Ngô Nhân Dụng: Tết năm nay tình cờ tôi lại nhớ đến các bạn tôi ở Phần Lan. Nói tình cờ, vì tôi chỉ bấm con chuột vào máy vi tính, lấy một bản nhạc để nghe, không cố ý chọn trước. Theo lối “Bói Kiều” của các cụ đời xưa, mở bất cứ trang nào trong Truyện Kiều ra đọc, từ đó đoán được cụ Nguyễn Du, cô Thúy Kiều, Vãi Giác Duyên báo trước tương lai thế nào. Sáng Mùng Một Tết, trong số mấy trăm bản nhạc chứa sẵn trong máy, tình cờ con chuột bấm trúng tên Sibelius, và bản nhạc mở ra là bài Finlandia!
Âm thanh khoảng khoát, mênh mang, vươn lên như những rừng tùng bách khổng lồ bát ngát của xứ Phần Lan cho thấy năm nay sẽ là một năm tốt đẹp. Finlandia không phải là tâm sự cá nhân mà kể chuyện một dân tộc, một dân tộc nhỏ từng bị các đế quốc Thụy Điển và Nga thống trị; nhưng cuối cùng vẫn giành được độc lập. Động cơ mạnh mẽ nhất của giống dân này là bảo vệ ngôn ngữ của tổ tiên!
Nghe Sibelius phải nghĩ ngay tới Nguyễn Văn Tài ở Helsinki, Nguyễn Bá Trạc ở Turku và hơn ba ngàn người Việt khác đang sống ở xứ Phần Lan! Có lần, một người đã tâm sự, so sánh anh không được ma mắn như tôi. Anh nói: Hơn ba mươi tuổi tôi mới bắt đầu học một ngôn ngữ mới; học nói, học nghe tiếng Phần Lan cho thông thạo, cuối cùng thì cũng chỉ có bốn triệu người nói ngôn ngữ đó mà thôi! Nếu sống ở Canada như anh, tập nói tiếng Anh, tiếng Pháp, anh đã lời to, vì có thể trò chuyện với năm, bẩy trăm triệu người nói những thứ tiếng đó! Tôi giải thích với anh rằng, “Tôi chưa bao giờ được trò chuyện với một trăm, chứ đừng nói một triệu người anh ạ!” Rồi nói đùa thêm, “Nếu chạy tị nạn qua Trung Quốc thì anh có may mắn hơn không? Anh sẽ học tiếng phổ thông, sẽ trò chuyện được với hơn một tỷ người! Lời to, anh có muốn như thế không?”
Để an ủi anh bạn, tôi kể anh nghe mấy tuần trước đó, một người bạn của tôi ở Montréal, Canada vui mừng khoe rằng bà đã gặp một cô gái Việt Nam tại Tel Aviv! Cô sinh viên làm trong một quán ăn, tới đưa bà cái thực đơn, và cô nói tiếng Hebrew như một cô gái Israel có học! Bà không thể tưởng tượng được có một người Việt Nam lại đi tị nạn ở một xứ lúc nào cũng đang “lâm chiến” như quê hương tổ tiên của bà. Tổ tiên dân Do Thái đã “di tản” khỏi đất nước họ trước đây hơn hai ngàn năm! Bây giờ bà trở về thăm đất tổ, không ngờ lại gặp một cô gái Việt Nam nói tiếng “Hy Bá Lai” của tổ tiên mình (người Trung Hoa phiên âm Hebrew là Hy Bá Lai).
Người Việt Nam đi tị nạn Cộng Sản mới 40 năm. Đối với người Do Thái 40 năm là một con số thiêng liêng. Đó là thời gian tổ tiên họ đã “lang thang trong hoang dã” trước đây 3,500 năm. Câu chuyện được kể trong “sách thánh Số Mục,” cuốn thứ tư trong Kinh Torah, cũng chép trong Cựu Ước của Thiên Chúa Giáo. Dân Do Thái được ông thánh tiên tri Moses lãnh đạo thoát khỏi Ai Cập, thoát cuộc đời nô lệ, tìm về nơi “Đất Hứa” mà Jahveh đã hẹn sẽ giành cho tổ tiên họ. Nhưng họ phải lang thang trong sa mạc Sinai suốt 40 năm trước khi vào được miền “Đất Hứa.” Lý do, vì nhiều người đã mất niềm tin.
Người Việt tị nạn cũng “đi trong vùng hoang dã” trong 40 năm qua. Không phải chỉ những người tị nạn. Đồng bào chúng ta ở trong nước đã trải qua 40 năm “lang thang trong vùng hoang dã,” từ năm 1975 cho tới bây giờ.
Từ cuối thế kỷ 19, dân Việt vẫn tìm đường về miền “Đất Hứa,” là một nước Việt Nam độc lập, tự do. Chiến tranh chấm dứt năm 1975, nhưng trong 40 năm qua dân Việt vẫn “lang thang trong vùng hoang dã.” Khi dân Do Thái về đến quê cha đất tổ thì thế hệ những người khởi đầu cuộc viễn hành đã chết gần hết, thế hệ thứ nhì mới được nhìn thấy “Đất Hứa.” Năm nay, sau 40 năm chờ đợi hy vọng dân Việt sắp tới miền “Đất Hứa,” chế độ Cộng Sản đang lâm vào cảnh phá sản, chỉ còn chờ ngày sụp đổ.
Người Việt ở hải ngoại may mắn hơn đồng bào trong nước. Phần lớn họ đã thành công, ở Phần Lan cũng như ở các nước châu Âu khác và châu Mỹ. Ngay tại nước Israel, một cô gái Việt Nam da vàng đã thành một thi sĩ nổi tiếng khi kể chuyện vượt biển của gia đình cô. Trong tuần lễ cuối năm Giáp Ngọ, Bộ Canh Nông Hoa Kỳ (USDA) mới vinh danh một cặp vợ chồng người Việt Nam thành công ở Hazlehurst, tiểu bang Mississippi. Anh chị Phạm Hùng và Nancy vượt biển năm 1975, trên những chiếc thuyền câu tôm, rồi được Hải quân Mỹ vớt. Hùng định cư ở Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, đi học rồi đi kiếm việc làm. Còn Nancy sống ở vùng Ft. Worth, Texas. Họ gặp lại nhau, kết hôn và sống ở Texas. Hùng đang làm cho hãng Lockheed Aircraft thì mất việc, khi đôi vợ chồng đã có hai con. Có người thân rủ đi nuôi gà, Hùng vừa làm việc vừa học nghề. Năm 2006, lại có người mách anh một trại gà ở Mississippi đang bán, người chủ cũ muốn bán. Hai vợ chồng họ Phạm đã làm lại cuộc đời. Họ làm việc cần cù, chăm chỉ, biến khu trại gà đổ nát thành một gia sản mới. Năm 2014, nhờ chương trình Khuyến khích Bảo vệ Môi trường (Environmental Quality Incentives Program) của USDA, bây giờ trại gà của họ được khen ngợi như một nông trại kiểu mẫu! Trại sản xuất năm lứa gà một năm, mỗi lứa gần hai tháng, cung cấp cho thị trường 200,000 con gà. Hùng có thể ngồi trong nhà mình dùng máy vi tính điều khiển nhiệt độ, độ ẩm và hơi gió trong những căn trại được điều hòa không khí, với ống dẫn nước và hệ thống sưởi điện. Cũng trong Batesville, Mississippi, tại làng Batesville, tu viện Mộc Lan của Phật Giáo Việt Nam được thành lập hai năm trước khi gia đình họ Phạm tới tiểu bang này. Mộc Lan được coi là một tu viện rộng và đẹp nhất ở Bắc Mỹ, nhờ sự đóng góp của những nông dân Việt Nam lập nghiệp và thành công trong vùng. Nói chung, người Việt tị nạn tới đâu cũng có cơ hội để thành công.
Dân Do Thái phải lang thang trong vùng hoang dã suốt 40 năm vì họ mất niềm tin. Không tin họ có khả năng sống trên miền Đất Hứa như những con người tự do. Nhiều người muốn trở lại Ai Cập sống cuộc đời nô lệ. Tâm lý nô lệ ăn sâu hàng ngàn năm không dễ xóa bỏ. Phải chờ tới thế hệ thứ hai mới đủ tự tin để xây dựng một quốc gia tự do, độc lập. Những đứa trẻ lớn lên trong cuộc sống mới, đổ mồ hôi lấy miếng bánh ăn, chúng không coi sống nô lệ là cuộc đời tự nhiên; chúng mới có quyết tâm dựng nên một nước tự do, tự chủ. Người Do Thái coi đó là một bài học lịch sử ngàn đời, và họ tâm niệm không bao giờ để tâm lý nô lệ kiềm hãm mình nữa. Người Việt Nam cũng vậy. Các bạn trẻ đang lớn lên trong thời đại internet đã được nếm mùi tự do, trong tư tưởng, trong ngôn ngữ và hành động. Thế hệ này sẽ xây dựng một nước Việt Nam tự do và độc lập thật sự. Nhất định không chịu cúi đầu chờ nghe ý kiến từ Bắc Kinh nói vọng sang. Người Việt đã chịu đựng một ngàn năm nghe người ta ra lệnh bằng tiếng Tàu. Không thể chấp nhận được, đã đứng dậy đòi độc lập. Cũng như dân Phần Lan đã dứt khoát không chịu nghe lệnh bằng tiếng Thụy Điển hay tiếng Nga.
Tại Phần Lan, tôi đã nhờ một người bạn của Nguyễn Văn Tài sống ở Turku đưa tới ngôi nhà tưởng niệm Jean Sibelius. Chúng tôi ngồi xuống nghe bài Finlandia, trong hội trường có một đám học sinh tiểu học cũng ngồi chờ. Thầy cô dẫn các em tới, các em ngồi im lặng nghe bài nhạc mươi phút, trang nghiêm như trong một giáo đường. Ước chi nước mình có một ngôi nhà tưởng niệm Nguyễn Du như vậy, để các học sinh tới đó ngồi im lặng nghe các cụ bà kể Kiều, ngâm Kiều, và các em có thể thử lẩy Kiều, tập Kiều, bói Kiều một lần trong đời! Ước chi khi thế hệ thứ ba của người Việt tị nạn năm 1975 về thăm quê hương Việt Nam thì các em sẽ được tới một ngôi Nhà Nguyễn Du để thử các trò chơi văn hóa đó. Nếu chúng ta còn giữ được tiếng Việt. Ngay thế hệ đang sống ở hải ngoại bây giờ, tiếng Việt đã “xơ xác” lắm rồi. Một vị độc giả mới viết về tòa báo một câu như vầy: “Thưa bổn báo. Ngày đầu năm chúc bổn báo nhiều sức khỏe để phục vụ độc giả. Xin bổn báo xem lại...” Đọc một hàng chữ mà muốn khóc. Khóc vì cảm động thấy có người còn viết được tiếng Việt rành rõi. Cũng khóc vì chữ viết sai. Chỉ khi nào tờ báo tự nói về mình thì mới dùng hai chữ “bổn báo,” nghĩa là “báo của chúng tôi.” Còn khi viết gửi cho tờ báo mình nên dùng chữ “quý báo,” cũng như khi nói “quý khách,” “quý vị!” Mới thế hệ thứ hai mà đã quên tiếng Việt rồi! Mà đây chắc là lỗi của “bổn báo.” Bổn báo lắm lúc cũng viết chính tả sai tàn nhẫn! Tuần trước, có bản tin blogger Nguyễn Quang Lập được tự do. Bổn báo Người Việt viết cái tựa nói rằng nhà văn đã “được tại ngoại hầu tra,” chữ “hầu” dấu huyền! May mắn, sáng hôm sau ban biên tập thấy sai, đã sửa lại thành “tại ngoại hậu tra,” chữ “hậu” dấu nặng.
Nhưng chữ nghĩa bây giờ nó bay nhanh như điện, mấy phút đã lan ra khắp thế giới. Tin Bọ Lập được tự do bay khắp thế giới, nhiều bản tin gửi qua internet vẫn viết “tại ngoại hầu tra,” với dấu huyền! Nguyễn Quang Lập thuộc thế hệ trẻ hơn những người thuộc lớp tuổi tôi. Chúng tôi hy vọng kỳ hạn 40 năm sắp chấm dứt, vì đặt hy vọng vào thế hệ những Nguyễn Quang Lập, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, và bao nhiêu người trẻ tuổi khác. Có thể nhìn thấy họ như một rừng hoa Xuân đang nở rộ. Họ đang sẵn sàng xây dựng lại đất nước sau 40 năm lang thang trong vùng hoang dã.
Lớp tuổi chúng tôi giống như những bông hoa sắp tàn, còn cố gắng không để héo hắt sớm. Ngày Mùng Một Năm Ất Mùi, Linh Mục Nguyễn Thái ở Quận Cam giảng bài đầu Xuân đã dẫn hai câu thơ Tô Thùy Yên:
Nếu như hoa biết chiều nay rụng
Âu cũng vui mà nở sáng nay!
Phải nở, phải vui mà nở mãi. Lớp hoa nào cũng biết trách nhiệm của mình.
Không có nhận xét nào: