Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Cầu Nguyện Cho "Giáo Hội Thầm Lặng" Ở Bắc Triều Tiên - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
17 tháng 8, 2014

Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Cầu Nguyện Cho "Giáo Hội Thầm Lặng" Ở Bắc Triều Tiên

Người Công giáo Bắc Triều Tiên viếng nhà thờ ở Seoul
năm 2003. (Ảnh: AFP)
Thánh lễ đặc biệt cầu cho sự hòa giải với Bắc Triều Tiên, nơi không có linh mục thường trú cử hành các bí tích

Đức Thánh cha Phanxicô sẽ dâng lời cầu nguyện cho hòa giải giữa hai miền Triều Tiên tại Seoul vào tuần tới, nhưng ở Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ không nghe được những lời cầu nguyện này, vì nước này chỉ nói suông về tự do tôn giáo và xem các việc làm sùng đạo không được chấp nhận là tội hình sự.

Đức Thánh cha sẽ dâng một Thánh lễ đặc biệt cầu cho “hòa bình và hòa giải” giữa hai miền Triền Tiên vào ngày 18-8 vào cuối chuyến viếng thăm 5 ngày của ngài tại Hàn Quốc. Chuyến viếng thăm này nhằm tôn vinh lòng can đảm và sự hy sinh của các tín hữu Công giáo trước đây trên cả bán đảo này trước khi nó bị phân chia.

Trong khi đạo Công giáo phát triển mạnh tại Hàn Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953, tại Bắc Triều Tiên sự hiện diện của đạo Công giáo gần như con số không.

Báo cáo gần đây của Ủy ban Điều tra nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Bắc Triều Tiên kết luận hành đạo Kitô giáo bên ngoài nhà thờ được nhà nước công nhận chẳng khác nào là “phạm tội chính trị” trong quốc gia này.

Chính sách cơ bản là “một chính sách kép trong đó vẻ khoan dung tôn giáo bề ngoài được thể hiện cho quốc tế thấy trong khi trên thực tế các hoạt động tôn giáo bị đàn áp trong nước”, theo báo cáo.

Vatican cho biết không có kế hoạch viếng thăm biên giới bố trí quân sự dày đặc này, mặc dù người phát ngôn linh mục Federico Lombardi nhấn mạnh Đức Thánh cha “luôn có khả năng mang lại sự ngạc nhiên”.

Chuyến viếng thăm của ngài diễn ra trùng với lúc Bình Nhưỡng đang lên giọng hiếu chiến, họ đang tức giận việc Hàn Quốc không chịu hủy bỏ cuộc tập trận chung hàng năm với Mỹ.

Cuộc tập trận chung bắt đầu vào đúng ngày Đức Thánh cha dâng Thánh lễ cầu cho hòa giải, và Bắc Triều Tiên đã từ chối lời mời cho phép các tín hữu Công giáo tham dự sự kiện này tại nhà thờ chính tòa Myeongdong ở Seoul.

Hội Công giáo Triều Tiên (KCA) của nhà nước Bình Nhưỡng không có quan hệ với Vatican và thường được người Công giáo ở Hàn Quốc xem là “Giáo hội thầm lặng”.

“Không có linh mục thường trú trên cả Bắc Triều Tiên, ngay cả trong Giáo hội chính thức”, linh mục Gerard Hammond, người Mỹ sống ở Hàn Quốc tham gia nhiều dự án cứu trợ tại Bắc Triều Tiên hơn 15 năm nay, cho biết.

Chỉ có một nhà thờ Công giáo tại Bình Nhưỡng, “nhưng không có giải tội, rửa tội, không có các bí tích…”, cha Hammond kể lại.

Một giáo lý viên giáo dân Bắc Triều Tiên quản lý nhà thờ này, cùng với một vài người cao tuổi, và cha Hammond cho biết các hàng nghế phía trước đa số bị “các phụ nữ bịt mặt bận đồ đen” chiếm chỗ, những phụ nữ này chắc chắn do chính quyền huy động.

“Không ai biết người nào là Công giáo, người nào là ngoài Công giáo. Và việc những người Bắc Triều Tiên đến nhà thờ là người Công giáo đích thực là hết sức đáng nghi”, ngài nói.

KCA khẳng định có 3.000 người Công giáo trong nước này, trong khi Liên Hiệp Quốc ước đoán có khoảng 800 người.

Khách quen và các nhóm nhân quyền nói tính bí mật của Bắc Triều Tiên khiến không thể cung cấp được số liệu đáng tin cậy, mặc dù rõ ràng đây là một cộng đoàn rất nhỏ.

“Không có Giáo hội bí mật rõ ràng. Không giống như ở Trung Quốc”, cha Hammond nói. “Số thành viên ít hơn, còn chính quyền kiểm soát chặt chẽ hơn nhiều và mọi người báo cáo về nhau, vì thế nguy cơ rất cao”.

Còn hộ chiếu nước ngoài không có được sự bảo vệ.

Thừa sai người Mỹ gốc Hàn Quốc Kenneth Bae bị bắt vào tháng 11-2012 và sau đó bị tuyên án 15 năm tù khổ sai vì tội tìm cách lật đổ chính phủ Bắc Triều Tiên.

Bae được một tòa án Bắc Triều Tiên miêu tả là một nhà truyền giáo Kitô giáo hiếu chiến.

Du khách người Mỹ Jeffery Edward Fowle, bị tình nghi để quên một cuốn Kinh thánh tại một hộp đêm, đang chờ ra hầu tòa vì “những hành động chống đối” không xác định.

Vào đầu thế kỷ 20, Bình Nhưỡng là trung tâm truyền giáo trong khu vực có nhiều nhà thờ và một cộng đoàn Kitô hữu phát triển mạnh đến độ nơi đây được tặng danh hiệu là “Giêrusalem của phương Đông”.

“Người dân Bắc Triều Tiên gần như không biết về điều này, nhưng hầu hết những nhà sáng lập phong trào Cộng sản ở Bắc Triều Tiên như Kim Il-Sung là con cháu của người Tin lành hay Công giáo”, chuyên gia nổi tiếng Bắc Triều Tiên Andrei Lankov phát biểu.

Đối với Kim Il-Sung, Kitô giáo đe dọa sự độc quyền về ý thức hệ của ông và phải bị xóa bỏ hoàn toàn, một mục tiêu ông đạt được bằng các vụ hành quyết và trại cải tạo.

Chế độ hiện nay cho phép các tổ chức Công giáo quản lý các dự án cứu trợ tại Bắc Triều Tiên, nhưng không có quan hệ trực tiếp với Vatican.

Tòa Thánh không công nhận KCA hay người Công giáo ở Bắc Triều Tiên là thành viên chính thức của Giáo hội hoàn vũ, mặc dù cha Hammond cho biết một số viên chức Vatican và giáo sĩ đã dâng Thánh lễ tại nhà thờ ở Bình Nhưỡng “vì ngoại giao”.

“Chính quyền rất cảnh giác về sự ảnh hưởng của tôn giáo và ý thức được tấm gương của Ba Lan và vai trò của Giáo hội trong việc lật đổ chủ nghĩa Cộng sản”, cha Hammond bình luận.

Được biết các nhà hoạt động Kitô hữu hoạt động tích cực dọc biên giới Trung Quốc giáp với Bắc Triều Tiên, giúp đỡ những người muốn trốn khỏi đất nước này.

Hầu hết các chuyên gia nhận thấy có ít cơ hội xảy ra thay đổi lớn trong vấn đề tự do tôn giáo, trừ khi Bắc Triều Tiên nổ tung.

Nhưng những người như linh mục Hàn Quốc Lee Eun-Hyung, ngài đã nhiều lần viếng thăm Bắc Triều Tiên, nhận thấy chỉ kiên trì không nhượng bộ để tái thống nhất cũng chẳng ích gì.

“Chúng ta không thể chỉ ngồi một chỗ chờ ngày đó đến”, cha Lee, giám đốc Trung tâm Hòa bình hiệp nhất do Giáo hội xây dựng gần biên giới với Bắc Triều Tiên, phát biểu.

“Chúng tôi đang nghiên cứu các cách cảm thông và tiếp cận người dân Bắc Triều Tiên khi bán đảo này thống nhất”, cha Lee nói.

Jung Ha-won và Moira Shaw từ Seoul, Hàn Quốc, UCAN 16.08.2014
Bài đăng trên Conggiao.info
Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Cầu Nguyện Cho "Giáo Hội Thầm Lặng" Ở Bắc Triều Tiên Reviewed by Unknown on 8/17/2014 Rating: 5 Người Công giáo Bắc Triều Tiên viếng nhà thờ ở Seoul năm 2003. (Ảnh: AFP) Thánh lễ đặc biệt cầu cho sự hòa giải với Bắc Triều Tiên, nơ...

Không có nhận xét nào: