn Văn Tạo
Bộ trưởng Bộ Tư pháp
Ông Vũ Đình Hòe
Bộ trưởng Bộ Văn hoá
Ông Hoàng Minh Giám
Bộ trưởng Bộ Thương binh
Ông Vũ Đình Tụng (đến 5-1959, vì giải thể)
Bộ trưởng Bộ Cứu tế
Ông Nguyễn Xiển (từ 9-1955 đến 5-1959, vì giải thể)
Bộ trưởng Bộ Nông lâm
Ông Nghiêm Xuân Yêm
Bộ trưởng Phủ Thủ tướng
Ông Phạm Hùng (từ 9-1955 đến 4-1958)
Ông Nguyễn Duy Trinh (từ 4-1958 đến 12-1958)
Ông Nguyễn Khang (từ 5-1959)
Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước
Ông Nguyễn Văn Trân (từ 4-1958 đến 12-1958)
Ông Nguyễn Duy Trinh (từ 5-1959)
Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước
Ông Lê Văn Hiến (từ 12-1958)
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước
Ông Trường Chinh (Phó Thủ tướng kiêm chức từ 4-1958)

Bài do LS Nguyễn Trọng Quyết gửi cho Phamvietdao.net
Công Hàm TT Phạm Văn Đồng Là "Cái Bẫy" Của CT Hồ Chí Minh Lừa Chu Ân Lai Reviewed by Unknown on 5/27/2014 Rating: 5 LS Nguyễn Trọng Quyết: CÔNG HÀM 14/9/1958 DO THỦ TƯỚNG PHẠM VĂN ĐỒNG KÝ LÀ "CÁI BẪY" NGOẠI GIAO CỦA CT HỒ CHÍ MINH LỪA CHU ÂN ...

1 nhận xét:

  1. Vậy ra Hồ Chí Minh là tay lừa bịp Quốc tế hả các bác?

    Trả lờiXóa