VRNs (18.9.2014) – Kon Tum – Lúc 09h, ngày 16.9, tại Măng Đen, Giáo Phận Kontum, Đức Cha Micae Giám mục Giáo phận Kontum đã cử hành thánh lễ đại trào mừng kính Mẹ Sầu Bi Măng Đen. Dâng thánh lễ đồng tế với ngài còn có Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung, nguyên Giám mục Kontum, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh và khoảng 110 linh mục trong và ngoài Giáo phận Kontum.
Khoảng 2 giờ , chúng tôi đã thấy rất nhiều đoàn khách lần lượt về bên Mẹ. Họ đọc kinh, cầu nguyện, dâng hoa và đến sát bên Mẹ thì thầm xin ơn cũng như để được chạm đến Mẹ. Có nhiều người đến xin ơn, có người đến để tạ ơn Mẹ vì đã nhận được ơn từ Mẹ.
Chúng tôi được biết, trong đoàn người đến bên Mẹ để xin ơn, tạ ơn có nhiều người không phải là người Công Giáo nhưng với tất cả lòng thành họ đã đến bên Mẹ: Chị Nga ở Buôn Mê Thuật đến để xin Mẹ ơn chữa lành cho người con 7 tuổi. Anh Hùng ở Đăk Nông xin công việc làm ăn thuận lợi để có tiền nuôi sống gia đình. Chị Hằng ở Gia Lai xin cho được có con vì chị lập gia đình đã 8 năm mà chưa có con. Chị Thu ở Sài Gòn thì đến để tạ ơn Mẹ đã cho chị có con sau 16 năm.
Càng đến gần đến giờ lễ, số lượng người đổ về Măng Đen càng càng đông. Mặc dù trước đó trời mưa khá to, nhưng đến khoảng 8h30 thì trời mưa có nhẹ đi và khá lạnh so với mọi năm nhưng mọi người đứng dưới mưa để đợi Thánh lễ. Đến 8h 45 Đức Cha Micae cùng Đức Cha Phaolô tiến vào khu vực lễ đài. Đức Cha chào mọi người và bắt tay họ. Khi vào đến khu vực lễ đài hai Đức Cha đến bắt tay và chúc lành cho các em khuyết tật, mồ côi.
Sáng 16.9, trời Măng Đen đổ mưa nhưng không ngăn nổi những người con của Mẹ đến Bên Mẹ
Năm nay ước chừng khoảng 16 ngàn người đến với Mẹ Măng Đen trong dịp này.
Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh đến với Mẹ Măng Đen. Ngài chủ tế thánh lễ khai mạc ngày 15 và cùng đồng tế trong thánh lễ đại triều ngày 16.
Thánh lễ bắt đầu lúc 9h. Đức Cha Micae chủ tế và giảng lễ. Năm nay Đức Cha không giảng bằng tiếng Ba Na hay Jarai mà chỉ giảng bằng tiếng Kinh để bớt đi thời gian bà con giáo dân đứng dưới trời mưa gió. Đức Cha nói: “Anh chị em đến đây để cầu nguyện với Mẹ, thì thầm xin ơn Mẹ nhưng anh chị em quên rằng: Mẹ nhắc nhở và nhắn nhủ chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải biết những giới hạn của mình. Mẹ nhắc nhở chúng ta biết lắng nghe lời của Chúa và mau mắn thi hành như Mẹ. Hơn thế nữa, chúng ta đến với Mẹ nghe lời Mẹ để sống và để ý Mẹ dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa độc nhất chân thật mà lát nữa chúng ta dám cả gan vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo thể thức người dạy chúng ta gọi Lạy Cha. Mẹ dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa là Cha. Anh chị em nhớ trong tiệc cưới Cana Mẹ quan sát tới những nhu cầu của nhà tiệc và Mẹ đến ngay trình với Chúa Giêsu. Mẹ nói với những người giúp việc: Ngài bảo gì cácm anh cứ thế mà làm.
Hôm nay Mẹ cũng nói với chúng ta như thế. Và mỗi lần chúng ta đến với Mẹ, Mẹ cũng nhắc nhở chúng ta và Mẹ dẫn Chúng ta đến gặp chính Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất mà tất cả mọi người chúng ta lương cũng như giáo đều được tin thờ. Mỗi người chúng ta được tạo thành giống hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng tạo thành cho nên mỗi con người chúng ta từ ngay trong tâm của mình luôn luôn hướng tới Đấng tạo thành của mình, ông Trời của mình, Đấng tối cao của mình. Nhưng đối với người Công Giáo, khi tin vào Chúa Kitô, chúng ta biết Ông Trời đó là Thiên Chúa độc nhất, chân thật là Cha của chúng ta và cũng là Cha của mọi người. Và từ đó Mẹ dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa là Cha thì Thiên Chúa cũng lại mong đợi chúng ta và nhờ qua Mẹ dẫn chúng ta về với anh chị em của mình. Đây cũng là một điều mà chúng ta hãnh diện lãnh nhận khi đến với Mẹ. Bởi vì khi đến với Thiên Chúa là Cha, thì mọi người cũng là anh chị em.Thiên Chúa đã hóa thân làm người giữa chúng ta và Người hiện diện ở trong mỗi anh chị em chúng ta và ngày sau cùng Chúa vẫn xét xử mỗi chúng ta theo tiêu chuẩn này là: mỗi khi anh chị làm hay không làm cho người nhỏ mọn là làm hay không làm cho chính Thiên Chúa. Đức tin Công giáo cho chúng ta có một hệ thống tin nhận như thế: mến Chúa yêu người là một. Mẹ dẫn chúng ta đến một Thiên Chúa, để chúng ta có một mối quan hệ mỗi ngày mỗi thắm thiết hơn với Thiên Chúa là Cha của chúng ta và cũng là Cha của mọi người. Nhờ đó, chúng ta trở về gắn bó với anh chị em, tiếp cận với những anh chị em; đặt biệt những người khó nghèo, những người bị bỏ rơi, những người bị áp bức, những người bị thiệt thòi, những người bị phân biệt đối xử, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội bởi Thiên Chúa hiện thân nơi những người đó.
Mỗi lần đến với Mẹ, chúng ta xin với Mẹ đón nhận tâm tình hiếu thảo của chúng ta và mỗi người chúng ta nên nhớ càng yêu mến Mẹ bao nhiêu, càng nên giống Mẹ bấy nhiêu. Càng gắn bó với Mẹ bao nhiêu, thì càng biết nghe lời Mẹ và theo chỉ dẫn của Mẹ. Để mỗi người chúng ta khi càng yêu mến Mẹ thì càng yêu mến Thiên Chúa hơn. Chúng ta càng đến với Mẹ, chúng ta càng gần Thiên Chúa hơn ở nơi anh chị em chúng ta. Điều đó để là gì, thưa để chúng ta sống tình con thảo, sống tình nghĩa anh em. Để niền tin của chúng ta thể hiện qua đời sống yêu thương, phục vụ hết mọi người bằng chính tình yêu của Thiên Chúa. Yêu thương hết mọi người như thể yêu chính Thiên Chúa là vậy. Đó là cách hành hương đến với Mẹ. Đó là cách cụ thể nhất, hữu hiệu nhất và thiết thực nhất của mỗi cuộc hành hương của chúng ta.”
Thánh lễ đại trào kính Đức Mẹ do Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh chủ tế. Hai Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung, nguyên Giám mục Kontum và Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám phận Vinh đồng tế.
Cuối Thánh lể Đức Cha cho biết: kể từ năm 2015, thánh lễ đại trào kính Mẹ Măng Đen sẽ dời vào ngày 10 tháng 12 hàng năm, thay vì tổ chức trong tháng 9. Bởi vào tháng 9, trời thường mưa gió nên việc đi lại khó khăn và cực khổ. Vào ngày 10 tháng 12 năm nay, tại Măng Đen sẽ tổ chức bế mac năm Phúc âm hóa gia đình và khai mạc Năm thánh hóa các giáo xứ. Cuối cùng, Đức Cha nhắc nhở mọi người hy sinh, bác ái và yêu mến nhau chính là yêu mến Mẹ. Yêu mến Chúa là cúi xuống chỗ mình đứng, coi có rác không thì nhặt lên cho vào các thùng rác, dù là cọng rác nhỏ nhất. Khi ra về cũng vậy, trên đường đi thấy rác là nhặt lên và phải đi từ từ không chen lấn: đi sát bên phải và tuân thủ mọi qui định. Đó cũng là những hy sinh, những việc sám hối mà mình phải làm để dâng lên cho Mẹ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, Thánh lễ năm nay số lượng người tham dự khoảng 15000 – 16000 người. Số lượng này ít hơn so với năm 2013 ( với hơn 40. 000 người) . Chúng tôi có hỏi vài người họ nói vì nhiều lý do: Thời gian tổ chức chưa thuận lợi. Thông báo chương trình lễ trễ. Điều kiện đi lại và lưu lại tại khu hành hương chưa thuận lợi. Diện tích khu vực quá nhỏ để khách các nơi đến để cầu nguyện, và những người ở xa thì không thấy lễ đài để dự lễ, chỉ nghe tiếng không thôi không thấy được Đức Cha và các Linh mục cũng như bàn thờ. Bãi xe xa quá, đi hơi bị mệt, nhất là đối khách ở xa nhiều khi họ đi mười mấy hay hai mươi tiếng mới tới nơi. Tới nơi lại phải đi bộ 3-4 km nữa nên cũng mệt.
Mặc dù điều kiện khó khăn như thế, nhưng đến với Đức Mẹ Sầu Bi Măng Đen năm nay, chúng tôi cảm nhận những ai đã đến với Mẹ thì Mẹ không để họ về tay không. Bao ơn lành của Mẹ có thể kiểm chứng, nhưng cũng có thể là chỉ âm thầm tác động nơi mỗi tâm hồn trong đoàn người hành hương. Hiệp cùng với lời tạ ơn và xin ơn của Đức cha chủ tế sau bài giảng, đoàn con cái Mẹ thưa lên: “Lạy Mẹ Măng Đen chúng con xin cám ơn Mẹ xin chúc tụng mẹ vì muôm ơn lành Mẹ ban cho chúng con nhất là cho chúng con lương cũng như giáo có mặt ở nơi đây trong tình nghĩa anh em con một Cha”
“Lạy Mẹ Măng Đen, chúng con chạy đến với Mẹ xin Mẹ nghe tiếng đoàn con van nài và xin cho chúng con, cho tất cả anh chị em đặt biệt đang gặp khó khăn thử thách trên khắp nẻo đường của trần gian này.
“Lạy Mẹ Măng Đen, xin luôn dẫn dắt chúng con đến với Thiên Chúa là Cha độc nhất, chân thật để chúng con biết lắng nghe lời Chúa cùng nhiệt tâm đem lời Chúa đến cho anh chị em chúng con qua cuộc sống yêu thương phục vụ hết tình như Mẹ”
VRNs tại Kon tum
Không có nhận xét nào: