Quốc Hội Việt Nam: Những Món Nợ Túng Thiếu Dân Chúng - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
7 tháng 9, 2014

Quốc Hội Việt Nam: Những Món Nợ Túng Thiếu Dân Chúng

Phạm Chí Dũng: Vài tháng sau khi tuyên bố sẽ trả “món nợ” đầu khi sẽ ban hành Luật Biểu tình vào cuối năm 2015, Quốc hội Việt Nam lại đưa ra hứa hẹn sẽ thông qua Luật Trưng cầu dân ý - “món nợ” thứ hai cũng vào cuối năm sau. Cả hai món nợ đúng theo nghĩa bóng và cả nghĩa đen này đều có độ trễ gần một phần tư thế kỷ, kể từ Hiến pháp năm 1992.

Quen “gật” hơn “lắc”

Trưng cầu ý dân là một nhu cầu không thể thiếu và cũng là quyền đương nhiên của người dân Việt Nam, nhất là khi nhân dân phải sống trong bầu không khí “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” - như tuyên bố của người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng vào cuối năm 2013.

Nhưng cũng vào cuối năm 2013, “Quốc hội nằm dưới đảng” ấy đã cho ra đời một bản hiến pháp sửa đổi không thể tù đọng hơn, với các điều khoản chính về độc quyền doanh nghiệp quốc doanh, sở hữu đất đai hầu như không hề được thay đổi, bất chấp làn sóng kiến nghị sôi trào của giới trí thức cùng lớp lớp dân oan thu hồi đất vẫn hàng tuần từ các tỉnh tràn về Hà Nội.

Cũng vào thời điểm cuối năm 2013, đại đa số nhân dân đã gần như tuyệt vọng về tương lai dân chúng sẽ được trưng cầu ý kiến rộng mở, cho dù hàm ý của sự mở rộng đó vẫn thiên về “dân chủ cơ sở” từ trên xuống dưới.

Tuy thế, sự thật hiển nhiên và còn đôi chút an ủi là nếu xã hội Việt Nam không được khởi đi từ Phong trào Kiến nghị 72 đòi dân chủ vào đầu năm 2013, có lẽ cho tới giờ vẫn không có bất kỳ bóng dáng lời hứa hẹn nào từ phía 500 đại biểu quen “gật” hơn là “lắc”.

Mới “đối thoại hẹp”

Cần ghi nhận rằng cho dù chưa thể phát triển rộng lớn như phong trào Hiến chương 77 ở Tiệp Khắc vào thế kỷ trước, nhóm Kiến nghị 72 đã gióng lên được tiếng lòng của phần lớn giới trí thức và người dân, đặc biệt là tầng lớp dân nghèo ở Việt Nam.

Ngay cả những chủ đề thuộc loại cực kỳ cấm kỵ trong nhiều năm trước như vai trò độc đảng hay đa đảng, quân đội trung thành với đảng hay chỉ với Tổ quốc, ứng cử và bầu cử tự do…, cũng được phong trào Kiến nghị 72 tung ra như một mũi giáo chĩa vào chân thành trì bảo thủ và mục rệu.

Tác động trên, dù chưa đủ lớn, nhưng đã làm lay động lớp đá che chắn của thành trì đó, chưa kể không ít khối đá đã lung lay từ bên trong. Cộng hưởng với nhiều xung động liên tục của khối quốc gia tiến bộ về dân chủ và nhân quyền trên thế giới, không mấy ngạc nhiên là Nhà nước Việt nam đã dần phải chuyển đổi từ thái độ đóng cửa im lặng sang xu hướng được coi là “đối thoại hẹp”.

Tuy thế vẫn đáng buồn cho tới giờ, tất cả vẫn chỉ là “hẹp” chứ chưa có tín hiệu nào quá khả quan cho không gian của xã hội dân sự người dân.

Cách đây khoảng một tháng, Ủy ban Thường vụ quốc hội lại dính vào tính thủ cựu quá khó sửa khi áp đặt quan điểm “chưa nên cho phép tự vận động ứng cử tại Việt Nam”. Lý do mà cơ quan này trưng ra là “Thực tiễn cuộc bầu cử vừa qua cho thấy có tình trạng người ứng cử sử dụng vật chất ủng hộ cho cá nhân hoặc địa phương nơi mình ứng cử, tạo sự không công bằng với ứng cử viên khác”. Và đó cũng có thể là nguyên cớ để chẳng cần thiết phải thay đổi dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Những món nợ túng thiếu dân chúng

Vẫn còn khá nhiều thời gian để minh nghiệm những hứa hẹn của Quốc hội sẽ được trải nghiệm như thế nào, vì từ đây đến cuối năm 2015 sẽ còn nhiều biến động trong - ngoài mà có thể tôn tạo tính khí thất thường của cơ quan dân cử tối cao này.

Thật ra mọi việc không thể lường trước. Ngay cả những người “kiên định lý tưởng” nhất cũng khó có thể chắc chắn về một tương lai êm đềm và nhung lụa mà Bắc Kinh dành cho họ, nhất là sau khi những kẻ Kinh Bắc ấy đặt để giàn khoan HD981 ngay trước cửa nhà Việt Nam.

Còn với giới dân chủ Việt Nam, tình thế cũng xoay vần không kém. Mới chỉ vào cuối năm 2012, giới trí thức và người dân đã chưa thể có điều kiện đòi hỏi những thứ quyền thuộc về mình như hôm nay, dù chỉ bằng lời nói. Thậm chí vào cuối năm đó, nhiều người hoạt động dân chủ và bất đồng chính kiến còn bị bắt giữ khẩn cấp và sau đó bị tống giam bằng những bản án phi lý.

Song đến thời điểm này, mọi chuyện đã khác nhiều. Ngoài hai món nợ đã thực hiện công đoạn hứa hẹn, vẫn còn một món nợ thứ ba của Hiến pháp năm 1992 mà Quốc hội Việt Nam còn túng thiếu dân chúng của mình: Luật Lập hội.

Cũng lạc hậu và bảo thủ không kém Luật Trưng cầu dân ý và Luật Biểu tình, dự thảo cho Luật lập hội đã bị Quốc hội Việt Nam “ngâm” từ năm 1992 đến nay, bất kể hiến pháp luôn tuyên rao “của dân, do dân và vì dân”.

Nhưng đến đầu năm 2014, cùng với đà tăng tiến về không gian xã hội dân sự, sức ép quốc tế đối với vấn đề tự do lập hội cũng trở nên dứt khoát hơn hẳn đối với Nhà nước Việt Nam. Người ta có thể minh chứng hình ảnh này thông qua việc hơn 200 nghị sĩ của nghị viện lưỡng đảng Hoa Kỳ kiên định “không nhân quyền, không TPP”.

Tất nhiên nhân quyền không thể hiểu khác hơn là những gì liên quan thiết thực đến quyền dân, lồng trong các dự luật biểu tình, tự do lập hội và trưng cầu dân ý.

Nếu cả những nhân vật được coi là bảo thủ nhất trong đảng cũng đang phải dần nghĩ về một triển vọng nào đó từ phương Tây, Quốc hội Việt Nam sẽ không còn lý do nào để từ chối sự mặc định cho quyền dân trong năm nay và năm sau.
Quốc Hội Việt Nam: Những Món Nợ Túng Thiếu Dân Chúng Reviewed by Unknown on 9/07/2014 Rating: 5 Phạm Chí Dũng: Vài tháng sau khi tuyên bố sẽ trả “món nợ” đầu khi sẽ ban hành Luật Biểu tình vào cuối năm 2015, Quốc hội Việt Nam lại đư...

Không có nhận xét nào: