Cảnh Sát Giao Thông Chỉ Được Dừng Xe Trong 5 Trường Hợp - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
3 tháng 7, 2015

Cảnh Sát Giao Thông Chỉ Được Dừng Xe Trong 5 Trường Hợp

GNsP (03.07.2015) – Lâm Đồng – Như bài trước đã đăng, CSGT không được “rượt đuổi” hay “tăng tốc theo” người vi phạm, cho dù họ bỏ chạy, vì luật không quy định cho các hành vi này.
Vậy đâu là những trường hợp CSGT được dừng phương tiện khi họ đang lưu thong?

Các trường hợp được dừng phương tiện:

Khoản 1 Điều 14 Thông tư số 65/2012/TT-BCA qui định Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chỉ được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong năm trường hợp sau:

“1. Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
2. Thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên.
3. Thực hiện kế hoạch, phương án công tác của Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo chuyên đề.
4. Có văn bản của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự.
5. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Đồng thời, việc dừng phương tiện phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn, đúng quy định của pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động giao thông; khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 14 cũng qui định “Việc dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) An toàn, đúng quy định của pháp luật;
b) Không làm cản trở đến hoạt động giao thông;
c) Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật”.
Như vậy, ngoài việc “không có qui định pháp luật nào cho phép rượt đuổi người vi phạm”, như bài trước đã nêu, thì việc “tăng tốc theo” người vi phạm để buộc “dừng phương tiện” đã không bảo đảm yêu cầu: “an toàn, không làm cản trở đến hoạt động giao thông” được qui định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 65/2012/TT-BCA

Vậy, ai có thẩm quyền dừng phương tiện?

Trước hết, cần phân biệt, “người có quyền dừng phương tiện” với người có “ thẩm quyền xử phạt vi phạm”.

Như trên đã nêu, khoản 1 Điều 14 Thông tư 65/2012/TT-BCA qui định: “Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát…” mới được dừng phương tiện. Điều 3 Thông tư này qui định rõ những “Yêu cầu, tiêu chuẩn của cán bộ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ”, trong đó có tiêu chuẩn: “Đã được cấp biển hiệu và Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ theo quy định của Bộ Công an” (khoản 5). Ngoài ra, khi tuần tra, kiểm soát công khai, phải “Sử dụng trang phục theo đúng quy định của Bộ Công an” (điểm a khoản 3 Điều 9).

Như vậy, chỉ có người mặc trang phục cảnh sát giao thông, có: a) mang theo Giấy chứng nhận khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ và xuất trình khi có yêu cầu; b) Phải đeo biển hiệu khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Biển hiệu được đeo chính giữa phía trên nắp túi áo ngực bên trái (đối với cán bộ là nam), chính giữa ngực bên trái và ngang bằng cúc áo thứ nhất từ trên xuống (đối với cán bộ là nữ) và có giá trị thay thế số hiệu công an nhân dân (Điều 10 Thông tư 45/2012/TT-BCA) mới được dừng phương tiện khi tuần tra, kiểm soát công khai.

Điều 10 Thông tư 65/2012/TT-BCA có qui định về “Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang” (tức mặc thường phục, bắn tốc độ chẳng hạn). Tuy nhiên, khoản 1 Điều 10 Thông tư này cũng qui định chỉ có hai trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang là: a) Bí mật sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; b) Đấu tranh phòng, chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp. Và “ Điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang” là “ Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được người có thẩm quyền phê duyệt”. Người có thẩm quyền phê duyệt bao gồm: i) Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang cho cả 2 trường hợp a và b khoản 1 nêu trên; và ii) Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang chỉ đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 nêu trên. Khoản 3 Điều 10 cũng qui định: “Nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang trái quy định của pháp luật để sách nhiễu, phiền hà, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”

Trường hợp hóa trang này, điểm c khoản 4 Điều 13 Thông tư qui định: “Có thể trực tiếp ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm, nhưng phải sử dụng giấy Chứng minh Công an nhân dân để thông báo cho người vi phạm biết về việc đang thực hiện nhiệm vụ; thông báo về hành vi vi phạm và yêu cầu người vi phạm về trụ sở đơn vị để giải quyết hoặc thông báo cho lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai đến để tiếp nhận và xử lý theo quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, Thông tư 65/2012/TT-BCA cũng qui định tại Điều 12 “Trường hợp cần thiết phải huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 27/2010/NĐ-CP ngày 24/3/2010 của Chính phủ quy định việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết và Thông tư số 47/2011/TT-BCA ngày 02/7/2011 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 27/2010/NĐ-CP”. 

Theo khoản 2 Điều 8 Nghị định số 27/2010/NĐ-CP “Các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có Cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng thì phải thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải thường xuyên thông báo cho lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ về việc tuần tra, kiểm soát của mình,…”. Và Thông tư số 47/2011/TT-BCA qui đinh “Trường hợp không có lực lượng Cảnh sát giao thông đi cùng thì lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Lực lượng Công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường liên xã, liên thôn thuộc địa bàn quản lý và xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông sau: điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chở hàng hóa cồng kềnh; đỗ xe ở lòng đường trái quy định; điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, tháo ống xả, không có gương chiếu hậu hoặc chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật và các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ như họp chợ dưới lòng đường, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Nghiêm cấm việc Công an xã dừng xe, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ” (Khoản 3, khoản 4 Điều 7).

Một lực lượng khác là Thanh tra viên, công chức thanh tra cũng được phép dừng phương tiện đường bộ, theo Điều 15 Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT, trong các trường hợp sau đây: “1. Buộc chấm dứt hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 55 (tức vi phạm hành chính đang diễn ra); 2. Khi phát hiện phương tiện có các dấu hiệu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 86 Luật Giao thông đường bộ, cụ thể như sau: a) Vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ; b) Vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ; c) Xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ đường theo quy định; d) Đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ”. Dĩ nhiên, những Thanh tra viên, công chức thanh tra này phải là đang tiến hành hoạt động thanh tra theo quyết định phân công của cấp có thẩm quyền và theo kế hoạch được duyệt.

Nguyễn Anh

Kỳ sau: Thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông đường bộ.
Cảnh Sát Giao Thông Chỉ Được Dừng Xe Trong 5 Trường Hợp Reviewed by Unknown on 7/03/2015 Rating: 5 GNsP (03.07.2015) – Lâm Đồng – Như bài trước đã đăng, CSGT không được “rượt đuổi” hay “tăng tốc theo” người vi phạm, cho dù họ bỏ chạy, ...

Không có nhận xét nào: