Hằng năm vào dịp đầu tháng 11 ngày kỷ niệm cụ G.B Ngô Đình Diệm và bào đệ bị thảm sát. Một số linh mục và những thân hữu thường tổ chức ra viếng mộ và dâng thánh lễ để cầu nguyện cho cụ, cho hai bào đệ [Giacôbê Ngô Đình Nhu và G.B Ngô Đình Cẩn] và cho cụ bà thân mẫu được an táng chung tại nghĩa trang Bình Dương. Năm nay, ngày 02.11, những người tổ chức đã cùng nhau hẹn hò, có mặt tại nghĩa trang vào lúc 9 giờ 30. Cuộc hẹn được công khai trên mạng, qua các phương tiện truyền thông và vì thế nhà cầm quyền đã có những động tác phản ứng về cuộc tổ chức này.
Đúng 9 giờ 30, khoảng 100 người đã tề tựu chung quanh ngôi mộ có tên là Huynh và Đệ, được biết đó là mộ của cụ G.B Ngô Đình Diệm và bào đệ Giacôbê Ngô Đình Nhu. Cha Antôn Lê Ngọc Thanh, DCCT đã tập họp mọi người và xướng kinh nguyện. Năm mươi kinh Mân côi được dâng lên để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời và cách riêng cho cụ G.B.
Đúng 10 giờ thiếu 5 phút, cha Antôn Lê Ngọc Thanh giới thiệu các cha tham dự thánh lễ cho cộng đoàn dân Chúa và kêu gọi mọi người hợp ý tạ ơn. Thánh lễ được cử hành bởi cha Vinhsơn Phạm Trung Thành, nguyên Giám tỉnh DCCT chủ sự và giảng thuyết, đồng tế có các cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng, G.B Lê Đình Phương, Antôn Lê Ngọc Thanh, Giuse Đinh Hữu Thoại, Phaolô Lê Xuân Lộc, Giuse Trương Hoàng Vũ, Thomas Võ Minh Danh, phó Giám đốc trụ sở G.P Vinh tại Sài Gòn và cha Phanxicô Nguyễn Văn Nhứt, Dòng Đa Minh.
Thánh lễ do Linh mục Vinhsơn Phạm Trung Thành, nguyên Giám tỉnh DCCT chủ sự và giảng thuyết. Bên trái ngài là cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng và bên tay phải ngài là cha Antôn Lê Ngọc Thanh.
Chúng tôi rất xúc động khi có sự hiện diện của cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng, nguyên Bề trên Thái Hà, nguyên Trưởng ban Truyền thông Chúa Cứu Thế. Sau một thời gian dài, sức khỏe cha suy kiệt, dáng người gầy gò, ốm yếu nhưng cha vẫn chống gậy ra dự lễ đồng tế.
Có thể nói một hình ảnh khác cũng gây xúc động cho chúng tôi đó là những Cựu Quân nhân Quân lực VNCH, nay họ đã già yếu và cả những người TPB VNCH lê những thân thể đầy khuyết tật về dự lễ tại nghĩa trang. Họ đã thắp nhang bằng những cánh tay cụt, đã cúi gập mình xuống trước ngôi mộ của cụ vì họ không còn chân. Họ đã vây quanh ngôi mộ cụ và đã đứng nghiêm chào cụ theo nghi lễ quân cách như một thời trai trẻ trong quân ngũ.
Các Cựu Quân nhân VNCH – các TPB VNCH cũng đến tham dự thánh lễ.
Không chỉ những người Miền Nam, một thời sống dưới chế độ Cộng Hòa mang ơn cụ, nhưng cả những người đến từ Miền Bắc – những người mà trong quá khứ không biết gì về cụ, thậm chí được nghe tuyên truyền sai lệch về cụ, nay họ cũng ý thức, ngưỡng mộ và đến kính viếng cụ. Có thể kể tiêu biểu những người như nghệ sĩ Kim Chi, nghệ sĩ Ánh Hồng, bà Dương Thị Tân, Blogger Trần Bang, Blogger Sương Quỳnh, Cựu Trung tá bác sĩ Quân đội Nhân dân Đinh Đức Long, Nhà báo Ngô Nhật Đăng,…
Đặc biệt hơn nữa, chúng tôi thấy xuất hiện 8 Thanh niên Công giáo đến từ Nghệ An và Thanh Hóa, họ là những người vừa ra khỏi nhà tù trong vụ án 14 Thanh Niên Công Giáo và Tin Lành cách đây 4 năm. Họ là những người trẻ thuộc thế hệ sau này, họ đang ở trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng lòng ngưỡng mộ dành cho cụ – một người công chính, yêu nước – đã không cản được bước chân của họ, họ đã vượt ngàn dặm để tham dự thánh lễ và chấp nhận những rủi ro sẽ xảy ra sau này. Chia sẻ với chúng tôi, họ nói: “Chúng tôi đã được tôi luyện và được trở nên cứng cáp hơn sau những năm tháng tù đày. Chúng tôi biết rõ hơn về thực trạng của đất nước và lịch sử dẫn đến ngày hôm nay”.
Giảng thuyết trong thánh lễ hôm nay. Cha Giuse Trương Hoàng Vũ công bố Tin Mừng Phúc Âm: Lc 23, 33. 39-43
“Hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục người rằng: “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”.
Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
Trong bài giảng bên ngôi mộ của Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, cha Vinhsơn Phạm Trung Thành, nguyên Giám tỉnh DCCT, chia sẻ ba điểm: Thứ nhất, cái chết của người công chính, cả một đời thi ân bố đức, nhưng bị phản bội. Đó chính là cuộc đời và cái chết của Chúa Giêsu. Thứ hai, người ta “chia nhau áo của Chúa Giêsu”. Chiếc áo toàn vẹn đã bị phân mảnh và người ta –những kẻ thủ ác- đã chiếm đoạt, nhưng cuối cùng chỉ là những mảnh vải vụn và họ đã làm tan nát chiếc áo. Thứ ba, những ai tin, phó thác và chấp nhận đi theo con đường của Chúa Giêsu thì được hưởng vinh phúc như lời Chúa Giêsu tuyên bố “hôm nay, anh ở trên thiên đàng với tôi”. Cuộc đời và cái chết của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm đã họa lại những nét cơ bản như trên. Cuối lễ, cha Vinhsơn kêu gọi mọi người nối kết lại những mảnh vụn mà người ta đã phá tan nát để làm lại một tấm áo mới cho đất nước và cho dân tộc VN.
Thánh lễ kết thúc lúc 10 giờ 50 trong cơn nắng gay gắt giữa trời không một bóng cây. Mọi người còn nán lại thắp nhang và viếng mộ của những người đang nằm tại nghĩa trang này.
Những ghi nhận bên lề
1.Sáng sớm, khi lác đác những người đến viếng mộ cố Tổng thống đã gặp sự ngăn cản và phá rối của đông đảo các nhân viên an ninh (thường phục mang khẩu trang), các nhân viên cảnh sát và dân phòng sắc phục. Đồng thời từ đằng xa đã có chốt chặn giao thông.
2.Khi đông đảo đoàn người đến dự và bắt đầu nguyện kinh, rất đông nhân viên an ninh (thường phục mang khẩu trang) vây chặt xung quanh và tạo những xô xát nhằm gây rối.
3.Khi đang nguyện kinh cầu, họ tạo một đám cháy trên cỏ khô sát gần mộ, hơi nóng tạt vào khu vực bàn thờ và tro tàn bay khắp nơi, nhưng những bạn thanh niên và cả nghệ sĩ Kim Chi nữa đã xông vào dập tắt lửa.
4.Khi bắt đầu thánh lễ, cha Giuse Đinh Hữu Thoại yêu cầu các người tham dự thánh lễ gỡ bỏ khẩu trang thì các nhân viên an ninh vẫn giữ khẩu trang và lùi ra xa. Riêng chúng tôi ghi nhận, hai nhân viên an ninh trẻ gỡ khẩu trang, xâm nhập sát vào khu dâng lễ và tiến hành quay phim.
5.Thánh lễ xong, khi mọi người cử hành nghi thức viếng mộ, một số những xô xát xảy ra giữa những viên an ninh và người đi viếng, tuy nhiên anh em trong Ban tổ chức đã khéo léo giải quyết.
Pv.GNsP
Không có nhận xét nào: