Nhà cầm quyền trung ương CSVN vừa ra một quyết định cấm phát triển du lịch đến hai đảo án ngữ lối vào vịnh Cam Ranh với lý do “bảo đảm an ninh, an toàn căn cứ quân sự Cam Ranh”.
Trang mạng chinhphu.vn phổ biến hôm Thứ Tư bản “Quyết định” do ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký tên và có hiệu lực từ ngày 6/11/2015 tới đây về “Quy chế đảm bảo an ninh, an toàn căn cứ quân sự Cam Ranh”.
Trong đó, đề ra các vùng cấm hoạt động của các tàu thuyền dân sự, tàu nước ngoài và cấm cả các “phương tiện bay” vào vùng trời được xác định các tọa độ bị cấm, coi như nhậy cảm quốc phòng. Tàu thuyền nào hay người nào vào các vùng bị cấm phải có giấy phép được cấp từ trước do các cơ quan thẩm quyền hành chánh và quân sự cho phép.
Đảo Bình Ba hút khách du lịch nhờ thiên nhiên hoang sơ và dịch vụ rẻ. (Hình: Người Lao Động)
Nằm trong phạm vi bị cấm ở vòng đai quân sự của quân cảng Cam Ranh, nghị định đề cập đến các khu vực đảo Bình Ba, đảo Chút (Bình Hưng), mũi Hòn Lương, mũi Gió v.v... với các ký hiệu tọa độ bản đồ quân sự. Nếu ví vùng vịnh Cam Ranh như hình chữ “U” thì đảo Bình Ba như một dấu chấm nằm chắn ở 2 đầu chữ “U” tạo thành 2 cửa biển (một cửa lớn và một cửa nhỏ) đi vào các cơ sở của vùng 4 Hải quân CSVN.
Đảo Bình Ba cách Nha Trang 60km về phía nam, diện tích khoảng hơn 3km2 thuộc xã Cam Bình, dân số khoảng 5,000 người sống với nghề đi biển hoặc nuôi tôm hùm. Bình Ba có 3 bãi biển đẹp là bãi Chướng (nhiều đá, nước trong), bãi Nồm (cát trắng, nơi dân địa phương hay ra tắm) và bãi Nhà Cũ.
Đảo Chút có xã Bình Hưng diện tích đảo khoảng 2 km2 với ngọn hải đăng Hòn Chút cao 50 m, đối diện Bình Hưng có 2 bãi biển đẹp là Bình Tiên và bãi Kinh (nằm trong đất liền thuộc tỉnh Ninh Thuận).
Đảo Bình Ba (xã Cam Bình) và đảo Chút (xã Bình Hưng) từ hai năm gần đây đã trở thành các địa điểm du lịch rất hấp dẫn nhờ khung cảnh hoang sơ, bãi biển cát trắng nước biển trong, nhìn thấy san hô dưới lòng biển. Theo viên chức xã Cam Bình nói trên tờ Người Lao Động, từ hai năm trở lại đây, lợi tức từ phục vụ khách du lịch đã trở thành nguồn thu quan trọng của người dân.
“Lượng khách trung bình khoảng 1,000 lượt/ngày; những ngày cuối tuần, lễ, Tết đạt trên 3,000/lượt ngày; đem đến thu nhập từ 1-3 tỉ đồng/ngày cho người dân ở đây”. Ông Trần Văn Hóa, chủ tịch xã Cam Bình được dẫn lời trên tờ Người Lao Động. Nếu du khách bị cấm, rất nhiều gia đình nơi đây sẽ không biết lấy gì để sống.
Một góc đảo Bình Hưng. (Hình: Fiditour)
Thấy có ăn, nhiều người địa phương đã tự động sửa chữa tân trang nhà ở biến thành phòng ngủ qua đêm cho thuê. Một số người đã đầu tư xây cất một số nhà nghỉ với khoảng 300 phòng bên cạnh khoảng 350 nhà dân trở thành nhà nghỉ. Chi phí cho một chuyến du lịch đến đảo Bình Ba từ 500 ngàn đống đến 1 triệu đồng từ thành phố Nha Trang, được coi là rất rẻ.
Tuy nhiên những diễn biến trên Biển Đông ngày càng thêm phức tạp và quân cảng Cam Ranh hiện trở thành căn cứ tàu ngầm của Hải quân CSVN, nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra những hạn chế chặt chẽ hơn trước đối với khu vực này.
Ngay từ năm ngoái, nhà cầm quyền địa phương đã có quyết định như “không khuyến khích du lịch ở 2 đảo Bình Ba, Bình Hưng với những biện pháp như: Không phát triển thêm việc đưa khách đến đảo, không thành lập doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, không khuyến khích phát triển phương tiện vận chuyển khách, không cho phép tổ chức dịch vụ ăn uống trên lồng bè, chỉ cho khách trong nước đến đảo. Từ trước đến nay, việc cấp phép đầu tư vào các khu vực nằm trong vịnh Cam Ranh đều phải thực hiện theo quy định rất chặt chẽ của Bộ Quốc phòng và có ý kiến của Quân khu 5 cùng Vùng 4 Hải quân.”
Hiểu như vậy, người nước ngoài sẽ không được phép đến các đảo này dù là chỉ đi du lịch. Mấy năm trước, từng có những nghi ngờ chủ ý của người Trung Quốc khi họ đến mua lại các bè nuôi tôm nuôi cá ở khu vực để kinh doanh.
Những ngày gần đây, dư luận chú ý đến các hoạt động mua đất “chui” của người “nói tiếng Trung Quốc” núp bóng dân địa phương ở Đà Nẵng, dự án “quy hoạch” đảo Lý Sơn, dự án nghỉ dưỡng chân đèo Hải Vân, Quảng Ninh đều là những địa điểm được xác định là “nhạy cảm” đối với an ninh quốc phòng. (TN)
Không có nhận xét nào: