Giáo Lý Công Giáo Bàn Về Truyền Thông Xã Hội - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
2 tháng 5, 2014

Giáo Lý Công Giáo Bàn Về Truyền Thông Xã Hội

VRNs (02.05.2014) – Sài Gòn – Đối với những người Công giáo, sau Kinh Thánh thì Giáo lý là một hướng dẫn bắt buộc của đời sống người kitô hữu trong đức tin cũng như trong xã hội.

VRNs xin giới thiệu nguyên văn các khoản Giáo lý Công giáo đã được Giáo hội dạy con cái mình.

—-
2493 Trong xã hội hiện đại, các phương tiện truyền thông xã hội giữ một vai trò quan trọng trong lãnh vực thông tin, phát huy văn hóa và đào tạo con người. Vai trò này lớn dần theo các tiến bộ kỹ thuật theo lượng thông tin phong phú và đa dạng cũng như theo ảnh hưởng trên công luận.

2494 (1906) Các phương tiện truyền thông phải phục vụ công ích (x. IM 11). Xã hội có quyền được biết những tin tức phổ biến dựa trên sự thật và tự do, công bằng và tình liên đới.

“Việc thực thi đúng đắn quyền nầy đòi việc truyền thông phải luôn xác thực khi trình bày nội dung và phải đầy đủ mà vẫn giữ được công bình và bác ái; ngoài ra, cách thức truyền thông cũng phải lương thiện và thích hợp, nghĩa là cả trong việc săn tin và loan tin, tuyệt đối phải tuân giữ các luật luân lý, các quyền lợi chính đáng và phẩm giá của con người” (IM 5).

2495 (906) “Mọi thành phần của xã hội cần phải chu toàn bổn phận công bình và bác ái của mình, ngay cả trong lãnh vực này; do đó, họ phải sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để cố gắng tạo ra và truyền bá những dư luận lành mạnh” (x. IM 8). Tình liên đới phải là thành quả của một nền thông tin chân thật và công bình, và của việc tự do trao đổi ý kiến, nhờ đó người ta hiểu biết và tôn trọng nhau hơn.

2496 (2525) Những phương tiện truyền thông xã hội (đặc biệt những phương tiện thông tin đại chúng) có thể làm cho những người tiếp nhận trở nên thụ động, thiếu cảnh giác đối với nội dung và hình ảnh được phổ biến. Bởi vậy, những người tiếp nhận phải giữ điều độ và kỷ luật đối với những nguồn thông tin đại chúng. Họ phải tạo cho mình một lương tâm sáng suốt và ngay thẳng, để có thể chống lại những ảnh hưởng thiếu lương thiện.

2497 Vì bổn phận nghề nghiệp, những người có trách nhiệm thông tin, khi phổ biến tin tức phải phục vụ chân lý nhưng không được lỗi phạm đức bác ái. Họ cũng phải để tâm vừa tôn trọng bản chất các sự kiện vừa tôn trọng những giới hạn khi phê bình người khác. Không bao giờ được bôi nhọ người khác.

2498 (2237 2286) “Vì công ích, chính quyền có trách nhiệm đặc biệt đối với những phương tiện truyền thông. Chính quyền phải bênh vực và bảo vệ sự tự do đích thực và đúng đắn trong việc thông tin (x. IM 12). “Bằng cách ban hành luật lệ và thi hành nghiêm chỉnh, chính quyền phải bảo đảm rằng các phương tiện truyền thông không bị lạm dụng để gây thiệt hại nặng nề cho thuần phong mỹ tục và cho những tiến bộ của xã hội (x. IM 12). Chính quyền phải trừng phạt kẻ vi phạm thanh danh và bí mật đời tư của người khác. Chính quyền phải thông báo kịp thời và đúng đắn những thông tin liên hệ đến lợi ích của đại chúng hoặc giải đáp những bận tâm chính đáng của dân chúng. Không gì có thể biện minh cho việc dùng những phương tiện truyền thông đưa ra những thông tin sai lạc để lèo lái dư luận; làm như vậy là xâm phạm đến tự do của cá nhân và các nhóm.

2499 (1903) Luân lý kết án các nhà nước độc tài xuyên tạc chân lý một cách có hệ thống, dùng các phương tiện truyền thông để khống chế dư luận về chính trị, “giật dây” những bị cáo và nhân chứng trong các vụ án công khai, tưởng rằng có thể củng cố ách chuyên chế bằng cách ngăn chặn và đàn áp những người “bất đồng quan điểm”.

 


Giáo lý Hội thánh Công giáo
Bản dịch TGP Sài Gòn – 1993
Giáo Lý Công Giáo Bàn Về Truyền Thông Xã Hội Reviewed by Unknown on 5/02/2014 Rating: 5 VRNs (02.05.2014) – Sài Gòn – Đối với những người Công giáo, sau Kinh Thánh thì Giáo lý là một hướng dẫn bắt buộc của đời sống người kit...

Không có nhận xét nào: