Nam Nguyên: Sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp thể hiện tình trạng nền kinh tế. Việt Nam được các chuyên gia cho rằng nếu bớt được tình trạng nhũng nhiễu thì lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng lên và nâng cao năng lực cạnh tranh cho họ.
Nhiêu khê sinh nhũng nhiễu
Có thể nói nạn hối lộ, đút lót là đầu cuối của thể chế, khi thể chế thiếu công khai minh bạch, thủ tục hành chính nhiêu khê thì đẻ ra các chi phí bôi trơn.
Các chuyên gia kinh tế nhiều lần nêu ra vấn đề, làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam khi mà kết quả điều tra cho thấy, để kiếm được 1 đồng lợi nhuận thì doanh nghiệp phải sử dụng 1 đồng đút lót bôi trơn. Điều này được TS Lê Đăng Doanh nêu ra trong Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015 tổ chức ở Vinh hồi tháng 4 vừa qua. Gần đây ngày 8/8/2015 tại cuộc hội thảo ở Đà Nẵng, chuyên gia Phạm Chi Lan cũng đã lập lại điều này.
Trước đây mức độ tham nhũng nhũng nhiễu được coi là thông thường là 30%. Sau đó được nâng lên thậm chí có lúc tới 50%. TS Phạm Chí Dũng, TP.HCMTrao đổi với chúng tôi, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long từ Hà Nội nhận định: “Một đồng lợi nhuận phải bỏ ra 1,02 đồng chi phí bôi trơn. Tất cả những hệ lụy, những mặt trái, mặt tiêu cực này xã hội đều đã nhìn thấy và chính phủ cũng tỏ quyết tâm giải quyết vấn đề này. Nhưng thực tế giải quyết được đến đâu thì phải chờ xem, có biến lời nói thành hành động có kiên quyết hay không.”
Có vẻ như tình trạng kinh tế tụt hậu của Việt Nam so với các nước Đông Nam Á khác bắt nguồn từ nhiều vấn đề, như không thực sự có kinh tế thị trường, tài nguyên nguồn lực quốc gia được ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là chính đất đai. Tuy vậy các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam nói chung không phát triển lên được, do tình trạng tham nhũng hối lộ trầm kha và là bi kịch của đất nước.
TS Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập một tổ chức tự phát không phụ thuộc chính quyền, nhận định: “Trước đây tôi chỉ nghe mức độ tham nhũng nhũng nhiễu được coi là thông thường là 30%. Tỷ lệ này thường được áp dụng trong xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách nhà nước và được coi là bình thường, có nghĩa là cứ 100 đồng thì phải cắt ra 30 đồng để coi là hoa hồng, lại quả, hối lộ cho một số quan chức. Sau đó tỷ lệ 30% đó được nâng lên thậm chí có lúc tới 50% và đáng chú ý là tỷ lệ này chừng mực nào đó lại được áp dụng vào trong lãnh vực tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn ODA.”
Đút lót, hối lộ: Chuyện thường ngày ở huyện
Đút lót hối lộ trở thành một chuyện thường tình, không một doanh nghiệp nào ở Việt Nam lại không từng sử dụng phí bôi trơn. Đút lót từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn vì mọi thủ tục quá rườm rà và để công việc có thể chạy được doanh nghiệp phải chấp nhận đút lót.
Có những chuyện không thể nào hiểu nổi, một thí dụ nhỏ là một doanh nghiệp xuất khẩu muốn xuất khẩu 1 container hàng ra nước ngoài, chủ doanh nghiệp đã lên danh mục phí bôi trơn tới từng chi tiết.
Ngay cả đi thuê container để vô hàng cũng phải hối lộ cho nhân viên phụ trách ở cảng để không phải chờ đợi, được giao container tốt, rồi hải quan kiểm hóa, kết thúc hồ sơ thông quan… mỗi khâu đều có phí bôi trơn thì công việc mới chạy.
Tại Hội thảo Đà Nẵng ngày 8/8/2015, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan dẫn kết quả điều tra đáng tin cậy đã nói, ở Việt Nam trung bình cứ 1 đồng lợi nhuận thì doanh nghiệp phải mất 1,02 đồng bôi trơn. Giả dụ nếu bớt tham nhũng được 50% thì doanh nghiệp được tăng lợi nhuận 50%. Báo chí trích lời bà Phạm Chi Lan nói rằng, đó là lý do doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhỏ đi so với trước.
Bài toán này Việt Nam đang xử lý và đang giải quyết, nhưng xử lý đến đâu và giải quyết có hiệu quả hay không thì phụ thuộc vào sự quyết tâm, quyết liệt và sự nghiêm minh của pháp luật và của nhà cầm quyền. TS Ngô Trí Long, Hà NộiCần phải dân chủ hóa
Trả lời chúng tôi Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận định, điểm chính là vấn đề cải cách đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách bộ máy hành chính, cơ cấu đội ngũ cán bộ và những thủ tục hành chính. Hiện nay do thủ tục hành chính phức tạp gây ảnh hưởng môi trường đầu tư, vì vậy đã làm cho những chi phí bôi trơn hay, phí hay lệ phí tăng lên, những mặt đó là tiêu cực.
Trong hai năm 2014 và 2015, trọng tâm của chính phủ trong thời gian này là cải thiện môi trường đầu tư. Năm 2014 cố gắng bằng ASEAN-6 và 2015 cố gắng cải thiện môi trường đầu tư bằng ASEAN-4, tức nhóm 4 nước phát triển nhất của ASEAN. Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long nhấn mạnh: “Chính phủ đưa ra những biện pháp hết sức cụ thể nhưng thực tế triển khai và kết quả thực hiện cũng chưa là bao, cần phải giải quyết sao cho có hiệu quả hơn. Hay nói cách khác là lời nói và hành động phải đi đôi với nhau và có sự kiểm soát, giám sát một cách chặt chẽ và phải có chế tài thực sự nghiêm minh xử lý những vấn đề còn nhũng nhiễu gây ra những chuyện không tốt đối với hoạt động của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó đây là một trong những biện pháp rất tốt để giải quyết vấn đề vấn nạn tham nhũng hiện nay. Bài toán này Việt Nam đang xử lý và đang giải quyết, nhưng xử lý đến đâu và giải quyết có hiệu quả hay không thì phụ thuộc vào sự quyết tâm, quyết liệt và sự nghiêm minh của pháp luật và của nhà cầm quyền Việt Nam.”
Một chuyên gia Cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) ông Olin McGill từng nhận định là thu nhập đầu người của Việt Nam đáng lẽ có thể tăng gấp 5 lần. Nhưng Việt Nam không đạt được điều này là vì điều hành không hiệu quả. Theo lời ông McGill, thủ tục xuất nhập khẩu ở Việt Nam không thông thoáng, với lượng thời gian kéo dài 21 ngày như hiện nay, ước tính Việt Nam đang thất thoát khoảng 15% tổng kim ngạch thương mại hằng năm.
Ví dụ nhỏ của ông McGill đủ làm mọi người giật mình. Nếu môi trường kinh doanh ở Việt Nam được cải thiện, thì tất nhiên năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao. Môi trường kinh doanh tốt thường được thể hiện ở những nước có nền dân chủ pháp trị. Xem ra con đường cải tổ ở Việt Nam vẫn còn dài dằng dặc.
Không có nhận xét nào: