An Long: Phóng Viên Bị Khống Chế Khi Chụp Hình Ngoài Khu Vực Tòa - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
16 tháng 9, 2015

An Long: Phóng Viên Bị Khống Chế Khi Chụp Hình Ngoài Khu Vực Tòa

TTO - Anh Nam cho biết bị khóa tay, tước điện thoại, máy ảnh rồi đưa lên ôtô, giải vào căn phòng trống tại một cơ quan nhà nước. Anh yêu cầu lập biên bản nhưng những người bắt giữ anh không đồng ý.

Khoảng 9g sáng 15-9, trong lúc ra ngoài khu vực Tòa án huyện Thạnh Hóa (Long An) để tác nghiệp liên quan đến vụ xét xử tội chống người thi hành công vụ, phóng viên Nguyễn Hoàng Nam (bút danh Hoàng Nam, báo Pháp Luật TP.HCM) bị hai dân phòng cùng một số người mặc sắc phục công an khóa tay chở đi.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Hoàng Nam cho biết khi anh vừa đưa máy ảnh định chụp một số cảnh cơ quan chức năng đang làm công tác giữ gìn trật tự xung quanh khu vực tòa án thì hai người mặc đồng phục dân phòng và một cán bộ mặc sắc phục công an đến nói phóng viên không được chụp ảnh lực lượng này và yêu cầu xóa ảnh.

“Dù tôi đã nói là phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM, có giấy giới thiệu, khu vực này không có bảng cấm quay phim chụp ảnh, phóng viên tác nghiệp theo luật báo chí, trong trường hợp này tôi không đồng ý xóa hình, nhưng một người đàn ông mặc thường phục đến chỉ mặt tôi bảo phải xóa ảnh ngay. Tôi yêu cầu vị này xuất trình thẻ ngành thì vị này chỉ đưa ra một tờ giấy nhỏ có một mặt màu đỏ giống như thẻ ngành công an nên tôi đề nghị cho xem mặt còn lại của tờ giấy này nhưng vị này không đồng ý và yêu cầu tôi xuất trình giấy tờ. Tôi vừa định lấy giấy tờ đang để trong balô thì người mặc thường phục này bất ngờ xông vào khóa tay tôi trước sự chứng kiến của nhiều cán bộ công an đang làm nhiệm vụ tại khu vực”, Hoàng Nam kể lại.

Hoàng Nam tiếp tục bảo rằng mình không vi phạm pháp luật, sao lại giữ người thì hai dân phòng, công an và người mặc áo trắng nói trên tiếp tục khống chế, tước điện thoại, máy ảnh rồi đưa lên ôtô, giải vào căn phòng trống tại một cơ quan nhà nước gần đó.

Tại đây, dù Hoàng Nam yêu cầu lập biên bản nhưng những người bắt giữ trên không đồng ý, cho đến khi một cán bộ công an khác đến yêu cầu thả Hoàng Nam ra. Theo Hoàng Nam, khi đã được thả ra, người đàn ông mặc áo trắng trên vẫn tiếp tục chỉ mặt Hoàng Nam đe dọa “sẽ xử đẹp”.
Phóng viên Hoàng Nam bị khống chế - Ảnh: An Long

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Nhớ - trưởng Công an huyện Thạnh Hóa - cho biết đúng là có xảy ra sự việc trên.

“Theo báo cáo về vụ việc, một số anh em dân phòng trong lúc làm nhiệm vụ đã nóng vội khi mời Hoàng Nam về nơi có người tiếp chính thức nên đã để xảy ra sự việc đáng tiếc trên. Tôi đã liên hệ với Hoàng Nam để hỏi thêm tình hình đồng thời cũng đã góp ý cho những anh em đang làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự quanh phiên tòa”, ông Nhớ nói.

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Hòa Nhã - phó giám đốc Sở Thông tin truyền thông Long An - cho biết đã nhận được thông tin vụ việc trên và cũng đã liên hệ với Hoàng Nam để nắm thông tin, đồng thời báo cáo vụ việc về UBND tỉnh Long An.
---------------

Phiên tòa xét xử 12 người chống cưỡng chế đất ở Long An

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-09-15
Lực lượng cưỡng chế trấn áp đánh đập và bắt giam gia đình ông Nguyễn Trung Can và bà Mai thị Kim Hương khi họ cương quyết không giao đất. Ngày 14 tháng 4, 2015.
Mười hai thành viên thuộc hai gia đình chống lực lượng cưỡng chế đất tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An hôm nay bị đưa ra xét xử. Mười người trong số này bị truy tố với tội danh ‘chống người thi hành công vụ’ và hai người về tội danh ‘cố ý gây thương tích'.

Phiên tòa sơ thẩm đối với 12 người được thông báo là công khai nhưng hầu hết những người muốn tham dự chỉ được theo dõi qua loa phóng thanh tại Trung tâm Văn hóa- Thể thao cách tòa án chừng vài trăm mét. Số người này vào buổi sáng tổng cộng chừng 200 người.

Con gái của bà Phùng Thị Ly, một trong 12 người bị đưa ra xét xử trong ngày 15 tháng 9, không được vào dự phiên xử cho biết gia đình không được thông báo gì về phiên xét xử:

“ Con chỉ nghe được từ những bị can được tại ngoại. Họ nói có thư mời thì gia đình mới biết và khi gia đình vào Tòa án hỏi thì họ nói có phải bị can đâu mà được mời, được thông báo!”

Một số nhà hoạt động cho dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam đến Thạnh Hóa, Long An để tham gia phiên xử công khai cũng bị theo dõi, thậm chí bị ngăn trở như trường hợp anh Đinh Nhật Uy, một người cũng từng bị bắt giam và là anh trai của tù nhân lương tâm trẻ Đinh Nguyên Kha. Hai anh em này cũng cư ngụ tại Long An.

Vào lúc 3 giờ chiều ngày 15 tháng 9, một nhà hoạt động là cô Nguyễn Hoàng Vi từ Sài Gòn xuống Long An theo dõi phiên xử cho biết:

“ Khi mọi người đến đi thẳng vào tòa án để xem phiên tòa trực tiếp thì bị lực lượng công an chặn lại và không cho vào. Họ bảo qua Trung tâm Văn hóa- Thể theo để nghe qua loa phóng thanh thôi.

Có trường hợp là phóng viên Báo Pháp luật đến để tham gia phiên tòa thì bị họ ngăn chặn và bẻ tay bắt lên xe, chở đi. Sau đó khi biết là phóng viên Báo Pháp luật thì họ dùng xe chở chạy thẳng vào Tòa án.”

Tin cho biết có baa luật sư tham gia bào chữa cho một số người trong nhóm 12 bị đưa ra xét xử. Đó là luật sư Hà Huy Sơn, luật sư Nguyễn Văn Miếng và luật sư Trần Minh Đức.

Xin phép được nhắc lại vào ngày 14 tháng 4 vừa qua, lực lượng chức năng đến cưỡng chế căn lều tạm được gia đình ông Nguyễn Trung Can và bà Mai thị Kim Hương dựng lên để giữ đất. Gia đình này không đồng ý với mức đền bù được ủy ban nhân dân huyện Thạnh Hóa đưa ra vì họ cho là quả rẻ mạt không thể đủ để mua đất nơi nào để làm nhà sinh sống.

Lần cưỡng chế vào ngày 14 tháng 4 là lần cuối cùng sau một số lần trước đó. Khi lực lượng cưỡng chế xông vào và bắt bớ thì chủ nhân là ông Nguyễn Trung Can đã cho đốt nhà, ném bom xăng, tạt axit và cho nổ cả bình hàn gió đá.

Có 20 người trong lực lượng cưỡng chế bị thương nặng vì trúng bom xăng và axit. Người bị nặng nhất là trung tá Nguyễn Văn Thủy, trưởng công an huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.

Cơ quan chức năng sau đó tiến hành bắt giữ 13 người.

Cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi, con trai của hai ông bà Nguyễn Trung Can và Mai thị Kim Hương hiện cũng đang bị bắt giam và khởi tố với tội danh ‘chống người thi hành công vụ’ theo điều 257 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Tin nói cháu sẽ bị xét xử trong một phiên xử khác.

Ngay trước ngày cưỡng chế diễn ra, gia đình ông bà Nguyễn Trung Can và Mai thị Kim Hương giăng biểu ngữ ghi rõ sẽ ‘quyết tử’ để chống lực lượng cưỡng chế mà họ cho là ‘cướp đất’ của gia đình họ. 
An Long: Phóng Viên Bị Khống Chế Khi Chụp Hình Ngoài Khu Vực Tòa Reviewed by Unknown on 9/16/2015 Rating: 5 TTO - Anh Nam cho biết bị khóa tay, tước điện thoại, máy ảnh rồi đưa lên ôtô, giải vào căn phòng trống tại một cơ quan nhà nước. Anh yêu ...

Không có nhận xét nào: