Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh: Hướng Giải Quyết Cho Giáo Xứ Đăk Jâk - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
19 tháng 1, 2015

Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh: Hướng Giải Quyết Cho Giáo Xứ Đăk Jâk

VRNs (18.01.2015) – Trong suốt mấy ngày qua, bà con giáo xứ Đăk Jâk rất lo lắng, mất ăn mất ngủ khi công an Xã, Huyện xuống giáo xứ hoạnh họe, đe dọa đòi tháo dỡ ngôi nhà thờ tạm, mà bà con đã dựng lên từ tháng 4.2013 làm nơi thờ phượng Thiên Chúa được tôn nghiêm hơn. Họ cũng đưa ra đòi hỏi vô lý, buộc Cha Đa Minh Trần Văn Vũ, người được Đức Giám Mục Giáo phận cử về chăm sóc đàn chiên, phải dời khỏi Giáo xứ.

Tại VN, các linh mục, tu sỹ truyền giáo cho người Kinh còn gặp nhiều khó khăn, huống chi là bà con Dân tộc với nhiều ngôn ngữ khác nhau và với nhiều nền văn hóa đa dạng, nhưng các linh mục và tu sỹ đã dấn thân hy sinh để có thể giới thiệu Thiên Chúa đến cho bà con trên vùng cao. Nỗ lực của các Ngài luôn bị chặn đứng bởi nhà cầm quyền địa phương, hạn chế và xâm phạm quyền tự do Tôn giáo…

Sau đây, VRNs chúng tôi rất hân hạnh được tiếp chuyện với Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum về những nỗi khó khăn liên quan đến tình hình của giáo xứ Đăk Jâk, cũng như sự gian truân của các linh mục, tu sỹ khi truyền giáo cho bà con dân tộc thiểu số. Cuộc phỏng vấn được thực hiện vào ngày 17.01.2015

Huyền Trang, VRNs: Kính thưa Đức cha, trước hết, chúng con xin Đức cha cho chúng con được biết một số thông tin về Giáo xứ Đăk Jâk thuộc Giáo phận Kontum ạ?

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh: Có lẽ phải lấy năm 1972 làm mốc. Xứ Đăk Jâk được thành lập từ 1957, đã có giáo xứ, có nhà thờ và đông đảo giáo dân. Nhưng năm 1972, do chiến tranh, nhà thờ bị phá hủy và dân chúng đã tản mác đi khắp nơi. Sau năm 1975, họ quay trở về, lập nghiệp lại và hiện nay số giáo dân lên gần 6000 người. Nằm ở trong huyện Đăk Glei – nơi đó có một số giáo xứ đã cũ từ trước trong đó có Đăk Jâk. Với con số gần 6000 giáo dân gồm người Xê Đăng, người Deh và các Sắc tộc khác đã và tiếp tục sinh hoạt tôn giáo.

Cách đây 4 năm, tôi gửi cha Đaminh Trần Văn Vũ lên để quản nhiệm và phục vụ anh chị em, vì nhà thờ chưa có nên chúng tôi chấp hành chính sách của Nhà nước là xin phép xây dựng nhà thờ và phục hồi giáo xứ, nhưng xin miết cũng không được. Do nhu cầu tôn giáo đông đảo của bà con mà cứ ngồi ngoài mưa, ngoài nắng suốt bao năm tháng cho nên bà con giáo dân đã tự dựng nên một cái nhà nguyện tạm, trong khi chờ đợi nhà cầm quyền cứu xét cho xây dựng nhà xứ và nhà thờ mới. Nhà cầm quyền yêu cầu gỡ nhà thờ tạm nhưng chúng tôi đã làm phép và dâng cho Chúa rồi. Chúng tôi trao đổi với nhà cầm quyền rằng, nhà thờ tạm sẽ dỡ vì đó là tạm mà, vậy thì xin nhà cầm quyền giải quyết bằng cách đáp ứng cái yêu cầu đã lâu năm là cho xây dựng một nhà thờ mới để thay thế. Nhưng cuối cùng cũng chưa đi đến đâu cả và sự việc kéo dài cho đến hiện nay. Rất tiếc là như vậy!

Huyền Trang, VRNs: Kính thưa Đức cha, chúng con được biết, nhà cầm quyền ra hạn chót cho việc tháo dỡ nhà thờ Đăk Jâk vào ngày 17.01.2015. Kính thưa Đức cha, tình hình hiện nay là ra sao ạ?

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh: Hiện nay, tôi đang bận đi dự lễ ở Sài Gòn và chuẩn bị ra Hà Nội để đón tiếp Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, cho các Dân tộc. Cho nên tôi chưa biết tình hình ở đó như thế nào. Nhưng, tôi nghĩ rằng, tình hình cũng ổn thôi vì hai bên đang thảo luận, trao đổi với nhau để giải quyết cho êm đẹp.

Huyền Trang, VRNs: Kính thưa Đức cha, chúng con được biết, Đức cha có cuộc họp với UBND Huyện và buổi tiếp xúc với ông Giám đốc Công an Tỉnh. Kính thưa Đức cha, xin ngài có thể cho chúng con biết một vài thông tin về các buổi gặp này và cách giải quyết bên phía nhà cầm quyền như thế nào ạ?

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh: Ngày 22.08.2014, phái Đoàn do ông Bí thư của huyện Đăk Glei với bà Chủ tịch Huyện thăm và trao đổi với chúng tôi về vấn đề này. Chúng tôi đi đến một kết luận trong văn thư 145, ngày 22.08.2014, gửi cho UBND Tỉnh và Huyện. Chúng tôi chấp nhận giải pháp do ông Bí thư Huyện đã đề nghị và có sự đồng tình của cả phái Đoàn trong đó có bà Chủ tịch. Thôi sự việc đáng tiếc đã xảy ra rồi, cho nên bây giờ giải quyết bằng hai bước.

Bước thứ nhất, với tư cách Giám mục, chúng tôi lập lại chính thức với nhà cầm quyền bằng một cái đơn xin chính thức công nhận lại giáo xứ Đăk Jâk và cho xây dựng nhà thờ. Bước thứ hai, trong khi UBND Tỉnh cứu xét đơn đó, thì UBND Huyện sẽ cho chúng tôi một cái giấy chính thức để dựng nên một cái nhà thờ tạm, khi có cái giấy đó thì ngay lập tức chúng tôi sẽ gỡ ngôi nhà thờ tạm hiện nay.

Hôm qua, ông Giám đốc Công an Tỉnh Kontum, tức là Thiếu tướng Lê Duy Hải có gọi cho tôi hỏi về tình hình này. Giữa chúng tôi xác định chuyện Đăk Jâk là chuyện nhỏ, từ từ giải quyết với nhau trong ôn hòa. Ông Thiếu tướng rất tiếc là mấy anh em công an trên Huyện, Xã đã đến [giáo xứ], làm cho giáo dân hiểu lầm là gỡ nhà thờ tạm. Ông Thiếu tướng cũng rất tiếc anh phóng viên nào đó đã làm to chuyện ra. Hiện nay, ông ấy không biết anh phóng viên đó chạy đi đâu.

Theo như tôi nghĩ, chúng tôi có kinh nghiệm làm việc với ông Thiếu tướng, tôi cảm thấy, ông rất có cảm tình và rất thông cảm với chúng tôi, và ông luôn luôn tìm mọi cách giải quyết ổn thỏa cho những nhu cầu chính đáng của người giáo dân. Chúng tôi rất biết ơn ông Thiếu tướng đó.

Huyền Trang, VRNs: Kính thưa Đức cha, chúng con xin Đức cha chia sẻ với chúng con về hướng tương lai là làm thế nào để có thể hạn chế những hành vi xâm phạm Quyền tự do Tôn giáo nói chung, và quyền thực hành các hoạt động tôn giáo nói riêng của Cha xứ và bà con giáo dân Đăk Jâk ạ?

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh: Tôi nghĩ chìa khóa nằm ở chỗ dân, tức là tất cả vì hạnh phúc của người dân trong đó có người dân có Đạo, và nhà cầm quyền cũng như tất cả mọi văn bản pháp luật đều phải chú ý đến điều này. Nhưng rất tiếc trong hiện tình cũng như trong quá khứ, hình như nhà cầm quyền đã quá nặng nề vấn đề về Luật, Luật… Cho nên với vấn đề hệ thống Luật và cách tổ chức như hiện nay, tôi có kinh nghiệm rằng, tất cả các anh em nhân viên ở các địa phương họ rất khổ tâm, họ khổ tâm hơn chúng tôi nữa, họ rất thương chúng tôi nhưng họ không thể giải quyết được vì vượt quyền hạn. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng, phải có những điều luật thông thoáng hơn nữa và phải có những con người hiểu những nhu cầu tôn giáo, thì mới có thể giải quyết ổn thỏa, còn nếu không vấn đề nó cứ kéo dài miết như hiện nay.

Huyền Trang, VRNs: Chúng con xin chân thành cám ơn Đức cha và chúng con kính chúc sức khỏe Đức cha.

Đó là những lời chia sẻ của vị chủ chăn với những nỗi vất vả, khó khăn của các vị mục tử khi đến với, ở với và sống với những người đồng bào trên Cao nguyên.

Giáo dân Giáo xứ Đăk Jâk đa phần là bà con dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu vùng xa -là những người được Nhà nước này quan tâm một cách đặc biệt, thậm chí họ còn lập ra một Ban chỉ đạo Tây Nguyên để giải quyết những vấn nạn đến từ bà con các Dân tộc Tây Nguyên. Trong khi đó, các vị Chức sắc tôn giáo truyền giáo ở các vùng cao đã giúp bà con cải thiện đời sống được tốt hơn, “đem cái chữ” đến cho con em của họ, tạo điều kiện nơi ăn, chốn ở cho các con em người Dân tộc theo học các cơ sở giáo dục của nhà nước, giúp các gia đình biết cách trồng trọt, chăn nuôi… làm ăn phát triển hơn, nhưng nhà cầm quyền lại luôn tìm cách gây khó khăn cho các vị Chức sắc trong việc truyền giáo. Đó là nghịch lý của chủ thuyết vô thần ở VN.

Huyền Trang, VRNs
Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh: Hướng Giải Quyết Cho Giáo Xứ Đăk Jâk Reviewed by Unknown on 1/19/2015 Rating: 5 VRNs (18.01.2015) – Trong suốt mấy ngày qua, bà con giáo xứ Đăk Jâk rất lo lắng, mất ăn mất ngủ khi công an Xã, Huyện xuống giáo xứ hoạnh...

Không có nhận xét nào: