TNCG: Ông Phan Văn Sâm –nguyên Bí thư và Chủ tịch xã Quỳnh Thanh tỉnh Nghệ An mấy bữa nay lặn lội ra Hà Nội, nhờ tôi sửa giúp cuốn lịch sử của xứ Thanh Dạ và xã Quỳnh Thanh để xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm thành lập xứ (1914-2014). Đọc cuốn sách, tôi nhớ lại mảnh đất khá đặc biệt này khi về thăm cách đây đúng 10 năm.
· Một xã Công giáo toàn tòng 100%
Đã mấy lần linh mục Võ Thanh Tâm - GS ở Đại chủng viện Vinh-Thanh mời tôi vào thăm xứ Thanh Dạ song tôi đều mắc bận. Lần này trên đường vào Sài Gòn họp Ban thường vụ Ủy ban giáo dân HĐGMVN, tôi ghé vào Thanh Dạ, xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu, Nghệ An) và quả thật nơi đây đã đem đến cho tôi nhiều bất ngờ thú vị.
Tôi bắt đầu ngạc nhiên khi đến nhà ông Chủ tịch xã Phan Văn Sâm. Vào trong nhà ông Chủ tịch, tôi thấy trưng bày rất nhiều tranh, tượng đạo chứ không phải “ẩn khuất khiêm tốn” như một số nhà cán bộ vùng giáo khác. Ông Sâm người vạm vỡ, to lớn nói ngay với tôi rằng: ông hay đọc báo Công giáo và các Tạp chí Tôn giáo nên cũng biết tên tôi. Ông cho biết, xã Quỳnh Thanh hiện có 2 xứ và 3 họ giáo với 13.360 nhân khẩu và cả 13.360 người đều là Công giáo. Đây là một ngạc nhiên nữa. Tôi đã đi đến nhiều nơi gọi là toàn tòng như Bùi Chu, Phát Diệm, Xuân Lộc, song tỷ lệ cũng chỉ 80-90%, cao nhất cũng chỉ 95%, có nghĩa là vẫn xôi đỗ. Thế mà ở đây 100%. Thật đúng là vàng ròng chứ không phải pha trộn chi hết. Đặc điểm này tạo ra một nét đặc sắc không nơi nào có được đó là sự hòa hợp giữa đạo và đời.
Mỗi đại biểu chúng tôi được tặng một cuốn sách “Truyền thống làng, xã Quỳnh Thanh“. Sách in khá đẹp với rất nhiều ảnh màu nhưng điều thú vị tôi chưa thấy ở đâu là Ban biên tập cuốn sách ngoài các vị lãnh đạo địa phương còn có cả các linh mục. Nội dung bên trong cũng thế, có ảnh các vị lãnh đạo địa phường suốt 50 năm qua thì cũng có chân dung các linh mục quản xứ, có danh cách 30 đảng viên của xã thì cũng có danh sách 23 linh mục và 36 tu sỹ người Thanh Dạ.
Các sinh hoạt chính trị và tôn giáo đan xen vào nhau. Ban hành giáo thì đi thăm nhà Hồ Chủ tịch ở Kim Liên, Nam Đàn còn Hội đồng nhân dân xã lại có hình chụp ở nhà thờ đá Phát Diệm. Trong các buổi lễ mít tinh của địa phương đều có các linh mục đến dự và các buổi lễ tôn giáo lại có các vị lãnh đạo địa phương ngồi ở ghế hàng đầu.
Xem ra nghĩa vụ công dân và bổn phận người tín hữu nơi đây thật hài hòa chứ không gượng ép. Tôi được mời dự vài bữa cơm ở Ủy ban xã. Trước bữa ăn đều có linh mục hay Giám mục làm phép của ăn, bầu khí giống như tại chủng viện. Buổi tối liên hoan văn nghệ mừng 50 năm thành lập xã thì tất cả các tiết mục lên sân khấu đều là của các ca đoàn Thanh Dạ, Cự Tân, Hiền Môn. Thanh Xuân, Thanh Tân. Mặc dù còn vài em ngượng nghịu trước đám đông người nhưng tất cả đều say sưa hát hết mình những bài ca của cả đạo cả đời nhất là những bài tự biên tự diễn nên đã là lôi cuốn cả xã tới xem và cổ vũ. Việc gì xem ra cũng có sự cộng tác của cả đạo và đời. Xã còn nghèo nên ông Chủ tịch đang băn khoăn về chỗ nghỉ của tôi thì linh mục xứ Hoàng Đức Luyến đã vui vẻ mời tôi về nhà xứ. Sáng hôm sau là ngày khánh thành nhà máy nước Quỳnh Thanh công suất 1000m3/ngày. Đức Giám mục giáo phận đang dự họp Đại hội MTTQ tỉnh Nghệ An nhưng cũng sắp xếp ra Thanh Dạ. Đúng 8 giờ sáng, đoàn đồng tế được trước từ nhà xứ Thanh Dạ ra lễ đài với cả vạn người tham dự. Mở đầu thánh lễ, Đức Giám mục đã biểu dương những cố gắng của nhân dân xã suốt nửa thế kỷ qua làm thay đổi bộ mặt của địa phương rất nhiều. Đức Giám mục cũng tặng 2 bằng khen cho xứ Thanh Dạ và ông Hồ Sỹ Vương về những đóng góp vào thành công của ngày cao điểm Năm Thánh truyền giáo của giáo phận. Hóa ra người dẫn chương trình mấy bữa nay trên lễ đài cũng chính là MC của Ngày cao điểm của giáo phận. Đó là ông Phó chủ tịch xã Quỳnh Thanh Hồ Sỹ Vương. Tôi bắt tay chúc mừng ông Vương vì hiếm khi giáo phận nào có phần thưởng như thế trừ rất nhiều bằng ghi công quyên cúng. Ông cũng rất xứng đáng nhận phần thưởng như vậy vì cũng hiếm có ông cán bộ nào dám nhận công việc phục vụ Giáo hội như ông. Trong lời nguyện giáo dân, tôi nghe na ná như những mục tiêu nghị quyết đại hội địa phương: nào là đoàn kết xây dựng làng xóm văn hóa, nào là xin cho con em học hành tấn tới, đem tài năng phục vụ quê hương và Giáo hội... Dân ở đây sùng đạo lắm, người chịu lễ rất đông. Tám linh mục và hàng chục thầy cho rước lễ mà mất 20 phút mới xong. Còn trong lễ khánh thành nhà máy nước, đội kèn đồng nhà xứ vừa cử quốc ca khi khai mạc vừa cử bài “Tạ ơn Chúa đến muôn đời” khi Đức Giám mục làm nghi thức thánh hóa nhà máy nước. Cả Đức Giám mục và mấy vị lãnh đạo tỉnh, huyện cùng lên cắt băng khánh thành. Tôi đã dự nhiều sinh hoạt tôn giáo nhưng chưa thấy ở đâu có nghi thức làm phép công trình công cộng như ở Quỳnh Thanh, song đây không phải là lần đầu, khánh thành trường học ở đây cũng có nghi thức ấy. Xã toàn tòng Công giáo mà.
· Đạo và đời cùng chung mục tiêu.
Tiếp xúc với nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân và cán bộ ở xã Quỳnh Thanh. Tôi một nhận xét là tất cả đều có một trăn trở là làm sao để nâng cao đời sống nhân dân về mọi mặt.
Linh mục Võ Thanh Tâm cho biết khi cha coi xứ Thanh Dạ năm 1990-1993, đời sống nhân dân ở nơi đây cực lắm. Mùa mưa lội bùn tới bắp chân, có xóm muốn sang nhà hàng xóm phải đi thuyền. Nhà dân thì mái tranh vách đất, mua thứ gì phải chạy ra tận Cầu Giát. Cha phải đi mời thầy về dạy chữ, dạy nhạc, lập đội kèn đồng không chỉ phục vụ nhà thờ mà cả sinh hoạt của xã vì địa phương nghèo lấy đâu ra tiền để thuê các đoàn nghệ thuật? Bây giờ đã có đường, trường trạm, chợ, Nhà máy nước sạch, Nhà thờ các giáo xứ, giáo họ. Xã đã có hơn 200 sinh viên đã và đang theo học tại các trường đại học. Tôi thấy nhà thờ Thanh Dạ to, đẹp mang phong cách Á đông chẳng thua kém các nhà thờ ở Thành phố Hồ Chí Minh mới xây gần đây (ảnh trên).
Có một linh mục nhỏ nhắn, tóc đã điểm bạc rất được địa phương kính trọng luôn được gọi là người con ưu tú của quê hương. Đó là linh mục Trần Minh Công -TS Thần học hiện đang làm mục vụ ở Thụy Sĩ. Năm 1995, về thăm quê hương nghèo khó. Linh mục bươn chải ngược xuôi tìm viện trợ, làm dự án để giúp bà con bớt nhọc nhằn. Tôi thấy công trình lớn nào của địa phương cũng có sự đóng góp của linh mục. Năm 1995, xây dựng trường trung học cao tầng kinh phí hết 647 triệu đồng, cha góp 468 triệu. Năm 2001, xây dựng trường tiểu học Quỳnh Thanh B hết 852 triệu đồng, linh mục đem về 644 triệu. Năm nay làm nhà máy nước kinh phí hết 5,4 tỷ đồng, linh mục ủng hộ gần 200 triệu đồng. Đây là chưa kể linh mục ủng hộ cho các hoạt động nhân đạo ở địa phương với số tiền cũng lên tới vài trăm triệu đồng. Cha bảo tôi, đừng đưa lên báo vì linh mục chưa làm được gì nhưng theo số liệu của xã kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở bản mỗi năm ở đây là 2,9 tỷ đồng, dân đóng góp 30%, ngân sách nhà nước 31,6% ngân sách địa phương là 13% còn 26,2 % là của các linh mục. Như vậy, ở Quỳnh Thanh không phải là Nhà nước và nhân dân cùng làm mà cả nhà nước và tôn giáo cùng làm, đạo và đời cùng chung sức. Tất nhiên không chỉ có linh mục Công, linh mục Nguyễn Văn Bá quản xứ Thanh Dạ 1994-2001 không chỉ là người đốc công xây nhà thờ Thanh Dạ mà khi xây nhà mẫu giáo cho con em trong xứ, linh mục cũng đóng góp 200 / 280 triệu đồng cho tổng kinh phí đầu tư. So với 10 năm trước đây, linh mục Công nói với tôi, Thanh Dạ đã thay da đổi thịt nhiều lắm nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Linh mục ước mong xã có nghĩa trang tập trung vừa tiết kiệm đất vừa tránh ô nhiễm, rồi hệ thống nước thải chưa được quy hoạch. Đức Giám mục Cao Đình Thuyên cũng lo lắng, có nhà máy nước rồi nhưng làm sao dân có tiền để dùng nước. Linh mục Võ Thanh Tâm và mấy nữ tu dòng Nữ tử bác ái Vinh Sơn đi đâu cũng tuyên truyền về lợi ích của việc dùng nước sạch.
Quỳnh Thanh là vùng đất phèn mặn. Người dân sống chủ yếu bằng trồng lúa. Có làm thêm làm nghề bắt chim trời, cá sông cũng chỉ thêm nếm chẳng đáng là bao. Xã đang cố gắng chuyển đổi ngành nghề, làm VAC. Ông Hồ Đức Toán, Bí thư Đảng ủy xã cho biết địa phương đã tìm được cây hoa hòe là cây xóa đói giảm nghèo. Trồng 20 gốc sau ba năm có thể cho thu 1 triệu đồng. Trồng dưa hấu cũng cho thu nhập cao. Nhà nào có sức có vốn làm được đầm nuôi tôm thì xây nhà lầu không khó. Ông Hoàng Hường ở Lộc Thủy nuôi tôm giống và tôm xuất khẩu cho thu nhập cả trăm triệu một năm. Vấn đề là làm sao nhân rộng các điển hình để ai cũng có thể làm giàu.
Bây giờ Quỳnh Thanh đã hoàn thành công trình đường Thạnh- Thanh – Lý năm 2013, đã bê tông hóa kênh mương, đã có 27ha đầm tôm, đời sống của nhân dân đã khá lên nhiều. Tuy nhiên trước mắt, Quỳnh Thanh vẫn còn rất nhiều khó khăn với ¼ số hộ còn ở diện nghèo nên sự hợp tác giữa đạo và đời càng phải bền chặt hơn và cũng rất cần có sự giúp đỡ quan tâm của các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương vì đây là xã đặc biệt vừa là Công giáo toàn tòng vừa là vùng đất úng mặn để Thanh Dạ - Quỳnh Thanh có thể vươn lên trở thành điểm sáng của cả đạo và đời.
Ghi chép của TS Phạm Huy Thông
Tác giả gửi TNCG
Không có nhận xét nào: