Báo Cáo Về Các Trường Hợp Chính Phủ Việt Nam Xâm Phạm Quyền Tự Do Tôn Giáo Của Công Dân - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
20 tháng 4, 2015

Báo Cáo Về Các Trường Hợp Chính Phủ Việt Nam Xâm Phạm Quyền Tự Do Tôn Giáo Của Công Dân

Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo
Báo cáo số 05 - Quý I năm 2015


GNsP (18.04.2015) Tháng 1 có 6 trường hợp vi phạm vi phạm Quyền tự do tôn giáo. Cụ thể:

Trường hợp vi phạm thứ nhất

Công an Vĩnh Long ngăn chặn Giáo hội Trung ương Phật giáo Hòa hảo Thuần túy(GHTƯPGHHTT) tổ chức lễ ra mắt nhiệm kỳ 2014 – 2018.

Cụ thể, sáng ngày 02/01/2015 ông Trương Thành Long phó Tổng vụ trưởng Vụ truyền thông GHTƯPGHHTT cho biết: hôm nay GHTUPGHHTT dự định tổ chức lễ ra mắt Nhiệm kỳ 2014 – 2018 tại tư gia ông Lê Văn Sóc thuộc xã Đông Thạnh, Tx Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Từ các nẻo đường tiến đến điểm lễ công an canh giữ khắp mọi nơi.
Ông Nguyễn Văn Điền phó Hội trưởng Trung Ương GHPGHHTT kể lại sự việc: Tôi và một số đồng đạo vừa xuất phát khỏi nhà tôi tại xã Tân Phước, huyện Lai Vung, Đồng Tháp, xuất hiện một đám công an do Trần Thanh Duyệt cán bộ công an phòng an ninh tỉnh Đồng Tháp cản đầu xe tôi và một số đồng đạo không cho xe chạy.
Ông Bùi văn Luốc, Nguyễn Ngọc Tân, Nguyễn Quốc Trung, Quách Hồng Phúc, Nguyễn Thị Kim Liên, Lê Thị Vàng…vừa ra khỏi nhà tại quốc lộ 54 xã Đông Thành, Tx Bình Minh, Vĩnh Long bị cảnh sát giao thông , CS 113, công an xã, công an mật vụ, dân quân tự vệ…cản đường không cho đi.
Ông Bùi Văn Luốc Hội trưởng GHPGHHTT tỉnh Vĩnh Long tường thuật: “Mấy ngày qua bọn mật vụ công an cứ bám theo chúng tôi suốt. Sáng nay chúng tôi khoảng 10 người vừa rời khỏi nhà, bọn chúng không cho chúng tôi đi. Tôi hỏi lý do thì chúng trả lời, với tư cách là người quản lý địa phương không cho mấy chú hôm nay ra khỏi địa phương. Tôi hỏi lệnh này của ai. Bọn chúng nói không cần biết lệnh của ai. Rồi họ đuổi chúng tôi trở về nhà và tiếp tục canh giữ.”
Ông Lê Văn Sóc ban tổ chức buổi lễ cho biết: các loại công an vây kín hai đầu đường nhà tôi. Bọn chúng chặn đuổi các phái đoàn ra khỏi địa phương: Phái đoàn ông Tống Văn Chín ở An Giang, phái đoàn ông Nguyễn Văn Thơ ở Đồng Tháp, phái đoàn ông Phan Tấn Hòa ở Ô Môn, Tp Cần Thơ, phái đoàn ông Trần Văn Minh ở Vĩnh Thạnh Tp Cần Thơ, phái đoàn nhạc sĩ Hà Phương ở Tiền Giang…
Ông Trương Thành Long cho biết thêm: Trong thời gian gần đây GHPGHHTT tổ chức các ngày lễ lớn trong Đạo, đám giỗ đám lễ tuần tại các tư gia đồng đạo, hội họp… đều bị công an ngăn cản, sách nhiễu , đàn áp thường xuyên. Đặc biệt là côn an thường giả dạng côn đồ hành hung các chức sắc và tín đồ PGHH Thuần Túy.

Trường hợp vi phạm thứ 2

Các tín đồ Phật giáo Hòa hảo thuần túy tiếp tục bị sách nhiễu không cho sinh hoạt tôn giáo.
Vào lúc 09 giờ sáng ngày 09 tháng 01 năm 2015, tại địa điểm sẽ tổ chức Đại Lễ Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ tọa lạc tại xã Long Giang, huyện Chợ Mới (An Giang) , có 1 phái đoàn chính quyền cộng sản địa phương gồm có: Trung Tá Hải, Phó công an đặc trách an ninh Huyện Chợ Mới, ông Phúc đội phó an ninh huyện, các ban ngành của xã Long Giang như Chủ Tịch Xã, Chủ Tịch Mặt Trận, Cựu Chiến Binh, công an, phụ nữ trên 10 người đến gặp ông Nguyễn Văn Vinh (chủ nhà) và ông Tống Văn Chính , Hội Trưởng PGHH Thuần Túy tỉnh An Giang nói rằng: Theo thông bạch của Giáo Hội quốc doanh thì không công nhận Giáo Hội PGHH Thuần Túy và Giáo Hội này không được làm lễ Đản Sanh và yêu cầu phải gở bỏ tấm bảng Giáo Hội PGHH Thuần Túy xuống , nếu không nhà cầm quyền sẽ dùng biện pháp mạnh để gở xuống.
Đây là một hành vi xâm phạm quyền tự do tôn giáo nghiêm trọng mà chính quyền tỉnh An Giang đã làm với những tín đồ của Phật giáo Hòa hảo thuần túy.

Trường hợp thứ 3

Sở nội vụ tỉnh Kon Tum đưa ra quyết định từ ngày 07/1/2015 đến 17/1/2015 sẽ dỡ nhà thờ và trục xuất Cha xứ Đa Minh Trần Văn Vũ ra khỏi địa bàn huyện Đăk Glei
Giáo Xứ Đắk Jak, Giáo Hạt Đăk Mót , Giáo Phận Kon Tum nằm trên địa bàn 3 xã, Đăk Môn, Đăk Ang, Đăk Long, Huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, hiện nay có gần 6000 nhân danh. Giáo Xứ được thành lập từ hơn 20 năm nay. Hiện nay nhà thờ làm bằng vách nứa lợp tôn, những đã có từ rất lâu rồi, chính quyền rất nhiều lần đến đòi dỡ nhà thờ và đuổi cha xứ đi nơi khác nhưng với quyết tâm của Giáo Dân và cha xứ thì họ kiên quyết giữ cho được ngôi nhà thờ này.
Trong cuộc họp hơn 2 tiếng giữa Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh với sở nội vụ tỉnh Kon Tum diễn ra ngày 07/01/2015. Thì kết luận cuối cùng của sở nội vụ tỉnh Kon Tum đưa ra là từ ngày 07/1/2015 đến 17/1/2015 sẽ dỡ nhà thờ và trục xuất Cha xứ Đa Minh Trần Văn Vũ ra khỏi địa bàn huyện Đăk Glei
Sáng hôm nay có 5 người công an lại đến gây khó dễ đòi dỡ nhà thờ và đòi đuổi cha xứ đi, và xem như chưa có chuyện gì xảy ra, nhưng khi nghe tin chính quyền đến bà con giáo dân đã đến rất đông để cầu nguyện, một số em học sinh cũng đã bỏ học về để giữ cho được nơi thờ phượng của mình, mà họ đã bỏ công sức ra để xây dựng lên.
Chính quyền huyện Đăk Glei đang vi phạm về điều 18 tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (mọi người đều có quyền về tự do tư tưởng, nhận thức và tôn giáo. Quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, cũng như quyền tự do biểu lộ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình, với tư cách cá nhân hay tập thể, ở nơi công cộng hay nơi chốn riêng, bằng sự truyền dạy, thực hành, thờ phượng và áp dụng các nghi thức đạo giáo).

Trường hợp thứ 4: các tín đồ Tin Lành Mennonite tiếp tục bị sách nhiễu, đánh đập

Sau một loạt các cuộc trấn áp bằng bạo lực đối với các tín đồ Tin Lành Mennonite Chính thống, dẫn đến việc Hội thánh Mennonite Quốc tế tuyên bố tạm ngưng hoạt động vô thời hạn đối với chi Hội Mennonite tại Mỹ Phước I Bến Cát Bình Dương.
Cách đây không lâu, theo nguồn tin trực tiếp từ Ms Nguyễn Hồng Quang cho hay: Sáng mùng 1/1/2015, Hội Thánh Mennonite tụ tập tại nhà Mục sư Nguyễn Hồng Quang để cầu nguyện và mở tiệc mừng ngày đầu năm. Nhà cầm quyền địa phương đã cho rất đông công an chìm nổi và dân phòng đóng chốt, ngăn cản các tín đồ không cho ai vào. Nhiều tín đồ bị bắt về phường để khủng bố, đánh đập. Khi Mục sư Quang ra công an phường để can thiệp, yêu cầu họ cho biết lý do việc bắt người thì không thấy ai chịu trách nhiệm giải thích và trên đường về nhà, Ms Quang cũng bị công an đón đánh rách áo.
Sự việc không chỉ dừng lại đó, vào khoảng 4 giờ 30 phút, chiều ngày 18/1/2015, Mục sư Huỳnh Thúc Khải đến viếng thăm Ms quảng nhiệm là ông Nguyễn Hồng Quang và dự tính sẽ đi cùng ms quảng nhiệm đến họp nhóm cầu nguyện tại một địa điểm của Hội thánh ở quận 2.
Ms Quang vừa tiễn Ms Khải đi được gần 100m, thì Ms Khải bị hai thanh niên bịt mặt tấn công từ phía sau khiến ông ngã từ trên xe máy xuống đường. Vừa ngã xuống xe, hai tên côn đồ tiếp tục xông vào đánh liên tiếp vào bụng, vào mặt Ms Khải rồi lớn tiếng nói: “mày không được đi trên đường này”. Cũng xin được nói thêm, trước đó hơn 1 tuần, Ms Khải đến thăm Ms Quang đã bị những tên dân phòng ở đây đe dọa và cấm ông không được đến nhà của Ms Quang nữa.
Thấy Ms Khải – một người khuyết tật bị hành hung, Ms Quang xông vào ứng cứu, nhiều khách đi đường thấy vậy cũng lên tiếng phản đối thì hai tên côn đồ bịt mặt bỏ đi.
Khoảng chưa đầy 3 phút sau, hai tên thanh niên bịt mặt lúc nãy quay trở lại cùng với 5 người khác, tất cả đều bịt mặt, hai tay cầm gạch đá xông vào hành hung hai mục sư. Ms Khải bị đánh ngã từ trên xe xuống đất một lần nữa, và những thanh niên bắt đầu xông vào hành hung Ms Quang.
Một tên cao lớn đấm mạnh vào mặt, vào quai hàm, vào đầu của Ms Quang, những tên khác đá liên tiếp vào sườn, ngực, bụng khiến cho ông bất tỉnh ngã xuống đất. Trong lúc Ms Quang bất tỉnh, những tên thanh niên nhảy lên ngực ông dẫm đạp không thương tiếc. Ms Huỳnh Thúc Khải và một vài cư dân địa phương chứng kiến toàn bộ sự việc và họ cũng đã can ngăn nhưng đám thanh niên này tự tin đuổi mọi người đi chỗ khác và cấm họ không được xen vào chuyện đánh người của chúng.
Dân chúng thấy có người bị đánh trọng thương nên cấp tốc báo cho trụ sở công an và các chốt dân phòng gần đấy nhưng không thấy người đến giải quyết vụ việc. Mục sư Quang được một thân hữu băng bó vết thương rồi chở đến bệnh viện Gò Vấp. Tại bệnh viện Gò Vấp, Ms Quang không được chăm sóc tử tế nên thân nhân của ông phải thuê xe chở đến bệnh viện Hoàn Mỹ đường Phan Xích Long, Bình Thạnh để chữa bệnh với hy vọng rất mong manh là kết quả y khoa sẽ được công bố trung thực, khách quan.

Trường hợp thứ 5: Công an đàn áp, cướp tài sản Dòng Biển Đức tại xã Thuỷ Bằng, Hương Thuỷ,Thành Phố Huế.

Mỗi ngày có công an đóng chốt, canh gác và ngăn chặn các đan sĩ tu dưỡng, ngang nhiên xông vào đan viện với vẻ mặt hung dữ , tình hình mỗi ngày càng gay cấn hơn...
Đan Viện Thiên An là một Đan Viện thuộc dòng Biển Đức: Các Đan sĩ ở đây sống trong một nội quy theo châm ngôn:"lao động và cầu nguyện" nghĩa là họ luôn ở trong khu vực của Đan Viện để lao động và sản suất, học tập và cầu nguyện ca tụng Chúa mỗi ngày.
Từ sau năm 1975 tới nay nhà cầm quyền cộng sản đã và đang cướp đi của Đan Viện biết bao nhiêu cơ sở vật chất từ trường Thánh Mẫu , bệnh xá , ao cá...
Cho tới nay chính quyền địa phương lại đang còn lăm le muốn cướp đi của Đan Viện Đồi Thánh Giá và đồi Thánh Mẫu là hai cơ sở vật chất xung quanh Đan Viện giữ bầu khí tĩnh lặng cho Đan Viện để các Đan Sĩ dễ hồi tâm tu đức hơn và được Đan viện chăm nom , tu dưỡng từ những năm đầu tiên của Đan Viện.
Nhưng nay chính quyền điạ phuơng lại ngang nhiên dựng lều trên hai cơ sở nói trên để canh gác và ngăn chặn Đan Viện tu dưỡng hai cơ sở trên , và mỗi ngày những người canh gác lại thêm hung dữ và còn ngang nhiên xông vào bên trong Đan viện sự việc vẫn còn tiếp diễn ra và mỗi ngày xảy ra nàng gay cấn....

Trường hợp vi phạm thứ 6: Viện cớ mở đường để triệt hạ cơ sở tôn giáo

Chính quyền lấy lý do mở rộng quốc lộ, giải tỏa Thánh thất đạo Cao Đài Tuy An ở xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Bình thường giải tỏa sẽ phải đền bù giải tỏa cho chủ nhà và đất, nhưng tỉnh Phú Yên lấy cớ người quản lý Thánh thất không được nhà nước công nhận, nên không đền bù, mà lại giao số tiền đền bù cho một người do nhà nước đặt làm đại diện tôn giáo.
Việc làm này vừa xâm hại lợi ích vật chất của các tôn giáo độc lập, vừa cố tình tiêu giết các tôn giáo không chấp nhận nhà nước can thiệp.
Thánh Thất Tuy An thuộc Tộc Đạo Tuy An – Châu Đạo Phú Yên (Xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) được xây dựng từ năm 1972 đến nay, tồn tại 42 năm, sinh hoạt tôn giáo dưới hệ thống lãnh đạo của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Toà Thánh Tây Ninh trước năm 1975.
Nay nhà nước Việt Nam làm đường, nới rộng quốc lộ nên đã phạm vào hơn nữa Thánh Thất. Vì vậy Thánh Thất phải bị giải toả.
Theo luật pháp thì người đứng tên phần đất nầy là Nữ Chánh Trị Sự Đoàn Thị Thân, là người có quyền nhận lãnh phần tiền đền bù theo qui định của pháp luật về quyền sử dụng đất, nhưng chính quyền địa phương xã An Cư, huyện Tuy An và phòng Nội Vụ Huyện Tuy An đã can thiệp vào nội bộ tôn giáo, viện lý do không bồi thường cho Chánh Trị Sự Thân, họ cho rằng bà Thân không có tư cách pháp nhân của tôn giáo do nhà nước nhìn nhận, bà không theo hệ thống của nhà nước nên số tiền đền bù giao cho người của Hội Đồng Chưởng Quản quốc doanh, đó là ông Nguyễn Tu.
Đã 2 lần đồng đạo Thánh Thất Tuy An làm đơn phản đối gởi lên Xã, Huyện, Tỉnh và trực tiếp trao đổi với chính quyền.
Tờ Phản Đối lần 1 ngày 19 tháng 05 năm 2014
Tờ Phản Đối lần 2 ngày 20 tháng 09 năm 2014
Sau đó chính quyền đồng ý đền bù cho Chánh Trị Sự Thân – đại diện cho Thánh Thất, nhưng rồi cũng không bồi thường
Vào ngày 21.01.2015 Đội thi công công trình làm quốc lộ do sự chỉ đạo của chính quyền đem xe đến ủi đất của Thánh Thất, đồng đạo phản đối quyết liệt nên họ không thi công được và tạm dừng, nhưng một ngày gần đây họ sẽ cưỡng chế giải toả.

Tháng 2 có hai trường hợp vi phạm Quyền tự do tôn giáo

Trường hợp thứ nhất:
Một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy ‘bị ngăn chặn đi lại’
Một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy ở tỉnh Đồng Tháp tố cáo ông đã bị một lực lượng chặn không cho đi sinh hoạt tôn giáo trong gần một tháng qua mà không có lý do.
Ông Nguyễn Văn Điền, ngụ tại ấp Tân Thạnh, xã Tân Phước, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, nói hôm 3/2, “kể từ một tuần trước ngày 15/1 (25/11 âm lịch – ngày đản sinh Đức Huỳnh Giáo chủ) đến bây giờ, bản thân tôi đi đâu cũng không được. Đi về Thánh địa Hòa Hảo dự lễ cũng không được, đi giao lưu với các tín đồ khác và dự đám tang cũng không được.”
Vị phó hội trưởng Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) Thuần Túy cáo buộc bị một lực lượng công quyền gồm khoảng 2 người mặc sắc phụ và dưới 10 người mặc thường phục, đã ngăn cản việc ông đi lại mà “không có lý do chính thức là quản chế tại gia hay vi phạm điều nào trong luật pháp.”
Ông cho biết, “mỗi lần mình đi ra thì họ giăng hàng ngang ở đường không cho mình đi. Họ không nói sỗ sàng gì cả nhưng chỉ nói ‘Thôi hôm nay ông ở nhà, để dịp khác hẵng đi’.” Tuy nhiên, ông Điền nói “qua ngày ấy đi thì còn ý nghĩa gì đâu.”
Ông cũng cho biết đã phản ánh trường hợp trên lên Tổng cục bảo vệ chính trị phía Nam, nhưng chưa nhận được phản hồi thỏa đáng. Ông Điền còn gọi cho công an và an ninh ở tỉnh nhưng “họ không bắt máy.”
Ông nói, “không cho mình đi thì đành phải ở nhà vậy thôi.”
Vị giới chức PGHH Thuần Túy nói thêm, thời điểm 3 ngày lễ đạo quan trọng của PGHH thường bị ngăn chặn “rất là khắt khe, coi như nội bất xuất ngoại bất nhập” nhưng đợt này ngày lễ đạo đã qua mà lực lượng này vẫn tiếp tục theo dõi khiến ông bất ngờ.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch) có trụ sở ở Mỹ, đã nhận định trong Bản Phúc trình Toàn cầu năm 2015 hồi cuối tháng Một vừa qua rằng, “công an vẫn cản trở việc đi lại để ngăn không cho người dân tham dự các sự kiện liên quan đến nhân quyền.”
Công an “cũng tiếp tục theo dõi các chi nhánh không được [nhà cầm quyền] công nhận của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, các nhà thờ Tin lành và Mennonite tại gia, và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).”
Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của HRW khuyến khích chính quyền Việt Nam “chấm dứt việc theo dõi và can thiệp vào cách thức người dân chọn để thực hành tín ngưỡng”, vì “tự do tôn giáo không có nghĩa là tự do thờ cúng theo đúng cách được chính quyền phê chuẩn.”
Hà Nội luôn phủ nhận những cáo buộc cho rằng Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo, và sách nhiễu, đàn áp những nhà hoạt động cổ xúy cho quyền tự do tôn giáo.

Trường hợp vi phạm thứ 2:
Một số người dân tộc H’mong theo đạo Tin Lành thuộc khu vực tỉnh Điện Biên ở tây bắc Việt Nam vừa cho biết trong những ngày qua họ bị chính quyền địa phương sách nhiễu, đánh đập, thu giữ tài sản, đe dọa buộc phải bỏ đạo mới được tiếp tục sinh sống trong bản làng.
Một người địa phương cho biết tin như sau:
“Anh em ở Điện Biên này theo đạo Tin Lành của Chúa Giê su, trước đây họ bị bệnh tật và được Chúa Giê su chữa lành nên họ quyết tâm theo đạo Tin Lành. Anh em trong làng, chính quyền xã thấy Tin Lành du nhập vào làng bản của họ nên họ cấm không cho tồn tại trong làng, bản của họ. Chính quyền xã ra quyết định trục xuất; thế nhưng anh theo đạo Tin Lành nói rằng không làm gì sai trái, chỉ theo tín ngưỡng tôn giáo của người công dân thôi nên anh không từ bỏ, anh quyết theo Chúa Giê su thôi. Khi anh nói như vậy thì chính quyền xã và huyện đánh đập. Khi anh em không chịu đi thì họ đánh, ‘bóc lột’ của cải và đưa ra bỏ ngoài đường. Anh này phải đi đến ở tại nhà một tín đồ ở một địa điểm khác. Nếu về nhà bị dọa sẽ bị đánh chết.
Hiện nay họ dọa nếu còn tiếp tục theo đạo Tin Lành sẽ bị đánh nặng hơn, đánh cho chết, và sẽ tịch thu nhà ở, ruộng đất. Cũng tại làng bản đó, cũng có người theo đạo Tin Lành và người cha bị đánh hai lần rồi và còn bị dọa sẽ bị đánh cho đến khi nào bỏ đạo Tin Lành mới cho sống. – Người dân địa phương
Tại một địa điểm khác cũng có hai vợ chồng khác cũng rơi vào trường hợp tương tự, bị chính quyền xã và huyện đánh đập đến mức có thể chết người nên họ phải trốn chạy đến nơi khác.
Tại địa điểm bản Dư O, xã Nong U, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên có ông Phà Và Tổng theo đạo Tin Lành làm đám cưới cho con, ngày hôm sau cán bộ xã gồm 8 người đến gọi ông Phà Và Tổng đi giáo dục nhưng họ không giáo dục gì mà vào nhà đánh ông này bị thương chảy máu. Hai con trai của ông này cũng bị đánh bị thương. Hiện nay họ dọa nếu còn tiếp tục theo đạo Tin Lành sẽ bị đánh nặng hơn, đánh cho chết, và sẽ tịch thu nhà ở, ruộng đất. Cũng tại làng bản đó, cũng có người theo đạo Tin Lành và người cha bị đánh hai lần rồi và còn bị dọa sẽ bị đánh cho đến khi nào bỏ đạo Tin Lành mới cho sống”.
Tình trạng mà người thông tin vừa cho biết xảy ra tại địa phương từ hai tuần qua và trong mấy ngày vừa rồi lại thêm những vụ việc mới.
Như tin chúng tôi đã loan trong thời gian gần đây tại khu vực Tây Nguyên, một số người dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành ở đó cũng trốn chạy sang tỉnh Ratanakiri của Campuchia để lánh nạn.
Những người phải đi trốn cho biết vì họ theo đạo Tin Lành nên bị chính quyền địa phương liên tục sách nhiễu không thể sinh sống. Cho đến nay có gần chục người trốn sang được đất Campuchia đã bị chính quyền Xứ Chùa Tháp trục xuất về lại Việt Nam; số khác vẫn còn phải trốn trong rừng chưa có tin tức gì; một số được đưa về Phnom Penh và đang chờ đợi cứu xét tư cách tỵ nạn.
Trong phần câu chuyện thời sự, chúng tôi có tường trình của thông tín viên Sơn Trung từ Phnom Penh nói về tình trạng tiến thoái lưỡng nan của những người dân tộc Tây Nguyên phải bỏ trốn sang Campuchia vì bị sách nhiễu ở Việt Nam.

Tháng 3 có 3 trường hợp vi phạm Quyền Tự do tôn giáo

Trường hợp vi phạm thứ nhất : Công an bao vây nhà linh mục Phan Văn Lợi tại Huế
Hòa thượng Thích Không Tánh, Phó trưởng Hội đồng điều hành Tăng đoàn GHPGVNTN, kiêm Tổng vụ trưởng Từ thiện xã hội cho biết công an đang bao vây nhà cha Lợi, nơi ông đang có mặt để ủy lạo tinh thần cho vị linh mục Công giáo đang bị quản chế không có bản án.
Lúc 17g40 phút chiều 22.03.2015, cha Phêrô Phan Văn Lợi ở Huế cho biết: “Hòa thượng Thích Không Tánh vừa đến nhà tôi (16/46 Trần Phú). Đang khi Thầy nói chuyện với tôi thì có 4,5 công an trẻ mặc thường phục đòi thầy phải ra khỏi nhà tôi. Chúng dùng lời nói rất vô lễ, thô tục, xưng mày tao với Hòa thượng. Chúng khơi lại chuyện hôm trước thầy định ra chùa Phước Thành để phát quà cho Thương phế binh. Tôi ra yêu cầu họ phải cư xử đúng phong cách công an và đúng pháp luật. Họ lại chửi bới và định hành hung tôi. Chúng dọa nếu thầy Không Tánh ra khỏi nhà tôi thì chúng sẽ chém”.
Mới đây, theo kế hoạch, ngày 15.03.2015, Hòa thường Thích Không Tánh và quý vị chức sắc trong Hội đồng liên tôn Việt Nam sẽ tham dự buổi phát quà Tri ân quý ông thương phế binh, nhưng đêm 14 rạng sang 15.03. công an Huế đã ép các vị chức sắc rời khỏi khách sạn, và áp tải quý chức sắc bằng hai xe chuyên dụng ra khỏi Huế, đi đến tận tỉnh Quảng Ngãi.
Việc bách hại tôn giáo và ngăn cản việc từ thiện của các chức sắc thuộc các cộng đồng tôn giáo không được nhà nước công nhận càng ngày càng nhiều, bất chấp sự lên tiếng cảnh cáo của báo cáo viên đặc biệt về tôn giáo Bielefeltd của Liên Hiệp Quốc.

Trường hợp vi phạm thứ 2:
‘Hai mục sư bị hành hung nhưng công an chỉ lập biên bản’
Mục sư Tin Lành Nguyễn Hồng Quang nói ông và 3 người khác bị một nhóm hơn 20 người hành hung sáng 25/3 tại thị xã Bến Cát tỉnh Bình Dương.
Ông Quang, Quyền Hội trưởng Hội thánh Tin Lành Mennonite Việt Nam, nói công an địa phương tuy có đến sau khi xảy ra vụ việc nhưng họ không làm gì hơn ngoài việc lập biên bản. Hiện nhóm người hành hung ông Quang vẫn tự do.
Ông Quang cho biết đây là lần thứ 4 ông bị hành hung kể từ đầu năm.
Ông nói khoảng 9 giờ 30 sáng 25/3, ông và mục sư Lê Quang Du cùng 3 người khác đến một cơ sở ở khu phố 6, đường D10 (phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) để lấy những đồ dùng cần thiết.
Tuy nhiên, ông Quang nói tiếp, “chúng tôi mới vừa mở cửa ra thì 7-8 người ập vô, không cho mở cửa.”
“Tôi nói đây là nhà tôi thuê, sao các em tràn vô làm gì. Nhưng vừa nói dứt điểm là họ xách đá đánh tui, rồi dùng ghế sắt đánh trên đầu trên mặt, họ đánh con trai tôi Nguyễn Quang Triệu, rồi đánh em Y Thiếu vào đầu, rồi đánh mục sư Du nhưng ông thoát ra ngoài được.”
“Rồi họ kéo khoảng 20 người nữa tới đánh tới tấp, đá dữ dội và đòi giết chúng tôi.”
“Nguyễn Quang Triệu là người bị đánh nặng nhất, họ lấy cây sắt đánh vào sương tay, ống khuyển, đánh vào đầu chảy máu. Tôi dập móng tay, bị 5 viết thương trên mặt và đầu.”
Vị mục sư Tin Lành cho biết công an địa phương sau đó có đến lập biên bản nhưng ‘thay vì họ hỏi mình làm sao bị đánh để đưa đi cấp cứu’, họ lại ghi ‘mình đánh lộn, gây rối trật tự và gây mâu thuẫn với những thanh niên, gây thiệt hại tài sản.’
Vì thế ông Quang đã không ký nhận biên bản.
Ông Quang cũng khẳng định không hề có mâu thuẫn với nhóm thanh niên trên và cho biết, công an địa phương đã không bắt nhóm người này dù “những người đánh còn ở 6,7 ngôi nhà chung quanh.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở ở Mỹ hồi tháng 1/2015 từng tuyên bố chính quyền VN “đã sử dụng côn đồ để tấn công những người vận động nhân quyền đang gia tăng ở Việt Nam.”
Tổ chức này cũng ghi nhận trường hợp “nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Hồng Quang, mục sư của nhánh Tin lành Mennonite độc lập ở Thành phố Hồ Chí Minh bị những kẻ côn đồ lạ mặt tấn công.”

Trường hợp vi phạm thứ 3: Nhà cầm quyền tiếp tục triệt hạ cơ sở tôn giáo - UBND tỉnh Khánh Hoà tư nhân hoá Tu viện DCCT Nha Trang
Trụ sở Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang, hiện toạ lạc tại 40 Trần Phú, phường Lộc Thọ, Tp. Nha Trang bị nhà cầm quyền tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hoà) chiếm dụng từ năm 1978 để làm khách sạn Hải Yến.
Theo văn khố của Ty Điền địa Khánh Hoà, Tu viện DCCT Nha Trang do DCCT sở hữu từ năm 1961 có tổng diện tích 23.978m2 toạ lạc tại số 38 Duy Tân (nay là 40 Trần Phú), phía Tây giáp đường Trần Hưng Đạo, phía Nam giáp đường Lê Thánh Tôn và đất của Bộ Quốc Phòng, phía Bắc giáp đất của Hoả xa và đất của chính quyền Thị xã Nha Trang (nay là công trình Plaza Hotel).
Ngày 23/12/1978, UBND tỉnh Phú Khánh đã ra Quyết định 3780/VP/CTNĐ ép buộc các linh mục, tu sĩ DCCT ra khỏi Tu viện để chính quyền “quản lý sử dụng”. Người ký Quyết định này là ông Hồ Ngọc Nhường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh.
Điều 2 của Quyết định 3780/VP/CTNĐ di chuyển tất cả các tu sĩ và linh mục DCCT về địa điểm số 2 và 4 đường Tô Hiến Thành, phường Tân Lập thành phố Nha trang ở tạm cho đến nay.
Trong đợt điều tra sử dụng đất năm 1996 theo chỉ thị 245/TTg ngày 22/4/1996, DCCT Việt Nam đã kê khai khu đất số 40 Trần Phú, TP. Nha Trang với diện tích 23.978m2 trong đó có các nội dung sau: đây là khu đất của DCCT do nhà nước đang quản lý từ năm 1978 và đề nghị “được sử dụng lại khu đất 40 Trần Phú, hiện do nhà nước quản lý và khai thác”. Tờ khai này do linh mục Giuse Phan Thiện Ân, Bề trên DCCT Nha Trang làm với xác nhận của linh mục Giuse Cao Đình Trị, Giám Tỉnh DCCT. Cha Cao Đình Trị ghi rõ “Mong ước của chúng tôi là được trở về nhà cũ nói trên”. Tờ khai này ký sau cùng là ngày 12/08/1996.
Năm 2006 linh mục Phan Thiện Ân, đại diện DCCT Việt Nam tiếp tục gửi đơn đề nghị nhận lại nhà đất số 40 Trần Phú, phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang để các linh mục và tu sĩ được trở về nơi mình sở hữu. Tuy nhiên, ngày 10/11/2006 Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà (tên cũ là tỉnh Phú Khánh), ông Nguyễn Trọng Hoà ký Quyết định số 996/QĐ-UBND đã bác đơn của linh mục Phan Thiện Ân. Quyết định này không hề nhắc đến Quyết định 3780/VP/CTNĐ là căn cứ để xác định nhà nước đang quản lý chứ chưa bao giờ là sở hữu của nhà đất số 40 Trần Phú.
Ngày 5/3/2008 DCCT Việt Nam đã có văn thư số VTGT/058/08 gửi cho UBND tỉnh Khánh Hoà, văn thư số VTGT/059/08 gửi Ban Tôn giáo tỉnh Khánh Hoà và văn thư số VTGT/060/08 gửi ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phản đối việc chính quyền tỉnh Khánh Hoà đang tháo dỡ một phần Tu viện DCCT Nha Trang tại 40 Trần Phú, Phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang, mà không hề hỏi ý kiến chủ sở hữu. Phần kết luận của các văn thư này viết như sau: “bằng thư này, thay mặt Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, Hội đồng Tỉnh Dòng bày tỏ ý kiến trên và rất mong Chính phủ, Ban Tôn giáo và Uỷ Ban Nhân dân Tỉnh Khánh Hoà xem xét trường hợp khu nhà số 40 Trần Phú, Phường Lộc Thọ, Nha Trang, trước mắt không cho phép bất cứ một hoạt động xây dựng nào làm cho vụ việc thêm phức tạp, khó giải quyết hậu quả về sau.”
Bất chấp pháp luật, UBND tỉnh Khánh Hoà đang âm mưu bán Tu viện DCCT Nha Trang cho doanh nghiệp tư nhân mà họ đã chiếm dụng dưới danh nghĩa “quản lý” nhưng không hề được chủ sở hữu là tỉnh DCCT Việt Nam giao.

Đánh giá

Sau khi tổng hợp các thông tin về những vụ việc vi phạm Quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy chính phủ Việt Nam vẫn chưa thực sự tôn trong Quyền tự do tôn giáo của công dân. Hơn thế nữa, việc đánh đập và ngăn cản vẫn tiếp tục diễn ra ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Các cơ sở tôn giáo vẫn tiếp tục bị chiếm dụng, bị đập phá mà không hề có sự bảo hộ nào của chính phủ theo như hiến pháp quy định.
Hội Bảo vệ Quyền Tự do tôn giáo chúng tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam cần có những động thái tích cực tôn trọng Quyền tự do tôn giáo của người dân và xử lý nghiêm những hành vi, vi phạm quyền tự do tôn giáo.

Hà Nội, ngày 02.04.2015
TM. Hội
Điều phối viên
Hà Thị Vân
Nguồn: Tin Mừng Cho Người Nghèo
Báo Cáo Về Các Trường Hợp Chính Phủ Việt Nam Xâm Phạm Quyền Tự Do Tôn Giáo Của Công Dân Reviewed by Unknown on 4/20/2015 Rating: 5 Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo Báo cáo số 05 - Quý I năm 2015 GNsP (18.04.2015) Tháng 1 có 6 trường hợp vi phạm vi phạm Quyền tự do t...

Không có nhận xét nào: