Báo Cáo LHQ : Không Thể Phủ Nhận Tự Do Tôn Giáo Ở Việt Nam Bị Xâm Hại - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
11 tháng 3, 2015

Báo Cáo LHQ : Không Thể Phủ Nhận Tự Do Tôn Giáo Ở Việt Nam Bị Xâm Hại

Trọng Thành: Ảnh bên: Ông Heiner Bielefeldt, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tôn giáo hoặc tín ngưỡng (ảnh UN/Paulo Filgueiras)

Hôm nay 10/03 và ngày mai 11/03/2015, tình hình tôn giáo ở Việt Nam được thảo luận tại Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ở Genève, nhân một báo cáo của chuyên gia đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo, giáo sư Đức Heiner Bielefeldt. Báo La Croix có bài « Liên Hiệp Quốc xem xét tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam » giới thiệu sơ bộ để công chúng rộng rãi hiểu về nội dung chính của báo cáo, cách thức thực hiện bản báo cáo và tác động có thể của bản báo cáo.

Hiện tại, báo cáo chưa được công bố chính thức, tuy nhiên ngày 01/03, trang mạng vietnamupr.com, của một nhóm các nhà bảo vệ nhân quyền Việt Nam đã công bố văn bản dịch qua tiếng Việt. Cơ quan truyền thông của Phái bộ truyền giáo Paris MEP cũng dịch một phần chính báo cáo.

Tài liệu nói trên đưa ra một mô tả phong phú về hệ thống pháp lý về tự do tôn giáo và tín ngưỡng hiện tại ở Việt Nam. Mặc dù các tôn giáo có khả năng thể hiện sự tự trị của mình, nhưng các quyền tự do tôn giáo « bị xâm hại một cách không thể phủ nhận được, do các biện pháp độc đoán, các đe dọa, và một áp lực thường trực ». Để biện minh cho việc đàn áp chính quyền viện ra các nguyên tắc như « đoàn kết dân tộc hay trật tự công cộng ».

Phái đoàn điều tra của chuyên gia của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo đã tới Việt Nam làm việc hồi cuối tháng 8/2014, được phép đi khắp cả nước, nhưng một số nơi họ bị cấm vào, đặc biệt là Tây Nguyên, hay An Giang. Nơi mà nhiều người đoàn muốn gặp « bị công an quản thúc, bị đe dọa, bạo hành hay ngăn chặn ».

Theo Tổng biên tập tờ Giáo hội Châu Á (Eglises d’Asie), được Le Croix dẫn lời, bản cáo này sẽ không mang lại thay đổi gì lớn cho đời sống tôn giáo tại Việt Nam, tuy nhiên « Việt Nam cần đến sự hậu thuẫn quốc tế đối mặt với Trung Quốc », chính vì thế bản báo cáo chắc chắn sẽ được một số giới chức Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng. Vả lại, cũng theo La Croix, trước cuối năm nay, chính quyền Việt Nam sẽ ra một luật mới về tôn giáo, được hứa hẹn sẽ có một số tiến bộ so với pháp lệnh đang có hiệu lực.

Bắc Kinh muốn độc quyền chống ô nhiễm

Liên quan đến Trung Quốc, Le Monde có bài phân tích rất đáng chú ý về chính sách của Bắc Kinh đối với vấn đề môi trường và truyền thông, có tựa đề « Trung Quốc muốn độc quyền chống lại mây bụi ». Thông tín viên của Le Monde tại Thượng Hải vạch rõ thái độ hai mặt của Bắc Kinh, một mặt tỏ ra lắng nghe sự lo ngại của dân chúng, nhưng mặt khác làm mọi thứ để dập tắt những tiếng nói muốn chất vấn chính quyền trong vấn đề này.

Cụ thể là cùng một lúc với việc Quốc hội Trung Quốc thảo luận về nạn ô nhiễm và ông Tập Cận Bình tuyên bố sẽ thẳng tay trừng phạt những thủ phạm gây ô nhiễm, thì trên mạng internet tại Trung Quốc, một bộ phim tài liệu về mây bụi của nhà báo Chai Jing – được truy cập hàng trăm triệu đợt – đã bất ngờ bị xóa bỏ. Theo Le Monde, Bắc Kinh tiến hành cuộc thanh lọc internet, cho dù nội dung của cuốn phim tài liệu về môi trường không trực tiếp đụng đến chính sách của Nhà nước Trung Quốc.

Cũng cần nhắc lại việc chính quyền Trung Quốc vừa có một loạt cam kết giảm ô nhiễm, như giảm tiêu thụ than hàng năm từ 80 triệu tấn năm 2017 đến 160 triệu tấn năm 2020. Than trong hiện tại chiếm 2/3 tổng năng lượng Trung Quốc tiêu thụ. Theo nhận xét của một giới chức ngành năng lượng Trung Quốc, việc giảm bớt lượng than tiêu thụ trong thời gian qua tại Trung Quốc là hệ quả trước hết của việc tăng trưởng kinh tế sụt giảm, tuy nhiên chính sự bất bình của dân chúng trước tình trạng ô nhiễm trầm trọng đã đẩy nhanh quá trình này. Mà sự nổi giận của người dân mới chính là điều mà chính quyền lo ngại nhất.

Vẫn về Châu Á, nhân bốn năm thảm họa động đất-sóng thần phá hủy nhà máy hạt nhân Fukushima, báo Libération có phóng sự « Fukushima, những người tẩy rửa phóng xạ », mô tả những hệ quả khó giải quyết của các chất thải phóng xạ bất chấp nhiều nỗ lực lớn của chính quyền.

Giả thuyết Tchetchenia trong vụ giết Nemtsov : Đối lập nghi ngờ Kremli tung hỏa mù

Về vụ sát hại nhà đối lập Nga gây chấn động quốc tế, La Croix có bài « Cảnh sát Nga hướng về Tchetchenia, sau vụ ám sát Boris Nemtsov », mô tả diễn biến mới với việc cảnh sát Nga bắt năm nghi phạm người Tchechenia, trong đó một người tuyên bố tham gia sát hại ông Nemtsov, theo cơ quan điều tra. Tuy nhiên, những người đối lập quyết liệt nhất chống Putin nghi ngờ rằng giả thuyết người Tchetchenia trả thù ông Nemtsov vì những báng bổ với đạo Hồi, liên quan đến vụ tờ báo biếm họa Pháp Charlie Hebdo, là một thủ đoạn của điện Kremli tung hỏa mù để thoái thác trách nhiệm.

Theo La Croix, giả thuyết nói trên là khó tin vì không liên quan đến con người Nemtsov. Một nhà hoạt động nhân quyền nhấn mạnh B. Nemtsov chưa bao giờ có lời lẽ tiêu cực về đạo Hồi. Bên cạnh đó, người phát ngôn hiệp hội Nước Nga – Tự do Alexis Propokiev tố cáo sự không minh bạch cuộc điều tra, khi cảnh sát không trưng ra bất cứ yếu tố nào cho thấy các động cơ hay người chỉ đạo vụ ám sát này.

Dự luật cận tử Pháp : Lựa chọn khó khăn giữa trợ giúp tự sát và trị liệu thô bạo

Trở lại với cuộc tranh luận về dự thảo luật về giai đoạn cận tử tại Pháp, theo Le Figaro, rất nhiều tiếng nói cất lên chỉ trích dự luật do hai dân biểu đảng Xã hội cầm quyền, và đảng đối lập UMP đồng soạn thảo, với những lời nặng nề như « đạo đức giả », « nguy hiểm » (bài « Cuối đời : cuộc tranh luận gay go tại Quốc hội »). Tờ báo thiên hữu dẫn lời của một nhà tranh đấu lên án đây là một luật của nghị sĩ cánh hữu nhưng đi theo cánh tả. Bài « Hollande cố tìm đồng thuận » chỉ ra rằng Tổng thống Pháp phải đối mặt với những đối kháng rất lớn, những lập trường cực đoan về nhiều phía, khi ông tìm cách « làm thay đổi quan niệm, thái độ và các thực hành » vốn có trong xã hội Pháp về vận mệnh cuộc đời của những người mắc bệnh tật hiểm nghèo không có cách chữa khỏi.

Về chủ đề này, Le Monde có hồ sơ « Luật cuối đời : bốn điểm gây tranh luận ». Một trong những nội dung chính của dự luật cận tử là đề xuất sử dụng thuốc giảm đau cường độ mạnh và liên tục cho đến khi người bệnh từ giã cõi đời (sédation profonde et continue jusqu’au décès). Phía phản đối thì cho rằng đây thực chất là một thuốc độc giết người trá hình, một biện pháp để thực thi điều mà nhiều người gọi là trợ tử hay « an tử ». Trong khi đó, những người ủng hộ thì giải thích trên thực tế biện pháp dùng thuốc giảm đau như vậy đã được Ủy ban nhà nước Pháp về y tế cho phép từ năm 2010, và đây chính là một giải pháp trung đạo, không rơi vào trị liệu thô bạo dù hết hy vọng, hay trợ giúp tự sát.

Để độc giả có thể hiểu được nhiều luồng quan điểm khác nhau, mục thảo luận của Le Monde giới thiệu bốn tiếng nói tiêu biểu, của chuyên gia về đạo đức y học, của đại diện các tôn giáo, của các bác sĩ chuyên khoa và đặc biệt là tuyên bố của nhóm các cựu chủ tịch của Tổ chức chăm sóc bệnh nhân trong giai đoạn cuối đời của Pháp. Ý kiến của chuyên gia đạo đức y học và đại diện các tôn giáo nhấn mạnh tính chất vô cùng thiêng liêng, quý giá của sự sống con người, và việc chăm sóc chu đáo một con người trong giai đoạn cuối đời là điều « làm nên nền tảng của sự gắn kết của xã hội con người chúng ta », không thể thu hẹp công việc này chỉ vào trong cách làm cho người bệnh có một cái chết an lành về y học.

Trong khi đó, tuyên bố của nhóm các cựu chủ tịch của Tổ chức chăm sóc bệnh nhân trong giai đoạn cuối đời của Pháp, với tựa đề « Cuối cùng, người bệnh sẽ nằm ở trung tâm của các quyết định », đặc biệt nhấn mạnh đến ưu điểm của dự luật đang được thảo luận tại Quốc hội. Một mặt, vừa nỗ lực giảm đau đớn tối đa cho người bệnh, từ chối lối trị liệu thô bạo bằng mọi giá, mặt khác, từ chối lựa chọn chủ động kết liễu cuộc đời. Theo các bác sĩ Tổ chức chăm sóc bệnh nhân trong giai đoạn cuối đời, việc cụ thể phải làm hiện nay là « các tổ chức chuyên môn liên quan cần được đặt hàng để phối hợp làm việc với nhau, nhằm thảo ra các hướng dẫn chăm sóc mới, đối với các bệnh nhân trong giai đoạn cuối đời ».

Người thanh thản tự sát, người quyết sống dù tuyệt vọng

Cũng trong hồ sơ này, báo Le Monde có một phóng sự cảm động, kể lại việc một bệnh nhân ung thư di căn người Pháp, đã quyết định tự chọn con đường từ giã cuộc đời bằng thuốc độc, tại Thụy Sĩ. Bà Fabienne Bidaux đã ra đi « thanh thản, bình yên với nụ cười trên môi », trong vòng tay của những người thân yêu. Một người bạn nhận xét « bà ấy đã ra đi như vậy, đúng như bà mong muốn ».

Theo Libération, về luật cận tử, rất nhiều nghị sĩ đảng Xã hội đã có quan điểm mạnh hơn, với một đề nghị sửa đổi dự thảo. Bài « Giảm đau, giải pháp ít được đồng thuận » cho biết, mặc dù giải pháp « gần như chấp nhận việc trợ tử » này chắc chắn sẽ không được thông qua, vì không đủ túc số, nhưng đã có đến gần 130 dân biểu xã hội ký tên, và sửa đổi này cũng có thể nhận được sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ đảng môi trường, đảng cấp tiến và kể cả đối lập.

Về chủ đề này, Le Figaro dẫn một số ý kiến cảnh báo luật cho phép dùng thuốc giảm đau mạnh và liên tục có thể khiến mạng sống của một số bệnh nhân hiểm nghèo, nhưng chưa đến mức tử vong, bị tước đoạt « một cách lạnh lùng » bởi những người phụ trách điều trị. Le Figaro dẫn ra trường hợp Cyrille Jeanteur, đứng trước tình trạng cập kề cái chết sau tai nạn ô tô năm 1997. Nhờ sự can thiệp của người vợ là bác sĩ, bất chấp ý kiến của các nhà điều trị, ông vẫn còn sống cho đến nay.

Trang nhất các báo Pháp

Xung đột tại Tây Phi có xu hướng gia tăng với việc lực lượng Hồi giáo Boko Haram tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo. « Boko Haram, một bước ngoặt » là tựa lớn và ảnh trang nhất của Le Monde. Tờ báo cho biết hai lực lượng thánh chiến Hồi giáo bắt đầu liên kết với nhau đúng vào lúc liên quân Nigeria với các láng giềng Tchad, Niger và Cameroun mở chiến dịch lớn chống lại lực lượng vũ trang Hồi giáo địa phương này. Hình ảnh chính trên trang nhất trên Le Figaro cũng về bạo lực tại Châu Phi, nhưng ở Libya, với dòng tựa "Libya : Nhà nước Hồi giáo tìm cách xâm chiếm các cơ sở dầu mỏ".

Căng thẳng giữa Bruxelles và Hy Lạp trước khi hai bên đạt được thỏa thuận về triển hạn kế hoạch trợ giúp là chủ đề lớn của Libération qua hồ sơ trang nhất « Hy Lạp-Châu Âu. Lịch sử bí mật của một cuộc đọ sức ». Le Figaro thì dành tâm điểm chú ý cho vấn đề nợ công của Pháp « Thâm hụt : Gọng kìm của Bruxelles siết chặt nước Pháp ». Báo kinh tế Les Echos chú ý đến « Kế hoạch (tái cấu trúc) mới của hãng hàng không Air France », kế hoạch từ nay đến 2020 của Air France là san bằng khoảng chênh lệch về giá với các hãng đối thủ, hiện nay đang ở mức từ 20% đến 40%. Trong khi đó tờ báo cộng sản l’Humanité hướng cái nhìn về cuộc bầu cử hàng tỉnh cuối tháng với tựa lớn « Vals-de-Marn, những lựa chọn cấp tiến khiến cánh hữu bực bội ». Vals-de-Marns, một trong số rất ít địa phương hiện còn do đảng Cộng sản nắm, có thể ngả về hữu sau cuộc bầu cử tới.

Cuộc thảo luận về dự luật liên quan đến giai đoạn cuối đời tại Quốc hội Pháp hôm nay và ngày mai là chủ đề lớn được hầu hết các báo chú ý. « Luật về giai đoạn cận tử phải tìm thấy một sự cân bằng thực sự » là hàng tựa trên trang nhất của báo Công giáo La Croix. Cũng La Croix có bài xã luận « Một bộ luật bị kháng cự ». Le Figaro có hồ sơ trang nhất « Luật về giai đoạn cuối đời chia rẽ nội bộ cánh tả và cánh hữu ». Báo Libération thì có bài « Cuối đời : Các dân biểu bị cái chết của thân nhân ám ảnh ». Le Monde chạy hàng tựa chính trên trang nhất : « Người Thiên chúa giáo, Do thái giáo, Hồi giáo : lời kêu gọi của các tôn giáo chống lại luật về giai đoạn cuối đời ». Tờ báo dành nhiều trang cho các nhận định, tranh luận từ nhiều phía về chủ đề hết sức nhạy cảm này.
Báo Cáo LHQ : Không Thể Phủ Nhận Tự Do Tôn Giáo Ở Việt Nam Bị Xâm Hại Reviewed by Unknown on 3/11/2015 Rating: 5 Trọng Thành: Ảnh bên: Ông Heiner Bielefeldt, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tôn giáo hoặc tín ngưỡng (ảnh UN/Paulo Filguei...

Không có nhận xét nào: