NV: Trong dịp Tết Ất Mùi, Việt Nam có hơn 35,000 ca cấp cứu do tai nạn giao thông với hơn 4,000 ca chấn thương sọ não; 1,500 người ngộ độc thức ăn và 6,200 ca nhập viện vì đánh nhau...
Tờ Tuổi Trẻ đưa tin từ Bộ Y Tế cho biết, trong 9 ngày nghỉ Tết (từ 15 đến 23 tháng 2), các bệnh viện ở Việt Nam đã tiếp nhận gần 195,000 trường hợp đến khám cấp cứu. Trong đó, có hơn 6,200 người nhập viện do đánh nhau, ngày cao nhất lên đến 900 ca và 11 người chết.
Thống kê sơ bộ của Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia, tính đến chiều 23 tháng 2, đã có 317 người chết.
Tai nạn giao thông dịp Tết đã cướp đi sinh mạng hàng trăm người. (Hình: otofun)
So với kỳ nghỉ Tết 2014, bình quân mỗi ngày có hơn 35 người chết vì tai nạn giao thông. Ðặc biệt, có 4 vụ nghiêm trọng làm chết 14 người, bị thương 1 người. Cụ thể tại Bà Rịa-Vũng Tàu xảy ra 1 vụ làm chết 3 người; tại Hưng Yên 1 vụ, 5 người chết; tại Hải Dương 1 vụ làm chết 3 người; tại Quảng Nam xảy ra 1 vụ làm chết 3 người.
Riêng ngày 23 tháng 2 (mùng 5 Tết) có đến 70 vụ tai nạn giao thông làm chết 44 người, bị thương 68 người.
Tin cũng cho biết, đánh nhau và tự tử phải nhập viện là hai nhóm bệnh nhân nhiều và đáng chú ý trong dịp nghỉ Tết Ất Mùi này.
Theo phúc trình chính thức của Bộ Y Tế, từ ngày 15 đến 22 tháng 2 (27 Tháng Chạp đến mùng 4 Tết) đã có trên 6,200 người phải vào viện do đánh nhau và 15 người đã chết vì nguyên nhân này. Trong đó, Ðồng Nai, Ðồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... là những tỉnh dẫn đầu.
Một ca cấp cứu vì đánh nhau trong kỳ nghỉ Tết vừa qua. (Hình: Tuổi Trẻ)
Ngoài nguyên nhân đánh nhau do va chạm giao thông, rượu chè quá chén, còn có trường hợp đánh nhau do nợ nần bài bạc. Chẳng hạn, mùng 3 Tết có tới 3 người trong một gia đình ở Ðồng Nai phải nhập viện với các vết thương rạch mặt, đâm, chém vì bị giang hồ đòi nợ.
“Người trực tiếp đánh nhau bị thương đã đành, có một số trường hợp do can ngăn hàng xóm, hay thậm chí là khách qua đường dừng lại xem đánh nhau mà bị vạ lây,” Bác Sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Cấp Cứu Tổng Hợp, bệnh viện đa khoa Kiên Giang, cho biết.
Bên cạnh đó, còn có 1,500 người đến khám vì ngộ độc thức ăn, trong đó 5 người chết. đặc biệt, tuy đã cấm đốt pháo nhưng lại có gần 60 người nhập viện do pháo nổ, trong đó nhiều nhất là vào đêm Giao Thừa với 32 ca.
Mặc dù truyền thông Việt Nam đã đồng loạt loan tin, song ông Phan Văn Vĩnh, tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát, Bộ Công An, lại phủ nhận và đưa ra số liệu trên. Theo ông Vĩnh, tình hình an ninh trật tự Tết Nguyên Ðán năm nay ở Việt Nam rất bình yên nên không thể có con số hơn 6,200 người bị thương tích do đánh nhau.
Ðồng thời, ông Ðào Quang Kỳ, giám đốc Trung Tâm Thông Tin Chỉ Huy Bộ Công An cho biết, theo thống kê của lực lượng công an, con số này không đến hàng trăm. Vì vậy, sẽ kiểm tra những địa phương mà báo chí đã đưa tin. (Tr.N)
Không có nhận xét nào: