BBC: Ảnh bên: Đại tá Lê Trọng Nghĩa, một nạn nhân trong vụ 'Xét lại chống Đảng' vừa qua đời hôm 22/2/2015.
Cập nhật: Chương trình sẽ được phát trực tiếp tại http://bit.ly/1FDsMcO từ 19:30 tới 20:00 giờ Việt Nam hôm 27/2/2015. Xin lỗi quý vị vì Google gặp trục trặc kỹ thuật nên chương trình Hangout không thể phát theo đúng lịch hôm thứ Năm 26/2.
BBC và các khách mời thảo luận về việc có nên công khai mở lại hồ sơ vụ án “Xét lại chống Đảng” được cho là có nhiều dấu hiệu ‘oan sai’, ‘chưa tường minh’, nhân việc một ‘nạn nhân’ của vụ án trên dưới nửa thế kỷ trước vừa qua đời.
Đó là Đại tá Lê Trọng Nghĩa, Nguyên Cục trưởng Cục Tình báo Quân đội Bắc Việt, cựu Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Một văn bản được cho là dự thảo “Di chúc” của Đại tá Nghĩa, người vừa qua đời hôm Chủ Nhật, 22/2/2015, nói ông Nghĩa yêu cầu Đảng và Chính quyền, mà cụ thể trong đó là Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đảng Cộng sản “minh oan” và “phục hồi danh dự” cho ông.
Ông cũng khẳng định ông không phải là “gián điệp”, “phản bội” mà đã bị ghép vào vụ xét lại chống Đảng vì ông là cấp dưới của Tướng Giáp.
Một số câu hỏi được BBC và các khách mời trong cuộc Tọa đàm tuần này đặt vấn đề:
Cần làm gì với vụ án xét lại chống Đảng? Phải chăng đã tới lúc mở lại hồ sơ để tìm hiểu nguyên nhân, động cơ của vụ việc, xem xét xem đây có phải là một vụ án oan sai hay không, hay thậm chí đây là một vụ án được người ta dựng lên?
Nếu đây hoàn toàn là một vụ án “giả”, được dựng lên với ý đồ chính trị, không chỉ dừng lại ở ‘đấu đá nội bộ, tranh đoạt quyền lực’, mà thậm chí liên quan tới ‘đường lối đối ngoại’, quan hệ với Trung Quốc, hoặc nước ngoài khi đó của Đảng Cộng sản, thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm?
Nếu đúng là một vụ án ‘tạo dựng’, gây ra “oan sai”, những người là nạn nhân có thể và có nên được công khai phục hồi danh dự, minh oan hay là không? Thậm chí họ có thể được bồi thường tinh thần và vật chất cụ thể hay không?
Trường hợp Lê Trọng Nghĩa?
Đại tá Lê Trọng Nghĩa trong một lần tiếp phóng viên báo chí Việt Nam ở trong nước.
Các khách mời của BBC cũng đề cập trường hợp cụ thể của Đại tá Lê Trọng Nghĩa, và bàn xem trường hợp của ông cần và có thể xử lý như thế nào?
Tại sao lâu nay nhà nước, chính quyền không xử lý, ‘đáp ứng’ nguyện vọng của ông Nghĩa, cụ thể, ông Nghĩa trong tài liệu được cho là Dự thảo Di chúc của ông, nói ông đã nhiều lần đề nghị tổ chức, chính quyền xem xét, giải quyết nguyện vọng, nhưng không được đáp ứng.
Tại sao lại như vậy, và tới đây đảng, chính quyền, quân đội Việt Nam có tiếp tục giữ im lặng như vậy và không công khai vụ án, mở lại hồ sơ và giải quyết nguyện vọng, đề nghị của các công dân là nạn nhân như ông Nghĩa hay không?
Nếu không, đâu là lý do?
Trong trường hợp, Đảng, chính quyền và nhà nước lúng túng, chưa tìm được đối sách, có thể đưa ra lời khuyên, tư vấn nào cho Đảng và chính quyền, chẳng hạn nên xử lý vụ việc ra sao, đặc biệt về mặt luật pháp, chính sách, cần dựa vào những nội dụng, nguyên tắc chính nào để xử lý.
Nhân nhìn lại vụ việc này, câu hỏi đặt ra là có còn những vụ án “tạo dựng” tương tự hay không, chẳng hạn các vụ như “Năm Châu Sáu Sứ” cũng liên quan tới Tướng Giáp và nhiều cán bộ trung cao cấp của Đảng và chính quyền, cần xử lý ra sao các vụ đó?
Có thể rút ra kinh nghiệm, bài học gì để những vụ việc oan sai không còn xảy ra nữa, nếu đúng là có các vụ án “giả tạo”, “tạo dựng” và dựa trên các “âm mưu chính trị” như vậy.
Chương trình Bàn tròn Giữa tuần hàng tuần được phát trực tiếp, trực tuyến vào lúc 19h30-20h30 giờ Việt Nam.
Trong số các khách mời tuần này, có Nhà văn Vũ Thư Hiên, Cựu Đại tá Quân đội Bắc Việt Bùi Tín, Tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ.
Không có nhận xét nào: