Video: Nghi Lễ Đón Tiếp Đức Thánh Cha Tại Tòa Bạch Ốc - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
24 tháng 9, 2015

Video: Nghi Lễ Đón Tiếp Đức Thánh Cha Tại Tòa Bạch Ốc

Sáng thứ Tư 23 tháng 9 lúc 9 giờ sáng Đức Thánh Cha đã rời Tòa Sứ Thần để đến tòa Bạch Ốc cách đó hơn 4 cây số, nơi diễn ra lễ nghi tiếp đón chính thức. Tòa Bạch Ốc là tư dinh của các tổng thống Mỹ do tổng thống George Washington xây năm 1792 và hoàn thành năm 1800 sau khi ông qua đời.

Đức Thánh Cha Phanxicô được tổng thống Obama và phu nhân đón tiếp tại tiền sảnh toà Bạch Ốc và tháp tùng tới khán đài trong công viên bên cạnh nơi có khoảng 15,000 người tham dự lễ nghi chào đón chính thức. Cùng hiện diện cũng có các Hồng Y Ban Thường Vụ Hội Đồng Giám Mục và các Giám Mục Phụ tá tổng giáo phận Washington. Đức Thánh Cha và tổng thống đã duyệt qua hàng chào danh dự trong khi đại bác bắn 21 phát chào mừng vị thượng khách. Ban quân nhạc cử quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Hoa Kỳ. Tiếp đến tổng thống Barack Obama đã đọc diễn văn chào mừng Đức Thánh Cha.

Đáp từ tổng thống Đức Thánh Cha nói: là người con của một gia đình di cư ngài vui mừng được là khách của Hoa Kỳ, có đa số dân gốc di cư. Ngài chuẩn bị cho các ngày gặp gỡ và đối thoại này với hy vọng lắng nghe và chia sẻ nhiều giấc mơ và các niềm hy vọng của nhân dân Hoa Kỳ.

Trong chuyến viếng thăm này, Đức Thánh Cha nói, tôi sẽ được hân hạnh phát biểu trước Quốc Hội, nơi tôi hy vọng, như là người anh em của quốc gia này, có thể nói lên một lời khích lệ những ai được mời gọi hướng dẫn tương lai của quốc gia này trong sự trung tín với các nguyên tắc thành lập. Đức Thánh Cha cũng nhắc tới việc tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình tại Philadelphia để cử hành và nâng đỡ các cơ cấu hôn nhân và gia đình trong một thời điểm khó khăn của lịch sử nền văn minh của chúng ta. Đề cập tới phần đóng góp của các tín hữu Công Giáo Mỹ Đức Thánh Cha nói:

Thưa ngài Tổng thống, cùng với các công dân khác tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ đã dấn thân xây dựng một xã hội thực sự khoan nhượng và bao gồm mọi người, bảo vệ các quyền của các cá nhân và các cộng đoàn, và đẩy lùi mọi hình thái kỳ thị bất công. Cùng với nhiều người thiện chí khác nữa của nền dân chủ vĩ đại này, các tín hữu Công Giáo mong chờ rằng các nỗ lực xây dựng một xã hội công bằng và trật tự một cách khôn ngoan, tôn trọng các âu lo sâu xa nhất của họ và các quyền lợi gắn liền với sự tự do tôn giáo. Sự tự do này là một trong những chinh phục qúy báu nhất của nưóc Mỹ. Và như các anh em Giám Mục Mỹ của tôi đã nhắc nhớ, tất cả mọi người đều được mời gọi tỉnh thức, chính vì là các công dân tốt, để duy trì và bảo vệ quyền tự do đó khỏi bất cứ gì có thể gây nguy hiểm hay làm tổn thương cho nó.

Cần thành toàn một số dấn thân có tầm quan trọng đối với toàn nhân loại và các thế hệ tương lai: bảo vệ cẩi tiến môi sinh, thăng tiến tôn trọng nhân quyền, phát triển, hoà bình, công lý, tự do và thịnh vượng

Tiếp dến Đức Thánh Cha đã ca ngợi tổng thống Obama có sáng kiến giảm việc gây ô nhiễm môi sinh. Đây là một điều cấp thiết cần giải quyết, chứ không thể để cho thế hệ tương lai. Lịch sử đã đặt để chúng ta vào một thời điểm nòng cốt cho việc săn sóc “ngôi nhà chung”. Tuy nhiện chúng ta còn có thời giờ để đương đầu với các thay đổi bảo đảm cho “một sự phát triển có thể chịu đựng nổi và toàn diện, bởi vì chúng ta biết rằng các sự việc có thể thay đổi” (Laudato si’ 13). Các thay đổi đòi buộc từ phía chúng ta một sự thừa nhận nghiêm chỉnh và có trách nhiệm đối với loại thế giới, mà chúng ta muốn để lại không phải chỉ cho con cháu chúng ta, mà cho cả hàng triệu người phải sống dưới một hệ thống lơ là với nó. Căn nhà chung của chúng ta đã là phần của nhóm bị loại bỏ đang kêu thấu tới trời, và ngày nay đang gõ cửa các nhà, các thành phố và các xã hội của chúng ta. Lấy lại lời của mục sư Martin Luther King chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã không chu toàn vài dân thân và giờ đây là lúc phải hoàn thành các dấn thân đó.

Do lòng tin chúng ta biết rằng “Đấng Tạo Hóa không bỏ rơi chúng ta, Ngài không bao giờ lùi bước trong chương trình tình yêu của Ngài, Ngài không hối hận đã tạo dựng nên chúng ta. Nhân loại còn có khả năng cộng tác để xây dựng căn nhà chung” (ibid. 13). Như là các kitô hữu đuợc linh hoạt bởi xác tín này, chúng ta hãy tìm dấn thân cho việc săn sóc ý thức và có tinh thần trách nhiệm đối với căn nhà chung của chúng ta.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong diễn văn đáp từ: Các nỗ lực làm được mới đây để hoà giải các tương quan đã bị bẻ gẫy và việc mở ra các con đường cộng tác mới bên trong gia đình nhân loại diễn tả các bước tiến tới tích cực trên con đường của hòa giải, công lý và tự do. Tôi cầu chúc rằng tất cả mọi người nam nữ thiện chí của quốc gia vĩ đại và thịnh vượng này nâng đỡ các cố gắng của cộng đoàn quốc tế nhằm bào vệ những người yếu đuối nhất trên thế giới này và thăng tiến các mô thức phát triển toàn vẹn và bao gồm, như thế các anh chị em của chúng ta ở khắp nơi có thể biết tới phuớc lành của hòa bình, thịnh vượng, mà Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi con cái Ngài.

Kính thưa tổng thống, một lần nữa tôi xin cám ơn ngài về sự tiếp đón, và tôi tin tưởng nhìn vào các ngày viếng thăm này trên đất nước của quý quốc. Xin Thiên Chúa chúc lành cho nước Mỹ.

Diễn văn của Đức Thánh Cha đã bị ngắt quãng nhiều lần vì các tràng pháo tay tán thưởng của những người hiện diện. Một ca đoàn đã hát bài thánh ca “Chúa là sự sống của con” để chào mừng Đức Thánh Cha và toàn cử tọa.

Sau lễ nghi chào đón, Đức Thánh Cha và tổng thống đã vào thư phòng bầu dục đàm đạo riêng với nhau, trao đổi quà tặng, giới thiệu các thân nhân và chụp hình lưu niệm. Đức Thánh Cha đã tặng tổng thống bức khắc bằng đồng kỷ niệm Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình giống huy hiệu Giáo hoàng được làm cho dịp này.

Trong một phòng khác đồng thời cũng diễn ra cuộc hội kiến giữa Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry có sự tham dự của Đức Tổng Giám Mục Phụ tá Becciu, Đức Tổng Giám Mục ngoại trưởng Toà Thánh Paul Richard Gallagher và Đức Tổng Giám Mục Sứ Thần Tòa Thánh tại Washington.

Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/144376.htm
------------

Đức Giáo Hoàng sẽ nói gì trước Quốc Hội Hoa Kỳ?

Nguyễn Khanh, GĐ Ban Việt Ngữ
Ngày mai tại Washington DC. Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô sẽ đọc bài diễn văn tại Quốc Hội Mỹ để gửi người dân Hoa Kỳ. Đây là một sự kiện rất đặc biệt, vì Ngài là vị Giáo Chủ Giáo Hội Công Giáo La Mã đầu tiên được mời đọc diễn văn ở Quốc Hội Liên Bang, và chỉ chi tiết đó thôi cũng chứng tỏ cho toàn thế giới sự quý trọng mà hành pháp, lập pháp và người dân Mỹ dành cho Ngài. Diễm Thi xin được gửi đến quý vị cuộc trao đổi ngắn với anh Nguyễn Khanh, hiện đang có mặt tại trụ sở Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ.

Diễm Thi: Chào anh, mọi người trông chờ gì ở bản thông điệp Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô sẽ đọc ở Quốc Hội Liên Bang Mỹ?

Nguyễn Khanh: Tôi nghĩ rằng nếu nói là trông chờ thì người ta trông chờ rất là nhiều. Phía bên đảng Dân chủ thì người ta kêu gọi Ngài nên lên tiếng về vấn đề xóa đói giảm nghèo, Ngài nên nói chuyện về vấn đề môi trường. Ở phía bên Đảng Cộng Hòa thì kêu gọi Ngài nên lên tiếng nhắc nhở Giáo Hội Công Giáo La Mã không chấp nhận cho phụ nữ phá thai, không chấp nhận hôn nhân đồng tính và đặc biệt nhất là Ngài chỉ nên nói những chuyện mà Hội Thánh cần phải làm thay vì là nói chuyện chính trị.

Điểm mà tôi để ý đến là trên chuyến máy bay từ Havana đến Washington DC, Đức Thánh Cha nói với các nhà báo là bản thông điệp Ngài đọc trước lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ sẽ không mang màu sắc chính trị. Ngài nói rõ ràng rằng Ngài không lên tiếng kêu gọi dân biểu và các vị Thượng nghị Mỹ bãi bỏ cấm vận Cuba. Ngài coi dó là chuyện của Mỹ và Cuba.

Mục tiêu quan trọng nhất là Ngài đến đây với sứ mệnh của một tông đồ, trách nhiệm của Ngài là trách nhiệm rao giảng tin mừng và Ngài sẽ dùng bản thông điệp mà Ngài đọc ngày mai trước Lưỡng viện Quốc hội để rao giảng tin mừng, để nói với mọi người rằng trách nhiệm của con người là trách nhiệm phải đem lại công bằng và bác ái. Cái trách nhiệm đó là không phải chỉ cho cá nhân, cho người chung quanh, mà đó là trách nhiệm cho một tập thể lớn hơn. Tập thể đó là thế giới và Ngài hy vọng Ngài sẽ làm được điều đó vào ngày mai.

Cũng phải thưa thêm là ngay chính các viên chức của Tòa Thánh Vatacan cũng không biết là ngày mai Ngài sẽ đọc một bản thông điệp hay Ngài sẽ tự phát biểu những điều Ngài thấy cần phải nói. Đây là điều rất ngạc nhiên vì hầu hết các vị nguyên thủ quốc gia có vinh dự được mời ra trước lưỡng viện Quốc Hội thì họ đã có bài diễn văn soạn sẵn.

Riêng với Đức Thánh Cha thì nhiều khi có soạn sẵn Ngài cũng không dùng đến vì trong suốt hơn 50 năm làm Linh mục, làm Giám mục, làm Hồng Y và bây giờ lên ngôi Giáo Hoàng, Ngài là người có những bài giảng hàng ngày, nên chuyện nói với người dân Hoa Kỳ không phải là chuyện khó với Ngài dù không có bài diễn văn soạn sẵn trước mặt.

Diễm Thi: Trong 24 giờ đồng hồ qua, tin tức cho biết có một số vị dân cử không hài lòng với Đức Thánh Cha. Muốn hỏi anh là tại sao vậy? Ảnh hưởng của chuyện này như thế nào?

Nguyễn Khanh: Đối với một nhà lãnh đạo đặc biệt và nổi tiếng như Đức Thánh Cha Francis thì cả thủ đô Washington đang nóng lên vì chuyện đón tiếp Ngài. Nhưng thật sự thì không phải ai cũng ủng hộ Ngài. Tôi xin đơn cử một thí dụ là vị dân biểu Paul Gosar của tiểu bang Arizona nói với các nhà báo là ngày mai ông sẽ tẩy chay để phản đối vì Đức Giáo Hòang cấp tiến, có vẻ nghiêng về phía cánh tả. Ông muốn Đức Giáo Hoàng bảo thủ hơn.

Nhưng nếu chúng ta hỏi các vị dân cử khác, kể cả ông Chủ tịch Hạ Viện là ông John Boehner, kể cả người đang điều hành khối thiểu số ở tại Hạ Viện là bà Nancy Peloci thì tất cả đều đang nức lòng để gặp Đức Thánh Cha vào ngày mai.

Như vậy là có dư luận chống đối nhưng số đó quá nhỏ so với sự ủng hộ mà mọi người dành cho Ngài.

Đây cũng không phải là sự ngạc nhiên nếu chúng ta nhìn vào các cuộc thăm dò thì có đến 70% người dân toàn thế giới quý mến Ngài. Tới 90% người công giáo toàn thế giới kính trọng Ngài. Tôi nghĩ rằng ngay các chính trị gia của Hoa Kỳ cũng chỉ ước mơ được một phần nhỏ sự quý mến và kính trọng đó.

Diễm Thi: Nghe nói vé vào Nhà Trắng đã khó, vé vào Quốc Hội còn khó hơn nữa, anh có thể kể cho quý khán thính giả về chuyện này được không?

Nguyễn Khanh: Đương nhiên chiếc vé để vào Quốc Hội liên bang Hoa Kỳ để được chứng kiến hình ảnh lịch sử là Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô đọc bản thông điệp gửi nhân dân là chiếc vé "đắt" nhất, khó tìm nhất ở thủ đô Washington bây giờ. Chị thử tưởng tượng mỗi vị dân biểu, thượng nghị sĩ ... mỗi người chỉ có một vé mà thôi. Chiếc vé họ chưa cầm trong tay thì đã có người xin. Người xin chiếc vé có thể là vợ, là mẹ, là bạn học, là một linh mục mà họ quen... vì ai cũng muốn được chứng kiến Ngài đọc bài diễn văn mang thông điệp kêu gọi mọi người cùng biết sống yêu thương nhau, công bằng và bác ái.

Diễm Thi: Cũng xin thưa thêm cùng quý khán thính giả là Văn Phòng Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ có gửi văn thư nhắc nhở tất cả các vị dân cử phải lưu ý về thủ tục ngoại giao, như không được chìa tay xin bắt tay Đức Thánh Cha, không được vỗ vai Ngài, không được níu kéo Ngài vì bất kỳ lý do gì. Riêng phụ nữ thì phải mặc áo che khuỷu tay, quần phải dài quá đầu gối, và một điểm quan trọng khác nữa là không được hò hét lúc Đức Giáo Hoàng đọc diễn văn. Một lần nữa, thay mặt quý khán thính giả, cám ơn Anh Nguyễn Khanh rất nhiều.

Nguyễn Khanh: Cám ơn chị Diễm Thi. Từ trụ sở Quốc hội Liên bang Hoa Kỳ, tôi là Nguyễn Khanh tường trình đặc biệt cho đài ACTD.

Nguồn; http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/pope-francis-congress-nk-09232015163811.html
Video: Nghi Lễ Đón Tiếp Đức Thánh Cha Tại Tòa Bạch Ốc Reviewed by Unknown on 9/24/2015 Rating: 5 Sáng thứ Tư 23 tháng 9 lúc 9 giờ sáng Đức Thánh Cha đã rời Tòa Sứ Thần để đến tòa Bạch Ốc cách đó hơn 4 cây số, nơi diễn ra lễ nghi tiếp ...

Không có nhận xét nào: