Người Công Giáo Tốt Là Người Biết Tham Gia Chính Trị - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
11 tháng 2, 2015

Người Công Giáo Tốt Là Người Biết Tham Gia Chính Trị

VRNs (11.02.2015): KHÁI NIỆM

Chính trị, hiểu đơn giản nhất là việc trị nước hay lo việc chung cho toàn xã hội. Làm chính trị là thuật ngữ để chỉ tất cả những hoạt động có liên quan đến việc trị nước giúp đời, xưa gọi là kinh bang tế thế. Theo nghĩa hẹp, làm chính trị là tham gia vào các thể chế phục vụ đất nước trong hệ thống chính quyền.

Ở những xã hội mà nhà cầm quyền không muốn người dân quan tâm đến việc trị nước của họ, do bản chất độc tài toàn trị hay do yếu kém về nội lực, thì chính trị được hiểu như là việc thay đổi hệ thống cai trị. Và do đó, những hành động đóng góp xây dựng công ích đều bị gán cho từ “chính trị”, coi như hành động đen tối và đáng lên án.

Trong bối cảnh đó, các khái niệm bị đánh tráo, và người dân chỉ muốn an thân làm ăn (dù làm không an và thân không có ăn). Nghe những từ “chính trị”, “làm chính trị”, thì người dân sợ hãi. Họ quên mất rằng mỗi người công dân có bổn phận xây dựng quê hương, góp phần đem lại công lý hòa bình thật sự cho xã hội.

Hài hước nhất và cũng bi đát nhất là việc những người dám lên tiếng thực hành điều Giáo huấn Xã hội Công giáo dạy là “lên tiếng tố cáo bất công” liền bị gán cho từ “phản động”. Từ này nghĩa gốc là chống lại sự tiến bộ. Nhưng trong xã hội độc tài toàn trị, nó được gán cho những người yêu quê hương đất nước, muốn thúc đẩy xã hội tiến bộ.

Có những người tự nhận mình là trí thức, nhưng khi thấy ai có tâm huyết lo việc xã hội thì cũng gọi người ta là phản động. Trên các mạng xã hội, người ta đọc thấy những comment chê trách các linh mục rằng “tu hành thì lo việc nhà thờ, đừng dây vào chính trị”, khi các linh mục này lên tiếng cho công lý hòa bình. Sự ngu dốt và hèn hạ ấy làm cho đất nước thiệt thòi rất nhiều, đồng thời làm bàn đạp cho sự tàn ác nẩy mầm và vươn cao.

Một trong những khí cụ mà xã hội này dùng để kết án con người là cắt xén. Vầng trăng có thể xẻ làm đôi, nhưng một câu nói hay một đoạn văn, nhất là một định nghĩa thì không thể cắt xén được. Mọi cắt xén để phục vụ cho những ý đồ sai trái là tội ác, hay ít ra là trái ngược với liêm sỉ trí thức. Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã “bị cắt xén” một cách thô bạo và bây giờ toàn thể lương tri nhân loại đã nhìn thấy sự thật.

Đức Thánh Cha Benedictô XVI bị cắt rời câu nói “một người Công Giáo tốt cũng là một công dân tốt” không theo kiểu người ta cắt xén Đức Tổng Giuse, nhưng bị cắt theo kiểu định nghĩa sai lạc. Gần đây nhất, trong vụ việc tại Mỹ Luông, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và các vị chủ chăn của giáo phận Vinh cũng bị cắt xén cách này cách khác.

Vậy thế nào là một người Công giáo tốt theo đúng ý nghĩa mà Chúa Giêsu là Hiền Thê của Người là Hội Thánh giảng dạy? Và bổn phận người Công giáo đối với “chính sự” ra sao?

Nhân đây xin chú ý một nguyên tắc: người ngoài một tổ chức không có tư cách để quy định bất cứ điều gì về thành viên của tổ chức đó, dù họ có thể nhận xét hay phê bình. Chẳng hạn một người đi đường không thể vào một trường học để quy định: giáo viên tốt của trường phải là một giáo viên biết nhảy đầm (!). Cũng tương tự như thế, không có một con người hay tổ chức nào của thế gian u tối có quyền quy định tư cách “công dân Nước Trời”. Anh không thể là một người vừa chống đối Thiên Chúa và Giáo Hội, vừa lên mặt định nghĩa “người Công giáo tốt”.

Vậy chúng ta phải hiểu “Người Công giáo tốt là một người công dân tốt” như thế nào?

Người Công giáo tốt là người công dân tốt

Người Công Giáo tốt trước hết là người yêu mến Chúa và luôn tuân giữ lề luật của Chúa, nhất là luật yêu thương. Lý tưởng của người Công giáo là nên thánh, nên trọn hảo như Chúa Giêsu truyền dạy (cf. Mt. 5,48). Và khi chu toàn luật mến Chúa yêu người, người Công giáo tái hiện cuộc sống và Lời giảng dạy của Chúa Giêsu để làm chứng cho Người giữa thế gian. Chính việc làm chứng tá theo lệnh truyền của Thầy mình, người Công giáo thể hiện mối tương quan của mình đối với xã hội trần thế. Nói khác đi, một người Công giáo tốt là người thực hiện trọn vẹn bổn phận của mình xét như thành phần của xã hội.

Ngày 27/6/2009, khi tiếp kiến các Giám Mục Việt Nam, Đức Thánh Cha Benedicto XVI trong diễn từ của mình đã khích lệ người Công Giáo Việt Nam hãy thể hiện qua cuộc sống hàng ngày tình bác ái, sự chân thật và tình yêu mãnh liệt của họ cho thiện ích chung của xã hội để mọi người nhận ra chân lý rằng “Người Công Giáo tốt là người công dân tốt”.

Ở đây cần phải nói rằng cái khẩu hiệu “tốt Đạo đẹp đời” được giăng mắc ở một số nơi trên đất nước này, nhất là cái trong thời thông tin bị chặn nhiều năm trước là khẩu hiệu rỗng tuếch và mị dân, được phổ biến do cái tờ báo rau xanh có cái tên rất kêu “Công giáo và Dân tộc” cùng với ông tổ của nó là “nhóm đàn két” đặt ra.

Cái loại đẹp đời theo kiểu hùa theo và hưởng thụ ấy không khác là bao so với kiểu bà Eva một đàng muốn sống tốt như một sinh linh được Thiên Chúa tạo thành, đàng khác lại muốn “đẹp cuộc đời” con rắn. Bao nhiêu bi luỵ và khốn khổ cũng từ việc đẹp mặt thế gian ấy mà ra. Phải hiểu rằng “đẹp đời” trong cái khẩu hiệu đó không phải là làm đẹp cho cuộc sống mà là đẹp lòng đời, đẹp lòng thế gian.

Trong cái não trạng ấy thì câu nói của Đức Thánh Cha Benedicto XVI được đón nhận và giải thích một cách rất trần tục, thiếu sót và thậm chí sai lạc nữa. Người ta cố tình giải thích rằng người công dân tốt là người sẵn sàng chấp nhận mọi mệnh lệnh và luật lệ trần thế, bất kể mệnh lệnh luật lệ ấy có trái ngược luật Chúa hay không.

Một người mẹ sắp sinh đứa con thứ ba sẵn sàng giết chết đứa con trong bụng mình là một người “công dân tốt” của nước xã hội chủ nghĩa vì thực hành luật về kế hoạch hoá gia đình! Một thanh niên cúi mặt khoanh tay khi đồng loại của mình bị áp bức là người “công dân tốt” vì biết “giữ gìn an ninh trật tự” theo định hướng này định hướng kia! Một linh mục hay tu sĩ không lên tiếng cho công lý là người “công dân tốt” vì biết an phận, lo cho phần rỗi chính mình là đủ mà không cần biết rằng Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo dạy phải chăm lo cho cả phần xác của đàn chiên!

Thế nhưng, trước mặt Thiên Chúa và trong lòng Hội Thánh, những con người sống như thế lại không phải là người Công giáo tốt, trước hết vì họ không sống cho tình yêu, hoặc ghê gớm hơn nữa, họ là kẻ giết người hay đồng loã với những kẻ đàn áp con người. Mà có tôn giáo nào coi kẻ sát sinh là tín đồ tốt đâu. Trong những xã hội coi trọng văn minh sự sống thì những con người ấy vẫn không thể là công dân tốt. Dù là thầy tư tế hay người tự nhận là ngoan đạo thì vẫn bị lên án nếu họ đi ngang qua một người bị lâm nạn mà lại rẽ đường khác, không sẵn sàng cứu giúp nạn nhân như người Samaritanô nhân hậu.

Người Công giáo tốt là người biết tham gia vào chính trị

Ngay từ thời Chúa Giêsu, các môn đệ vẫn được Người khuyến khích xây dựng trần thế theo những cách thức phù hợp. Các ông cùng với Người chăm sóc cho người đau yếu, bệnh tật và nghèo túng. Các ông cũng quan tâm đến các vấn đề xã hội như việc đóng thuế chẳng hạn.

Sách Tông đồ Công vụ thuật lại rằng sau khi Chúa Giêsu về Trời, các Tông đồ bị lãnh đạo thời bấy giờ cấm rao giảng Tin Mừng và bị họ hành xích, bách hại. Thánh Tông đồ Phêrô đã cương quyết trả lời: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người”.

Khi Đức Thánh Cha nói “một người Công giáo tốt là một người công dân tốt” là ngài muốn nói đến ý nghĩa khách quan và phổ quát của từ ngữ người “công dân tốt”, ấy là người biết góp phần xây dựng xã hội trên nguyên tắc công bằng, yêu thương và tôn trọng nhân phẩm. Điều này lại ngược với tiêu chí “công dân tốt” theo chiều hướng xã hội chủ nghĩa.

Người ta cố ý cắt xén và hiểu sai lời Đức Thánh Cha Benedicto XVI theo chiều hướng xã hội chủ nghĩa, và do vậy một số người, kể cả người Công giáo, tưởng rằng là người Công giáo tốt là người thụ động, cam chịu bất công và tuân theo luật đời bất chấp luân thường đạo lý.

Mà khi sống đúng tinh thần Kytô giáo, theo đúng giáo lý, lề luật, Kinh Thánh và Giáo huấn xã hội Công giáo, thì người môn đệ Chúa Giêsu góp phần làm thăng tiến xã hội trần thế. Khi đóng góp cho xã hội trần thế như vậy, thì người Công giáo làm chính trị. Làm chính trị theo nghĩa rộng là quan tâm đến các vấn đề xã hội, tìm cách loại bỏ những gian tà và ác độc để hướng xã hội đi lên theo con đường yêu thương, con đường tự do, con đường tôn trọng và bảo vệ công lý và sự thật.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy cảm hứng từ thư của Thánh Phaolô gửi Timôthê để nói về trách nhiệm của nhà cầm quyền lãnh đạo và lời mời gọi tín hữu cầu nguyện cho họ. Ngài nói như sau:

“Một người Công Giáo tốt là người biết tham gia vào chính trị”, tham gia và đóng góp nhiều điều tốt nhất có thể như: “ý tưởng, kiến nghị, nhưng trên hết là lời cầu nguyện” cho những viên chức chính quyền, để họ biết yêu thương người dân, khiêm nhường, lắng nghe những ý kiến khác nhau của người dân để chọn ra phương cách tốt nhất.

Đài phát thanh Vatican dẫn lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: Những nhà cầm quyền “phải yêu thương người dân của họ” bởi vì “một lãnh đạo mà không yêu thương dân thì chẳng thể nào cầm quyền được. Họ có thể cầm trong tay kỷ luật, họ có thể chi phối an ninh trật tự, nhưng họ không thể quản trị.”

Ví dụ như vua David, “ông rất yêu thương dân của mình”, mặc dù ông lỗi phạm rất nhiều nhưng ông vẫn cầu xin Chúa đừng trừng phạt người dân mà hãy trừng phạt ông. Vì thế, hai nhân đức của một nhà lãnh đạo là biết yêu thương người dân và có sự khiêm nhường.”

Trong bài giảng lễ ngày 16 tháng 9, 2013 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Giáo hoàng Phanxicô bác bỏ ý kiến cho rằng “một người Công giáo tốt không can thiệp vào các vấn về chính trị”. Ngài nói Người Công Giáo không nên thờ ơ với chính trị, nhưng cần đưa ra các đề nghị, cũng như cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo biết phục vụ lợi ích chung trong khiêm nhường và lòng mến.

Ngay cả hàng giáo sĩ trong Giáo Hội dù không được làm chính trị theo nghĩa hẹp là tham gia vào công việc chính quyền, nhưng các ngài vẫn phải lên tiếng cho người nghèo, cho những người bị bỏ rơi ngoài lề xã hội và cho tất cả mọi con người đau khổ. Mới đây tại Ukraina, Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Giáo Hội Công Giáo đã trả lời với nhà cầm quyền trong vụ việc các linh mục dâng lễ nơi có biến loạn như sau:

“Mặc dù Giáo Hội không làm chính trị, nhưng Giáo Hội không thể khoanh tay đứng nhìn khi các tín hữu yêu cầu được chăm sóc tinh thần. Giáo Hội của chúng tôi luôn luôn đứng về phía sự thật bất chấp tất cả các mối đe dọa và sẽ làm như vậy vì đó là sứ mệnh đã được Chúa Cứu Thế trao phó. Chúng tôi nghĩ rằng thời áp bức đã trôi qua, nhưng lá thư này khiến chúng tôi đâm ra nghi ngờ. Chúng tôi không xấu hổ về sự hiện diện của chúng tôi tại quảng trường Maidan và sẽ tiếp tục ở lại đó”.

GIÁO HUẤN HỘI THÁNH VỀ CHÍNH TRỊ

Người Công giáo là người mang hai “quốc tịch”, trước hết họ là công dân của Nước Trời. Được sinh ra và định cư trong một vùng đất nhất định của trần thế này, họ cũng là công dân của một đất nước trên thế giới. Nhưng cuộc sống của người Công giáo được điều khiển và chi phối bởi lề luật của Vương quốc Thiên Chúa. Và họ hiểu rằng lề luật ấy là tuyệt đối và bất biến.

Trong cuộc lữ hành giữa trần gian, người Công giáo với tư cách là công dân một đất nước, cũng tuân hành theo luật định của đất nước đó. Nhưng có một nguyên tắc mà không một người Công giáo tốt nào dám vi phạm: ấy là khi luật lệ trần gian đi ngược lại với lề luật của Thiên Chúa và Hội Thánh, thì người Công giáo trung thành với lề luật mà Thiên Chúa thiết định.

Hãy lấy một ví dụ đơn giản. Luật Chúa dạy là không được giết người. Các nước xã hội chủ nghĩa quy định gia đình tốt chỉ có từ một đến hai con, ai có thai đứa con thứ ba thì phải giết từ trong bụng mẹ, hay là phá thai, dùng từ hoa mỹ thì gọi là thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Và như vậy một người Công giáo tốt không thể là công dân tốt trong trường hợp linh tinh này, như chúng ta phân tích ở đoạn trên.

Cũng tương tự như thế, một số nhà nước độc tài không muốn công dân của mình tham gia vào các hoạt động chính trị theo nghĩa dám nói lên sự thật và tình thương. Những nhà nước đó chỉ muốn người dân làm chính trị theo nghĩa cộng tác vào những đoàn hội do họ lập ra, nói tiếng nói mà họ viết sẵn lời, tham gia những trò mà họ điều khiển.

Nhưng Hội Thánh là Mẹ hiền của chúng ta luôn có cái nhìn xa rộng và nhân ái. Hội Thánh muốn con cái mình làm chứng cho Tin Mừng bằng việc thực thi huấn lệnh của Đức Kytô là Thầy và là Chúa.

Trong thời cận đại, Đức Giáo Hoàng Leo XIII, một nhà thông thái, một chính trị gia lỗi lạc và là một chủ chăn thánh thiện, trong triều đại của mình đã hết lòng vì một xã hội trần thế hoà bình và công bằng. Ngài dạy rằng mọi cơ chế triều đại của thế gian cần phải được thay đổi để nên tốt hơn.

Ngài viết: “Chỉ có Giáo hội Kitô đã và sẽ đang bảo tồn chắc chắn hình thái cai trị của mình. Vì được thiết lập trên nền tảng là Đấng đã có, đang có và vẫn có đời đời, Giáo hội ngay từ đầu đã nhận được những gì cần thiết để theo đuổi sứ mạng thần linh ngay giữa dòng lưu chuyển của vạn vật nhân trần. Còn đối với các xã hội thuần túy nhân loại, thì thời gian là yếu tố biến đổi vĩ đại cho mọi sự trần gian, như một sự kiện đã ghi khắc cả trăm lần trong lịch sử, tạo nên những thay đổi sâu xa về cơ chế chính trị…” (Thông điệp “Giữa Muôn Điều Lo Ngại”, 1892).

Nhưng nổi bật hơn cả, thông điệp “Rerum Novarum’ (Tân Sự) năm 1891 của ngài đã thúc giục con cái của Hội Thánh lên tiếng về mọi vấn đề trong xã hội. Thông điệp lừng danh này đã đặt nền móng cho Giáo huấn Xã hội Công giáo mà sau này Đức Hồng Y Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã có công tóm lược thành hệ thống.

Sau này Thánh Công Đồng Vatican II và các vị Giáo hoàng sau đó cũng lên tiếng về các vấn đề chính trị xã hội một cách rõ ràng và dứt khoát.

Chẳng hạn Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes của Thánh Công Đồng giới thiệu khuôn mặt của một Giáo Hội “thấy mình thật sự liên đới sâu xa với loài người và lịch sử nhân loại”.

Xin trích lại số 96 của bản Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo: “Gaudium et Spes trình bày một cách hệ thống các chủ đề về văn hoá, về đời sống kinh tế và xã hội, hôn nhân và gia đình, về cộng đồng chính trị, về hoà bình và cộng đồng các dân tộc, dựa trên quan điểm nhân học Kitô giáo và sứ mạng Giáo Hội. Mọi sự đều được xem xét bắt đầu từ con người và hướng tới con người, “thụ tạo duy nhất mà Thiên Chúa muốn vì chính nó”.

Xã hội, cơ cấu và sự phát triển xã hội phải được hướng tới chỗ giúp “con người tiến bộ”. Lần đầu tiên, Huấn Quyền Giáo Hội, ở cấp cao nhất, nói nhiều về các khía cạnh thế trần khác nhau của đời sống Kitô hữu: “Phải công nhận rằng sự quan tâm của Hiến chế đối với những sự thay đổi về xã hội, tâm lý, chính trị, kinh tế, luân lý và tôn giáo càng ngày càng thúc đẩy… mối quan tâm mục vụ của Giáo Hội đối với các vấn đề của con người và việc đối thoại với thế giới”. (HTXHCG, 96)

Ngày hôm nay Giáo Hội vẫn lên tiếng trước các vấn nạn của con người: việc đàn áp, hạn chế tự do, phá thai, sông vô luân, tệ nạn xã hội, tham nhũng, các vấn đề hôn nhân v.v…

Giáo Hội không làm chính trị và Giáo Hội cũng cấm hàng giáo sĩ làm chính trị nghĩa hẹp là tranh giành quyền lực, tham gia các chính đảng hay tham gia công quyền. Nhưng nếu xét chính trị theo nghĩa thăng tiến phẩm giá con người và trả lại cho con người quyền tự do mà Thiên Chúa phú ban như bản chất của con người, thì Giáo Hội đang thực hiện một cách hoàn hảo.

Ở đây cũng cần mở ngoặc để giải thích thêm rằng những linh mục tham gia vào các tổ chức chính trị như ủy ban đoàn kết mà người dân hay gọi là đàn két, là làm sai luật Giáo Hội. Cũng có linh mục nói: “Tôi vào cho có chứ tôi làm gì đâu ngoài chuyện đi họp”. Ông linh mục ấy nói thế còn thiếu một điều quan trọng: nói không làm gì là sai, vì có làm gương xấu!

Việc tham gia vào các thể chế trần thế trong lãnh vực của mình là bổn phận của người tín hữu giáo dân.

Cần phải lưu ý ngay là Học Thuyết Xã Hội Công Giáo nhắc nhở: “Đức Giêsu – vị Mêsia được hứa trước – đã phản đối và đã vượt thắng sự cám dỗ của chủ nghĩa cứu thế bằng chính trị, mà điển hình là bắt các dân tộc chịu khuất phục mình (x. Mt 4,8-11; Lc 4,5-8). Người là Con Người xuất hiện “để phục vụ và để hy sinh tính mạng mình”

Điều này có thể làm cho một số người lầm tưởng rằng phải yêu thương kẻ thù, nghĩa là chấp nhận mọi thua thiệt để cứu rỗi họ. Nhưng vấn đề là yêu thương và đồng lõa là hai khái niệm khác biệt. Không bắt người khác khuất phục mình, không có nghĩa là mình phải chịu khuất phục để làm theo những điều sai lạc.

Tham gia chính trị trước hết là “Xem con người là nền tảng và mục tiêu của cộng đồng chính trị”. Điều này có nghĩa là trước hết phải nỗ lực làm cho phẩm giá con người được nhìn nhận và tôn trọng, bằng cách bênh vực và phát huy các quyền căn bản và không thể tước đoạt của con người. (HTXHCG 388).

Từ việc nhìn nhận nhân phầm con người và tôn trọng con người, việc tham gia chính trị sẽ thúc đẩy phát triển xã hội và làm cho xã hội thành cộng đoàn yêu thương như Thiên Chúa mong muốn.

Việc tham gia chính trị còn là “Không được cộng tác, dù chỉ là hình thức, vào những việc ngược với luật Chúa, dù đã được luật pháp dân sự cho phép, đó là một nghĩa vụ quan trọng của lương tâm”.

Không những người Công giáo phải tố cáo và lên án điều trái với lương tâm, với luật Chúa, mà còn phải phản kháng khi có thể. Có người cho rằng phải phản kháng ôn hòa trong mọi trường hợp. Thưa không. Giáo Hội dạy:

“Phản kháng bằng vũ khí trước sự đàn áp của chính quyền là điều không chính đáng, trừ khi thoả mãn được các điều kiện sau đây: 1/ có sự xâm phạm các quyền căn bản của con người cách chắc chắn, nghiêm trọng và kéo dài; 2/ đã sử dụng hết mọi phương thế khác để sửa đổi mà không kết quả; 3/ phản kháng như thế sẽ không gây ra những bất ổn tệ hại hơn; 4/ có hy vọng thành công với những lý do vững chắc; 5/ theo lý trí, không thể dự kiến một giải pháp nào hay hơn”(Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 2243).

Ngoài ra, “sử dụng vũ khí được coi như giải pháp sau cùng để chấm dứt “một chế độ độc tài công khai và kéo dài, gây thiệt hại lớn cho các quyền căn bản của con người và làm tổn thất nghiêm trọng cho lợi ích chung của đất nước”(Thông điệp Populorum Progressio, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI).

Tạm kết luận

Chúng ta vừa đi lướt qua những nét chính trong Giáo Huấn của Hội Thánh về một lãnh vực rất quan trọng và cũng thật tế nhị. Như chúng ta vừa điểm lại, rõ ràng những cách nói “yêu thương” bâng quơ, Giáo Hội phải đứng bên lề chính trị, người Công Giáo không được dùng vũ lực trong bất cứ trường hợp nào… tất cả đều trái ngược Giáo Lý Công Giáo và trái với quan điểm của Giáo Hội.

Thật ra tất cả những kiểu nói đó thường là do tâm lý cầu an, muốn “bảo vệ vị thế của mình hơn là muốn thế mình để bảo vệ nhân vị”.

Không những Giáo Hội khuyến khích con cái mình tham gia vào chính trị để làm cho cuộc sống thêm đẹp hơn, mà Giáo Hội còn xem chính trị là việc thực hành đức ái.

Chính trị là một hình thức “tận tụy vì thiện ích chung” và như thế, là “một sự biểu hiện của bác ái” Đó là những lời tuyên bố của Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Gám Mục giáo phận Gênôva.

Trong Tông Huấn “Niềm Vui Của Tin Mừng” của Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Nếu quả thực “việc điều hoà trật tự công bằng của xã hội và nhà nước là một trách nhiệm chính trị”, thi Hội Thánh “không thể đứng bên lề cuộc đấu tranh cho công lý”. Mọi Kitô hữu, bao gồm cả các mục tử của họ, được kêu gọi bày tỏ quan tâm đối với việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đây là điều cơ bản, vì tư tưởng xã hội của Hội Thánh chủ yếu là tích cực: Hội Thánh cống hiến các đề nghị, Hội Thánh hoạt động cho sự thay đổi và theo nghĩa này Hội Thánh vạch ra niềm hi vọng phát sinh từ trái tim yêu thương của Đức Giêsu Kitô. Đồng thời, Hội Thánh nối kết “sự dấn thân của chính mình với sự dấn thân trong lãnh vực xã hội của các Hội Thánh và các Cộng Đồng Hội Thánh khác, dù trên bình diện suy tư về học thuyết hay bình diện thực hành”. (số 182)

Trong số 205, Đức Thánh Cha viết: “Chính trị, dù thường bị chê bai, vẫn là một ơn gọi cao cả và một trong những hình thức cao quí nhất của bác ái, khi nó tìm kiếm lợi ích chung”.

Vâng, khi dân Chúa, nhất là mục tử, dấn thân cho công lý, cho người nghèo, thì vẫn “thường bị chê bai”, nhưng con cái Chúa phải dấn thân, vì đó là “ơn gọi cao cả” và “một trong những hình thức cao quý nhất của bác ái”, Đức Thánh Cha của chúng ta đã khẳng định điều ấy.

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs
Người Công Giáo Tốt Là Người Biết Tham Gia Chính Trị Reviewed by Unknown on 2/11/2015 Rating: 5 VRNs (11.02.2015): KHÁI NIỆM Chính trị, hiểu đơn giản nhất là việc trị nước hay lo việc chung cho toàn xã hội. Làm chính trị là thuật ...

Không có nhận xét nào: